mercredi 11 octobre 2023

Ngô Nhân Dụng - Bao giờ Israel được bình an?

Hai sắc dân Á Rập và Do Thái chia sẻ một cái nghiệp, cùng chung một vị tổ Abraham và cùng sống trên một vùng đất từ mấy ngàn năm trước.

Người Do Thái bị các đế quốc đuổi đi, hai ngàn năm sau mới trở về lập nước Israel, hơn 70 năm trước. Các quốc gia Á Rập tấn công để ngăn cản, chiến tranh khiến hàng triệu người chạy tứ tán. Từ đó tới nay, sau nhiều cuộc chiến, Israel – Palestine vẫn là đầu mối xung đột trong cả vùng Trung Đông.

Thứ Bảy vừa qua, nhóm Hamas bất ngờ đánh vào Israel, nhắm một đại hội văn nghệ ở gần nông trại (kibbutz) ở Re'im, gần biên giới, giết khoảng 900 người và bắt đem đi khoảng 100 người; 1.500 người tấn công cũng chết. Đây là vụ chạm súng lớn nhất kể từ cuộc chiến Yom Kippur (Năm Mới) năm 1973, khi quân Egypt và Syria từ hai mặt cùng tấn công Israel, rồi thất bại.

Tình báo Egypt (Ai Cập) đã báo động nhóm Hamas đang mưu làm “một vụ lớn” nhưng bị bỏ qua. Tình báo Israel nổi tiếng đã cài người vào hầu hết các nước thù địch, nhất là trong giải Gaza. Họ nhận lỗi đã không biết trước âm mưu này. Gần đây, họ chú trọng đến mặt biên thùy với Lebanon, hoặc các trại định cư của người Do Thái xung đột với dân Palestine. Một khuyết điểm của họ là chỉ lo các tiến bộ kỹ thuật để theo dõi bên địch, thiếu gián điệp tại chỗ. Cấp chỉ huy Hamas đã ngưng không dùng điện thoại hoặc computer nữa!

Nhóm Hamas, cai quản Dải Gaza rộng 360 cây số vuông với 2 triệu dân, vẫn thường bắn hỏa tiễn qua Israel và bị oanh tạc trả đũa, nhưng gần đây đã tỏ ra “yên phận.” Dân Palestine vẫn được phép qua biên giới vào làm việc lao động trong xứ Israel, được trả lương cao gấp 10 lần.

Chính quyền Palestine ở Tây Ngạn, do Tổng thống Mahmoud Abbas thuộc nhóm Fatah cầm đầu, có lúc đã chế nhạo các lãnh tụ nhóm Hamas chỉ lo ăn chơi mà không hành động. Không ai ngờ, một nhóm Hamas nhỏ đã lập kế hoạch đánh táo bạo. Hàng ngàn thanh niên được huấn luyện trong nhiều tháng trời, tập phóng hỏa tiễn, điều khiển máy bay drone tự động, hoặc lái máy ủi đất làm sập hàng rào, cũng không biết họ được chuẩn bị để làm việc gì! Nhiều lãnh tụ Hamas cũng không biết.

Quân đội Israel đã gọi nhập ngũ hơn 300.000 quân nhân trừ bị. Đã đánh bom trả đũa và sẽ mở một cuộc tấn công lớn nhất kể từ vụ đánh Lebanon năm 1982. Chính phủ Israel nói thẳng mục tiêu là “tiêu diệt nhóm Hamas.” Họ kêu gọi dân Palestine trong Dải Gaza hãy tản cư, nhưng không ai có thể đi đâu vì hai mặt biên giới với Israel và Egypt đều bị phong tỏa.

Đúng như lời Thủ tướng Benjamin Netanyahu báo trước, đây sẽ là “một cuộc chiến lâu dài và khó nhọc.” Nhóm Hamas có thể cầm cự lâu vì được dân chúng ủng hộ. Họ vẫn được các nước Á Rập viện trợ tài chánh và Iran trang bị vũ khí, nhưng Israel đã phong tỏa tất cả các mặt chung quanh Dải Gaza.

Mối xung đột Israel – Plestine đã biểu hiện khắp vùng Trung Đông. Dân Á Rập ở các nước Bahrain, Morocco, Turkey, Yemen, Tunisia và Kuwait đã mở hội ăn mừng sau khi quân Hamas đánh cảm tử. Tại thành phố Alexandria, Egypt, một viên cảnh sát đã bắn vào một đoàn du khách Israel, làm chết hai người. Ngoại trưởng nước Qatar tuyên bố Israel chịu trách nhiệm hoàn toàn về các biến cố này, vì đã xâm phạm các quyền tự do của dân Palestine trong bao nhiêu năm qua. Một giáo sư ở xứ Kuwait cũng nói với báo New York Times, “Việc chiếm đất đai và hạ thấp nhân phẩm của người Palestine đã ảnh hưởng trên cách nhìn” của dân Á Rập bình thường. Một người dân nước Bahrain, 70 tuổi, đi biểu tình “ăn mừng” còn chỉ trích quyết định của chính phủ Bahrain công nhận Israel là điều “nhục nhã.”

Kể từ khi nước Israel thành lập, sau nhiều cuộc chiến tranh, các nước Á Rập đã ra giá mặc cả: Muốn họ chính thức công nhận Israel thì phải theo giải pháp “hai quốc gia song song,” tức là thành lập một nước Palestine. Trong mươi năm gần đây, các nước này đã thay đổi, chấp nhận bang giao với Israel, để đổi lấy những ưu đãi kinh tế và viện trợ Mỹ.

Năm 2020, các nước UAE (United Arab Emirates), Bahrain và Morocco bắt đầu công nhận Israel; được đặt tên là Thỏa Ước Abraham, lấy tên vị tổ phụ của người Do Thái và người Á Rập. Gần đây, chính phủ Joe Biden khuyến khích Saudi Arabia công nhận Israel với hứa hẹn sẽ bảo đảm an ninh cho nước này. Cuộc tấn công của nhóm Hamas khiến dự tính bang giao Israel-Saudi phải tạm ngưng. Saudi vẫn chỉ viện trợ cho chính quyền Fatah của Palestine, ôn hòa hơn nhóm Hamas. Nếu cuộc sống của dân Palestine ở Gaza bị tàn phá vì quân Israel thì Saudi sẽ khó tiếp tục cuộc thương thuyết, dù Mỹ yêu cầu.

Chỉ có quốc vương Abdullah II xứ Jordan, như ông mới nói ở New York, đã tỏ ý nghi ngờ: “Không thể nhảy dù qua trên đầu dân Palestine, thiết lập bang giao với các nước Á Rập.”

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thành công về ngoại giao trong mấy năm gần đây. Ông liên hiệp với các đảng bảo thủ, cực hữu mới lập được chính phủ cho nên đặt quyền lợi dân Do Thái lên cao nhất, không quan tâm đến người Palestine. Nhật báo Haaretz ở Israel mới viết một bài quan điểm tố cáo các chính sách cực đoan của ông Netanyahu, như chiếm đoạt đất đai của dân Palestine, đã gây nên thảm cảnh vừa qua. Netanyahu, báo Haaretz viết, “coi như người Palestine không hiện diện và không có quyền lợi nào cả.”

Không thể đoán trước mất bao nhiêu năm Israel mới “tiêu diệt” được nhóm Hamas ở Gaza. Nếu giết hoặc bắt giam được tất cả những người cầm súng chống cự quân Israel, thì có thể coi là đã tiêu diệt hết nhóm Hamas hay chưa? Những trẻ em Palestine sống qua cuộc chiến kéo dài này, khi lớn lên có thể còn thù oán và tìm cơ hội nổi dậy nữa hay không? Những thanh niên gốc Palestine đang sống ở nơi khác có thấy họ muốn lập những nhóm tương tự Hamas hay không?

Thế hệ trẻ này có thể đang giống như một thanh niên tên là Mohammed Diab Ibrahim, sanh năm 1965 trong một “trại tị nạn” mở ra trong 70 năm qua. Anh ta lấy biệt hiệu là Deif, nghĩa là “Khách” trong tiếng Á Rập vì anh luôn luôn di chuyển, gặp đâu ngủ đó. Nhiều người đã ví Deif như một Osama Bin Laden mới. Deif đã bị tình báo Israel giết hụt nhiều lần, bị cụt cả hai tay, hai chân, mù một mắt, sống lẩn lút trong các hầm bí mật ở Gaza, nhưng chỉ huy cả “đội binh al-Qassam” là nhóm chủ mưu cuộc tấn công vừa qua. “Đây là một vụ 9/11 của chúng tôi,” phát ngôn viên bộ Quốc phòng Israel thú nhận.

Từ 70 năm qua, vấn đề người Palestine vẫn là nguyên nhân gây nên các cuộc nổi dậy, bạo loạn và chiến tranh. Khi nước Israel ra đời, họ đã bỏ đi, nghĩ rằng chỉ di tản cho đến khi ngưng tiếng súng, nhiều người mang theo chìa khóa nhà, vẫn còn để lại cho con, cháu. Bây giờ họ vẫn là một dân tộc lưu vong, sống tạm, không có một quốc gia. Dù nhiều nước Á Rập đã tìm cách “bình thường hóa” bang giao với Israel, nhưng vấn đề trên vẫn nằm trong lòng tất cả dân Á Rập ở khắp nơi. Khác với ông Netanyahu, nhiều người Israel cũng đồng ý với chủ trương “hai quốc gia song song,” cho người Palestine thành lập một quốc gia có chủ quyền. Khi đó, hy vọng dân Israel được sống bình an hơn.

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 11.10.2023)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.