Theo báo cáo tổng kết đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 (đề án) và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025 của UBND TPHCM, sẽ có 42 công viên cây xanh được xây dựng ở các vị trí ven sông Sài Gòn, ở các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi...
Kế hoạch đẹp như một giấc mơ “nhộn nhịp, thơ mộng như sông Seine (Pháp)”, dù giấc mơ này có vẻ… lờ mờ, chung chung như vô số câu chữ thường đọc lâu nay:
“Đây là cơ hội tạo hạ tầng đa chức năng, phát huy vai trò, tiềm năng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, tăng cường chất lượng cảnh quan dọc hành lang sông và đa dạng sinh học.
Đồng thời hệ thống hạ tầng xanh hình thành có chức năng tích hợp giao thông giúp điều tiết nước, giảm ngập, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành chuỗi không gian cảnh quan đặc trưng về văn hóa lịch sử”.
“Giấc mơ” rất lùng bùng, khó hình dung: “Ở giai đoạn từ năm 2025 - 2030, thành phố đặt ra mục tiêu đảm bảo chất lượng không gian đô thị khu vực dọc bờ sông hài hòa, địa phương tập trung khai thác tính bản sắc xây dựng hình ảnh biểu tượng. Song song đó, các đơn vị tổ chức không gian kết nối giao thông thủy - bộ; đầu tư phát triển hành lang với hệ thống kênh rạch, ao, hồ, mương nước tạo cảnh quan xanh đa chức năng”.
Thế nhưng, ngay khi thông tin này được công bố, báo Tuổi Trẻ cũng cho biết: “Tuy nhiên, có người vẫn băn khoăn: liệu giấc mơ công viên trên bến dưới thuyền này có thành hiện thực khi mà những quy hoạch lãng mạn, đẹp như mơ từng được vẽ lên trước đây đã bao lần phải để "treo".
Thật ra, không chỉ báo Tuổi Trẻ, dân Sài Gòn nhẵn mặt vô số dự án công viên tới giờ vẫn là những “vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu”: Đại Thế Giới, Sài Gòn Safari Củ Chi, Lâm viên sinh thái thành phố Thủ Đức, ‘siêu dự án” Mũi Đèn Đỏ, “siêu công viên” 150 hecta quận 12…
Giờ lại thêm một dự án giấc mơ nữa, liệu nó có “treo” nữa không thì việc nửa tin nửa ngờ trong dân là có thật từ quá nhiều thực tế. Ai cũng biết kèm theo các dự án treo là hàng ngàn hecta đất thu hồi bỏ hoang, hàng ngàn ngôi nhà xập xệ, tan nát theo thời gian mà không được tu sửa. Hàng ngàn gia đình như sống ngoài vòng pháp luật trên chính ngôi nhà, mảnh đất của họ…
Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay thông tin về lãng phí đang rầm rộ trên truyền thông. Tác hại của nó rất khủng khiếp, không hề kém cạnh, thậm chí hơn cả tham nhũng. Mới đây, ông Tô Lâm - vị lãnh đạo cao nhất nước - đã nêu cụ thể cống ngăn triều 10.000 tỉ đồng ở TPHCM là một trong hai ví dụ về lãng phí của cả nước. Ông nói rõ: “Phải có người chịu trách nhiệm khi xảy ra lãng phí”.
Có
lẽ các vị lãnh đạo đều có đủ trải nghiệm lẫn kinh nghiệm về những “thợ vẽ giấc
mơ” mà dân gọi là “thầy dùi”. Bao giờ cũng vậy, khi vẽ xong mà không làm được,
họ luôn có lý do. Vậy mà mở miệng là họ nói tầm nhìn. Tầm nhìn là phải “tính
sao cho vẹn mọi đường thì vâng” (Kiều). Tầm nhìn của những “thợ vẽ” này thế nào
mà “vẽ” xong, không làm được, bất khả thi như vậy?
Nếu hàng vạn cán bộ đã bị xử lý về tham ô, tham nhũng thì có lẽ cũng đã đến lúc “tính sổ” vô số cán bộ, cựu/nguyên cán bộ chịu trách nhiệm để lãng phí khi vẽ ra ngàn, vạn dự án, rồi “treo” đó 20, 30… năm.
Nếu không nói đó là “thủ phạm” làm khổ dân, phá của… thì đó là gì?
CÙ MAI CÔNG 27.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.