Thời thập niên 70 thế kỷ trước (thêm chữ thế kỷ vào nghe xa xôi quá nhưng thực ra cách nay mới hơn 50 năm), từ Hải Phòng quê tôi lên Hà Nội có hai cách (hai lối) là đường sắt và đường bộ (đường số 5).
Đường sắt, đi riết nhớ tên từng ga, nếu tính từ Hà Nội về Phòng qua các ga Hàng Cỏ, Long Biên, Gia Lâm, Phú Thụy, Như Quỳnh, Lạc Đạo, Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương. Qua một số ga trên đất Hải Dương nữa thì tới đất Phòng với Dụ Nghĩa, Chợ Hỗ, Vật Cách, Thượng Lý. Rồi đích cuối là ga Hải Phòng trên đường Lương Khánh Thiện, đường này từ thời Pháp dân quen gọi phố ga.
Trên đất Hưng Yên, tàu hỏa chỉ dừng ở hai ga Như Quỳnh, Lạc Đạo, mươi phút rồi lại xọc xạch xọc xạch đi, có nhẽ vì thế hiểu biết của tôi về vùng đất nhãn cũng chả được nhiều.
Nhưng bù lại, nếu mua được vé ô tô theo đường bộ số 5 thì ngó nhìn cảnh sắc Hưng Yên cũng khơ khớ. Đường 5 là quốc lộ, con đường to nhất ở miền Bắc lúc ấy, còn hơn cả đường số 1 xuyên Việt khi đó bị chặn lại trên đất Vĩnh Linh, chỗ đầu cầu Hiền Lương bờ bắc sông Bến Hải.
Suốt 4 năm rưỡi đại học, mỗi năm đi về ít nhất 2 lần hè và tết, tôi thường chầu chực, xếp hàng mua vé xe khách, hai đầu bến là bến Quần Ngựa (Hải Phòng) và bến Nứa (bến Long Biên, Hà Nội). Giờ nhớ lại cảnh “tham gia giao thông” xe khách thuở ấy, như có dòng ớn lạnh dọc sống lưng, sởn gai ốc, bởi sự kinh hoàng, khốn nạn không thể tả còn hằn trong ký ức.
Những chiếc xe khách hiệu Ba Đình do nhà máy cơ khí ô tô Hà Nội đóng là dòng xe chủ lực chạy tuyến đường 5 nối hai thành phố lớn. Phần lớn các cuộc về quê hoặc lộn lên Hà Nội đều phải mất ngót nghét ngày rưỡi, hai ngày. Gần một ngày xếp hàng mua vé, ở bến Nứa có khi hơn một ngày, tức là phải ngủ luôn ở bến để giữ chỗ. Còn đầu bến Quần Ngựa (Lạch Tray) thì từ huyện ra phố đã mất đứt buổi sáng bởi chỉ có một chuyến xe. Tiếp tục chen nhau từ trưa tới lúc mua được vé Hà Nội đã khoảng 4 - 5 giờ chiều, xe chạy hơn 104 cây số hết 5 tiếng nữa, nửa đêm mới tới Long Biên.
Khá nhiều lần tôi bị vậy, không có xe buýt, không còn tàu điện để về Mễ Trì, đành làm một giấc ngay xó bến Nứa, ôm chặt chiếc túi vải con đựng vài cuốn sách chẳng ma nào thèm. Vậy mà vẫn bị thó chiếc bánh chưng tết mà thày bu và em gái nhịn mồm nhịn miệng dành cho để lên trường có cái khỏi thua bè thua bạn.
Thời ấy, vé xe lửa Hà Nội – Hải Phòng giá 9 hào ghế gỗ hàng dọc. Nếu ngồi toa chợ, bệt xuống sàn chung với người buôn thúng bán bưng và lợn thì chỉ 7 hào, còn thương binh vé 5 hào (năm 1976 tôi giữ chiếc thẻ thương binh của anh tôi (được đi học ở Liên Xô) do trung tá Lương Tuấn Khang ký, tôi đã tham nhũng vặt dùng nó để mua vé tàu nên biết điều này). Miền Bắc sau 1975 nhan nhản thương binh, ra ngõ gặp thương binh.
Còn vé xe khách Ba Đình đồng giá đồng mốt (1 đồng 1 hào). Những chiếc xe có lẽ chỉ là khái niệm về ô tô, cửa kính vỡ hết, sơn tróc loang lổ, trên nóc đầy quang gánh thúng mủng, trong xe lợn ụt ịt gà quang quác chung với người không khác chợ vỡ. Người nào đã ngồi vào ghế thì dù mót tiểu cũng phải cố nín bởi hàng 2 ghế bị nhét 3 - 4 người lèn chặt. Ngoài ra khách bệt đầy dưới sàn, nhiều người phải đứng cả trăm cây số, làm gì có lối ra. Nói chẳng quá đáng, suốt bao nhiêu năm, con người không hơn con vật, bị đối xử tàn tệ khổ sở như con vật.
Bận đó, xe vừa qua thị xã Hải Dương thì một anh bộ đội trên chiếc Ba Đình tồng tộc lộng gió thời đại nổi cơn… đau bụng. Anh này tôi biết, con ông chủ tịch huyện, lấy vợ gái làng tôi. Anh nói với tài xế, phụ xế tới chỗ nào vắng cho anh xuống “giải quyết”, ngượng ngùng xin mọi người thông cảm chờ, rồi sẽ lên ngay, thế nhưng tài xế quyết không dừng. Nhìn anh ráng nín nhịn khổ sở, tôi thương mà không dám lên tiếng bởi nhà xe hung dữ quá, mình nói, nó đạp mình xuống giữa đường thì biết về đâu. Mãi tới Quán Gỏi gần giáp Hưng Yên, họ mới dừng cho anh xuống, sau đó vọt luôn không chờ, khách ai cũng sợ muộn nên chẳng nói gì.
Sau này có bộ phim “Chuyến xe bão táp” của đạo diễn Trần Vũ với hai diễn viên chính Vũ Đình Thân, Vũ Thanh Quý (cặp này còn đóng chung phim “Những người đã gặp” rất tuyệt vời, diễn viên bây giờ so với họ, tôi nói thật, chỉ xách dép), thấy chưa ăn nhằm gì với chuyến siêu bão táp tôi đã trải qua. Đó là miền Bắc xã hội chủ nghĩa cuối năm 1975, sau khi đất nước đã thống nhất. Đài lúc nào cũng hát “đường lớn đã mở, đi tới tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Nói tới Quán Gỏi, sực nhớ Hưng Yên, dù thị trấn này ở vùng Kẻ Sặt, nằm trên đất huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng khi ấy thuộc tỉnh ghép Hải Hưng.
(Còn tiếp)
Tái phím: Phần này về Hưng Yên hơi ít, xin bù bằng phần sau.
NGUYỄN THÔNG 22.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.