Mười bốn năm trước khi tôi chuẩn bị xuất bản tác phẩm đầu tay “The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại”, tôi có nhờ sự giúp đỡ về khâu xin giấy phép và xuất bản từ một nhà văn thuộc hàng tiền bối và cũng khá nổi tiếng.
Tất nhiên, đã là nhờ vả thì phải có chuyện mời đi ăn uống xã giao. Mỗi lần các thủ tục xin bản quyền và giấy phép xuất bản xong khâu nào thì tôi lại mời ông đi ăn để đáp lễ và sẵn tiện bàn bước tiếp theo. Vì ông đáng tuổi cha chú nên tôi thường chọn những quán ăn có phong cách trang nhã lịch sự, vừa để có thể yên tĩnh bàn công việc vừa thể hiện sự tôn trọng đối với ông. Nhưng một hai lần như vậy ông có vẻ không thích và đề nghị để ông dẫn đến quán quen.
Đó là một quán nhậu cao cấp với các nữ tiếp thị bia mặc váy rất ngắn và áo khoét rất sâu. Thấy ông, các nữ tiếp viên vây quanh cười nói tíu tít như có vẻ rất thân thiết rồi bắt đầu khui bia, đập khăn lạnh lau mặt và cười đùa cợt nhả. Thấy tôi có vẻ không thoải mái, ông đùa bảo: “Cứ thoải mái lên, tự nhiên như ở nhà đi cháu. Bác không méc người yêu cháu đâu!”
Khi tôi từ chối một cô tiếp viên dùng khăn lạnh lau mặt, ông cười ha ha bảo: “Nói thật đi, còn zin phải không? Nếu muốn thì bác dẫn mày đi từ A đến Z cho mở mang tầm mắt”, rồi ông quay sang tiếp tục đùa giỡn với hai cô tiếp viên đáng tuổi con bên cạnh. Suốt bữa tiệc đó, tôi chỉ ăn uống qua loa cho có rồi kiếm cớ để về sớm, mà trong lòng cảm thấy cực kỳ khó chịu.
Thật lòng mà nói tôi chả phải thần tiên hay Đường Tăng mà thấy gái đẹp không động lòng, nhưng tôi không thích những nơi con người có thể bỏ ra tí tiền thì có thể đùa bỡn hoặc đụng chạm phụ nữ một cách tùy tiện. Có thể đối với nhiều người đó là phong lưu, nhưng đối với tôi đó là sự thô tục và khiếm nhã.
Nguyên tắc của tôi là chuyện công việc thì bàn ở văn phòng hoặc cùng lắm là ở một quán café yên tĩnh, chứ không phải ở quán nhậu tay vịn giữa rượu thịt và gái. Với lý do không uống được rượu bia, tôi né hết tất cả những chuyện “làm ăn” nếu hẹn ra quán bia quán nhậu. Có lẽ vì thế ngay từ đầu tôi đã xác định luôn không chọn đi theo con đường làm ăn kinh doanh, và cũng chấp nhận mất rất nhiều “mối quan hệ” xã giao mà theo người khác là rất quý.
Có lẽ lần đó thấy tôi không thích, những lần sau, ông nhà văn đó không dẫn tôi đến những quán như thế nữa. Có một lần, ông mời tôi đến nhà ông ăn giỗ và đồng thời giới thiệu với một số văn nghệ sĩ ông quen biết. Trong mâm tiệc ở nhà ông lần đó, có lẽ tôi là người nhỏ tuổi nhất, còn lại thì trên 20 người toàn là những nhà văn nhà thơ tuổi từ U50 trở lên, nam có nữ có, đều là những người có tiếng tăm cả. Và họ bắt đầu kể những chuyện tiếu lâm mặn từ tế nhị tới trắng trợn. Rượu vào lời ra, dần dần mức độ tục tĩu của các câu chuyện cười càng lúc càng tăng và họ cười nói vô tư, còn tôi thì ngượng quá không biết phải như thế nào.
Thâm tâm tôi hiểu, những ông già tuổi đó nói thật chả "làm ăn" gì được nên chỉ ngồi nói để gỡ gạc tí sĩ diện tuổi về già mà thôi. Người giàu thật thì chả bao giờ khoe tiền, người giỏi thật chả bao giờ khoe kiến thức. Còn người "mạnh khoản ấy" thì chả bao giờ đem những chuyện phòng the ra làm trò đùa cửa miệng cả. Nhưng thực sự là nó quá thô thiển khiến tôi khó chịu. Chẳng phải các nhà văn ngồi với nhau thì nên nói chuyện thơ văn hay sao?
Cuối cùng tôi nghĩ ra một kế để rút lui. Tôi lén lấy điện thoại nhắn tin cho bạn tôi bảo gọi cho tôi bịa ra chuyện gì đấy, để tôi có cớ đứng dậy ra về mà không phải ở lại tiếp tục chịu trận. Dĩ nhiên là những lần được mời sau đó, tôi đều từ chối khéo để không phải đi nữa. Mối quan hệ của tôi và nhà văn nổi tiếng ấy cũng từ đó mà nhạt dần.
Trong quan niệm về quan hệ nam nữ, tôi tự nhận mình chẳng phải là người đạo mạo cổ hủ gì mà ngược lại rất cởi mở và phóng khoáng. Tôi yêu từ rất sớm và có khá nhiều mối tình trước khi lập gia đình. Tôi cũng không bao giờ đánh giá một người phụ nữ qua chữ trinh hay đã từng trải qua bao nhiêu cuộc tình. Nhưng tôi có một nguyên tắc rất rõ ràng về quan hệ nam nữ: Tình dục chỉ thực sự có ý nghĩa khi cả hai bên cùng tự nguyện và cảm thấy thoải mái.
Tất cả những hành động dụ dỗ, cưỡng ép, đùa giỡn…liên quan tới tình dục hoặc giới tính mà không có sự đồng thuận hoặc gây khó chịu cho một trong hai người, nhất là đối với phụ nữ, đều là khiếm nhã và đáng lên án. Bởi vì những hành vi đó đều thể hiện sự coi thường nhân phẩm của người kia, không có lý do gì để biện minh cả.
Ngay năm đầu tiên đại học ở Mỹ, tôi đã được dạy rất kỹ về cách nhận diện “sexual harassment” (quấy rối tình dục – QRTD) trong lớp “Freshman Preparation”, một lớp học đại cương dành cho sinh viên năm nhất. Tất cả những hành vi sau đây đều có thể bị khép vào tội QRTD và nếu có đầy đủ bằng chứng đều có thể bị kiện ra tòa:
1. Có hành vi tiếp xúc đụng chạm đến bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của người khác (cả nam lẫn nữ) mà không được sự cho phép của đối phương, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả kháng như cấp cứu hoặc cứu hộ tai nạn.
2. Có những lời nói đề cập tới chuyện giới tính hoặc tình dục với đối phương (cả nam lẫn nữ) trực tiếp (dụ dỗ, gạ gẫm, ép buộc…) hoặc gián tiếp (kể chuyện cười mặn, nói đùa có ẩn ý…) trong những hoàn cảnh không thích hợp như công sở, trường học, nơi công cộng… Đặc biệt, nếu đối phương tỏ ra thái độ khó chịu hoặc phản đối mà vẫn tiếp tục thì có thể xem đây là hành vi cố ý quấy rối, và là tình tiết tăng nặng khi phán tội.
3. Có những lời nói hoặc cử chỉ bình phẩm khiếm nhã đối với cơ thể của đối phương.
4. Gửi những tin nhắn thoại, hình ảnh, video… có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới giới tính và tình dục qua điện thoại, email hoặc chat. Nếu đối phương đã yêu cầu ngưng mà người kia vẫn tiếp tục thì bị xem là hành vi cố ý quấy rối.
5. Đối với những cặp như người yêu hoặc vợ chồng, nếu một trong hai người ép buộc người kia quan hệ tình dục trái với nguyện vọng cũng có thể bị cấu thành tội tấn công tình dục (sexual assault) nếu người bị ép buộc khởi kiện, chứ không còn là quấy rối tình dục nữa.
Tôi không nghĩ một người làm giám đốc của một nhà xuất bản sách có tiếng tăm lại không hiểu những điều như thế này mà đưa ra những lời giải thích rất ư là … lươn lẹo kiểu “Tôi đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cô ấy. Những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức và nằm trong bối cảnh cụ thể. Nhưng điều tôi không lường được là vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương với anh ấy.” Đối với tôi, đây là một sự thoái thác trách nhiệm và đánh tráo khái niệm, không phải là một lời xin lỗi.
Ở Mỹ, chuỗi nhà hàng Hooters chuyên tuyển những cô gái có thân hình bốc lửa mặc áo tank top và quần short bó mông để phục vụ bàn ăn, nhưng thực khách nào mà táy máy tay chân sẽ bị bảo vệ ném ra khỏi nhà hàng ngay lập tức. Các strip club (câu lạc bộ nhảy thoát y) cũng vậy, anh trả tiền chỉ để được nhìn các cô vũ nữ biểu diễn chứ cấm có đụng tay đụng chân nếu không muốn bị ăn đòn. Stripper (vũ nữ thoát y) không phải là hooker (gái gọi). Nghề của họ là khiêu vũ chứ không phải bán dâm, cho dù họ có cởi hết thì cũng không có nghĩa là anh có quyền động tay động chân với họ.
Ở Việt Nam thì khác, việc động tay động chân với phụ nữ hoặc nói chuyện khiếm nhã không chỉ diễn ra ở quán bia hay quán karaoke mà còn diễn ra ở nơi công sở. Tôi đã từng chứng kiến và nghe kể về rất nhiều trường hợp hầu hết trong tất cả những lĩnh vực mà tôi đã từng tham gia hoạt động: xuất bản sách, giáo dục, âm nhạc… Nạn nhân là bạn bè, đồng nghiệp, học trò hoặc những người tìm gặp tôi để tư vấn tâm lý còn thủ phạm thì thường có một điểm chung: Những kẻ biết rằng mình có quyền làm điều đó mà không sợ hậu quả vì chúng biết chắc đối phương yếu thế hơn mình.
Thật ra những kẻ quấy rối tình dục phụ nữ phần lớn đều không phải là những kẻ có nhu cầu tình dục cao mà về mặt tâm lý, đây là những kẻ thường sẽ rơi vào ba nhóm sau:
1. Những kẻ có tư tưởng coi thường phụ nữ và luôn xem phụ nữ như một đối tượng tình dục. Việc quấy rối tình dục của nhóm đối tượng này không phải để thỏa mãn tính dục, mà để thỏa mãn sự ích kỷ và sự kỳ thị phụ nữ. Những ngươi này cảm thấy sung sướng khi phụ nữ bị chà đạp, nhục nhã và đau khổ và sợ hãi. Đây là biểu hiện của nam tính độc hại, hậu quả của việc giáo dục sai lệch trong xã hội trọng nam khinh nữ.
2. Những kẻ mặc cảm tự tin về khả năng sinh dục của mình, nên tìm cách khỏa lấp bằng cách quấy rối người khác để chứng tỏ rằng mình luôn sung mãn về tình dục. Những kẻ này ngoài việc quấy rối phụ nữ để thỏa mãn sự tự ti và khiếm khuyết của mình chưa chắc đã làm nên cơm cháo gì khi ở trên giường.
3. Những kẻ không hòa hợp được tình dục với vợ hoặc người yêu nên bị ức chế về tình dục nên tìm cách để “bù đắp” sự thiếu thốn. Một người đàn ông có mối quan hệ hạnh phúc với vợ hoặc người yêu sẽ không có nhu cầu đi quấy rối hoặc dụ dỗ những người phụ nữ khác, vì họ hiểu giá trị của tình yêu và tình dục đẹp là như thế nào. Hơn nữa họ không muốn làm tổn thương vợ hoặc người yêu của mình khi làm chuyện đồi bại với người phụ nữ khác.
Đối với tôi, một người đàn ông tử tế và tự tin về nam tính của mình sẽ không bao giờ là người đi quấy rối tình dục vì trước hết, nam tính của người đàn ông thể hiện qua lòng tự trọng và tôn trọng người khác. Khi anh lấy bất cứ tư cách gì để quấy rối người khác, anh đã đạp đổ lòng tự trọng của chính bản thân, vì hành động của anh chỉ đổi lấy được sự khinh ghét của đối phương và có thể khiến anh bị thân bại danh liệt.
Nam tính của một người đàn ông còn thể hiện ở bản lĩnh biết kiềm chế sự ham muốn của mình, không phải lúc nào cũng tỏ vẻ hau háu đói khát trước thân thể phụ nữ. Nam tính của người đàn ông thể hiện ở sự tinh tế và lãng mạn đối với phụ nữ, không phải là ở cách nhìn người phụ nữ như một “sexual object” (vật thể tính dục). Nam tính của người đàn ông thể hiện ở sự tôn trọng phụ nữ vì mẹ, chị em gái, người yêu, vợ và con gái của họ đều là phụ nữ. Quấy rối tình dục nói cho cùng là biểu hiện của sự tự ti yếu kém của những kẻ đàn ông thiếu nam tính mà thôi.
HUỲNH CHÍ VIỄN 18.04.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.