Đăng ngày:
Hôm nay 21/05/2020 là ngày nghỉ lễ Thăng Thiên (Ascention), hai tờ La Croix và Les Echos vắng mặt. Tựa chính của các báo phát hành hôm nay tập trung vào tình hình kinh tế nước Pháp ảm đạm do dịch corona.
Le Figaro chạy tựa « Renault, cú sốc xã hội đầu tiên của cuộc khủng hoảng dịch tễ ». Đã suy yếu từ trước khi đại dịch virus corona xảy ra, dự định đóng cửa ba nhà máy của tập đoàn xe hơi Pháp gây tranh cãi. Libération quan tâm đến « Covid-19, sự lây lan các kế hoạch sa thải ». Phá sản, giảm bớt nhân sự…các thông báo liên tục được đưa ra với sự chậm lại của nền kinh tế, gây lo ngại bùng nổ thất nghiệp. Le Monde
nói về hai dự luật của chính phủ : lùi lại thêm 9 năm nữa việc bù đắp
thâm hụt cho quỹ phúc lợi xã hội, lập thêm một nhánh mới để chăm lo cho
người già không tự vận động được.
70% người dân coi trọng bản sắc Đài Loan thay vì Trung Quốc
Liên quan đến châu Á, Le Monde nhận định « Uy tín đang ở mức cao nhất, nữ tổng thống Đài Loan khởi đầu nhiệm kỳ thứ hai » kể từ hôm qua.
Theo cuộc thăm dò công bố hôm thứ Hai 18/05, có đến 73% người Đài
Loan tín nhiệm bà Thái Anh Văn. Nhờ quản lý tốt cuộc khủng hoảng dịch
tễ, hòn đảo 23 triệu dân chỉ có 7 người chết vì virus corona, mà không
cần phải phong tỏa đất nước. Một kết quả đầy ý nghĩa nữa là có đến 70%
người dân tự coi mình là người Đài Loan, chỉ có 2,7% cảm thấy là người
Trung Quốc, và 25,2% « cả hai ». Đây là yếu tố quan trọng, vì nhiệm kỳ
thứ hai của nữ tổng thống đảng Dân Tiến tiếp tục bị mối quan hệ với Bắc
Kinh chi phối.
Tập Cận Bình đã tuyên bố không muốn « để lại cho các thế hệ sau » việc « thống nhất » Đài Loan với « mẫu quốc »,
và ông ta không loại trừ việc sử dụng đến vũ lực. Từ giữa tháng Giêng
đến nay, hải quân và không quân Trung Quốc đã hơn một chục lần xâm nhập
lãnh hải và không phận Đài Loan.
Trong bài diễn văn nhậm chức hôm
qua, bà Thái Anh Văn nhắc lại bốn nguyên tắc cho quan hệ giữa đôi bờ eo
biển : hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại. Bà không đề cập đến
công thức « Một đất nước, hai chế độ » áp dụng cho Hồng Kông mà
ông Tập muốn dẫn dụ Đài Loan. Cho dù là chủ tịch đảng Dân Tiến vốn chủ
trương độc lập, bà Thái vẫn muốn duy trì nguyên trạng « một cách hòa bình và ổn định », « đôi bên phải tìm ra phương thức cùng chung sống lâu dài ».
29 nước ủng hộ Đài Bắc trong hội nghị WHO
Từ
khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền năm 2016, Bắc Kinh không ngừng bao
vây về ngoại giao. Trong bốn năm qua, Đài Loan đã bị mất 7 đồng minh,
chỉ còn được 15 nước nhỏ chính thức công nhận, trong đó ý nghĩa nhất là
Vatican.
Tuy nhiên Đài Loan được nhiều nước phương Tây ủng hộ, đặc
biệt là Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump còn đi xa hơn bất kỳ người tiền
nhiệm nào, qua việc siết chặt quan hệ và hợp tác quân sự. Dù Đài Loan
không quay lại được với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/05 do Trung
Quốc ngăn trở, nhưng đã có đến 29 nước đứng về phía Đài Bắc trong đó có
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand.
Một trong những mục tiêu của bà Thái Anh Văn là « tăng
cường hợp tác với các nước cùng chia sẻ những giá trị chung ». Đài Loan
còn muốn « thu hút vốn đầu tư và tài năng của toàn thế giới ». Tuy nhiên kỹ nghệ điện tử của Đài Loan hiện diện cùng lúc ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ở thế rất nhạy cảm.
Trung Quốc đe dọa, nhưng khó thể cưỡng chiếm Đài Loan
Theo
chuyên gia Mathieu Duchâtel, Viện Montaigne, việc quản lý hiệu quả
khủng hoảng dịch tễ giúp bà Thái có khởi đầu thuận lợi cho nhiệm kỳ hai.
Le Figaro dẫn lời nhà Trung Quốc học Kerry Brown ở King’s College : « Trung Quốc đã mất hẳn Đài Loan trong cuộc khủng hoảng virus corona ».
Bà
Thái Anh Văn còn phải tìm được sự thăng bằng cho người dân ngày càng
gắn bó hơn với bản sắc Đài Loan – khác biệt với Trung Quốc, và thực tế
tương quan lực lượng. Chuyên gia quân sự này nhận định « cách biệt về năng lực quân sự với Trung Quốc đang tăng lên, nhưng Đài Loan có lực lượng phòng thủ vững chắc ».
An
ninh quốc gia là ưu tiên thứ ba của nữ tổng thống, sau phát triển kinh
tế và ổn định xã hội. Đối với ông Duchâtel, tuy vậy an ninh của Đài Loan
ngày càng lệ thuộc hơn vào khả năng răn đe của Hoa Kỳ. Mặc cho Tập Cận
Bình đe dọa, đa số chuyên gia phương Tây tin rằng Trung Quốc khó thể can
thiệp quân sự, do nguy cơ xung đột lan rộng, và tác động tiêu cực lên
hình ảnh của Trung Quốc trước thế giới.
Tân và cựu tổng thống Mỹ Trump&Obama tại Tòa Bạch Ốc ngày 10/11/2016. |
Mỹ : Trump đối đầu Obama
Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Monde nhận thấy « Trump chống lại Obama : Sự thù địch đè nặng lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ».
Bộ
trưởng tư pháp William Barr hôm thứ Hai đầu tuần đã từ chối mở điều tra
đối với cựu tổng thống Barack Obama, mà ông Donald Trump đã đe dọa từ
nhiều ngày qua, cũng như đối với cựu tổng thống Joe Biden, đối thủ của
ông Trump tháng 11 tới. Theo tổng thống Donald Trump và một số tờ báo
bảo thủ, thì Obama đã huy động phương tiện của liên bang trong những
ngày cuối nhiệm kỳ để tìm cách lật đổ người kế nhiệm trong « hồ sơ
Nga ».
Chiến dịch tranh cử kỳ này là giai đoạn mới của cuộc song
đấu từ nhiều năm qua giữa hai nhân vật hoàn toàn đối nghịch, từ xuất
thân gia đình, quá trình hoạt động cho đến tính cách. Bị Obama chế giễu
trong một buổi dạ tiệc năm 2011, nhà tỉ phú đã trả thù 5 năm sau đó bằng
cách hiên ngang thay chân ông Barack Obama ở Phòng bầu dục Nhà Trắng.
Sự
thù nghịch này cùng với việc ông Trump xóa hết các chính sách trước đây
của Obama như nhập cư, môi trường…khiến cựu tổng thống coi việc Joe
Biden thắng cử là ưu tiên hàng đầu. Obama công khai gọi việc ông Trump
xử lý khủng hoảng dịch tễ « hoàn toàn là thảm họa », còn Donald Trump tố cáo « sự bất tài tệ hại » của người tiền nhiệm trong dịch cúm A (H1N1) năm 2009 khiến hơn 10.000 người chết và để lại kho thiết bị y tế trống rỗng.
Khi
xuất hiện như đối thủ hàng đầu của Donald Trump, Barack Obama có nguy
cơ làm Joe Biden vốn đã mờ nhạt nay càng yếu thêm, tuy nhiên có thể giúp
huy động cử tri gốc Phi từng ủng hộ nhiệt thành tổng thống da đen đầu
tiên trong lịch sử Mỹ.
Sự thay đổi 180° của thủ tướng Đức
Tại châu Âu, Le Monde cho rằng « Ở cuối con đường, bà Angela Merkel đã làm những gì phải làm ».
Được Paris thúc giục, Berlin đã thay đổi ý kiến về quỹ tái thiết châu
Âu, thấy rằng lợi ích cho châu Âu cũng là lợi ích của nước Đức.
Tờ
báo nhắc lại, cách đây 9 năm, cựu thủ tướng Đức Helmut Schmidt ở tuổi
93 đã đọc bài diễn văn cuối cùng của mình trong đại hội đảng Dân chủ Xã
hội (SPD). Ông nhấn mạnh, sức mạnh của Đức không thể thành hiện thực nếu
không có kế hoạch Marshall, cộng đồng châu Âu và NATO, « không có sự giúp đỡ của các nước láng giềng và sự sụp đổ của khối Đông Âu ». Như vậy nước Đức phải đáp lại khi các láng giềng cần giúp đỡ, hội nhập vào châu Âu cũng là để bảo vệ chính mình.
Thủ
tướng Schmidt đã qua đời năm 2015, nhưng thông điệp của ông vẫn mang
tính thời sự. Hôm thứ Hai 18/05, một thủ tướng Dân chủ Xã hội khác, chưa
từng sống qua hai cuộc đại chiến thế giới như ông nhưng trải qua chiến
tranh lạnh, đã nối gót. Là người quản lý giỏi hơn là có tầm nhìn xa, ít
dùng những lời hoa mỹ, bà Angela Merkel đã tìm được những từ đơn giản để
giải thích cho sự thay đổi 180 độ của bà về ngân sách châu Âu ; phá vỡ
cấm kỵ xưa nay về việc châu Âu cùng vay nợ để giúp những nước bị đại
dịch tàn phá có thể hồi phục.
Hồi tháng Ba, bà Merkel từng tỏ ra lạnh lùng trước tình trạng của Ý và Tây Ban Nha, nhưng nay bà đã hiểu « cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử Liên Hiệp Châu Âu »
đe dọa châu lục, đồng thời cũng đe dọa nước Đức. Thực dụng, bà Merkel
đồng thời là nhà chiến thuật. Quyết định của Tòa bảo hiến Karlsruhe hôm
05/05 có tác dụng như một quả bom trong giới thân châu Âu kể cả ở Đức.
Angela Merkel thấy rằng không thể để đại dịch nhấn chìm cả châu Âu, và
rốt cuộc thỏa hiệp được với Paris.
Ngày 01/07 tới, Đức sẽ trở
thành chủ tịch luân phiên EU trong sáu tháng. Đây sẽ là nhiệm vụ châu Âu
cuối cùng của thủ tướng Merkel, vốn sẽ rời chính trường năm tới, sau 15
năm lãnh đạo nước Đức. Bà chỉ còn vài tuần lễ để thuyết phục các nước
Bắc Âu cứng rắn vẫn chống lại việc gánh nợ chung.
Pháp : Nguy cơ khi khẩu trang thành rác thải
Tại Pháp, Libération đề cập đến một khía cạnh khác của đại dịch corona trong bài « Rác thải độc hại : Khẩu trang rơi vãi ».
Các nhân viên vệ sinh vốn đang gánh chịu nguy cơ phơi nhiễm, nay phải
đối phó với những chiếc khẩu trang dùng một lần bị quẳng trên đường phố,
cống nghẹt vì khăn giấy tẩm chất sát trùng…
Chính quyền nay kêu
gọi cho khẩu trang và khăn ướt xài rồi vào túi ni-lông, giữ trong nhà
24 giờ rồi mới cho vào thùng rác, loại dành cho rác không tái chế được.
Một dân biểu đề nghị tăng tiền phạt từ 68 euro lên 300 euro đối với
những ai xả rác bừa bãi.
Một hệ quả khác của dịch corona, là từ
nay Paris không còn sử dụng nước không tái chế để rửa đường phố và tưới
cây ở công viên, vì sợ nhiễm virus. Có nghĩa là dùng nước uống được cho
công việc này, thay vì nước sông Seine, kinh rạch…Ngược lại, đất bùn thu
được từ các trạm tái chế nước thải dùng làm lớp đất mặt cho nông nghiệp
nay lại có chất lượng tốt hơn.
Khẩu trang làm son phấn hết thời ?
Đối với phụ nữ, « Khẩu trang làm thay đổi thói quen trang điểm thường lệ », theo Le Figaro. Năm nay khó có việc những nét môi son đỏ thắm màu lựu hoặc màu san hô đầy sức sống quay trở lại như những mùa hè năm trước.
Dưới
cặp kính mát và chiếc khẩu trang che kín mặt, không còn có thể làm
đẹp : son, phấn nền lem vào vải, có thể khiến khẩu trang không còn chống
virus một cách hiệu quả. Tại Hàn Quốc đã có bán loại nước xịt để cố
định phấn trang điểm, và loại phấn không lem, tuy làm khô da.
Sức
nóng và mồ hôi còn có thể làm nổi mụn và vi khuẩn sinh sôi. Một nhà sản
xuất mỹ phẩm cho rằng việc đeo khẩu trang có thể làm người sử dụng bỏ
rơi các loại kem dễ gây kích ứng, nhường chỗ cho những loại tăng cường
bảo vệ làn da mặt.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.