12 năm vẫn tin
rằng công lý sẽ mang đến sự may mắn cho con trai, em trai mình. Nhưng có lẽ,
hôm nay sẽ là ngày kiệt quệ nhất trong hành trình 12 năm ấy, của mẹ và em gái
Hồ Duy Hải. Những người ấy - kiên nhẫn và thống khổ với buồn, với đau để rồi đi
đến chặng cuối: mất mát. Trái tim người mẹ và dòng huyết quản tình thân của cô
em gái, cuối cùng cũng phải vỡ vụn, sau phiên tòa chiều nay.
Vấn đề không dừng
lại ở việc mạng sống của một con người, mà là chữ "công lý" có thực
sự tròn vành rõ chữ hay chưa, trong vụ án này.
Trước hết, hai cơ
quan tố tụng, là Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án Tối cao, hai quan điểm khác
nhau hẳn. Việc quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án hình sự ở
hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, dù bị khẳng định là "Vi phạm pháp luật hình sự và không đúng thẩm quyền",
cũng cho thấy, ngay với những người hiểu luật hiểu án, đều nhận ra rằng vụ án
này có nhiều uẩn khúc và kỳ lạ.
Thế nhưng, cái
người ta chờ đợi là làm sáng tỏ những cái kỳ lạ và uẩn khúc ấy, lại được trả
lời bằng một câu khóa miệng: "không
đúng thẩm quyền", cũng đủ để thấy mọi thứ đã được định đoạt: "thế là phải thế, không đổi?",
và bác kháng nghị.
Cái "thế là phải thế" ở đây, đâu
phải là câu trả lời thuyết phục, cho bao nhiêu triệu dân? Đấy chưa nói, còn vô
duyên nữa. Những lập luận kiểu: Tôi thấy những vi phạm ấy không ảnh hưởng đến
bản chất sự thật nên bác kháng nghị. Vi phạm là vi phạm. Bản chất sự thật là
bản chất sự thật. Lý luận kiểu này không thể gọi là lý luận giám đốc thẩm. Đã vi phạm thì dù nhỏ hay lớn cũng đều sai về tố tụng.
Cái cảm giác đối
diện một quyết định không tâm phục khẩu phục sẽ tạo nên nỗi ẩn ức xã hội lớn.
Các câu hỏi: "Chứng minh được Hồ Duy
Hải có tội một cách thuyết phục chưa?" và "Liệu những nghi can khác có hoàn toàn vô can", chắc chắn
chưa được trả lời thuyết phục dù đã từ lâu, người ta nín thở chờ đợi một phiên
tòa đến thế.
Trong nhiều luận
điểm phiên Giám đốc thẩm đưa ra chiều nay, có một chi tiết rất đáng chú ý: Tại
các bản cung của Hải đều khai không bị bức cung, dùng nhục hình. Trong nhiều
bản cung Hải giải thích do tâm lý sợ, muốn kéo dài thời gian sống nên bịa những
lời khai mâu thuẫn. Bạn có cảm thấy lợn cợn với điều này không?
Cá nhân tôi không
nghĩ rằng, một kẻ gây tội ác tày trời như các phiên tòa kết tội, một kẻ xuất
thân từ chốn quê kiểng, lại đủ khôn ngoan đến mức "muốn kéo dài thời gian sống nên bịa ra những lời khai mâu thuẫn".
Chi tiết thứ hai
là việc cơ quan công an mua thớt và dao chỉ phục vụ nhận dạng vật tương tự và
phục vụ điều tra chứ không phải để khẳng định tội phạm như kháng nghị nêu, lại
càng lợn cợn hơn nữa. Có ai dùng chứng cứ giả để "phục vụ điều tra"
không? Nếu chứng cứ có thể làm giả thì những tội trạng được định sau những
chứng cứ ấy, có thể đáng tin là thật?
Mất 12 năm với
bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu sự mệt mỏi để chờ đợi một sự luận tội đầy thuyết
phục, để người sống cảm thấy thoả mãn và những nạn nhân xấu số có thể mỉm cười
nơi chín suối. Thì đáng tiếc, tính đến thời điểm này, câu trả lời vẫn là: "chỉ có nạn nhân mới biết được Hải có
tội hay không", còn những người theo dõi vụ án, thực sự chưa tin vào
những gì mà cơ quan tố tụng đưa ra.
Mà người đã khuất
thì đâu đội mồ sống dậy để chỉ giúp người dân rằng bị cáo có bị oan hay không.
Đó mới là vấn đề đáng nói.
Người đã khuất
cũng không thể đội mồ sống dậy để nói rằng, những nghi can trong vụ án này,
trong đó có kẻ bị xóa khỏi hồ sơ vụ án, có thực sự làm hại mình hay không.
12 năm chờ đợi,
không chỉ gia đình Hồ Duy Hải, đặc biệt là người mẹ chờ đợi, mà còn cả những
thân nhân gia đình hai nạn nhân, cả vong linh hai cô nơi chín suối, và cả xã
hội, chờ đợi một phiên tòa với một phán quyết tâm phục khẩu phục, thì đáng
tiếc, vẫn chưa (và có lẽ là không) thể có.
Hải có bị oan hay
không, chúng ta không thể khẳng định bằng cảm tính hay suy đoán được. Nhưng 12
năm, các cấp tòa án đều không chứng minh được một cách thuyết phục. Pháp luật
trở thành một phong cách cứng đầu hơn là sự nghiêm minh thiết yếu.
Thật sự chia buồn
với công lý, dù "công lý" đang bận diễn hài, diễn hài trên những hàng
hàng lớp lớp nước mắt và những đau đáu mong cầu sự sáng tỏ nghiêm túc của những
người có lương tri.
Thế cũng đủ thấy,
cái ác chưa phải là điều đáng sợ nhất, chưa phải là điều tồi tệ nhất, trong
phiên tòa 12 năm ấy!
HOÀNG NGUYÊN VŨ
08.05.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.