dimanche 29 octobre 2023

Bông Lau - Thị trấn Cheo Reo tỉnh Phú Bổn

 

Nếu không có cuộc di tản đẫm máu của Quân Đoàn 2 vào tháng Ba năm 1975 thì rất ít người biết địa danh Cheo Reo – Phú Bổn nằm ở đâu.

Hôm nay tình cờ thấy lại những tấm hình xưa của phần đất quê hương heo hút lặng lẽ ở thập niên 60 và 70. Thấy được cuộc sống đơn sơ mộc mạc của đồng bào thiểu số ở đó.

Trong khung cảnh núi rừng còn có căn chòi lợp bằng tranh của Linh mục người Pháp tên Jacques Dournes. Ông sống ở đó với một con chó để làm bạn. Có lẽ sứ mạng của ông là mang đức tin Thiên Chúa đến vùng đất hoang vu này.

Cheo Reo – Phú Bổn hiền hòa lặng lẽ bỗng dậy sóng trong cuộc tổng công kích của Bắc quân vào mùa xuân 1975.

Theo cuốn sách “Black April” (Tháng Tư Đen) thì Quân Đoàn 2 của Tướng Phạm Văn Phú được lịnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có ba ngày chuẩn bị rút khỏi vùng cao để về miền duyên hải. Một sứ mạng bất khả thi để di chuyển hàng trăm ngàn binh lính, dân chúng, chiến cụ v.v...trong vòng ba ngày.

Tướng Phú cho trực thăng bay thị sát, tìm được con đường 7B đã bỏ hoang từ lâu và nhiều đoạn đường cầu cống đã hư không sử dụng được. Máy bay trực thăng Chinook được lịnh câu vật liệu để sửa chữa cầu cho cuộc lui binh bí mật. Con đường này đi qua Cheo Reo – Phú Bổn và đã trở thành con đường máu và nước mắt.

Cuộc lui binh giữ được trật tự và bí mật trong thời gian đầu. Nhưng sau đó Việt Cộng phát hiện Quân Đoàn 2 đang di chuyển trên con đường 7B này. Hà Nội đe dọa sẽ cách chức Tướng Việt Cộng ở mặt trận này nếu để Quân Đoàn 2 của Việt Nam Cộng Hòa thoát được, nên Bắc quân chạy nước rút để phục kích đoàn quân dân miền Nam đang di tản.

Công tác làm cầu lại bị chậm trễ, đoàn quân dân di tản bị ứ đọng kẹt cứng trên con đường 7B. Việt Cộng đuổi kịp và bắt đầu pháo kích vào đoàn người chạy loạn. Người chết như rạ. Các Liên đoàn Biệt động quân và Thiết giáp đi đoạn cuối bảo vệ, chống trả anh dũng và bị đánh tan hàng. Chỉ có khoảng 1/3 hay 1/2  quân dân miền cao đi đoạn đầu về tới được Tuy Hòa và Nha Trang.

Trong cuốn sách “Trên Vòm Trời Lửa Đạn”, nhà văn phi công UH1 Vĩnh Hiếu kể ông phải bỏ tiền túi để mua bánh mì bay trên con đường máu này, thả bánh mì xuống cho đồng bào của mình và đáp bốc người di tản mang về Tuy Hòa. Ông kể có một ma-sơ mặc áo dòng tu từ chối lên máy bay trực thăng, nhường cho những người di tản khốn khổ khác. Khi trực thăng bốc lên, phi công Vĩnh Hiếu thấy ma-sơ vẫn đứng đó im lặng.

Nếu có dịp sẽ đi thăm con đường này và thị trấn Cheo Reo, nơi máu nước mắt và sự hy sinh đã tưới lên phần đất bất hạnh này.

BÔNG LAU 29.10.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.