lundi 5 février 2024

Nguyễn Đông Thức - Những tấm hình kỷ niệm phim “Ngọc trong đá”

 

Truyện dài “Ngọc trong đá” được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản Tháng 3-1986, kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố. Đây cũng là truyện dài đầu tiên Nhà xuất bản này làm, khi được tách ra từ Nhà xuất bản Măng Non.

Truyện tạo được tiếng vang nên đã lọt vào tầm ngắm của vài hãng phim. Hãng phim Nguyễn Đinh Chiểu với đạo diễn Lê Mộng Hoàng tới đặt vấn đề đầu tiên. Dĩ nhiên là tôi rất hoan hỉ.

Lúc đó thủ tục làm phim rất khó khăn. Kịch bản phải được đưa ra Bộ Văn hóa duyệt. Ông Thứ trường Nguyễn Đình Quang (ông này học vị giáo sư tiến sĩ, học bên Tàu rồi bên Đông Đức về, từng là đạo diễn sân khấu, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu lý luận sân khấu…). Đọc xong, trong đợt vào Nam công tác ông cho gọi tôi và ông đạo diễn tới Văn phòng 2 của Bộ:

- Phim được đấy, nhưng có một chỗ không ổn. Các anh phải sửa lại thì mới cấp phép được.

- Thưa ông, là chỗ nào ạ?

- Chỗ cô Oanh chết. Cô ấy là con của sĩ quan Ngụy, không thể cho chết như một anh hùng liệt sĩ như thế.

- Vậy theo ông thì nên sửa như thế nào?

- Đấy là chuyện của các anh.

Chưa bao giờ biết sợ ai, tôi phản đối ngay tại chỗ:

- Tại sao con sĩ quan chế độ cũ lại không được chết như một anh hùng cho đất nước này? Sửa vậy là hư cuốn sách, không đạt được mục đích của tôi. Người đọc phải đau đớn trước cái chết của cô Oanh, một nạn nhân của chủ nghĩa lý lịch

Ông Thứ trưởng ngắt ngang:

- Ý tôi là vậy. Không thay đổi.

Tôi đi về, không thích bất kỳ ai tên Quang mà học bên Tàu về từ đó.

Phải ba năm sau, năm 1991, Hãng phim Trẻ - cũng mới thành lập - đã xin được làm phim này, với kịch bản không thay đổi. Hoặc ông Quang đã nghĩ lại, hoặc ông đã chuyển qua phụ trách việc khác (ông vẫn làm thứ trưởng tới năm 1993), hoặc lúc đó làm phim đã không cần giấy phép của cấp Bộ nữa (?). Quên rồi, chỉ biết phim được giao cho đạo diễn trẻ Trần Cảnh Đôn, người lần đầu tiên làm phim nhựa.

Rất khôn ngoan, Đôn chọn Hoa hậu đầu tiên của Thành phố vừa đăng quang là Lý Thu Thảo (trước đó có Kiều Khanh, nhưng chỉ là Hoa hậu Áo dài của báo Phụ Nữ) vào vai chính, bên cạnh một dàn diễn viên tên tuổi đương thời: Lý Hùng, Việt Anh, Kim Xuân… Vai nữ phụ Oanh, Cảnh Đôn chọn Việt Trinh, một diễn viên trước đó chỉ đóng vai quần chúng (nữ tì hầu quạt cho Diễm Hương này nọ, thậm chí bưng rượu còn làm đổ bể) và hỏi ý tôi.

 

Tôi chở Trinh đi ăn hủ tíu Hồng Phát, lên trên lầu vắng vẻ cho dễ nói chuyện. Cô có nét hơi quê (ở Bình Long lên), da nâu, nhưng gương mặt và đôi mắt rất đẹp. Thú thiệt làm sao tôi biết Trinh có vào vai Oanh, một con sĩ quan cấp tá học trường Tây, được hay không, nhưng tôi cũng gật đầu luôn với Đôn cho xong. Người nhẹ dạ mà! Nhưng công nhận Đôn có mắt xanh, một phát đưa ngay Việt Trinh lên hàng sao từ “Ngọc trong đá”. Thảo thì rất tiếc, không phải sinh ra để đóng phim, dù đẹp và dễ thương.

Dù tôi cũng đồng ý với nhiều người đọc, rằng bộ phim chưa diễn đạt được hết câu chuyện của cuốn sách “Ngọc trong đá” (mà thiệt tình thì thế giới cũng rất hiếm có bộ phim nào làm từ sách mà được như ý), nhưng nó đã làm cháy vé các rạp phim, là một sự kiện của điện ảnh thời đó. Tôi và Đôn như đi trên mây…

Sau này Đôn mấy lần bàn với tôi việc làm lại “Ngọc trong đá” thành phim truyền hình nhiều tập. Tôi ậm ừ nhưng thiệt tình thấy quá khó. (Đôn mất ngày 21 tháng 10, 2021, mới đó mà đã hơn 2 năm!).

NGUYỄN ĐÔNG THỨC 01.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.