Nhiều khóa rồi, tại nghị trường bà con ta thậm chí cả không ít đại biểu Quốc hội nữa, đã phải phì cười trước những phát biểu ngô nghê, những kiến nghị ngớ ngẩn của không ít vị được chọn là đại biểu.
Kỳ này cũng vậy. Một ông nghị trong lúc Dân và Nước lo toan bao điều cần thiết đến Dân sinh và Quốc sinh thì kiến nghị chọn số sim… đẹp để đấu giá kiếm tiền. Còn một ông nghị lại kiến… nghị cho ngành du lịch được quyền thu hồi đất để “phát triển”.
Cái kiến nghị đầu thì chả hại ai. Nhưng cái kiến nghị sau nếu được Quốc hội tán đồng thì ối giời cả nước lại xáo trộn bất an vì biểu tình của Dân oan. Và, chắc chắn thêm cơ hội để tham nhũng đất đai làm lò của bác cả Trọng rừng rực khói ô nhiễm đầy giời khét lẹt nữa.
Nhưng câu chuyện không dừng ở đó.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao trong 500 vị đại biểu Quốc hội hầu hết trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư tức là có trí tuệ sáng láng, có kho tàng tiếng Việt trong sáng, lại không thấy vị nào thắc mắc cái việc mà hầu hết cử tri cho là “buồn cười”. Khi Quốc hội đề ra ba mức tín nhiệm trong đó có cụm từ “tín nhiệm thấp” để các đại biểu bỏ phiếu?
Ở đây Tiếng Việt thêm một lần thử thách vì sự “uyển chuyển khéo léo” bởi ý chí ai đó dẫn đến rối rắm. Gã không dám bàn chuyện phải trái của cái việc bỏ phiếu ba nấc này, gã chỉ dám bàn đến sự trong sáng của tiếng Việt thôi. Đến giờ gã vẫn không hiểu nổi “tín nhiệm thấp” nghĩa là thế nào? Xin các thày ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công, Thái Hạo, Phạm Lưu Vũ, Hoàng Dũng… giải thích dùm xem!
Giời ạ!
Chuyện nhỏ thành nhớn rồi. Cái lỗi cuối cùng phải chăng vẫn từ Dân trí, Dân khí mà ra cả?
Muôn năm cụ Phan Châu Trinh!
LƯU TRỌNG VĂN 27.10.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.