mardi 6 février 2024

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (5)

 

Như đã nói trong bài trước, suốt thời gian dài mấy chục năm ở miền Bắc, bảng xếp hạng “ngũ cốc” (năm thứ được coi là lương thực chính chứ không hẳn chỉ là hạt) gồm có lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ (đậu).

Có những đận, hai loại củ là khoai và sắn còn đánh bạt cả gạo trong bữa cơm gia đình. Bao nhiêu thóc gạo làm ra, chính quyền dồn hết cho chiến trường để nuôi lính, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

Trên đài Tiếng nói Việt Nam ngày nào cũng ra rả "Hạt thóc là hạt thóc vàng, nuôi chiến sĩ, thóc lên đường. Thóc thêm nhiều, thêm chiến thắng. Đồng thâm canh, lúa ngô nhiều là ta thắng to. A, chuyển thóc về kho, xóm làng làm xong nghĩa vụ, thêm thắm tình tiền tuyến hậu phương. Thóc ra đi, ta thỏa tình hậu phương. Thóc lên xe, ta mở đường hành quân" (Đỗ Nhuận).

Do hoàn cảnh chiến tranh, nền nông nghiệp lạc hậu, những thứ phục vụ nông nghiệp như máy móc, phân bón, giống má, kỹ thuật canh tác, nhân lực… đều thiếu thốn nên sản lượng lúa rất thấp, mỗi hecta chỉ cho vài tấn thóc. Ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý năm 1967 viết “Bài ca năm tấn” chẳng qua cũng nghe hơi bắc nồi chõ, do báo chí và tuyên giáo tuyên truyền vống lên, chứ khi đó lấy đâu ra 5 tấn. Tỉnh Thái Bình được ca ngợi là điển hình 5 tấn nhưng thực tế vẫn đói rài đói rạc.

Anh họ tôi năm 1969 dạy ở trường sư phạm 10 + 3 Thái Bình, lúc đang còn sơ tán ở huyện Quỳnh Côi. Tôi có lần mò sang chơi, ông anh tiếp bằng cơm nhà ăn tập thể của trường, độn bột mì, lại còn bảo Thái Bình 5 tấn “được tiếng khen ho hen cả đời”. Gạo thiếu trầm trọng, phần lớn được dồn ra tiền tuyến nuôi quân “ăn no đánh thắng”, vì vậy dân chúng nơi hậu phương, nhất là nông dân, ăn độn quanh năm.

Làm nông nghiệp, đánh vật với đất, một nắng hai sương, là lực lượng chính làm ra hạt thóc hạt gạo nhưng phải nói thẳng rằng nông dân lúc nào cũng thèm cơm. Gạo, bột mì do các nước anh em Liên Xô, Trung Quốc… viện trợ chỉ để nuôi lính và dân thành thị cày đường nhựa.

Nông dân, cụ thể là đám thiếu nhi, thanh niên nông thôn chúng tôi hồi ấy, cùng với ông bà, thày bu mình, chỉ rặt ăn ngô, khoai, sắn, đỗ. Gọi "ngũ cốc" cho sang chứ thực ra chỉ có tứ cốc, nồi cơm chạy qua hàng cốc gạo, và thứ “cốc” phổ biến nhất, phải xơi hằng ngày chính là khoai lang. Có khi còn ăn khoai cả vỏ, đến nỗi người đời truyền nhau chuyện nhiều đứa trẻ con ị phân còn nguyên cả vỏ khoai.

Làng quê tôi vùng duyên hải Hải Phòng, nằm lọt giữa hai dòng sông Văn Úc và Đa Độ, nghe người nhớn kể lại thì thuở xưa là vùng đất bãi bồi. Hồi tôi còn tuổi thiếu nhi thập niên 60 vẫn thấy làng mình có nhiều đầm nước sâu, dẫn nước từ sông Văn Úc vào tận cổng chùa Trà Phương gần thành phủ. Đầm rộng mênh mông, cá tôm nhiều. Đi học về, tranh thủ buổi trưa vác cái dậm ra đầm là có lưng giỏ hoặc "dính đầy đít giỏ" tôm trứng, tép, cá bống mũn...

Bác Ỷ tôi chiều chiều vác chiếc cần câu dử làm bằng cả cây dùng (một loại trong họ tre nứa) dài thườn thượt 7 - 8 mét ra bờ đầm. Móc mồi là con chuồn lửa hoặc châu chấu vào lưỡi câu, dử dử vài nhát là cá giói đã lao tới tranh nhau đớp. Hôm nào bác cũng kết thúc cuộc câu dử với một xâu dài cá béo về khoe với bác gái. Có hôm giật trúng con cá giói to quá, bác kéo lên không nổi, phải kêu bọn trẻ con vào nhà cụ Hàn gần đó mượn cái rổ sề, xúc con cá đem lên. Trên đời tôi chưa thấy thứ cá nào ngon như cá giói đầm. Kho với dưa chua ngon béo không thể tả.

Cái đầm này, ông em rể tôi mày mò đọc những tư liệu cổ, cho biết nó vốn là một phần sông và bờ bãi sông Văn Úc, nối tuốt lên tận Dương Kinh là kinh đô trại của nhà Mạc cách đó năm, bảy cây số. Thời xưa thuyền bè dập dìu, trên bến dưới thuyền, những dịp lễ tết, hội hè đông vui chả kém chốn kinh thành. Sau thời thế thay đổi, bãi bể nương dâu, chiến tranh, lại cộng thêm sự tàn phá của con người, nhất là từ khi người ta lập ra hợp tác xã nông nghiệp, khung cảnh cổ kính cứ lụi tàn hoang phế dần, chỉ còn trơ lại chùa Trà Phương cô độc giữa đám nhà mái bằng mái ngói lộn xộn xung quanh. (Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 06.02.2024

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (4)

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (3)

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (2)

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.