Việc Trinh bị khởi tố và bắt tạm giam, khiến cho rất rất nhiều người bất ngờ. Trong số đó không ít người hả hê, càng không hiếm người lấy hình ảnh Trinh ra mỉa mai, châm biếm, đùa cợt!
Cũng không thể trách, bởi cuộc sống này, ai cũng có người thương/kẻ ghét, thì Trinh không phải là ngoại lệ. Cho nên, đối với những người không thích Trinh, thậm chí ghét Trinh, thì đây là dịp để họ thể hiện mọi cung bậc cảm xúc của Mình, là điều dễ hiểu.
Với tôi, xưa nay luôn có một nguyên tắc, là không bao giờ “tấn công” một người khi họ đang “bị thương”. Tất nhiên, tôi cũng không ý kiến trước những người có quan điểm và hành xử ngược lại, bởi đó là nhận thức riêng, không thể áp đặt. Trước mỗi sự việc, hiện tượng xã hội, luôn có những nhận định khác nhau, là điều hết sức bình thường, xuất phát từ sự cá nhân hóa trong lý tính của mỗi thể nhân.
Tuy nhiên, ở một góc độ pháp lý – xã hội nào đó, thì cần nhìn nhận đúng đắn về sự việc của Trinh, để có nhiều bài học cần được rút ra, cũng như để cho những “thuyết âm mưu” vô căn cứ, không có cơ hội sinh sôi, nảy nở! Có lẽ, chính Trinh, cũng bất ngờ về hệ quả pháp lý hiện tại.
Cũng không thể trách Trinh được, vì đến nhiều chuyên gia pháp lý, còn cho rằng “hành vi của Trinh, giỏi lắm chỉ bị xử phạt hành chính là cùng”. Thì huống chi một người chưa được đào tạo luật bao giờ như Trinh, có thể nhận thức được rằng, hành vi của Trinh lại có thể cấu thành tội phạm hình sự. Nên nếu có trách, thì Trinh hãy trách người nào đã tham vấn cho Trinh rằng: “Hành vi của Trinh, giỏi lắm chỉ bị xử phạt hành chính là cùng”! Tất nhiên, Trinh không thể vì thế mà được miễn trách nhiệm (nếu đủ yếu tố cấu thành. Bởi một trong những nguyên tắc của pháp trị là “Không ai được coi như không biết luật” (Nemo censetur ignorare legem).
Trinh và nhiều người khác, vẫn đang có một nhận thức lầm lẫn, khi đã đồng nhất hai loại hành vi của Trinh vào làm một loại hành vi vi phạm: (i) Một là, hành vi vi phạm pháp luật về giao thông (Lái xe không phép, điều khiển xe không đúng…); Và (ii) Hai là, hành vi cố ý làm/tạo dựng/sản xuất/tàng trữ/tuyên truyền/phổ cập Video có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trong khi, đây là hai loại hành vi vi phạm có tính chất khác xa nhau, không thuộc trường hợp có cấu thành thu hút.
Không những thế, với vụ việc cụ thể của Trinh, thì người ta có quyền hoài nghi hợp lý rằng: Loại hành vi thứ nhất (i) của Trinh nêu trên, chỉ là phương thức, phương tiện nhằm thực hiện loại hành vi thứ (ii), và hành vi thứ hai, mới chính là động cơ, là điều mà Trinh muốn đạt đến. Hay nói cách khác, nếu như ban đầu, Trinh chỉ dừng lại ở hành vi thứ nhất, thì câu chuyện đã hoàn toàn khác. Thậm chí, ngay cả khi việc có một người nào đó vô tình, quay được Video và tung lên mạng mà không phải Trinh, thì câu chuyện cũng sẽ khác.
Chính xác, là hành vi cố ý làm/tạo dựng/sản xuất/tàng trữ/tuyên truyền/phổ cập video có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mới là yếu tố chính, dẫn đến rủi ro pháp lý mà Trinh đang phải gánh chịu. Tất nhiên không thể thiếu yếu tố Trinh là người có ảnh hưởng nhất định. Hành vi công khai cố ý làm/tạo dựng/sản xuất/tàng trữ/tuyên truyền/phổ cập video có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng: Thể hiện sự coi thường pháp luật, thách thức pháp luật. Đó như là một hàm ý rằng, pháp luật không có chế tài đủ mạnh để xử lý, nên không sợ. Đó như là một khẳng định về sự thất bại trong chế tài của pháp luật. Đó là xuất phát từ nhận định sai lầm “Hành vi của Trinh, giỏi lắm chỉ bị xử phạt hành chính là cùng”! Buộc pháp luật phải chứng minh điều ngược lại.
Tôi tin rằng nếu biết trước sẽ có kết cục này, thì chắc chắn Trinh sẽ không thực hiện hành vi đó! Đây cũng là chi tiết tốt nhất, cần khai thác để bảo vệ, giảm nhẹ cho Trinh (ngoài các chi tiết về nhân thân khác). Nói khác đi, Trinh thuộc trường hợp “Cố ý về hành vi, nhưng vô ý về hệ quả”. Cái sai của Trinh là tin vào nhận thức. Nó hoàn toàn khác với trường hợp, kẻ trộm biết hành vi trộm là sai, bị bắt sẽ phải đi tù, nhưng vẫn trộm. Còn Trinh, Trinh chẳng bao giờ nghĩ lại phải đi tù vì những hành vi như đã làm.
Sau tất cả - người đã thương Trinh, vẫn sẽ thương, người đã ghét vẫn sẽ ghét! Nhưng rồi những điều đó, cũng không thể làm thay đổi một thực tế là Trinh đang phải đối diện với một rủi ro pháp lý. Nếu như mọi thứ chỉ dừng lại ở đây, mà không có những chuyển biến khác, thì dẫu có cấu thành tội phạm, hình phạt đối với Trinh cũng không quá nặng nề, chỉ khoảng từ 6 tháng – 18 tháng, Trinh sẽ về. Một cái giá quá đắt cho những hành vi “bồng bột”! Nhưng nó cũng không phải dài, và đủ để Trinh nhìn nhận lại mọi thứ, biết đâu biến cố này, sẽ tốt cho Trinh, của hậu vận về sau!
Đây cũng là bài học sâu sắc cho các bạn có “tư tưởng trẻ” (nhiều người lớn tuổi vẫn có “tư tưởng trẻ”). Có nhiều cách để nổi tiếng, để thành công, để thể hiện cá tính. Nhưng đừng bao giờ mạo hiểm để có được điều đó, bằng cách xem nhẹ sinh mệnh cũng như số phận pháp lý của Bản thân. Trong thời đại công nghệ số này, để nổi tiếng là điều cực kỳ đơn giản, nếu không muốn nói là dễ nhất. Nhưng cái khó là làm sao nổi tiếng, mà không tai tiếng, và vẫn giữ được nhân cách, phẩm giá của mình: Đó mới là điều quan trọng!
LS ĐẶNG BÁ KỸ 20.10.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.