samedi 28 octobre 2023

Nguyễn Minh Lê - Như thế nào là du lịch hạng sang?

 

Luxury truyền thống và hiện đại

Du lịch luxury thường được hiểu theo những khái niệm: giá cao (expensive), quý hiếm (rarity), đặc quyền dành riêng (exclusive), thế giá (status), danh vọng uy tín (prestigious), phục vụ đặc biệt (indulgence). Tôi gọi đây là những khái niệm về luxury truyền thống, tạm dịch là hạng sang.

Còn du lịch luxury hiện đại thoát thai từ luxury truyền thống để tạo ra một phân khúc khác, mang yếu tố tinh thần nhiều hơn, với những khái niệm: trải nghiệm (experiences), tính nguyên bản chơn thật (authenticity), giá trị đạo đức (ethics) và tính bền vững (sustainability).

Thoát thai nhưng không đoạn tuyệt, luxury hiện đại vẫn vay mượn vài đặc điểm của luxury truyền thống. Vay mượn đặc điểm nào, vay nhiều hay vay ít… rồi trộn lẫn với những yếu tố luxury hiện đại, trộn nhiều hay ít, gia giảm thế nào lại tùy theo xu hướng. Có điều chắc chắn, du lịch luxury ngày nay không còn xem tiêu chí “hạng sang” là những yếu tố cần nhấn mạnh – Cần thiết nhưng không quan trọng.

Chỉ có điểm chung giữa luxury tourism truyền thống và hiện đại, đó là giá cao, nếu không thì đã không còn gì là… “luxury”. Vì vậy khái niệm “luxury” trong ngành du lịch ngày nay thật khó định nghĩa chính xác trong vài từ ngắn ngủi, và cũng không biết dịch sang tiếng Việt thế nào, đành giữ nguyên là “luxury” theo nguyên bản, để chỉ du lịch luxury hiện đại.

Hiện nay Luxury tourism đang trở thành môn học trong ngành du lịch, thậm chí có đại học còn đưa ra chương trình đào tạo Master chuyên ngành Luxury tourism. Tuy nhiên, tính học thuật (academic) trong các tài liệu giảng dạy vẫn còn thiếu sót nhiều, chủ yếu là góp nhặt những bài khảo cứu từ giới nghiên cứu. Du lịch luxury cần thời gian để định hình và hoàn thiện.

Chinh phục khách xuề xòa

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều khách cần tiếp xúc đời thật (real life contact). Tôi kể ra đây câu chuyện về một du khách người Việt, mà tôi đã giới thiệu anh đến nghỉ ở resort khuất nẻo trên núi ở Ubud (Bali), mà tôi nghĩ là phù hợp với anh.

Phong cảnh nơi đây thua xa Đà Lạt và Hà Giang. Còn anh bạn là một doanh nhân thành đạt, đi hội nghị, hội thảo, tiệc tùng, khách sạn 5 sao ở nước ngoài là chuyện thường. Bước ra khỏi môi trường kinh doanh, anh lại là người xuề xòa, không ưa khách sáo, thích ngồi café, quán nhậu vỉa hè, ăn mì gõ, và cũng là dân ghiền đọc sách, văn học cổ điển, triết học… Người như thế, nghe đến “luxury” là ớn rồi! Tôi thuyết phục, anh đồng ý với điều kiện, chỉ ở một đêm, nếu thích, sẽ tính sau.

Kết quả, anh ở hai đêm và gửi tin nhắn cho tôi từ Bali, “Đáng đồng tiền!”.

Vài tháng sau gặp lại, tôi hỏi anh vì sao lại đáng đồng tiền. Anh kể:

“Tiện nghi khách sạn cũng thường thôi, chưa phải đẳng cấp cao nhất. Buổi chiều, tôi đi lững thững, ngắm mấy ngọn núi thấp lè tè (cười khẩy), kiếm chỗ ngồi đọc sách. Chợt thấy mấy xe điện chở khách gần sảnh tiếp tân. Tôi hỏi, tôi có thể lái xe chạy lòng vòng được không. Bác tài rất vui vẻ, Yes Sir. Nhưng tôi không biết lái xe hơi – No problem, nói rồi nhảy lên ngồi cạnh tôi hướng dẫn. Cứ thế tôi chở bác tài đi lòng vòng mọi ngóc ngách trong resort. Đến cổng ra vào, tôi nhảy xuống xe, Thank you Sir. Bác tài cũng cười rất hài hước, đáp lại.

Rồi tôi thả bộ ra cánh đồng gần resort, ngồi bệt bên bờ ruộng đọc sách, ngắm vợ chồng anh nông dân đang trồng lúa. Lát sau, vợ chồng lên bờ, nhìn tôi cười, gật đầu chào. Thế là tôi bắt chuyện.”

 – Anh biết tiếng Indo? - Tôi ngắt lời anh

 “Không, tụi tôi trò chuyện bằng tay. Tôi hỏi nhà ở đâu, anh nông dân chỉ vào chiếc xe gắn máy cũ xì gần đó, rồi chỉ về phía mấy mái nhà xa xa, giơ 5 ngón tay –  5 phút lái xe. Hiểu hết mà! Tôi tưởng tôi đang ở miệt Đồng Tháp, chứ không phải trên núi đảo Bali.

Buổi tối ăn ở nhà hàng của khách sạn, tôi gọi món babi guling. Cô phục vụ, sorry không có. Tôi đành gọi món khác nhưng làu bàu, dọc đường từ phi trường đến đây, tôi đã ăn món đó. Ngon hơn món thịt quay ở nước tôi. Nghe thế, cô gái mắt sáng rỡ lên, món đó là đặc sản của quê tôi. Quê cô ở đâu? – Ở Ubud, Bali, ngay gần đây.  Cô dọn món cho tôi, thỉnh thoảng vãn khách cô lại đến bàn tôi, kể cách làm babi guling với vẻ tự hào. Rồi thêm nhiều món ăn khác ở làng cô nữa, lại còn hỏi ngược lại, quê ông có món gần giống thế không. Cứ chạy bàn, rảnh lại ghé qua tôi kể tiếp. Tôi không biết ai là khách, ai là phục vụ. Thiệt vui, tôi uống tới mấy lon bia. Cứ như mình đang ở quán heo hút nào đó ở miền Tây, hỏi bà chủ cách làm món ăn”.

Luxury gắn liền với nguyên bản và chơn thật

Du lịch luxury không đánh giá khách hàng qua bề ngoài. Khách cuốc bộ, cỡi xe đạp hay đi limousine đều nhận được sự ân cần, kính trọng như nhau. Nhân viên của luxury tourism chuyên nghiệp biết, một khách hàng xuề xòa có thể khách giàu nhất và tiềm năng nhất của khách sạn.

Tôi đã từng vài lần đến đánh giá (inspect) resort ở Bali này nên biết rõ triết lý kinh doanh của họ. Ở miệt quê này, nông dân vẫn cấy lúa sát resort sang trọng. Chủ đầu tư không lấn đất, không bài trí giả tạo, mà trân trọng cảnh quan, văn hóa và phương tiện mưu sinh lâu đời của dân bản địa. Thậm chí, còn ưu tiên tuyển người địa phương và kiên nhẫn đào tạo họ để vào làm tại resort. Dân làng niềm nở, chân thành mà tự trọng đón du khách. Họ gửi con cái đi làm ở luxury resort với niềm vui được chia sẻ và bảo tồn văn hóa, truyền thống của mình.

Khách sạn ở Bali này đã trân trọng sự nguyên bản – tính cá nhân hóa – sự chân thực, và phục vụ theo đúng phong cách du lịch luxury “hàng thiệt”. Giá phòng ở đây không rẻ, khoảng 1.000 usd /đêm, không kể phí đưa đón từ sân bay.

Chính sự trân trọng này đã chinh phục được ông bạn xuề xòa nhưng khó tính của tôi.

NGUYỄN MINH LÊ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.