1. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tiêu hao của không quân Nga trong vùng chiến sự (bao gồm cả máy bay bị hư hỏng nặng) chiếm khoảng 25 chiếc Su-25. Con số này chiếm khoảng 20 % sức mạnh phi đội “Frogfoot” trước chiến tranh (ý là tính xa xa ra phía trước vài năm), và không dưới 30% số máy bay Su-25 có thể sử dụng được ở thời điểm ngay khi bắt đầu chiến tranh.
Số Su-25 bị lực lượng phòng không Ukraina bắn rơi, hoặc bị hư hại nặng nhưng cuối cùng quay trở lại căn cứ hoặc rơi trong khu vực chiến đấu (do các nguyên nhân liên quan hoặc không liên quan đến thiệt hại trong chiến đấu), đã tăng lên hơn 30 chiếc tính đến ngày 1 tháng Chín năm 2023.
Và mới đây nhất, hôm 17 tháng Mười 2023 Ukraine tuyên bố họ bắn rơi 3 chiếc Su-25 trong một tuần.
Sukhoi-25 “Frogfoot” vốn là một lực lượng đáng kể của không quân Nga. Nó được sử dụng để thực hiện các phi vụ cường độ cao, tầm ngắn ở độ cao thấp trong suốt bốn thập kỷ, trong hàng chục cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ. Trong hầu hết các trường hợp, “Frogfoot” đã hoạt động khá tốt, nhưng đến cuộc chiến tổng lực ở Ukraine năm 2022 và 2023 tình hình trở nên hoàn toàn khác.
Loại máy bay này hoạt động ở mức quá đỗi bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường. Đồng thời phải chịu những tổn thất đáng kể, và những chiếc sống sót phải trải qua rất nhiều khó khăn của sự hao mòn do bị khai thác quá đà. Sự tiêu hao mức cao của loại máy bay này cả trên chiến trường lẫn ở căn cứ có thể đe dọa đến tương lai trung hạn của Su-25, với tư cách là một chủ lực đáng kể của lực lượng không quân Nga.
Cánh của loại máy bay tấn công này có mười mấu treo cứng, tải trọng chiến đấu 4,4 tấn, tầm bay khi đầy tải là 1.250 km và tốc độ tối đa là 970 km/h. Khối lượng rỗng khoảng 9.800 kg, tổng khối lượng khoảng 14.440 kg và khối lượng cất cánh tối đa khoảng 19.300 kg. Với những đặc điểm này, cùng với việc nó là chiếc máy bay cho đến nay được coi là Nga vẫn hoàn toàn không bị phụ thuộc chút nào vào công nghệ nước ngoài, đồng thời với kích thước của nó làm cho nó trở nên một thứ vũ khí vận hành rẻ, dễ chịu nhất với không quân Nga hiện nay.
Hệ thống bảo vệ của Su-25 có bảo vệ hồng ngoại giúp chống lại tên lửa tầm nhiệt của đối phương bằng cách phát ra tín hiệu nhiệt che dấu dấu hiệu nhiệt của máy bay; buồng lái có bọc thép và hệ thống xử lý thông tin chủ động và thụ động hỗ trợ xác định và ứng phó với các mối đe dọa có thể phát sinh trong chiến sự. Nhìn chung ở thời của nó, máy bay tấn công Su-25 là máy bay được bảo vệ khá tốt, có thể hoạt động trong môi trường thù địch với mức độ đe dọa cao.
Su-25 có khả năng cơ động tuyệt vời, rất hiệu quả trên chiến trường trong lẩn tránh hỏa lực của kẻ thù. Tốc độ của Su-25 giúp phi công có thể nhanh chóng tiếp cận chiến trường và hỗ trợ kịp thời. Su-25 cung cấp hỗ trợ hỏa lực hiệu quả trên mặt đất nhờ được trang bị vũ khí và khả năng mang nhiều loại vũ khí. Ngoài ra Su-25 có thể hoạt động trong nhiều điều kiện khí hậu và loại địa hình đa dạng, cho phép nó thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực chiến đấu khác nhau. Máy bay thuộc loại dễ bảo trì ngay cả trong điều kiện chiến đấu.
Su-25 trong biên chế không quân Ukraine
Hiện chưa rõ số lượng chính xác máy bay tấn công ở Ukraine. Ukraine đã nhận được khoảng 90 – 95 máy bay Su-25 sau khi giành được độc lập vào năm 1991, trong đó 76 chiếc đang trong tình trạng “khả dĩ”, số còn lại đã bị loại bỏ.
Theo Niên giám Không quân Thế giới năm 2022 của FlightGlobal, Lực lượng Vũ trang Ukraine chỉ sở hữu 17 máy bay tấn công Su-25 tính đến năm 2021. Theo danh mục Cân bằng Quân sự năm 2021, Không quân Ukraine có 31 máy bay loại này. Su-25 xuất hiện lần đầu tiên do Ukraine vận hành vào ngày 26/5/2015 trong cuộc tấn công vào sân bay Donetsk.
Năm 2015, máy bay tấn công Su-25M1K hiện đại hóa đã được Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine tiếp nhận. Nó được phát triển dựa trên một phiên bản hiện đại hóa khác là Su-25M1 mà quân đội Ukraine nhận được lần đầu tiên vào năm 2010, và nổi bật nhờ việc triển khai hệ thống bảo vệ Adros. Hệ thống này cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ của máy bay trước tên lửa không đối không tầm nhiệt. Máy bay Su-25 bản hiện đại hóa nhận được một diện mạo mới: thay vì dùng thiết bị do Liên Xô sản xuất, hệ thống quan sát và dẫn đường tích hợp ASP-17BTs-8M2 đã được lắp trên máy bay. Ngoài ra, nhiều loại thiết bị hiện đại khác cũng được lắp đặt để nâng cấp cho nó.
Nga cũng không dậm chân tại chỗ trong nhiệm vụ này. Theo một số nguồn tin khác, Nga có 197 máy bay cường kích Su-25 trước chiến tranh với Ukraine và họ đã nâng cấp chúng với những nỗ lực cũng rất đáng kể. Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga hiện đang sử dụng một biến thể được hiện đại hóa khá mạnh là Su-25SM3.
Su-25SM3 có hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, thiết bị điều hướng và điều khiển mới, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại và các tùy chọn vũ khí mới cùng nhiều cải tiến khác. Ngoài ra, Su-25SM3 còn được trang bị động cơ mạnh hơn, cho phép nó chở được nhiều trọng lượng hơn và cải thiện tốc độ cũng như khả năng cơ động của máy bay. Ở Nga, nó được gọi là Sukhoi Su-25 “Grach” (NATO đặt mã định danh là “Chân Ếch”).
Theo điều lệ chiến đấu của không quân Nga, các phi công Su-25 phải bay ở độ cao đặc biệt thấp, làm giảm khả năng bị hệ thống phòng không phát hiện và tiêu diệt. Việc tiếp cận tuyến khai hỏa vũ khí được tiến hành với tốc độ cao nhất. Chúng phóng tên lửa hàng không không có điều khiển (NAR) và ngay lập tức cơ động và lừa hệ thống phòng không đối phương bằng cách thả bẫy nhiệt. Các máy bay Su-25 thực hiện nhiều lần tác vụ tiếp cận mục tiêu, khai hỏa và thoát ly như thế trước khi quay trở lại sân bay. Tầm bay xa của nó kết hợp với việc nó được bố trí ở các sân bay gần, làm tăng thời gian trực ban chiến đấu ở trên không cho mỗi biên đội, làm cho Su-25 trở nên như “người lao động chính trên trời” ngoài chiến trường, như IL-2 “Sturmovik” của thời Chiến tranh Vệ quốc vậy.
Theo thông tin chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, máy bay này sử dụng rộng rãi tên lửa S-13 “Tulumbas” NAR 122mm. Loại này có thể xuyên thủng các công trình kiên cố và bê tông, sở chỉ huy, nơi tập trung xe bọc thép và đường băng. Trong
Theo một cuộc phỏng vấn gần đây của Ria Novosti với phi công Su-25, việc tuân thủ các yêu cầu đã được xác định của điều lệnh chiến đấu, máy bay cường kích này hoạt động đặc biệt hiệu quả và có thể bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao với các loại tên lửa như S-8, S-13, S-24 và S-25. Cứ tuân theo tất cả các thông số chỉ dẫn quan trọng thì tên lửa sẽ tiếp đất hoàn hảo vào mục tiêu.
Đó là lý thuyết, nhưng thực tế thì nó tốt thật. Su-25 có những khả năng vượt trội về khả năng sống sót, bị bắn hỏng tang thương do tên lửa của hệ thống phòng không di động, mà vẫn có thể hạ cánh an toàn xuống sân bay. Từ đầu chiến tranh, lực lượng Ukraine đã nhiều lần cố gắng bắn hạ máy bay bằng MANPADS và một số loại tên lửa khác nhưng động cơ của máy bay vẫn hoạt động cho phéo phi công đưa nó quay về và sau đó máy bay được phục hồi hoạt động bình thường.
Loại máy bay này – như trên đây tôi viết đúng là “người lao động chính” với khả năng thực hiện nhiều chuyến xuất kích hàng ngày. Một phi công Nga nói với Ria Novosti rằng hắn ta đã thực hiện 180 phi vụ kể từ tháng 9 năm 2022. Hơn 20.000 phi vụ cường kích đã được trung đoàn của hắn ta thực hiện kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Với cường độ hoạt động như thế, tốc độ suy giảm số lượng của máy bay trên chiến trường của Nga, hoàn toàn giống như câu chuyện… nòng pháo. Nhưng rõ ràng là chẳng cần chờ đến hao mòn kim loại, người Ukraine cũng vẫn có những nỗ lực để hạn chế Su-25 của Nga ngay từ những ngày đầu của chiến tranh – những phi đội trực thăng vũ trang, Su-24, Su-25 tấn công Kyiv từ lãnh thổ Belorussia để tiến đến các vùng ngoại ô phía bắc và tây bắc của Kyiv như Hostomel, Bucha và Irpin đã bị tổn thất nghiêm trọng.
Hồi đầu chiến tranh đã có một câu chuyện về chiếc Su-25 của Nga rơi ở Hostomel, nó cố thả mồi bẫy vẫn bị tên lửa phòng không của Ukraine bắn cháy rơi tại chỗ. Chuyện này đã có trong phim tài liệu của Komarov tôi đã dịch phụ đề.
Từ cuối năm 2022, đặc biệt là bước sang năm 2023 vai trò của máy bay tấn công mặt đất Nga đã thay đổi – cả cho trực thăng vũ trang lẫn cường kích: chúng đảm nhiệm vai trò của… pháo binh, như hồi xuân hè vừa qua các máy bay trực thăng Nga có vai trò như ụ pháo trên không. Người ta ghi nhận có sự thay đổi về chiến thuật của cả hai loại máy bay Nga, đều chuyển sang bắn tên lửa từ xa, kể cả trong giai đoạn chống lại chiến dịch phản công mùa hè của người Ukraine ở chiến trường miền nam. Vì bắn tên lửa không có điều khiển nên hiệu quả của các vụ tập kích đường không giảm xuống, nhưng nếu lại gần chiến trường (bắn ở đường khai hỏa quy định) thì sẽ bị bắn rơi.
Hai chỉ số số máy bay chiến đấu cánh cố định và trực thăng Nga bị diệt tính đến ngày 01/01/2023 lần lượt là 283 và 269. Đến ngày 03/06/2023 là 313 (+30) và 298 (+29). Từ ngày 04/06 đến nay (19/10) là 320 (+7) và 324 (26).
Đến chiến dịch Avdiivka mùa thu 2023, cả hai loại cùng được tung vào trận. Thật đúng là canh bạc tất tay của Sói-gù.
Tính từ ngày 10/10 được coi là bắt đầu chiến dịch, số máy bay và trực thăng bị diệt lần lượt là 315 và 316 chiếc (tính từ đầu chiến tranh) và đến hôm nay là 320 (+5) và 324 (+8). Cùng với việc giảm cường độ và cả tần suất các trận giao tranh ở mặt trận phía nam, chúng ta có thể đưa ra dự đoán rằng cả hai bên đều chủ động giảm nhịp điệu trận đấu ở khu vực đó và dồn sức cho Donetsk. Do vậy số lượng 5 máy bay chiến đấu cánh cố định và 8 máy bay trực thăng vũ trang bị diệt trong 10 ngày, là con số đáng kể.
Nhìn vào các con số trên, ta thấy có giai đoạn đến nửa năm Nga chỉ bị diệt khoảng 30 chiếc mỗi loại. Đến khi chống quân Ukraine phản công hồi mùa hè, sử dụng trực thăng vũ trang nhiều thì bị bắn rơi nhiều hẳn lên (chỉ trong hơn 3 tháng) và máy bay chiến đấu cánh cố định tương đối ít, vì bắn nó khó hơn một phần, phần vì nó bay ít hơn.
Nguyên nhân của việc bị bắn rơi, là do Ukraine triển khai các hệ thống phòng không mới hiện đại đến gần mặt trận. Do vậy cứ hễ Nga cho máy bay bay nhiều, thì sẽ bị bắn rơi nhiều. Trong 3 tháng rưỡi gần 4 tháng bị bắn 7 chiếc, nay cố tấn công ở Donetsk bị bắn 3 chiếc một tuần. Câu chuyện rất có ý nghĩa.
Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy Nhóm tác chiến chiến lược “Tavriia” của Ukraine, cho biết hôm thứ Hai (16/10) rằng lực lượng của ông đã bắn rơi 3 chiếc máy bay của Nga, cụ thể là Su-25. Ông cho biết cả 3 vụ đều xảy ra ở khu vực Donetsk phía đông nam Ukraine, với vụ đầu tiên diễn ra vào 24 giờ trước sáng thứ Tư tuần trước, vụ thứ hai vào 24 giờ trước tối thứ Bảy và vụ gần đây nhất diễn ra vào 24 giờ trước tối thứ Hai.
Nếu cho phép tôi đoán mò điều gì, thì tôi sẽ xin đoán rằng: đúng có thể Nga khi tấn công tập trung được nhiều pháo binh và đạn dược, nhưng vẫn đang kẹt ở vấn đề “đạn chính xác”. Chẳng hạn sau mỗi trận pháo kích phát hiện ra các hỏa điểm của Ukraine vẫn còn nguyên, thì phải gọi máy bay đến bắn tên lửa tiêu diệt.
Trong thời gian qua, không quân Nga không phải là không gây ra cho quân Ukraine những thiệt hại nhất định, đặc biệt là việc ném cái bom lượn loại 500 kg. Quân Nga cũng rút kinh nghiệm khi phối hợp giữa không quân và pháo binh bằng cách khi pháo binh khai hỏa (bắn chuẩn bị) thì không quân ném bom vào phía sau làn đạn pháo từ cự ly 45 – 50 ki-lô-mét. Dù tính chính xác của bom lượn Nga không quá cao, nhưng khối lượng lớn của nó cũng gây nhiều tác hại.
Cú tấn công vào vài sân bay của Nga ở Berdyansk và Luhansk cho thấy, quân Ukraine cũng muốn diệt trừ cái tai họa từ máy bay này. Rồi là còn nhiều cú đánh nữa.
2. “Đại khai sát giới” bắt đầu
Hôm 25/09 tôi đã báo cáo quý vị về một cuộc “đại khai sát giới” vào hệ thống hậu cần Nga, điều này sẽ khởi động vào thời điểm mùa bùn ratsputitsa bắt đầu – mà thời điểm này tôi cũng báo cáo nhiều lần là vào khoảng giữa tháng 10. Và đến ngày 17/10, cú đánh đầu tiên bằng ATACMS đã được ghi nhận.
Lại ngược dòng thời gian một chút, bạn đọc nào có trí nhớ tốt chắc hẳn sẽ nhớ cách đây khoảng 4 – 5 tháng gì đó, có lần tôi chỉ viết đúng một chữ “ATACMS” trong status của mình. Tại sao tôi lại viết như thế? Trong một diễn đàn quân sự tôi tham gia đã mười mấy năm có một thành viên mà tôi rất nghi ngờ anh/chị ta là người Nga, tuy viết bằng tiếng Anh. Có ngày thành viên này viết về một tin có vẻ như là do tình báo Nga nắm được, cho biết người Ukraine đang thực hành sử dụng ATACMS.
Chúng ta cần để ý, dù dùng chung xe phóng với HIMARS, nhưng hai loại tên lửa này khác nhau trước hết là cái container của nó. Thậm chí cái cassette chứa đạn (HIMARS cassette 6 quả), còn ATACMS có hai loại 1 và 2 quả. Ngoài yêu cầu phải thay đổi container, còn có yêu cầu phối hợp 2 xe phóng trở lên trong trường hợp dùng xe phóng M-142, vì nó chỉ phóng được 1 quả một lần, trong khi xe M-270 thì được 2 quả.
Tôi không biết tin đó có xác thực hay không, nhưng tin đó là một tin nguy hiểm cho Ukraine. Nếu như tình báo Nga đã nắm được đến việc quân đội Ukraine cho luyện tập phối hợp phóng ATACMS thì (1) Có cài cắm vào hàng ngũ sĩ quan cấp khá cao và (2) Hắn nắm được kế hoạch giao nhận ATACMS.
Ngay sau đó thành viên diễn đàn này không online trở lại nữa. Khác với mạng xã hội, khi thành viên biến mất không có khái niệm deactive account. Tin anh/chị ta viết cũng bị xóa.
Nhưng từ khi đó thì tôi tin rằng quá trình giao – nhận ATACMS đã có lộ trình cụ thể. Vậy tại sao người Mỹ không giao, hoặc không cho Ukraine dùng ATACMS sớm hơn? Phải chăng họ vẫn sợ người Ukraine do quá phẫn uất sẽ dùng vũ khí Mỹ bắn vào lãnh thổ Nga? Cũng có lý do đó, nhưng chưa hết. Lý do quan trọng nhất của câu chuyện cũng không phải là việc sợ Ukraine nắm được hết bí mật công nghệ, cũng chỉ là một phần thôi. Hay như lý do cho rằng chính quyền Zelenskyy có thể bị thay thế bất cứ lúc nào và chính quyền mới sẽ đi tìm giải pháp thỏa hiệp, thậm chí đầu hàng… cũng dần mất tính thuyết phục.
Lý do ở đây là phương Tây nói chung, mong rằng quân Ukraine sẽ tiến hành tấn công thắng lợi bằng mấy trăm cái xe tăng tốt nhưng mà cũ, xe bọc thép cũng vậy… và khi đó thì không cần ATACMS chiến tranh vẫn kết thúc. Nhưng đã đến lúc họ nhận ra rằng Putox chỉ có thể dừng lại khi quân không còn một người, đạn không còn một viên. Chiến lược chây ì kiểu Chí Phèo đã rõ, nếu không có ATACMS thì quân Ukraine sẽ không vượt qua được phòng tuyến Surovikin.
“Đại khai sát giới” sẽ đẩy quân Nga vào bờ vực của sự tan rã, vì càng đông quân, càng dễ tan rã chứ không phải là thế mạnh.
Từ Trung Quốc, Putox gọi việc Mỹ cung cấp ATACMS cho Ukraine là “(thêm) một sai lầm khác” và hắn khẳng định: “việc cung cấp tên lửa hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) sẽ không mang lại lợi ích gì cho Ukraine. Nó sẽ chỉ kéo dài sự đau đớn của [họ] mà thôi.”
Bình loạn : Thực tế ở hai sân bay đã vả vào mặt hắn, thế mà cũng cố nói lấy được. Lịch sử thế giới chưa bao giờ có Tổng thống một nước lớn, được coi là cường quốc hạt nhân, có quân đội thứ nhì trái đất lại đi phát biểu về… một thứ tên lửa, thực chất như xếp loại của Nga thì nó là một thứ pháo binh tầm xa cả. Đơn giản là hắn sợ – hắn nhận ra tử huyệt của quân đội mình từ bây giờ sẽ bị điểm đều đều cho đến khi cặp chân biến thành đất sét.
3. Trên chiến trường có gì?
Hôm qua có tin quân Ukraine sang sông, tiến đến tận Pishchanivka, thậm chí Poima, nhưng lại có những tin khác là họ sang rồi lại về. Thực chất việc sang sông ở khu vực này cũng là hợp lý vì phòng tuyến ở đó khá yếu và quân Nga cũng bị rút đi nhiều để hỗ trợ cho Zaporizhia. Nhưng sang để mở những chiến dịch tấn công lớn thì có vẻ không hợp lý cho lắm. Vì vậy thông tin họ đã rút về cũng rất logic.
Trong bài của mình, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW cũng mô tả về một cú vượt sông cấp đại đội của thủy quân lục chiến Ukraine, và họ được cho là đã chiếm Poima trong một đêm. Những diễn biến này còn dẫn chúng ta đến những dự đoán khác, chẳng hạn ngoài việc tổ chức trinh sát chiến đấu, nắm tình hình tuyến phòng thủ của Nga ở bờ đông sông Dnipro, thì còn có tác dụng yêu cầu Bộ chỉ huy Nga kéo thêm quân về đây, và trước mắt sẽ làm mồi cho pháo tầm xa. Nếu trong vài tuần tới diễn biến này lại có thêm vài đợt nữa thì mọi thứ sẽ lại hiện hình rõ hơn.
Bất chấp những bài báo xứ nào đó đã khua môi múa mép, giật tít rằng quân Nga chuẩn bị chiếm Kupyansk đến nơi từ cả tháng trước và nhiều nhất là từ cách đây nửa tháng, đến hôm qua những điểm dân cư có chiến sự “giành đi giật lại”… vẫn thế, so với các bản tin của Ukraine cách đây mấy tuần:
- Trong khu vực trách nhiệm của cụm tác chiến “Khortytsia” ở hướng Kupyansk, các binh sĩ Ukraine đã đẩy lùi hơn 15 cuộc tấn công của kẻ thù tại các khu định cư Sinkivka, Ivanivka, Kislivka của vùng Kharkiv, cũng như hơn 10 cuộc tấn công của kẻ thù gần Nadiya ở vùng Luhansk. (Bản tin chiến sự 6 giờ sáng nay của Bộ Tổng tham mưu Ukraine).
Còn ở Bakhmut, quân Ukraine được cho là tiến những bước chậm nhưng chắc nịch, Nga thì cố phản công đòi lại Klischivka nhưng vô vọng.
Riêng Avdiivka thì vẫn “hăng say”:
- Trong khu vực chịu trách nhiệm của cụm tác chiến chiến lược “Tavriya” theo hướng Avdiivka, kẻ thù không ngừng cố gắng bao vây Avdiivka với sự hỗ trợ của không quân. Bộ đội ta đã đẩy lùi 3 đợt tấn công của địch. Ngoài ra, các hành động tấn công của kẻ thù ở vùng Novokalynovo và Pervomaisky của vùng Donetsk đều không thành công.
Mặc dù ISW đánh giá khách quan rằng Nga đạt được một số tiến bộ trong nỗ lực bao vây Avdiivka, nhưng thông tin đáng chú ý nhất lại là về tiềm năng của chiến dịch này, tôi xin trích về đây:
“Các nguồn tin Nga ngày càng phàn nàn về điều kiện tồi tệ mà lực lượng Nga đang chiến đấu gần Avdiivka phải đối mặt. Một phóng viên Nga được cho là đang chiến đấu gần Avdiivka và là người đã trình bày một cái nhìn tổng quan lạc quan về tình hình trong những ngày đầu tiên của cuộc tấn công của Nga, tuyên bố rằng tình hình hiện tại không thay đổi và nhận xét rằng hiệu suất kém của hỏa lực phản pháo của Nga là “vấn đề số một” (và) “trên diện rộng”.
Một chủ tài khoản Telegram khác của Nga đã phóng đại ảnh chụp màn hình tin nhắn do một người lính Nga gửi gần Avdiivka, trong đó người lính này phàn nàn về điều kiện vệ sinh kém trong các chiến hào của Nga và báo cáo rằng hỏa lực của pháo binh và trực thăng Ukraine đang ngăn cản lực lượng Nga di chuyển ra khỏi chiến hào.”
Bình loạn : Tôi thì vẫn kiên trì giữ cái nhìn của mình, và nhiều lần cố thuyết phục quý vị: đừng nên nhìn vào những mét chiến trường bị Nga chiếm là nhiều, hoặc những mét quân Ukraine chiếm được là ít. Những điều đó không ý nghĩa gì cả. Bộ chỉ huy hai bên đang như hai kỳ thủ trong một ván cờ, mà Nga thì cố gắng đẩy tràn những con tốt về phía trước, trong khi Ukraine đang sử dụng những quân tháp (ta gọi là xe) giám mục (ta gọi là tượng) để đánh những đòn “lấy thế”. Tức là đánh vào tiềm năng chiến đấu lâu dài của quân Nga: tiêu diệt những “quân tốt” của Nga (bộ binh cơ giới, xe thiết giáp) bằng pháo tầm xa, và cũng pháo tầm xa ấy phản pháo tiêu diệt pháo binh của Nga và tiêu diệt nốt các kho đạn của Nga.
Với cách đánh này, trong ngắn hạn tính bằng ngày (dưới 1 – 2 tuần) Nga có thể thu được kết quả nhất định (tính bằng vài trăm mét – cây số là cùng) – trong khi khoảng cách phải vượt là 12 ki-lô-mét để khép gọng kìm – và với tốc độ như thế thì chúng (quân Nga) sẽ phải mất tháng rưỡi, hai tháng chẳng hạn và trong thời gian đó thì đã hết cả pháo binh lẫn xe tăng, và bây giờ trở đi thì có thể còn hết luôn cả máy bay.
Vì vậy dù với báo cáo đó của ISW là “Nga có tiến bộ” nhưng rõ ràng, các con số cụ thể được người Ukraine báo cáo đã nói lên rất nhiều ý nghĩa.
Thiệt hại của quân Nga tính đến 19/10/2023. Xin quý vị chú ý: Máy bay cánh cố định và trực thăng lại thêm mỗi thứ một cái nữa, đúng là đến tầm “cứ bay là rơi.” Xe tăng đã bắt đầu ít đi, số kiện hàng 200 cũng giảm một chút. Tuy vậy số lượng hệ thống pháo binh vẫn ở mức cao. Điều tương tự cũng diễn ra với xe tải.
- Xe tăng 4992 (+11)
- Xe chiến đấu bọc thép 9437 (+17)
- Hệ thống pháo 6983 (+39)
- MLRS 818 (+4)
- Hệ thống phòng không 548 (+1)
- Máy bay chiến đấu 320 (+1)
- Máy bay trực thăng 324 (+1)
- Máy bay không người lái 5318 (+17)
- Ô tô và xe bồn 9337 (+34)
- Thiết bị quân sự đặc biệt 985 (+3)
- Quân lính ~ 290680 người (+630)
• Bản tin của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine còn viết thêm:
- Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang tiến hành một chiến dịch tấn công theo hướng Melitopol. Họ đã thành công một phần ở khu vực phía tây nam của vùng Verbovoy Zaporizhzhya, gây tổn thất về nhân lực và trang thiết bị cho quân chiếm đóng, khiến kẻ thù kiệt sức trên toàn chiến tuyến.
- Trong ngày, không quân của Lực lượng Phòng vệ đã thực hiện 15 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung nhân lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự và 3 lần vào hệ thống tên lửa phòng không của địch. Ngoài ra, lực lượng phòng thủ của chúng ta còn tiêu diệt một máy bay Su-25 của Nga và 5 máy bay không người lái trinh sát tác chiến – chiến thuật.
- Các đơn vị của lực lượng tên lửa đã đánh trúng 2 điểm kiểm soát là tổ hợp tên lửa phòng không Tor, trạm radar Zoopark-1M và 11 khẩu pháo địch.
Đoán mò: Cách đây ba ngày sau khi post bài review chiến sự, bác NTT có hỏi tôi về nhận định sao, quân Ukraine sẽ tấn công ở đâu khi cơ hội đến. Thú thật là trả lời về một điều như vậy rất khó, nhưng chẳng hiểu sao tôi có linh cảm rất mạnh về… thành phố Donetsk. Sau khi chiến dịch Avdiivka của Nga thất bại, có thể có diễn biến lớn ở mặt trận xung quanh thành phố này.
PHÚC LAI 19.10.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.