Khi mạng lưới bên kia biển Manche ấn định ngày lên đường, Tony và Hoàng định ra các điểm hẹn để đưa người lên các xe tải ở Armentières, Calais, Lille, Amiens, Grande-Synthe, Biernes…Hiếm hoi hơn là tại Calvados, ở bờ biển Normandie. Đôi khi địa điểm xuất phát nằm tại Bỉ, ở gần cảng Zeebruges, thậm chí ở vùng duyên hải Hà Lan. Nhưng luôn luôn ở ngoài xa các thành phố, trong một khu công nghiệp hẻo lánh ít ai biết, hay tại một trạm dừng nghỉ ở xa lộ.
Để nối kết các địa điểm, Tony và Hoàng liên lạc với nhiều tài xế, hầu hết là lái xe du lịch hay taxi lậu muốn kiếm thêm. Tùy theo chiều dài quãng đường mà những tài xế này có thể bỏ túi từ 500 đến 800 euro cho mỗi « cuốc ». Từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020, một trong những tài xế bị khởi tố trong vụ chiếc xe tải tử thần đã chạy 24 cuốc xe từ Paris và vùng phụ cận đến miền bắc và sang Bỉ.
Hôm 16/10/2019, Nhung, một cô gái Việt Nam 18 tuổi đã đến Grenoble, nơi cô có người thân liên can đến cuộc điều tra về mạng lưới nhà hàng châu Á. Nhung được Hoàng đón tại Créteil và đưa đến căn hộ ở đại lộ Tướng Pierre-Billotte. Những người khác đến nơi trú ẩn một hôm trước khi khởi hành – dù họ đã ở Pháp từ nhiều tháng qua, có người đã đi nhiều lần không lọt ; hay vừa mới hạ cánh xuống phi trường Roissy vài ngày trước đó – theo các ghi nhận từ việc nghiên cứu điện thoại của họ.
Sau khi ngủ qua đêm ngay trên nền nhà, ngày 22/10 họ được hẹn vào lúc 8 giờ « ở gần hồ » của thành phố, gần khu nhà. Những tài xế taxi đợi họ với những chiếc Citroen Jumpy, Toyota Prius, Mercedes Vito.
Một người liên lạc bên Anh thông báo cho các đầu nậu tại Pháp là việc vượt biển Manche sẽ diễn ra vào đêm 22 rạng sáng 23/10. Các định vị GPS cho thấy phải đến một khu công nghiệp bên ngoài thành phố nhỏ bé Bierne, cách Paris ba tiếng đồng hồ chạy xe. Những người Việt khác sẽ được gom lại ở ngoại ô Paris và Bỉ. Đối với Nhung và các đồng bào mình, đây là lúc khởi đầu của chặng cuối chuyến phiêu lưu.
Khoảng 12 giờ sau đó, việc phát hiện « chiếc xe tử thần » được báo chí nhanh chóng loan tin, khiến việc đưa người vượt biên bị trắc trở. Tony trốn sang Đức. Các chuyến đi do anh ta tổ chức bị ngưng lại trong nhiều tháng. Nhờ các điện thoại di động tìm thấy trên xác các nạn nhân, các cảnh sát của OCRIEST lần tới được Tony và đồng bọn, đặt bọn họ dưới sự giám sát. Kể từ tháng Ba, bất chấp cuộc khủng hoảng dịch tễ toàn cầu, đường dây hoạt động trở lại, đưa thêm các khách hàng mới từ những nơi trú ẩn mới, cho đến khi Pháp và Bỉ tung ra một đợt truy quét rộng rãi hôm 26/5.
Ba đến bốn cuộc điều tra thường xuyên
Dù các nhà điều tra đã tập hợp được nhiều chứng cứ, nhưng tất cả nghi can đều cố giảm nhẹ, thậm chí chối toàn bộ việc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào chuyến đi thảm họa. Ngày 30/5, tất cả bị đặt trong vòng điều tra tại Pháp vì « tổ chức buôn người », « tổ chức giúp nhập cảnh và cư trú », « băng nhóm tội phạm » và « ngộ sát » ; hầu hết đều bị tạm giam. Nhưng đối với một đường dây bị phá vỡ, có bao nhiêu được hình thành lại nhanh như thế ? OCRIEST tiến hành ba hoặc bốn cuộc điều tra thường xuyên về các tổ chức người Việt sẵn sàng làm giàu nhờ giấc mơ Anh quốc.
Về phía gia đình các nạn nhân hết sức đau đớn và ân hận. Tung Huy, một người đàn ông 47 tuổi vừa lịch sự vừa cố nén cảm xúc, nhớ lại những sự kiện đã dẫn đến cái chết của con trai, Nguyễn Huy Hùng. Ông vô cùng hối hận. Nếu chính ông không từng thực hiện chuyến đi cam go này từ Việt Nam sang Anh, trốn trong một chiếc xe tải cùng với người vợ, thì cậu con trai 15 tuổi đã không cố gắng đi đoàn tụ với cha mẹ một năm sau đó. Nếu ông không muốn con được theo học trong một trường học Anh, thì cậu thiếu niên đã không bị chết vì nghẹt thở trong rờ-moọc xe tải như 38 người đồng hương khác. Nguyễn Huy Hùng là nạn nhân trẻ tuổi nhất. Tung Huy nói với chúng tôi : « Tôi hối hận vô cùng ».
Nhưng tại sao phải đi khỏi Việt Nam, một trong những quốc gia trên thế giới có tăng trưởng mạnh nhất trong những thập niên qua ? Quê quán của các nạn nhân là những vùng đất nghèo nhất nước. Người cha của Nguyễn Huy Hùng là ngư dân ở Hà Tĩnh. Chính tại đây vào năm 2016, nhà máy thép Formosa của Đài Loan đã gây ra một thảm họa sinh thái khổng lồ, khi xả trực tiếp các chất thải độc hại ra biển.
Theo con số chính thức báo cáo với Quốc hội Việt Nam, có 200 kilomet bờ biển đã bị ô nhiễm, 115 tấn cá chết, 200 hecta san hô bị phá hủy và nguồn sinh kế của 200.000 con người bị tiêu diệt. « Kết quả là số di dân hợp pháp và bất hợp pháp tăng rất mạnh, và số nạn nhân buôn người cũng vậy » - một báo cáo năm 2019 của hiệp hội Ecpat UK, Anti-Slavery International và Pacific Links Foundation cho biết.
Linh mục Simon Nguyễn Đức Thắng, tuyên úy Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Luân Đôn, người đã giúp đỡ thân nhân các nạn nhân giải thích : « Không còn có thể đánh cá tại vùng này. Các loài cá đã bị nhiễm độc, không có thể ăn được ». Theo ông, « Cần phải đấu tranh với các nguyên nhân khiến người ta ra đi. Cũng giống như thợ sửa ống nước : cần phải trám ngay những chỗ rò rỉ ».
(Còn tiếp)
Mời đọc lại:
Điều tra của Le Monde về vụ 39 người Việt chết trong xe tải ở Anh (1)
Điều tra của Le Monde về vụ 39 người Việt chết trong xe tải ở Anh (2)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.