Bây giờ mà nhắc tới Hưng Yên, thiên hạ gọi là “đu trend”, nhưng bài này đã ủ trong ký ức nhà cháu lâu rồi, giờ mới biên ra thôi. Ai rảnh thì đọc, nhất là cuối tuần không đi đâu chơi.
Do nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long nên vùng Hưng Yên, Hải Dương xưa được gọi là xứ đông, tỉnh đông. Tôi nhớ hồi còn bé học cấp 1, hình như lớp 4, được học bài thơ “Nhi đồng Nguyễn Văn Bảo” của cụ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu.
Cụ Tú ca ngợi em thiếu nhi tên Bảo người tỉnh đông, “Nguyễn Văn Bảo mới lên mười tuổi/Quê quán em ở dưới tỉnh đông/Em là con một nhà nông/Cha mẹ vất vả sống trong bần hàn/May nhờ có bình dân học vụ/Em Bảo ta cũng đủ học hành/Người lanh lợi trí thông minh/Em là một cậu học sinh hoàn toàn”… Những ai sinh thập niên 50 ở miền Bắc mà có đi học đều thuộc bài này.
Nhà thơ kể em Bảo yêu nước thương nòi, tham gia kháng chiến “trong đoàn thể nhi đồng cứu quốc/Em là tay gân guốc dạ gan/Nhiều phen giúp việc giỏi giang/Cho bộ đội hoặc cho đoàn dân quân”.
Rồi “Đến hôm mùng sáu tháng tư/Bỗng đâu giặc Pháp lù lù kéo sang/Qua Kẻ Sặt ngang tàng hung dữ/Khác nào như một lũ sài lang”. Em Bảo nhập đội quân du kích, làm giao liên cho bộ đội đánh giặc, rơi vào ổ phục kích, “Bị chúng bắn tứ tung em ngã/Chết thiêng liêng em đã hả lòng/Tuổi thơ chí khí anh hùng/Nêu gương anh dũng nhi đồng Việt Nam”. Đó là người Hưng Yên đầu tiên mà tôi biết qua văn nghệ.
(Ở đây ghi chú thêm: Kẻ Sặt thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, giáp Hưng Yên. Nơi này có đồn rất lớn của quân Pháp, đánh Hưng Yên cũng kéo từ Kẻ Sặt). Lạ là bây giờ gõ tìm khắp nơi, kể cả Gu gồ cũng không thấy bài này. Nó chỉ còn trong trí nhớ U70, U80, họ về chầu ông bà vải là mất luôn.
Thi sĩ Khương Hữu Dụng có bài thơ “Quê ong” với lời đề “Tặng Hưng Yên”, kể ra những địa danh của tỉnh đông xưa, “Ong ở Mậu Dương/Hay là An Trạch/Nễ Châu, Xích Đằng”. Cụ Dụng người Nam, đi tập kết, sinh sống ngoài Bắc, rất gắn bó với Hưng Yên, sau này với cả Hải Dương nữa sau khi năm 1968 hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương bị sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng. Người ta còn biết tới cụ là cha của anh bộ đội Khương Thế Hưng, mà anh này là người yêu của chị Đặng Thùy Trâm.
Nói tới Hưng Yên dính đến văn nghệ, có nhẽ phải nhắc cụ Tý, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tên tuổi ông gắn với ối tỉnh, nhất là Hà Tĩnh, Bến Tre. Năm 1963 chàng nhạc sĩ hơi tre trẻ đi thực tế ở Hưng Yên, thu hoạch được bài “Chim hót trên đồng đay”, sau này ông còn về mấy lần, khi tỉnh Hải Hưng, viết được “Bài ca năm tấn”, thực ra viết cho Hải Hưng chứ không phải cho Thái Bình. Hưng Yên là vùng ven sông Hồng, đất tốt, trồng nhiều nhãn và đay, ngô.
Hồi bé, bọn tôi hát cả bài đồng đay của cụ Tý, chả phân biệt thứ cho thiếu nhi hay người lớn, những là “Trên cánh đồng đay con chim chiền chiện/Nó hót rằng bà con ta có biết/Cánh đồng đay ta tung cánh mà bay/Bay bay khắp đó đây”, rồi véo von “Kháng chiến ngày đêm Hưng Yên diệt giặc/Tiếng ấy đồn mười phương nay vẫn nhắc”.
Quả thật cụ Tý tiên đoán trúng phết, sau bao năm Hưng Yên không được nhắc nhỏm, nay lên ầm ầm. Ông bạn tôi còn đùa, tao quê Hải Phòng nhưng biết đâu gốc Hưng Yên.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 11.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.