Ấy, đã nhắc Hưng Yên thì chớ quên nhãn. "Dừa ngon Bình Định, Vĩnh Long/Thanh trà xứ Huế, nhãn lồng Hưng Yên".
Hồi dạy chúng tôi văn học dân gian phần ca dao, thầy Chu Xuân Diên ví dụ câu "Hỡi cô cắt cỏ bên sông/Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây" rồi giải thích kiểu chơi chữ này chắc xuất phát từ vùng Hưng Yên bởi chỉ đất Phố Hiến cũ mới có nhãn lồng.
Nhãn lồng nức tiếng cả nước, nghe thiên hạ nói vậy, chứ ngay cả lúc há hốc mồm nghe thầy Diên giảng, tôi cũng chưa được ăn nhãn lồng bao giờ. Miền Bắc những năm thập niên 60 - 70 là thế, vùng miền có đặc sản, nhưng do chiến tranh, do đi lại khó khăn, nhất là nghèo không có tiền, nên cứ tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu.
Trái cây ư, quê tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ quả táo quả ổi quả bòng quả khế. Người quê tôi chả bao giờ (trừ số ít chả mấy khi) biết vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, cam Xã Đoài, táo Thiện Phiến, hạt dẻ Trùng Khánh... Chúng chỉ xuất hiện trong sách giáo khoa, thơ văn, sách vở, lời kể, nghe bảo ngon thì biết là ngon thôi.
Nhãn lồng, hoặc vải thiều, cũng đã có nơi khác trồng thử, nhưng hầu hết đều thất bại, quả không ngon như ở đất gốc Hưng Yên hoặc huyện Thanh Hà (Hải Dương). Thì các cụ xưa chả bảo, cây cam trồng chỗ này thì ngọt lịm, đánh sang chỗ khác cho quả chua loét đó sao.
Vậy nên, chuyện mấy huyện đất Bắc Giang, nhất là huyện Lục Ngạn, trồng vải thiều, được hợp thổ nhưỡng, chỉ sau vài chục năm đã nổi tiếng thủ phủ vải thiều cả nước, kể cũng là chuyện lạ. Chắc được giời thương. Vải nhiều tới nỗi có năm thương lái Trung Quốc không chịu mua, Bộ Công thương phải ra lời kêu gọi giải cứu vải, chả khác gì cụ Hồ xưa kia kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Nhưng năm cung không đủ cầu, nhà vải lại quên tiệt vừa được giải cứu, bán giá cao ép người thèm ăn nghẹn cổ. Nói đâu xa, mùa vải năm nay 2024, nhà tôi chả mua ký nào, rồi cũng chẳng chết ai. Thôi thì để thị trường nó tự điều tiết, đừng có kêu gọi giải cứu hay giam cầm chi, kệ nó.
Hưng Yên và nhãn lồng gợi nhớ vụ án Văn thời năm 1960 liên quan tới cuốn tiểu thuyết "Nhãn đầu mùa". Mà những năm 60 rất khiếp. Bên thắng cuộc ở miền Bắc, đứng đầu là Trường Chinh, Tố Hữu (còn có ai đầu của đầu thì nhà cháu không rõ), sau khi đánh tan tác tả tơi nhóm Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt - còn bị gọi là nhóm Nhân văn giai phẩm, họ chuyển sang đánh tiếp những "đồng chí" còn lại. Nhiều án văn lần lượt được tuyên, nhiều nhà văn lên đoạn đầu đài đấu tố.
Chắc những cụ tuổi U.80, U.70 còn nhớ các "bị cáo" Hà Minh Tuân với mấy cuốn "Hai trận tuyến", "Vào đời", Phù Thăng với "Phá vây", Xuân Tùng và Trần Thanh với "Nhãn đầu mùa", Văn Linh với "Mùa hoa dẻ", Võ Huy Tâm với "Những người thợ mỏ" (chứ không phải cuốn "Vùng mỏ" ông viết từ thời đánh Pháp), Nguyễn Công Hoan với "Đống rác cũ", v.v…nhiều lắm. Đó là chưa kể những cuộc đánh hội đồng nhẹ hơn như với "Sắp cưới" của Vũ Bão, "Mở hầm" (Nguyễn Dậu), Đi bước nữa (Nguyễn Thế Phương)...
Cứ có chỉ đạo, lệnh của trên là hùa nhau phang thôi, mà người phang cũng toàn cỡ gộc như Hà Xuân Trường, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Vũ Đức Phúc, Bảo Định Giang... Nói gì thì nói, đó là một thời cực kỳ ngu muội, tàn bạo, mất nhân cách, mất tình người, hủy diệt nền văn nghệ dân tộc. Kiểu "còn đảng còn mình", nhắm mắt bịt tai khóa óc bất cần biết phải trái, đúng sai.
Bằng chứng, sau khi đất nước, nói chính xác là thể chế, có những đổi thay quyết liệt, cởi mở, ít nhiều nhận ra sai lầm, gọi là thời đổi mới. Thì tất cả những tác phẩm bị đánh, cấm đoán, triệt hạ kia, trong đó có "Nhãn đầu mùa" đều được chiêu tuyết, xóa án, đều được in, xuất bản, thu hút bạn đọc, chả có gì phản động, độc hại như từng bị tuyên án, quy kết. Cũng không thấy "đứa nào" đứng ra nhận lỗi, đưa ra lời xin lỗi một cách tử tế. Xứ này xưa nay là vậy.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 04.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.