jeudi 18 avril 2024

Nguyễn Quốc Tấn Trung - Về Nhã Nam

Trước tiên, mình cần đưa ra minh bạch thông tin rằng mình chưa từng có mối liên hệ thân thuộc nào với giới xuất bản sách tại Việt Nam. Mình không có ý định xuất bản sách ở Việt Nam trong dài hạn (vì khả năng cao là không bán được, mà chắc cũng không được cấp phép xuất bản ngay từ vòng gửi xe).

Vì vậy, post này là để chia sẻ vì có quá nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về câu chuyện này, không nhằm mục tiêu té nước theo mưa hay hạ bệ thành tựu và đóng góp của Nhã Nam.

(1) Vài góp ý về lời xin lỗi

Các bạn trẻ hiện nay có nhiều trải nghiệm hơn, hiểu biết về tâm lý học hơn, và thậm chí cũng “cynical” hơn chúng ta nhiều. Cách giải quyết có tính thỏa hiệp, cộng sinh, “anh cơm tôi cháo”… cũng không còn được các bạn ưa chuộng.

Lời xin lỗi của anh rất có thể sẽ bị các bạn gọi là “gaslighting”, bởi “điều tôi không lường được là vô tình gây bối rối, làm phiền và có thể gây tổn thương…” là khuôn mẫu của phương pháp chuyển trách nhiệm của hành động của mình sang suy nghĩ của đối phương: “Tôi xin lỗi vì cô đã nghĩ như thế…”

Cách nói này thường bị cho là phủ nhận tính sai của hành vi cá nhân mình, và đặt trọng tâm lên sự suy nghĩ “quá mức” của cá nhân bị ảnh hưởng. Đây là một điều mà giới trẻ hiện nay rất dễ nhận biết, và họ cũng rất ghét chúng.

Trung biết nói ra được những lời trên cũng đã là rất khó cho một lãnh đạo lâu năm và thành công. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, hy vọng anh xem những lời này như một lời chia sẻ của một người đi sau.

(2) Đàn ông đã từng áp đảo phụ nữ bằng cách hỏi “Con ấy mặc thế nào mới bị như thế…”. Giờ đã đến lúc chúng ta trả giá bằng cách bị cáo buộc “Thằng ấy làm gì con ấy mới như thế…”

Trong một khoản thời gian rất dài, ở cả Đông lẫn Tây, nạn nhân của các vụ bạo lực, quấy rối luôn bị đổ lỗi. Từ “con ấy đi chơi khuya”, “mặc quần áo không đứng đắn”, “có hành động cợt nhã với nam giới”… khái niệm “victim-blaming” đã được phổ biến và nghiên cứu rộng rãi bởi đại chúng Việt Nam.

Trung nghĩ cũng đã đến lúc đàn ông chúng ta phải trả giá phần nào cho thói quen tư duy áp đảo và xấu xí ấy bằng việc chính chúng ta phải lo sợ trước những cáo buộc chưa được kiểm chứng.

Chúng ta còn chưa biết sợ những cáo buộc quấy rối có thể biến danh dự và thành quả lao động, nghiên cứu, làm việc hàng chục năm của mình tan theo mây khói… thì chúng ta còn chưa hiểu sự khổ sở và ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng lên người phụ nữ khi họ phải sống trong tình trạng luôn có thể bị biến trở thành nạn nhân của quấy rối trong môi trường làm việc mà họ buộc phải tồn tại và phấn đấu.

(3) Văn hóa công sở của đàn ông Việt Nam cần một cuộc cách mạng để thoát khỏi “Frat-boy Culture”

Mấy hôm trước, mình có tình cờ xem một podcast của một doanh nhân. Ông nói rằng văn hóa doanh nghiệp có quan trọng gì đâu, doanh nghiệp có tiền hay không mới là quan trọng nhất.

Thật ra ông nói đúng, nhưng cũng không đủ.

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hoạt động tập thể, du lịch, tổ chức lễ 8/3, hay ăn nhậu với nhau. Văn hóa doanh nghiệp còn là khung tư duy chung, quản lý rủi ro và đường hướng đối thoại giải quyết tranh chấp về mối quan hệ giữa giới tính đa số với thiểu số (người dị tính với người đồng tính), giữa nam và nữ, giữa các sắc tộc và các xuất thân xã hội…

Một case-study mà mình nghĩ tới là công ty Blizzard Entertainment, vốn từng là một trong những công ty phần mềm, sản xuất trò chơi điện tử hàng đầu thế giới. Họ trị giá hàng tỉ Mỹ kim và được hàng chục triệu người chơi yêu mến.

Tuy nhiên, cũng vì văn hóa “frat-boy” của công ty này không được kiểm soát và loại trừ hiệu quả (frat-boy culture thường dùng để chỉ các công ty mà sự phân biệt đối xử dành cho nhân viên nữ trở thành hệ thống, bắt đầu từ vấn đề lương thưởng, chính sách, đến những lời bình luận khiếm nhã, hành động không chuẩn bị, và cuối cùng là quấy rối…), Blizzard dính hàng loạt bê bối liên quan vào năm 2021. Điều này khiến nhiều nhân viên, lãnh đạo có tài và có tâm huyết của công ty lần lượt từ bỏ vị trí.

Hình ảnh Blizzard gần như bị vấy bẩn hoàn toàn trong tâm trí người hâm mộ, trong khi các sản phẩm của họ ngày càng tệ hơn trong mấy năm gần đây.

“Văn hóa doanh nghiệp”, đôi khi cũng chính là “tiền” của doanh nghiệp ấy.

Ở Việt Nam, “frat-boy culture” có lẽ là “standard” của hầu hết các công ty. Từng có một công ty công nghệ - luật bị các bạn luật sư, tập sự luật nữ lên án và phản đối rất nhiều, nhưng bản chất thỏa hiệp, qua chuyện của môi trường khiến công ty này tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Mình không muốn nghĩ tới là có bao nhiêu bạn tập sự vừa với vào nghề đã phải tồn tại trong không gian như thế.

Tuy nhiên, với những lời ủng hộ nạn nhân và phụ nữ nói chung ở trên, Trung cũng muốn lên tiếng phản đối việc sử dụng hay ủng hộ các tài khoản nặc danh, giả tạo để châm chọc, chỉ trích một cách thiếu chừng mực, không có mục tiêu cải thiện không gian chung. Nếu chúng ta thật sự hướng tới một không gian làm việc an toàn, cởi mở cho tất cả mọi người, biện pháp mà các bạn sử dụng đang đi ngược lại mục tiêu đó.

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG 18.04.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.