Hiện tượng thượng tọa Thích Chân Quang, thế danh Vương Tấn Việt, có cho thấy sự suy thoái đạo đức, văn hóa xã hội tới mức cùng cực chưa?
Trước hết là những bài giảng nhảm nhí của “thượng tọa”. Nội dung thì mê tín nhảm nhí, hình thức thì dùng loại ngôn ngữ cơ thể rẻ tiền câu khách, trình độ thì thấp kém, nhưng thầy lại trụ trì một chùa lớn có hàng chục ngàn đệ tử con nhang tròn mắt ngưỡng mộ, sì sụp vái lạy... Không biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam biết không nhưng tất cả các việc trên đều xảy ra năm này qua năm nọ, trước mũi Giáo hội.
Nhiều việc khoe khoang lố bịch, mặc áo thụng tiến sĩ không đúng chỗ, đăng đàn tự ca ngợi cái khó và cao siêu của công trình làm luận án tiến sĩ của mình...Chỉ cần có kinh nghiệm làm việc trong môi trường đại học một chút đều nghe rất chối tai vì biết “thượng tọa” chỉ có bịa chuyện, chẳng có kiến thức về điều mình đang nói.
Kẻ nói thực là hám danh với tâm lý tôn sùng mảnh bằng một cách bệnh hoạn. Kẻ ấy cứ ào ạt một cách từ tốn tuôn ra những lời bịa, chắc nghĩ rằng người nghe không ai biết gì cả. Điều này cũng cho người quan sát một cái nhìn khác về sự suy thoái.
Rồi những buổi vinh quy bái tổ và buổi lễ trao bằng càng cho thấy sự suy thoái ở mức độ tệ hại hơn. Tệ hại ở cách của ông Vương Tấn Việt, người đi học, không phân biệt đây là lễ lạc dân sự, đời thường, không phải nghi thức tôn giáo. Sau vài hình thức khiêm tốn giả dối thô sơ, “thượng tọa” vẫn cố tình cho mọi người thấy ta là Sư Thầy ngôi cao vị cả. Nhưng tệ hại hơn vị “Sư Thầy” háo danh kệch cỡm kia là các Thầy Bà thứ thiệt, đại diện cho giới tinh hoa trí thức nước nhà, kính cẩn quỳ lạy trò Sư-Thầy! Trò hề này cho thấy sự suy thoái đã xuống thấp hơn một nấc nữa.
Bài viết không hề xiển dương mối quan hệ “tôn sư trọng đạo” xưa cũ. Trong văn hóa tiến bộ hiện nay, Thầy và Trò đều có vị trí để mà tương kính, tương quý nhau. Không thấy được và không giữ được mình trong vị trí đúng đắn đó, một bên là vị “Sư Thầy cao cả” trụ trì chùa có hàng ngàn đệ tử, một bên là các Thầy Cô giảng dạy trường đại học Luật Hà Nội đào tạo và cấp bằng cho rất nhiều luật sư! Toàn là những người có trách nhiệm giữ giềng mối đạo đức xã hội!
Nhiều người thấy là vô giá trị cái bằng tiến sĩ mà “Sư – Thầy cao cả” si mê một cách bệnh hoạn, thiên hạ la rầm trời tháng này qua tháng nọ, rốt cuộc cũng được người có trách nhiệm tuyên bố mảnh bằng ấy vô giá trị, và dựa trên các mảnh bằng bất hợp pháp ở cấp học dưới. Mảnh bằng tiến sĩ ấy thật dơ bẩn, đáng xấu hổ.
Hàng tháng trời mà trường đại học Luật Hà Nội, nơi cấp bằng, có thể im tiếng được, không biết hổ thẹn, không thấy trách nhiệm của mình. Luật học là khoa học và kiến thức để xây dựng và bảo vệ các mối liên kết trong xã hội. Các vị chức sắc của trường đại học Luật Hà Nội với kiến thức đó, tư cách đó, xây dựng các mối liên kết xã hội kiểu gì? Theo định hướng nào?
Vài bạn hỏi tôi có đáng bỏ thời gian viết về “thượng tọa Thích Chân Quang” nhiều như vậy không? Thực sự, tôi không hề muốn bỏ một giây nào cho cá nhân ông “thượng tọa” này. Nhưng tôi sẵn sàng bỏ hàng giờ, hàng ngày viết về hiện tượng xã hội “mảnh bằng tiến sĩ của-thượng-tọa”.
Bởi vì, để mảnh bằng dơ bẩn, đáng xấu hổ ấy được công khai trưng ra trước xã hội theo cách tùng xèng chiêng trống như vậy, phải có cả một quá trình mấy chục năm xây dựng nên cái văn hóa không biết xấu hổ, không có tinh thần trách nhiệm, không trung thực... rộng rãi trong xã hội. Đó là tội rất lớn, tội phá bỏ nền tảng, giềng mối tốt đẹp khiến xã hội rơi xuống đáy của vòng xoáy cặn bã, mà sự ngoi lên thấy ánh mặt trời sẽ rất khó khăn và lâu dài!
Hồi nhỏ, nghe nói tội lỗi cùng cực thì bị đày xuống chín tầng địa ngục. Sự suy thoái này đã đi tới tầng thứ mấy?
LÊ HỌC LÃNH VÂN 27.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.