1. Một số vấn đề nghiêm trọng của Ka-52
Hôm trước sau khi tham khảo ý kiến của một số anh em, trong đó có hẳn một kỹ sư công tác trong ngành hàng không, đều nhận được phản hồi: Thiết kế hai cánh quạt ngược chiều nhau của Kamov, cho phép trực thăng cân bằng ít rung động hơn so với cánh quạt đơn và có chong chóng đuôi truyền thống.
Một trong những nguyên nhân của việc này là do trình độ cơ khí của Nga thấp, không đủ để chế tạo cơ khí có độ chính xác cao như Tây. Do trình độ cơ khí chính xác cao hơn nên kể cả cánh quạt đơn thì máy bay của Tây nó vẫn êm hơn.
Ấy thế mà, có những tài liệu ghi nhận trực thăng Ka-52 của Nga đang gặp những vấn đề nghiêm trọng. Hóa ra là hệ hai cánh quạt quay ngược chiều gây ra rung lắc mạnh, còn hơn cánh quạt đơn. Đây không phải chỉ là rung lắc nhẹ mà là loại rung động liên tục khiến phi công khó đọc được thiết bị của mình.
Cũng do độ rung đó, sĩ quan vũ khí vô cùng khó khăn trong việc giữ ống phóng nhắm vào mục tiêu cho tên lửa chống tăng tầm cao của nó. Điều này gây ra rất nhiều sai số.
Tên lửa chống tăng yêu cầu Ka-52 phải treo bất động trong suốt thời gian bay của mình, điều này khiến trực thăng cực kỳ dễ bị bắn hạ. Tình hình tệ đến mức thỉnh thoảng người Ukraina bắn hạ Ka-52 bằng RPG (khỏi lãng phí một quả Stinger.)
Rất nhiều Ka-52 đã bị bắn hạ: 49 chiếc đã được xác nhận bởi Oryx (mặc dù con số này trên thực tế có thể cao hơn đáng kể) – nên giờ đây chúng hiếm khi được sử dụng gần chiến tuyến, trong tầm của Stinger hay MANPAD của người Ukraine. Hầu hết phi công Kamov chỉ phóng tên lửa không điều khiển theo một vòng cung cao, không chính xác từ ngoài tầm tên lửa vác vai, khoảng 15 ki-lô-mét.
Một vấn đề nữa về kỹ thuật: khung của Ka-52 đang bị khai thác, sử dụng quá mức và được bảo trì kém. Động cơ cũng đã vượt thời gian hoạt động lý thuyết và độ rung động của trực thăng thực sự đang phá hủy hệ thống điện tử hàng không và các thiết bị phân biệt địch ta. Đây cũng là một lý do khác để Ka-52 chỉ hầu hết thực hiện các phi vụ ngắn gần căn cứ.
Các cánh quạt của Ka-52 được lấy từ Ka-50 không có gì thay đổi, mặc dù chúng phải gánh chịu tải trọng gấp bốn lần so với Ka-50. Cùng với độ rung động, quá tải đang tàn phá cánh quạt của Ka-52 mà do một vài lý do nào đó, Tổ hợp Kamov không thể kịp bù đắp cho vấn đề này. “Giải pháp” của bộ chỉ huy không quân Nga là… cho nó mang ít vũ khí hơn.
Có phải Ka-52 là trực thăng duy nhất trên thế giới có ghế phóng hướng lên trên không? Không phải, từ thập niên 1960 người Mỹ đã thử nghiệm điều này trên chiếc Lockheed AH-56 “Cheyenne” nhưng cuối cùng chẳng ai mặn mà lắm với nó. Còn một hệ thống nữa được thử nghiệm trên chiếc “Tiger” nguyên mẫu đầu tiên của Eurocopter, cái này đã xuất hiện trong bộ phim James Bond “Golden Eyes”, nhưng cuối cùng cũng chẳng phát triển được.
Hệ thống này muốn hoạt động được, các cánh quạt phải được thổi bay bằng thuốc nổ chỉ trong một phần của giây đồng hồ trước khi ghế phi công được phóng ra. Đó là một ý tưởng ngu ngốc vì trực thăng tấn công bay quá thấp nên không có đủ thời gian phản ứng để thực hiện một danh sách lệnh và hành động phóng phức tạp. Cũng có những ý tưởng khác, như thay vì cho nổ văng cánh quạt thì người ta tìm cách đồng bộ hóa ghế phóng với cánh quạt, như máy bay chiến đấu động cơ piston phải đồng bộ súng máy bắn qua mặt phẳng cánh quạt ngày xưa.
Cuối cùng thì người phương Tây quyết định: Thay vì tìm cách phóng phi công ra, thì họ tích hợp các hệ thống thiết bị để giảm thiểu khả năng chết của phi công nếu máy bay rơi. Từ việc can thiệp kỹ thuật để động cơ quay tốt, giúp máy bay dù mất điều khiển vẫn rơi từ từ chứ không bộp cái xuống đất, và chỗ ngồi của phi công được bảo vệ chống sốc khi rơi càng chắc chắn càng tốt.
Trong khi đó hệ thống này trên Ka-52 được biết đến với kết luận: Chưa bao giờ hoạt động. Trong một bài trước đây tôi đã báo cáo quý vị: Nó thường xuyên bắn phi công vào cánh quạt và anh ta sẽ bị băm nát cùng cái ghế, hoặc nếu không như vậy thì anh ta cũng bị gãy xương sống. Một vấn đề nữa là nhiều khi nó chỉ trúng một viên đạn nhỏ nhưng vào đúng hệ thống phóng cánh quạt, thì máy bay cũng tiêu luôn.
Ka-52 hóa ra cũng chỉ là một chiếc máy bay ngu ngốc khác của Nga. Khi bắt đầu chiến tranh với Ukraine, Nga có khoảng 100 chiếc Ka-52 và hiện nay người ta đoán rằng có thể Nga chỉ còn có ít hơn 25 chiếc đang hoạt động và thậm chí những chiếc này còn hoạt động quá thời gian và được bảo trì kém.
Vừa rồi bị ATACMS bắn cháy mấy chiếc ở Berdyansk tôi cũng không nhớ nữa.
2. Hôm qua chiến sự trên mặt trận đạt một số kỷ lục quá nên tôi không thể không viết thêm như tiếp tục bài hôm qua.
Hôm qua sau khi post bài, có bác báo tin Synkivka ở phía bắc cách Kupyansk 10 ki-lô-mét, quân Nga đã rút chạy khỏi đó. Lần lại trước mấy ngày, tin của một thằng Blogger Nga viết như sau:
“Theo hướng Kupyansk, trong bối cảnh thành công của Lực lượng vũ trang Nga tại khu vực Sinkovka, bộ chỉ huy địch đã quyết định điều động các đơn vị xe tăng của Lữ đoàn bộ binh 41 của Lực lượng vũ trang Ukraine đến khu vực này của mặt trận.” – tin này ngày 17/10.
Còn theo bản đồ của Chuck Pfarrer thì trong ngày 17/10, tính đến 21 giờ giờ địa phương quân Ukraine đã đẩy lùi 12 cuộc tấn công của quân Nga vào Synkivka, Ivanivka và Kyslivka, đốt của Nga 5 xe tăng và 8 xe chiến đấu bộ binh. Còn bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine sáng nay, tức là đầu giờ chiều 20/10 theo giờ Hà Nội có viết:
“Trong khu vực trách nhiệm của nhóm tác chiến – chiến lược “Khortytsia” trên hướng Kupyansk, binh sĩ Ukraine đã đẩy lùi hơn 30 cuộc tấn công của kẻ thù tại các khu định cư Synkivka và Ivanivka của vùng (tỉnh) Kharkiv, cũng như 12 cuộc tấn công gần Nadiya của vùng Luhansk.”
Bình loạn : Trước nay luận điệu của bọn Pro Nga “shit Pu thơm” bao giờ cũng nói về tin tức của Ukraine theo một kiểu: “Tin giả, tin giả hết các cháu ạ” – nguyên văn của đại tá Lee Shimuo. Thú thực là, thỉnh thoảng tôi cũng ghé qua đọc tin tức chiến sự theo mô tả của báo chí trong nước ủng hộ Nga, thì… không hiểu gì cả. Nói chính xác là nó không theo một mạch logic nào cả.
Ví dụ nhé: một thằng blogger Nga viết như trên đây là “thành công ở Sinkovka (tiếng Nga viết như thế)” và sau đó… tạnh luôn, lờ đi cho đến ba, bốn ngày sau vẫn chưa đưa tin lại. Tuy vậy dạng tin tức như vậy mà được các nguồn chính thống của Nga đưa – RIA, Sputnik… thì báo chí trong nước vồ ngay và đăng lên, thêm mắm muối, thêm một xẻng “Monosodium glutamate” (nói thế cho nó sang mồm, nôm na là mì chính) ngọt lừ và cứ như thế, các cụ hưu trí nhà ta cứ nghĩ là Nga thắng đến nơi. Như hôm trước tôi có báo cáo quý vị tờ gì như Giáo dục hay Dân trí thấp gì đó có bài “quân Ukraine sắp sụp đổ rút chạy khỏi Kupyansk.”
Còn tại sao bây giờ hơn 600 ngày rồi chưa thắng – thì cái logic đó nó tuyên bố tiếp: Nga vẫn mạnh lắm, chưa thắng chỉ vì “bọn phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine nhiều quá.”
Hiện tượng xã hội này người ta gọi là “ấu trĩ.”
Còn chúng ta thì đọc bản tin của người Ukraine – thôi thì bằng lòng với… “tin giả” vậy. Khổ cái, nhưng mà nó logic. Như các bản tin từ cách đây cả tuần đến nửa tháng thì Synkivka và Ivanivka, Nga vẫn tấn công và đến hôm nay vẫn… tấn công, đến 30 đợt một ngày. Nói một cách đơn giản là: Hàng ngày người Ukraine ngồi chờ quân Nga kéo đến tấn công, tấn công chán không có kết quả thì lại đi về.
Phàm là đưa tin có thế nào thì nói như thế nó dễ, còn bịa đặt thì khó lắm.
Hôm nay tôi lên bài liền luôn với hôm qua chủ yếu là do cái… kỷ lục vừa được lập. Đây là báo cáo tổn thất của Nga ngày hôm qua:
- Xe tăng 55
- Xe chiến đấu bọc thép 120
- Hệ thống pháo binh 29
- MLRS 4
- Máy bay không người lái 8
- Tên lửa hành trình 1
- Ô tô và xe bồn 33
- Quân lính 1.380
Thông thêm về tổn thất kỷ lục của quân Nga trong 24 giờ qua chủ yếu là ở trận chiến Avdiivka. Một sĩ quan trinh sát trên không của đơn vị “Sova” thuộc Thủy quân lục chiến Mykolaiv cho biết: - “Hôm qua gần Avdiivka, lực lượng chiếm đóng của Nga đã trải qua một thảm họa, nghiêm trọng hơn ở Bilohorivka năm ngoái''. “19/10/23 Avdiivka vùng Donetsk, Ukraine. Hãy nhớ ngày và địa điểm này. Đó là thảm họa lớn nhất của Nga. Nhiều hơn ở Bilohorivka năm ngoái,” anh nói.
Có gì ở Bilohorivka năm ngoái? Đó là vào tháng Năm năm ngoái… Vậy tôi xin trích lại bàiviết ngày 11/05/2022, khi quân Nga đang cố vượt sông Siverskyi Donets – trong khuôn khổ chiến dịch đánh chiếm hai thành phố Sievierodonetks và Lysychansk:
“Các nguồn tin Ukraine cho biết có giao tranh dữ dội ở phía bắc, phía tây và phía nam của Severodonetsk ở Vojevodivka, Toshkivke, Rubizhne, Lysychansk, Orikhove, Hirske và Bilohorivka khi quân Nga cố gắng bao vây thị trấn. Các lực lượng Ukraine đáng chú ý đã phá hủy một cây cầu phao của Nga bắc qua sông Siverskyi Donets ở vùng lân cận Bilohorivka, điều này có thể cho phép các lực lượng Ukraine phát triển một phòng tuyến phía tây Severodonetsk và phá vỡ sự bao vây dự kiến của Nga đối với khu vực Rubizhne – Severodonetsk – Lysychansk.”
Đó chính là cú vượt sông ngoạn mục đi vào lòng đất của quân Nga, khi có mỗi một bến vượt và cố thử không biết bao nhiêu lần để qua sông và cứ thế lao thẳng vào khu vực đã được xác định sẵn phần tử bắn của pháo binh Ukraine.
Đến hôm qua tôi lại nhận được câu hỏi từ một bạn đọc, rằng tại sao quân Nga lại có thể ngu ngốc như vậy – và đến đây xin cho phép tôi trích lại một đoạn đã viết ngày 03/02/2023:
“Ấy thế mà từ sau khi chiếm được Severodonetsk và Lysychansk, cánh quân Nga ở Izyum vẫn sa lầy. Tôi còn nhớ địa danh Dovhenke được nhắc đi nhắc lại hàng tháng trời trong các bản tin chiến sự mà sốt hết cả ruột và không hiểu tình hình ra sao cả. Đây là một làng cách phía nam thành phố Izyum 13 ki-lô-mét đường chim bay, mà người Nga cứ cố gắng tấn công mãi mà chẳng chiếm được và chỉ sau này, khi thành phố Izyum đã được giải phóng thì mới xuất hiện trên mạng một câu chuyện kể về những nỗ lực tấn công hết sức vô nghĩa của người Nga: cấp trên cao nhất cứ đe doạ, cấp trên thấp hơn cứ ra lệnh và cấp thi hành trực tiếp cứ tấn công đi tấn công lại bất chấp tổn thất.
Tôi cũng đã từng kể với các bác, những chuyện này nó giống kinh khủng với thời Chiến tranh Vệ quốc: nhiều khi tên một cái làng nào đó tình cờ rơi vào tai Stalin và ông ta biết được quân Đức đã tái chiếm lại được cái làng, bực bội, ông ta ra lệnh chiếm lại nó bằng mọi giá. G.K. Zhukov đã từng thuật lại rằng ông và một số tướng lĩnh cấp cao khác, đặc biệt là A.M. Vasilevsky những không ít lần khuyên can Stalin nhưng không phải lúc nào cũng thành công: những địa danh đó không có ý nghĩa gì nhiều về mặt chiến lược. Tính cố chấp của Stalin được đặt trong bệnh thành tích cộng sản, đã làm cho Hồng quân Liên Xô thời bấy giờ phải trả giá hàng triệu sinh mạng theo kiểu như vậy.”
Những “câu chuyện lịch sử” cứ lặp đi lặp lại mãi với quân Nga. Tôi cũng đã từng báo cáo quý vị về cách thi hành chiến tranh của họ rất kỳ lạ: với họ việc mất một làng là nghiêm trọng và một loạt các sĩ quan sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có thể ra tòa án binh. Do vậy họ sẵn sàng hy sinh những lực lượng lớn để chiếm lại một địa danh nào đó.
Và bây giờ thì Avdiivka lại tái diễn lịch sử. Nhìn con số 120 xe bọc thép đã hoảng hồn, mà con số lính Nga biến thành “kiện hàng 200” là 1.380 người, thật khủng khiếp.
Bác NTT thì hỏi tôi: chẳng lẽ nó (quân Nga) cố gắng mãi vậy à? Bao giờ thì kết thúc? Câu trả lời của tôi là chẳng có gì kéo dài mãi mãi cả, nhất là chiến tranh. Riêng trận Avdiivka này cũng vậy, nó sẽ lên đến đỉnh điểm của nỗ lực từ phía quân Nga rồi đi dần xuống. Tấn công mãi không có kết quả rõ rệt, tất cả sẽ rơi vào phase “nản chí” và khi đó bộ phận quân đội tham gia chiến dịch sẽ suy sụp tinh thần. Xin nhắc lại câu trích dẫn từ thiếu tướng Bessonov trong “Tuyết bỏng” của Yuri Bondarev: “Không nên tin rằng sức mạnh của địch là vô hạn.”
Trận Avdiivka này cũng vậy, từ 10/10 đến nay đã là ngày thứ 11, mà quân Nga chỉ tiến được ở phía bắc và phía nam vài trăm mét – xin xem bản đồ của ISW kèm theo bài. Điều đáng nói là quân Nga thay vì tấn công từ phía bắc xuống nam trên hướng Krasnohorivka và nam lên bắc theo hướng Vodyane, thì trong khoảng 2 đến 3 ngày qua các nguồn tin đều cho thấy chúng lại tiến về phía tây ở cả phía bắc và phía nam, đặc biệt nỗ lực ở phía bắc.
Đến đây mới thấy Viện Nghiên cứu Chiến tranh – ISW nhiều khi cũng không nhận ra tại sao lại như vậy – vì họ không đọc “Nhớ lại và suy nghĩ” của Zhukov. Trong một tuần đầu của chiến dịch Avdiivka, quân Nga đã cố gắng tạo gọng kìm để khép vòng vây nhưng vấp phải (1) Hệ thống phòng ngự kiên cố có cả mìn, rất nhiều mìn của Ukraine và (2) Sự kháng cự quyết liệt của quân Ukraine ở đây. Do vậy, nhiều khả năng là chỉ huy mặt trận của Nga quyết định chuyển hướng tấn công về phía tây để tìm con đường dễ đi hơn (sau đó có thể vẫn quặt xuống phía nam và quặt lên phía bắc để hai mũi gặp nhau tạo thế bao vây quân Ukraine) nhưng cũng có thể đơn giản hơn: cứ tiến đánh đã, để có cái mà báo cáo thắng lợi. Nga muôn đời vẫn là Nga.
Bình loạn : Bất chấp những bình luận “shit Putox thơm” của bọn Lee Yutong (và gần đây thằng Trạng sưTrạm Biến Áp lại bắt đầu bi bô) rất thích một cú “mở nồi hầm” hoặc “mở cái vạc” – từ chúng chỉ một vòng vây nhốt quân Ukraine vào trong – thì trong cuộc chiến tranh này trừ nhà máy thép Azovstal, quân Nga chưa bao giờ tổ chức được một chiến dịch hợp vây như kiểu Stalingrad năm 1942 – 1943 hoặc Korsun Sevchenko năm 1944, dù rất cố gắng và chiến tuyến đã từng hình thành rất nhiều “chỗ lồi”, như ở Izyum khi bắt đầu The Battle of Donbas năm ngoái, hoặc một chỗ ở gần cặp hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk cũng giai đoạn này.
Để tiến hành được chiến dịch hợp vây ngoài việc tổ chức tấn công, bọn Nga còn phải… tấn công thành công ít nhất hai mũi thậm chí có những mũi tấn công trực diện vào “chỗ lồi” nữa – nhưng rõ ràng cho đến nay trong cuộc chiến tranh này, người Ukraine ngay từ khi chưa có hỗ trợ, viện trợ từ bên ngoài đã tỏ ra vượt trội trong chống lại các chiến dịch tấn công của Nga.
Trong khi đó thì người Ukraine lại rất thành công trong việc “giam lỏng” quân Nga ở một khu vực nào đó để chúng buộc phải rút khỏi đó – điển hình nhất là chiến dịch giải phóng thành phố Kherson và lân cận thuộc hữu ngạn Dnipro tháng 11 năm ngoái. Trước đó khi họ giải phóng Izyum và Kupyansk, sau đó là Lyman họ cũng tiến hành những cách tương tự nhưng nhanh chóng và triệt để hơn. Hiện nay thì họ đang thi hành điều tương tự với thị trấn Bakhmut.
Vì vậy, với thắng lợi hôm qua của quân Ukraine trước Nga tại Avdiika, chúng ta có căn cứ vững chắc để cho rằng rồi chiến dịch này của Nga lại thất bại thảm hại, thậm chí nó còn châm ngòi cho những đổ vỡ nghiêm trọng hơn.
Cuối cùng, vụ vượt sông của thủy quân lục chiến Ukraine đâu đó phía bắc cầu Antonovsky, đã có những biểu hiện rõ ràng hơn: quân Ukraine không cố chiếm giữ, mà rút về nhưng vẫn “để một con mắt theo dõi khu vực” và chắc chắn là họ tiến hành phương pháp: chặn đánh từ xa bất cứ nỗ lực chiếm lại khu vực của quân Nga. Và đến hôm nay các thông tin rằng “quân Ukraine tiếp tục mở rộng vùng xám một cách chắc chắn” ở khu vực này, đã được ghi nhận rồi. Xin quý vị xem bản đồ của Chuck Pfarrer kèm theo. Cá nhân tôi thì thấy việc thiết lập bàn đạp này cực kỳ quan trọng.
PHÚC LAI 20.10.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.