samedi 21 octobre 2023

Nguyễn Thông - Đỗ Nam Cao không hề thấp (1)

 

Từ hôm hăm mấy tháng Chín, chị Hồng đã nhắn cho tôi, em à, chị mời em tới dự chương trình về anh Cao nhé. Tôi phúc đáp ngay, cảm ơn chị, em phải tới chứ, anh đi xa đã 12 năm rồi.

Hình như sợ một đứa tính đểnh đoảng hay quên, gần tới ngày tổ chức, chị nhắn thêm nhắc lại. Trong khi tôi đã đặt tờ giấy biên chữ mực tàu rõ to ngay trước màn hình máy tính “Nhớ ngày 12 tới đến chỗ bác Cao. Quên thì chết đòn”. Cứ phải cẩn thận thế mới được.

Chị Hồng tức Trần Thu Hồng. Anh Cao đương nhiên là Đỗ Nam Cao. Đám chúng tôi, những đứa được bên thắng cuộc lùa vào miền Nam công tác theo lệnh của nhà nước hồi sau năm 1975, những kẻ đói ăn, thiếu gạo, thèm cơm suốt nửa cuối thập niên 70 và dằng dặc thập niên 80 không mấy đứa không biết tới chị Hồng. Chị là đệ tử ruột của bà Ba Thi Nguyễn Thị Ráo, anh hùng lao động.

Công ty Lương thực TP.HCM đứng đầu là bà Ráo và những đệ tử sốt sắng, tài giỏi như chị Hồng đã cứu cả thành phố Sài Gòn khỏi nạn đói, chứ không thì có thể thêm nạn đói chết người như năm 1945 trong lịch sử xứ này.

Ngay đám giáo viên trẻ chúng tôi, khi tuổi ngoài đôi mươi, ăn bao nhiêu cũng không no, vậy mà mấy năm khủng khiếp ấy, tiêu chuẩn lương thực 14 kg/tháng chỉ có 3 ký gạo, còn lại là củ mì (sắn), ngô, bột mì vón, và nhất là hạt bo bo để nuôi lợn giờ đem nuôi người. Nuốt không nổi. Ai cũng gầy guộc, mắt trũng sâu, gò má nhô cao, nhìn như bộ xương di động. Người của nhà nước có tiêu chuẩn còn bị vậy, huống chi dân thường. Những cuộc vượt biên chấp nhận 1 sống 9 chết có nguyên nhân quan trọng là đói, tương lai mù mịt.

Chính bà Ba Thi, chị Hồng và công ty ấy đã cứu người Sài Gòn, cứu chúng tôi, chỉ đơn giản bằng cách cho mọi người được ăn cơm. Bà Ba Thi được phong anh hùng lao động bởi hành động xé rào, “chống lại đường lối”, nhưng khi chị Hồng nối tiếp thủ trưởng của mình làm việc nhân đức thì lại bị bắt. Nhà cai trị không dám bắt bà Ba Thi, ngại đụng vào thần tượng, vào người được ông Kiệt quý trọng, nhưng bắt chị Hồng thì họ chả sợ gì, họ làm cái một. Năm năm sau cơn vạ gió tai bay, chị được họ thả ra với kết luận do thể chế đường lối khi ấy nó thế.

Ở xứ này, vùi dập một con người tử tế là dễ nhất, đặc biệt khi người ta nắm trong tay đủ mọi quyền hành. Nhưng trong đám dân chúng suýt chết bởi nhai bo bo thì bà Ráo, chị Hồng là những anh hùng, những phật sống. Bây giờ thiên hạ ăn cơm gạo ST24, ST25 trắng muốt, thơm phức thì không hình dung nổi cuộc xé rào vĩ đại của họ đâu. Sống ngay vựa lúa mà thèm cơm chỉ bởi chính sách ngu dốt của nhà cai trị. Tôi là người trong cuộc đói năm xưa, kể ra sợ chưa đủ chưa hết, chứ không bịa tạc gì. Chuyện gạo tôi sẽ tỉ mẩn biên sau, như gợi lại thứ ký ức thảm buồn trong cuộc sống xã hội chủ nghĩa này.

Ông xã của chị Hồng là anh Đỗ Nam Cao, chiến sĩ, nhà thơ, thi sĩ chân quê. Tôi có may mắn biết anh khá sớm, từ năm 1977. Bác Cao là lớp đàn anh về mọi mặt. Học cùng trường cùng khoa nhưng bác khóa 11, khi bác ra trường 1970 thì hơn hai năm sau, năm 1972 chúng tôi mới lọ mọ vào làm trò thầy Nhị thầy Tu. Bác Cao thuộc lứa đem lại nhiều vinh dự cho Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng với khóa 12, với những tên tuổi lớn. Nhưng điều cần nói ra, liên quan tới cái tít “Đỗ Nam Cao không hề thấp” lại là chuyện khác. Là đàn em, người biết khá rõ về bác Cao, tôi tự thấy phải đòi quyền lợi cho ông anh trượng phu của mình.

(Còn tiếp)

Ảnh: Chương trình "Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi" được tổ chức tại TP.HCM ngày 12.10.2023. Trong ảnh, từ trái sang: Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, chị Trần Thu Hồng, NSND Trịnh Thúy Mùi.

NGUYỄN THÔNG 13.10.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.