Chắc chắn, bất cứ ai trong chúng ta, trước
nay qua đời mình cũng từng cầm loại bánh này nhiều lần. Hình thức và nội dung của
nó có thể rất khác nhau ở xứ Việt, to nhỏ, giòn hay mềm, có nhân phô-ma hay
không nhưng tựu trung, trước sau nó vẫn chỉ có hai cái tên phổ biến: Croissant,
hoặc “con Cua” (Crabe). (1)
... Điều buồn cười nhất, bây giờ nếu bạn
đi mua loại bánh này nơi những lò bánh mì đã “Việt hóa” 100 % hoặc những xe bánh
mì thịt, thậm chí nơi cả những tiệm bánh ngọt không thấy có “yếu tố Pháp”. Khi
bạn nói: “Bán cho tôi một cái bánh croissant”, người ta sẽ nghệt mặt ra. Nhưng
nếu bạn nói: “Cho tôi một cái bánh con Cua”, chắc chắn ai cũng biết nó là cái
gì.
Thật đấy, bạn cứ vào tiệm Chả Nghĩa ở
Nguyễn Đình Chiểu, tiệm bánh mì Hà Nội ở Nguyễn Thiện Thuật hay nhan nhản bao
nơi khác, bạn cứ nói chữ “croissant” xem, để tự kiểm chứng. Không phải là nỗi
buồn vì bây giờ, người ta – mà không ít người đã đứng tuổi – đã không biết chữ
“croissant” nghĩa là gì. Mà là một phân vân, về cả nền văn hóa mà người Pháp đã
dày công vun đắp ở đây từ cả trăm năm ấy, nay cũng đã thành bụi thời gian.