dimanche 7 avril 2024

Phạm Công Luận - Đổ một ly xây chừng vào dĩa

 

Kiểu cà phê đổ ra dĩa để uống (hay gọi là húp) một thời phổ biến có từ khi nào và đến khi nào thì tàn lụi?

Có người cho rằng kiểu uống này phải có từ thời Pháp thuộc, cuối thập niên 1910. Mỗi buổi sáng sớm thời đó, dân phu phen bốc vác hay phu kéo xe ra tiệm nước ngồi, ăn sáng uống cà phê xong rồi lên đường kiếm ăn.

Nhiều khi có việc phải đi ngay, hay khách kêu xe kéo chạy gấp, họ đổ ly cà phê xây chừng (ly cà phê đen nhỏ) vào cái dĩa cho mau nguội rồi húp cho nhanh. Họ cần chất caféin cho tỉnh táo nên phải uống cho xong ly cà phê mới lên đường được. Từ đó, nảy sinh một kiểu uống cà phê kỳ lạ trên đất Sài Gòn và có thể là cả miền Nam mà người trẻ lớn lên sau này không tưởng tượng ra. Giả thuyết này tạm gọi là có lý.

Trước năm 1945, Sài Gòn còn yên bình. Ông Phú Nguyễn, năm nay đã 88 tuổi kể cho tôi biết hồi ông còn nhỏ, dọc đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) đi về hướng chợ Bến Thành có nhiều quán cà phê và điểm tâm của người Hoa. Nhiều người bắt đầu một ngày làm việc mới đều ghé vô, gọi mang ra nào là bánh bao, dầu cháo quẩy, bánh mì xíu mại và một ly cà phê “xây chừng”.

Một số vị khách thích ngồi xổm trên chiếc ghế đẩu gỗ, cầm ly cà phê pha bằng vợt vải cho vô muỗng đường, quậy lên rồi đổ cà phê ra dĩa để húp. Húp hết lại đổ tiếp. Lúc này húp cà phê trên dĩa đã hình thành một kiểu uống được ưa chuộng, một kiểu sành điệu của khách bình dân.

Tuy nhiên, các tiệm cà phê có bậc cao hơn một chút với nhiều khách là công chức, như chuỗi tiệm Đức Thành Hưng có đờn ca tài tử của bà Lê Thị Ngọc nằm rải rác ở đường Espagne, khu Đakao, khu chợ Bà Chiểu hay cầu Băng Ky vẫn có nhiều khách thích uống cà phê trong ly sành nhỏ. Tiệm cà phê Nguyễn Văn Đắc ở gần chợ Bến Thành thì càng hiếm, vì đa số là khách dân “thầy” vào đây ăn bánh Tây.

Năm 1954, hàng triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Họ tròn xoe đôi mắt nhìn kiểu uống cà phê kỳ lạ như vậy và rồi nhanh chóng thích nghi, chẳng khác nào thích nghi với cái kiểu móc điếu thuốc ra bằng cách moi một lỗ dưới gói thuốc để lấy ra, chứ không mở từ nắp phía trên. Nhà văn Duyên Anh, khi mới vào Nam được xếp ở tạm cùng với một số người Bắc di cư trong chuồng cu Nhà Hát Tây, nay là nhà hát thành phố.  Ông kể: “Sáng, tôi thả rông uống cà phê vỉa hè, học tập dân lao động Sài Gòn, đổ cà phê ra dĩa mà húp cho bớt nóng…”. (cuốn “Nhìn lại những bến bờ”).

Tuy vậy, không phải ai ở Sài Gòn đều thích uống cà phê kiểu ấy. Khoảng năm 1968 hay 1969, giữa đường Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi) có một tiệm nước khá nổi tiếng cũng của người Hoa tên là Nam Quang (nay là trụ sở Ngân hàng Agribank). Dân quanh vùng thích đến đó uống cà phê, ăn hủ tíu bò viên, và có người thấy tiện thì đến tiệm Tồn Tâm Tế gần đó mua thuốc Bắc. Cà phê ở tiệm Nam Quang bán cho khách được đổ vô dĩa, nhưng vẫn có những người yêu cầu đổ vào ly thủy tinh và chủ tiệm chìu theo ý khách.

Theo lời kể của nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh, trước năm 1964 vài năm, ở khu hẻm Cao Đạt (trên đường Trần Bình Trọng thuộc quận 5) có hai quán cà phê quen thuộc của ông Tám Nhỏ và ông Sáu Đức. Hai quán này là nơi lui tới của soạn giả cải lương Tư Chơi.

Lúc đó, ông đã từ giã nghiệp cải lương một thời lừng lẫy. Thú vui của ông lúc đó là uống rượu và về xóm Cao Đạt thăm con là tay trống Huỳnh Háo, để được ngồi vào một trong hai cái quán ở xóm cũ, uống cà phê và ghi sổ trả sau khi có tiền bản quyền một tuổng cải lương nào đó. Mỗi lần đến quán, ông gọi kêu cà phê vợt, đổ vào dĩa cho cháu nội húp, thêm chút bơ Bretel cho thơm, sau đó là gọi cho mình một ly. Vị khách đặc biệt này còn đến đây cho đến năm 1964, khi ông ra đi vĩnh viễn.

Anh Đức Hoan, nhà ở hẻm Minh Chí gần Chợ Đũi trên đường Võ Văn Tần nhớ lại: Đầu thập niên 1970 lúc đang học Tiểu học, nhiều sáng Chủ nhật anh được cha dẫn đến tiệm nước gần nhà của một ông người Hoa để ăn sáng vì bánh bao ở đây có tiếng là ngon. Tiệm nước nằm ngay ngã tư Lê Văn Duyệt - Trần Quý Cáp (nay là Cách Mạng Tháng Tám – Võ Văn Tần) nhìn thẳng sang bên kia ngã tư là rạp hát Nam Quang, phía bên trái là Chợ Đũi.

Buổi sáng, khách đến tiệm đa phần là dân lao động. Họ ngồi xổm trên cái ghế gỗ chân sắt cao, uống cà phê và ăn bánh bao. Anh nhớ chủ tiệm bưng cà phê ra cho khách, rót đầy ly tràn hẳn ra dĩa. Anh trố mắt nhìn ông khách uống cà phê còn bưng cả dĩa lên húp, chốc chốc nghiêng ly cà phê cho tràn ra dĩa rồi uống tiếp. Không biết đó là cách uống riêng của họ hay do cà phê nóng mà uống kiểu vậy!

Thời đó, khách đến tiệm thường quen biết nhau. Họ nói chuyện to, rất thân thiện. Ăn uống xong một lát là họ đi ngay để làm việc kiếm sống. Cha của anh cũng uống cà phê, chờ con ăn xong cái bánh bao, ông ngồi thêm một lúc rồi tính tiền, trở về nhà. Cho đến năm 1974, chủ nhà đòi lại mặt bằng để mở cửa tiệm bán tivi, radio. Ông chủ tiệm nước người Hoa sau đó không biết dọn đi đâu.

Anh còn nhớ vài năm sau 1975, ở cái quán cà phê cóc đặt ghế đầu hẻm nhà anh có một phụ nữ khoảng hơn sáu mươi tuổi thường ra ngồi uống cà phê một mình. Khác với mọi người trong quán uống cà phê trong cái ly xây chừng, sau khi pha cà phê trong ly, bà xin cái dĩa đổ cà phê ra để húp. Tuy đã quen cảnh đó, anh ngạc nhiên vì mấy năm rồi mới thấy lại cảnh này.

Người trong xóm bảo bà là dân Sài Gòn sinh từ thập niên 1920, mấy chục năm lưu lạc trên Tây nguyên rồi mới trở về đây sống những năm cuối đời. Bà vẫn giữ cách uống cà phê theo kiểu cũ như hồi còn trẻ, ngồi trầm ngâm rồi đứng đậy lủi thủi đi về. Sau này, nghe nói bà đã sang nước Mỹ sống. Bên đó, bà còn giữ thói quen uống cà phê trong dĩa nữa không?

Kiểu uống cà phê ngộ nghĩnh này đến bao giờ mới kết thúc? Người bạn sống ở khu Bàn Cờ kể anh vẫn còn nhớ sau năm 1975 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần tiệm ảnh Viễn Kính của bác Đinh Tiến Mậu đi tới vài căn, có một tiệm nước nằm ngay góc đường và một con hẻm của một ông người Hoa. Khách ở đó đa số là người quanh vùng, lui tới quán hàng ngày. Đa số họ húp cà phê dĩa, ăn bánh bao cho bữa sáng.

Cuộc sống ngày càng khó khăn, những năm từ 1976 đến 1979, khách thưa dần rôi vắng hẳn. Năm 1980, tiệm nước đóng cửa, ông chủ quán dọn đi đâu không biết, có người đồn ông đã đi ra nước ngoài “bán chính thức”. Tuy không chắc chắn điều này, phải chăng đó là vệt sáng cuối cùng của một thói quen “uống cà phê bằng dĩa” kỳ lạ mnột thời ở Sài Gòn và có thể ở cả miền Nam?      

PHẠM CÔNG LUẬN 07.04.2024 (trích từ một bản thảo)

Tranh Phạm Công Tâm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.