jeudi 1 février 2024

Hoàng Tuấn Công - Trở lại vụ "học sinh cúi chào ô tô" ở trường Trần Mai Ninh

Các cụ ta dạy rằng “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, “Giơ cao đánh khẽ”.

Thế nên dù không đồng ý với lời giải thích của bà Hiệu trưởng trường THCS Trần Mai Ninh, nhưng tôi vẫn tạm đóng bài viết có 4 clip “cúi chào ô tô”, sau khi bà Hiệu trưởng hứa sẽ thay đổi (không bắt học sinh đứng túc trực ở cổng sau và gập người cúi chào mỗi khi ô tô giáo viên ra vào nữa).

Tôi cũng nghĩ rằng, chống chế là cái bệnh của những người phạm lỗi, và mình cũng không nên cậy “thế thượng phong” mà dồn người ta vào chân tường. Thế nhưng, “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”.

Từ hôm qua tới giờ, giáo viên và học sinh trường Trần Mai Ninh ào vào bài viết đính kèm 1 clip “cúi chào ôtô” của anh Thang Hoang Nghia (gắn thẻ tôi, Hoàng Tuấn Công) để giải thích sự việc, đưa ra lý lẽ giống như những gì bà Hiệu trưởng từng phân trần, giải thích với tôi.

Trừ một vài “còm” tỏ ra ôn hòa, lễ phép, số còn lại chửi bới rất thô tục, gọi người đăng bài và những ai phê phán chuyện “cúi chào ôtô” là “mất dạy”, “vu khống”, “bôi xấu”,  làm “ảnh hưởng đến danh dự của trường tôi và ảnh hưởng đến lòng tự trọng của một học sinh như tôi”,v.v...Có cả bình luận rất ngộ của một cô bé học trò trường Trần Mai Ninh: “Nhỏ không học lớn lên làm hoàng tuấn công”!

Không ít phụ huynh có con học ở trường Trần Mai Ninh cũng tham gia bình luận, hoặc viết bài riêng trên trang cá nhân để chỉ trích phê phán báo chí và những người đăng bài.

Đáng ngạc nhiên, đáng buồn và đáng thất vọng là trong đó có cả giáo viên của trường. Một mặt, cô giáo viên Văn này không ngần ngại dành cho đối phương những lời như “không có não”, “ba que phản động”, mặt khác còn đứng ra cầm trịch, cổ vũ rất nhiệt tình cho học sinh “xông lên”.

Nhiều bình luận của giáo viên và học sinh trường Trần Mai Ninh chỉ cách đây ít phút (23 giờ 20, ngày 31/01/2024).  Điều này cho thấy đã không có một cuộc họp nào mà trong đó, nhà trường thẳng thắn nhìn nhận ra cái sai của mình, qua đó phổ biến nhằm thay đổi nhận thức vấn đề tới toàn thể giáo viên và học sinh trong trường.

Sự “thay đổi” mà bà Hiệu trưởng hứa, phải chăng chỉ là giải pháp tình thế, trong khi vẫn cảm thấy ấm ức vì “cúi chào thể hiện sự tôn trọng với những thầy cô dạy mình, thể hiện sự lễ phép của học sinh, xuất phát từ ý thức của học sinh”?

Thậm chí, cô giáo viên Văn của trường Trần Mai Ninh mà tôi đã nói ở trên còn cho rằng “Chủ nick của bài (tức tôi - Hoàng Tuấn Công) sau khi hiểu đã gỡ bài. Còn lại người lớn đã cố tình đưa câu chuyện đi ngược đạo lý thì không xứng bậc cha mẹ, cô chú!”

Tôi nghĩ rằng, nếu việc phân công học sinh túc trực ở cổng dành riêng cho giáo viên trong cái lạnh 10-11 độ C, và gập người cúi chào mỗi khi ôtô của thầy cô ra vào không có gì sai, thì nhà trường có quyền bảo lưu quan điểm và duy trì nề nếp, bất kể dư luận ra sao.

Về phần mình, tôi vẫn giữ quan điểm: Việc học sinh cúi chào thầy cô giáo hay bậc trưởng thượng là một cử chỉ thể hiện sự lễ phép thông thường, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, đây là việc học sinh phải cúi chào thầy cô ngồi trong ôtô khi xe vẫn đang lưu thông, nó khiến người ta liên tưởng tới sự cúc cung phục tùng của kẻ dưới với bề trên, khác xa với văn hóa người Việt, và vì thế là một hành động phản cảm.

Hơn nữa, việc "cúi chào xe ôtô" này lại diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt, làm ra một hình ảnh tương phản rất khó coi khi học sinh vốn còn nhỏ tuổi nhưng phải phong phanh đứng giữa trời gió rét, đối lập với thầy cô giáo ngồi trong ô tô sang trọng, đóng kín cửa. Nó gợi lên sự vô cảm, lạnh lùng và không có tình yêu thương ở ngay nơi cổng trường học.

Với những lý do trên đây, tôi xin mở lại bài đăng kèm bốn clip “cúi chào ôtô” (vốn đã được tạm đóng bởi sự khẩn cầu, và lời hứa sửa chữa của bà Hiệu trưởng), để tránh mọi người hiểu lầm là do nhận thấy cái sai, nên tôi đã “gỡ bài” (như thông tin cô giáo dạy Văn đưa ra). Đây cũng là cách tạo diễn đàn để mọi người cùng tranh luận, tự do bày tỏ quan điểm.

Và từ vụ việc này, tôi cùng những người đồng quan điểm sẽ tiếp tục bàn sâu hơn về những vấn đề liên quan, như sự trung thực, chủ đề an toàn giao thông, ý thức và lễ phép, giáo dục và công tác giáo dục thế hệ trẻ, v.v... Tôi cũng sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với đại diện nhà trường về mọi chất vấn cũng như tranh luận, nếu nhà trường thấy điều ấy là cần thiết.

HOÀNG TUẤN CÔNG 01.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.