lundi 11 septembre 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 11/09/2023

1. Chuyến thăm chóng vánh của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Hà Nội có liên quan gì với cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine không?

Sau đây tôi xin điểm một số tin tức:

Reuters : “Mỹ và Việt Nam ký kết quan hệ đối tác lịch sử trong chuyến thăm của Biden, nhưng vẫn để mắt tới Trung Quốc”

- Mối quan hệ lâu dài của Việt Nam với Nga phải đối mặt với những thử thách về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả các cuộc đàm phán với Mátxcơva về một thỏa thuận cung cấp vũ khí mới có thể gây ra các lệnh trừng phạt của Mỹ. Reuters đã xem các tài liệu mô tả các cuộc đàm phán về một khoản tín dụng mà Nga sẽ cấp cho Việt Nam để mua vũ khí hạng nặng, bao gồm tên lửa chống hạm, máy bay và trực thăng chống ngầm, hệ thống tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu.

Một trong số đó, một lá thư do Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi vào tháng 5 tới chính phủ Nga, thể hiện sự quan tâm đến thỏa thuận mới có thể có. Một sĩ quan quân đội Việt Nam đã xác nhận tính xác thực của bức thư và cuộc đàm phán về một khoản tín dụng mới trị giá 8 tỉ USD để mua vũ khí hạng nặng.

CNN : “Ở Việt Nam, không chỉ Trung Quốc mới có ảnh hưởng mà Biden đang cạnh tranh. Khi ông đến, có tin cho rằng Hà Nội đang chuẩn bị bí mật mua vũ khí từ Nga, nhà cung cấp vũ khí lâu năm cho Hà Nội. Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết hôm thứ Hai, Biden có kế hoạch công bố các bước giúp Việt Nam đa dạng hóa, thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào vũ khí của Nga.”

CNBC : “Mỹ, Việt Nam nâng cấp quan hệ khi Biden đến thăm để phòng ngừa Trung Quốc”

- Sau khi trích dẫn thông tin của Reuter trên đây, CNBC cho biết thêm: “Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận về các tài liệu này, điều này cho thấy Mátxcơva đã thúc đẩy trong nhiều tháng để đạt được một thỏa thuận cho vay nhằm bỏ qua các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Mátxcơva. Hà Nội cũng đang đàm phán tương tự với nhiều nhà cung cấp vũ khí, trong đó có Hoa Kỳ. Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã tham gia một số cuộc họp quốc phòng cấp cao với các quan chức hàng đầu của Nga.

Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia chính của Hoa Kỳ, nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật rằng việc nâng cấp sẽ bao gồm khía cạnh an ninh, khi đang trên máy bay cùng Biden tới Việt Nam từ hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 ở Ấn Độ. Ông cho biết không có thỏa thuận vũ khí nào để công bố trong giai đoạn này nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ và các đối tác có thể đề nghị giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp quân sự mà không cần đến Nga, một đề nghị mà ông cho biết Việt Nam sẵn sàng chấp nhận. Điều đó sẽ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc quân sự vào Mátxcơva, “một mối quan hệ mà chúng tôi cho rằng họ ngày càng khó chịu”, Finer nói.”

• The Hindu.com: “Biden mở đầu chuyến thăm Việt Nam bằng cách nói rằng hai nước là 'đối tác quan trọng' vào 'thời điểm quan trọng'”

- Finer cũng giải quyết các báo cáo rằng Việt Nam đang theo đuổi thỏa thuận mua vũ khí từ Nga, ngay cả khi nước này đang tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với Hoa Kỳ. Finer thừa nhận mối quan hệ quân sự lâu dài của Việt Nam với Nga và cho biết Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác có quan hệ tương tự với Nga để cố gắng hạn chế sự tương tác của họ với một quốc gia mà Hoa Kỳ cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và vi phạm luật pháp quốc tế với hành động gây hấn ở Ukraine.

Bình loạn : Như vậy nhiều báo đều khẳng định “có nội dung liên quan đến cuộc chiến tranh Nga – Ukraine trong chuyến thăm của ông Biden tới Việt Nam lần này.” Theo ông Jon Finer thì “không có thỏa thuận vũ khí nào để công bố trong giai đoạn này” nhưng còn có hai ý quan trọng nữa: (1) Mỹ và các đối tác có thể đề nghị giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp quân sự mà không cần đến Nga và (2) một mối quan hệ (phụ thuộc vũ khí Nga – PL) mà chúng tôi cho rằng họ (người Việt Nam) ngày càng khó chịu.

Hơn thế nữa, ông Finer còn cho rằng đề nghị (cung cấp vũ khí đó) “Việt Nam sẵn sàng chấp nhận”.

Vì vậy theo nhìn nhận của tôi, đề nghị của thủ tướng Phạm Minh Chính với phía Nga về việc vẫn tiếp tục tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí, nhất là vũ khí hạng nặng, có thể đánh giá là một nước cờ khá khôn khéo, vì một số lý do:

- Thứ nhất, thời điểm tháng Năm 2023, đã có những thông tin về chuyến thăm của ông Biden đến Việt Nam nhưng chưa chắc chắn, vì thế chẳng ai khẳng định được câu chuyện “nâng cấp quan hệ chiến lược” có thành sự thật hay không nữa.

- Thứ hai, thời điểm đó là cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đi qua được 15 tháng, những thể hiện của hệ vũ khí Xô-viết trên chiến trường cho thấy chúng không tệ, bằng chứng là phía Ukraine vẫn sử dụng rất tốt cùng thứ vũ khí như của Nga, nhưng với cách đánh mới, cách tiếp cận mới. Điểm yếu của vũ khí Nga đầu tiên phải nói rằng, nó nằm ở hệ thống quản trị, không phải ở vũ khí. Đó cũng là bài học cho Việt Nam nói chung, quân đội Việt Nam nói riêng để có một thay đổi nào đó khắc phục những điểm yếu hiện nay. Thậm chí, phải có một học thuyết chiến tranh mới.

- Thứ ba, thời điểm đó là cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đi qua được 15 tháng, những thể hiện của hệ vũ khí Nga trên chiến trường cho thấy chúng quá tệ: những thứ được coi là tốt, đều của Liên Xô ngày xưa và những thứ Nga mới phát triển, công nghệ lõi đặc biệt là điện tử và điều khiển, phụ thuộc công nghệ phương Tây.

Vì vậy, việc Việt Nam tìm kiếm lợi ích trong quan hệ cung cấp vũ khí từ Nga, có thể có những tính toán nhất định:

- Thứ nhất, chưa biết bao giờ thì thỏa thuận gói tín dụng 8 tỉ đô-la đó mới đi đến trận chung kết, nên bàn thảo – đặt vấn đề thì vẫn cứ nên làm.

- Thứ hai, là có đến được chung kết, thì cũng chưa biết Nga có thể thực hiện được các gói cung cấp hay không, hay trong điều kiện bị cấm vận và trừng phạt thì họ chỉ có thể cung cấp được những vũ khí với những tiêu chuẩn của thời Liên Xô mà nếu như vậy thì… tốt quá. Bây giờ thì chúng ta có thể khẳng định là hàng hóa thời Liên Xô tốt hơn thời Nga hiện đại nhiều. Chỉ cần cung cấp được xe tăng T-72 thôi mà tốt như hồi Liên Xô làm trong những năm 1970 – 1980 và ta về nâng cấp bằng “nội lực sáng tạo, sức mạnh trí tuệ Việt Nam” thì quá tốt.

- Thứ ba, những thể hiện bạc nhược của quân đội Nga trên chiến trường, những thể hiện rõ ràng của Hoa Kỳ là sẽ hỗ trợ Ukraine đánh đến chiến thắng thì thôi, và những rối ren trong chính trường Nga, lãnh đạo Việt Nam không thể không nhận thấy và đến giờ phút này không ai dám dự báo về tương lai của nước Nga sau chiến tranh. Vì vậy nếu cả hai điểm trên đây có thành sự thật, và nếu nước Nga tan rã hoặc suy yếu bằng nội chiến, bạo loạn… việc tìm ra một thực thể chủ nợ của khoản 8 tỉ đô-la đó cũng… còn khướt. Vậy thì… ngu gì không nhận?

Một trong những điểm quan trọng nhất của “quan hệ chiến lược” chính là quan hệ hợp tác quân sự. Chúng ta cũng cần nhớ, Việt Nam là nước dẫn đầu trong phong trào không liên kết, nghĩa là không tham gia liên minh quân sự, không liên minh với nước này để thi hành chiến tranh chống nước khác, vì vậy trong trường hợp có xung đột quân sự Việt Nam sẽ không nhờ ai bảo vệ cả, mà sẽ tự mình bảo vệ mình.

Với thái độ hung hăng của Trung Quốc gần đây, nước này đã nổi lên thành “kẻ thù giả định” trong tất cả các kịch bản xung đột trong khu vực. Do vậy ngay cả Việt Nam, dù có quan hệ với Trung Quốc trong khía cạnh quan hệ hai Đảng cầm quyền, thì vẫn cần phải giả định kịch bản đó. Từ sau 1975 đến nay, Việt Nam không có hợp tác với Trung Quốc về quân sự từ góc độ mua bán vũ khí, mà Việt Nam tập trung vào nguồn Nga là chủ yếu và một số nguồn khác. Đây là một thuận lợi cho Việt Nam chuyển sang “hệ Mỹ” mà chẳng vương vấn gì với Trung Quốc cả.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc của người Ukraine đã cho thấy, vấn đề không chỉ nằm ở vũ khí, mà còn là sự hỗ trợ toàn diện về tin tình báo, hệ thống điều khiển tác chiến có sự tham gia của các vệ tinh quân sự… Đó là những thứ Việt Nam ta vừa thiếu lại vừa yếu, thậm chí có thể nói là chưa có gì đáng kể trong tay.

Vì vậy tôi đồng ý với giáo sư Carlyle Thayer: bây giờ hoặc không bao giờ. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã cho Hà Nội câu trả lời rõ ràng là đã đến lúc phải đoạn tuyệt với nhà cung cấp vũ khí là Nga. Còn việc tiếp tục ca ngợi Nga như người bạn thủy chung son sắt thế này thế khác, Hoa Kỳ họ chẳng quan tâm đâu, chúng ta cứ ca ngợi thoải mái.

2. Tiếp câu chuyện Elon Musk, Budanov đã nhận xét về vụ việc ‘Starlink ở Crimea’ như sau:

“Tôi không chắc Elon Musk đã vận hành (hệ thống) bằng mấy nút bấm kỳ diệu nào đó” – Budanov về việc dừng hoạt động Starlink ở Crimea trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh “Chiến lược Châu Âu Yalta.”

Người đứng đầu Cục Tình báo Chính xác nhận rằng các hệ thống này đã không hoạt động trong một thời gian, nhưng hiện tại toàn bộ hệ thống ở tiền tuyến đang hoạt động.

“Việc hệ thống Starlink không hoạt động trong một thời gian nhất định ở Crimea, tôi hoàn toàn có thể xác nhận điều này, bởi vì chúng tôi cũng đã sử dụng một số thiết bị ở đó. Đơn giản là, chúng tôi ngay lập tức nhận ra rằng không có tin tức gì ở đó... Hệ thống này đã chứng tỏ chúng hoạt động khá tốt ở mặt trận. Có thể phải làm nhiều điều nữa để nói rằng chúng tốt hay tồi, nhưng sự thật là – hiện nay toàn bộ tiền tuyến đang hệ thống đó đang làm việc” – ông nói.

Bình loạn : Musk làm mình làm mẩy tí thôi.

3. Một số netizen nước ngoài đã bắt đầu nói đùa rằng nên để người Ukraine huấn luyện binh lính NATO thay vì hiện nay, chuyên gia phương Tây huấn luyện người Ukraine.

Cho đến nay, không có xe tăng nào ở NATO từng chiến đấu với xe tăng Nga hoặc tấn công thành công các công sự của Nga. Không có lính pháo binh Anh nào giành chiến thắng trong cuộc đấu tay đôi với pháo binh Nga, không có bộ binh hạng nhẹ Đức nào tấn công thành công các vị trí của Nga vào ban đêm, không có nhóm cơ giới nào của Mỹ sống sót sau cuộc tấn công dữ dội vào phòng tuyến nhiều lớp của Nga; không có vị trí của Pháp từng trụ vững trước một đợt tấn công của nhóm chiến thuật tiểu đoàn Nga, và chưa có người lính Ý nào phải sống sót qua một ngày khi bị máy bay không người lái tự sát của Nga truy lùng không ngừng nghỉ.

Quân đội Ukraine đã làm tất cả những việc đó và hiện nay họ có hàng nghìn sĩ quan dày dạn kinh nghiệm. Quân đội Ukraine đã hoạt động rất tốt khi xét đến nhiều điều kiện mà họ đang chiến đấu.

Khi phương Tây bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine, đã có rất nhiều ý kiến tô hồng, thổi phồng các tính năng của chúng và có xu hướng cho rằng vũ khí của hệ Xô-viết là thứ vứt đi. Điều này không hoàn toàn đúng. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vũ khí từ phía Tây gửi cho Ukraine không phù hợp, thậm chí không dùng được, như xe tăng M-55 quà của Slovenia chẳng hạn. Ngay cả các thứ xe tăng như Leopard hay Challenger cũng không phải là gì đó vượt trội – điều này hoàn toàn không đúng. Chẳng hạn nếu quay về với Chiến tranh thế giới thứ hai, xe tăng M4A2 “Sherman III” của Mỹ thua xa xe tăng T-34 về độ ổn định vì nó cao lênh khênh và dễ lật, trong khi điều kiện chiến đấu cho kíp lái thì hơn nhiều… Vì vậy Liên Xô vẫn ưu tiên T-34 hơn và chỉ nhận của Mỹ có hơn 4.000 xe tăng loại này.

Theo tôi, cách tiếp cận ban đầu không sai khi cho rằng “sử dụng vũ khí phương Tây phải học cách đánh phương Tây”, nhưng thực tế phũ phàng đã chứng minh, đánh nhau với quân đội Nga hoàn toàn khác đánh nhau với quân đội Iraq, Taliban… Các tin tức thực tế đã cho thấy là các chỉ huy Ukraine được tiếp cận với chương trình huấn luyện, chiến thuật và trang thiết bị của NATO nhưng có tính đến kinh nghiệm chiến đấu của chính họ với quân Nga. Khi họ chọn không sử dụng cách đánh của Tây là vì họ cho rằng nó không phải là cách tốt nhất cho tình huống mà họ đang gặp phải.

Lý do binh lính Ukraine được huấn luyện ở các nước phương Tây là vì những căn cứ này rất khó bị tên lửa tầm xa hoặc máy bay không người lái của Nga ném bom chứ không phải vì những người huấn luyện này là những người lính vượt trội so với quân Ukraine. Chúng ta vẫn còn nhớ vụ bắn tên lửa của Nga vào căn cứ huấn luyện ở Lviv hồi đầu chiến tranh.

Tôi đảm bảo với quý vị rằng sau cuộc chiến này, một số cựu chiến binh Ukraine sẽ có mặt để làm hướng dẫn viên ở các nước NATO trong thời gian dài. Vì tại sao người không có kinh nghiệm lại phải đào tạo những người có kinh nghiệm?

4. Đảng của Putox giành chiến thắng trong các cuộc thăm dò gây tranh cãi ở các khu vực bị sáp nhập Ukraine: Truyền thông nhà nước của Nga cho biết Đảng Nước Nga Thống nhất của Putox đã giành được hơn 70% số phiếu bầu ở các vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá như Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson.

Nga đã kết thúc các cuộc bầu cử khu vực và thành phố bị lên án rộng rãi, bao gồm cả bốn khu vực phía đông sáp nhập từ Ukraine, mang lại sự ủng hộ mạnh mẽ cho Putox. Các cuộc bầu cử kéo dài một tuần, kết thúc vào Chủ nhật (hôm qua 10/9), diễn ra trong bối cảnh bị chỉ trích về việc gian lận phiếu bầu và nỗ lực đòi lại lãnh thổ của Ukraine.

Bình loạn : Tởm.

5. Đoán mò năm ngoái đã thành sự thật.

Ngày 02/06/2022, tôi có viết mục 4 cho bản thảo sách: TẠI SAO NGA CHẮC CHẮN SẼ THUA VÀ ĐÃ THUA – PHẦN 4: “Thua ở chính thếmạnh của mình”.

Trong bài đó tôi có viết: “Vậy thì tại sao lại nói Nga trong cái cuộc chiến tranh Ukraine 2022 đáng nguyền rủa này, lại thua về mặt pháo binh? Có nhiều cách nhìn nhận, ví dụ nếu hai bên đấu pháo với nhau bên này cứ khai hỏa là bị phản pháo tiêu diệt, thì là thua. Nhưng cũng có thể xem xét ở các khía cạnh khác, ví dụ như anh sử dụng ào ạt một cách hung hăng nhưng lãng phí và không gây ra hiệu quả cần thiết, thì cũng là thua.”

Đến thời điểm hiện tại, tức là sau đó khoảng 15 tháng thì mọi chuyện đã đúng như hình dung. Bây giờ chúng ta hãy đến với các milblogger Nga: chúng đang hoảng loạn.

Tuyên truyền viên của Kremlin viết: Pháo binh Ukraine đang thắng, súng của Nga bị hạ – rất nhiều. “… các cuộc tấn công bằng những cuộc oanh tạc tàn khốc, biến súng cối, pháo và hệ thống pháo phản lực của quân đội Nga thành sắt vụn… Người Ukraina dù phải chịu tổn thất nhưng ngoan cố tiếp tục lăn lộn trên chiến trường… một số trong đó là người của chúng ta… Nhưng các vị trí của Nga đã bị đạn pháo phá hủy đến mức mất hoàn toàn chức năng.”

Các blogger quân sự ủng hộ điện Kremlin còn tuyên bố rằng pháo binh Ukraine đang xé nát quân đội Nga thành từng mảnh và tình trạng này là không thể tha thứ được. Một tên mô tả tình hình là “khủng khiếp” hay “địa ngục.”

Các blogger quân sự Nga viết, chính những loại vũ khí vượt trội về mặt kỹ thuật và công nghệ mà các xạ thủ Ukraine đang sử dụng đã mang lại cho họ lợi thế trên chiến trường và cho phép họ tiếp tục giảm số lượng súng cối, pháo và hệ thống pháo phản lực của quân đội Nga thành phế liệu mà gần như chẳng hề hấn gì.

“Phóng viên chiến trường” người Nga Vladimir Rogov, người hăng hái nhất trong ủng hộ điện Kremlin kể từ ngày 24 tháng 2, cho biết việc quân đội Nga mất ngôi làng Robotyne gần đây nhất, một mặt trận quan trọng về mặt chiến thuật phía nam, là do một sự thật khó chịu rằng quân đội Nga – ít nhất là vào thời điểm hiện tại – không phải là đối thủ của quân đội Ukraine được trang bị pháo binh vượt trội.

“Vấn đề chính là phản pháo. Ở đây, địch có vị trí tốt hơn, trang bị hiện đại và tầm bắn xa hơn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cường độ pháo kích (cả hai bên đều có khả năng này) trong một trận chiến… Tình hình các kho đạn bị bắn phá cũng cực kỳ nghiêm trọng."

Nhà bình luận quân sự Aleksandr Khodakovsky, một người ủng hộ quyết liệt việc Nga xâm chiếm Ukraine, nói rằng các cuộc phản công thành công gần đây của Ukraine ở một khu vực phía nam khác gần thị trấn Velyka Novosilka, được bắt đầu bằng các cuộc tấn công bằng các cuộc oanh tạc tàn khốc bắn từ ngoài tầm bắn của pháo binh Nga.

“Bên phía địch có hỏa lực pháo binh rất dày đặc – quân ta đáp trả nhưng tầm bắn không cho phép chúng ta tiếp cận các vị trí bắn của địch. Kẻ thù (người Ukraine) bị tổn thất về nhân lực và trang thiết bị, nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục lăn lộn. Một số vị trí của chúng ta đã bị đạn pháo phá hủy đến mức mất hoàn toàn chức năng.”

Thiếu tướng Ukraine Serhiy Bogdanov trong cuộc phỏng vấn ngày 31 tháng 8 với Đài phát thanh Ukrainska Pravda cho biết, điểm yếu đã không còn nữa và pháo binh Lực lượng vũ trang Ukraine đã “đạt ngang hàng” với pháo binh Nga trong trận chiến phản pháo nhờ trang bị và chiến thuật tốt hơn. Điều này giúp chúng ta có thể tiêu diệt hoặc làm hư hỏng súng của địch, đồng thời đẩy pháo binh của địch ra xa tiền tuyến vào sâu, ngăn cản chúng tham gia phản công chống lại pháo binh của chúng ta và cũng ảnh hưởng đến bộ binh của chúng ta.”

Đi đến kết quả ngày hôm nay đầu tiên chúng ta không được quên những nỗ lực của người Ukraine khi dùng cùng hệ thống pháo binh với Nga, nhưng thua kém nhiều lần vế số lượng (như ở trận đánh chiếm / bảo vệ Sievierodonetsk và Lysychansk, pháo Nga gấp 10 lần của Ukraine về số lượng và khả năng tạo hỏa lực). Vậy mà họ vẫn tạo ra những trận đánh xe tăng ở ngoại ô Kyiv, vẫn lặng lẽ phản pháo thành công – thật đúng là chiến thuật du kích bằng pháo binh, sau chiến tranh chắc chắn sẽ phải viết thành sách.

Đến khi tôi viết bài trên vừa dẫn, HIMARS chưa thực sự ra trận, mới có ít cỗ pháo M-777. Ấy thế mà đến nay sau hơn 1 năm nữa, việc pháo binh Nga trượt dần về con số Zero là có thật. Hiện nay, tương quan giữa pháo thời Liên Xô do quân đội Nga sử dụng có tầm bắn từ 24 – 28 ki-lô-mét, trong khi pháo tiêu chuẩn của NATO trang bị cho lực lượng vũ trang Ukraine có tầm bắn hiệu quả từ 30 – 40 ki-lô-mét.

Báo cáo về nỗ lực phục hồi sản xuất đạn pháo của Nga cho thấy nước này có thể tăng công suất sản xuất đạn pháo, như dự đoán của phương Tây ban đầu cho rằng có thể đạt 5 triệu đạn pháo với súng cối một năm. Tuy nhiên, sản lượng hiện nay cho thấy vẫn không đủ cho cuộc chiến tranh của họ ở Ukraine. Một quan chức phương Tây giấu tên dự đoán khả năng sản xuất của Nga là 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm trong những năm tới. Các nhóm phân tích phương Tây cũng đã tính toán được số lượng đạn pháo Nga đã sử dụng từ khi bắt đầu chiến dịch Quân sự đặc biệt đến hết năm 2022: trong 332 ngày chúng đã bắn trung bình 30.000 đến 35.000 quả đạn pháo và súng cối một ngày. Do vậy trong thời gian đó chúng đã bắn tối thiểu 10 đến tối đang 11 triệu quả đạn pháo.

Có một câu hỏi đặt ra cho tôi: con số 2 triệu quả đạn pháo và súng cối 1 năm, có đáng tin cậy không? Tôi đã trả lời rằng: tôi không biết. Tôi chỉ biết một con số do một cậu dư luận viên trước chiến tranh viết ở diễn đàn nào đó: năng lực sản xuất của Nga là 5000 quả đạn pháo và súng cối 1 ngày, nhưng không cho biết đó là sản xuất bình thường hay 3 ca hết công suất và chạy 24/7. Tuy nhiên với con số 1 năm là 5.000 x 360 (ngày) = 1.800.000 đạn, thì 5.000 quả 1 ngày là năng lực sản xuất 3 ca cũng là hợp lý.

6. Thừa thắng xông lên, tôi đoán mò tiếp

“NGƯỜI NGA THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT PHÒNG THỦ TRƯỚC ĐE DỌA CỦA UKRAINE”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington đánh giá chiến dịch tấn công của Ukraine và cho rằng, Nga đã thay đổi cách tiếp cận trong việc hình thành cơ cấu chỉ huy sau sự thành công của cuộc phản công của Ukraine.

Báo cáo viết: “Các lực lượng Nga được cho là đã thực hiện những thay đổi đáng chú ý đối với hệ thống chỉ huy và kiểm soát (C2) của họ ở Ukraine để bảo vệ hạ tầng chỉ huy và cải thiện việc chia sẻ thông tin, mặc dù việc triển khai lực lượng của Nga có thể vẫn làm trầm trọng thêm các vấn đề về phối hợp theo chiều ngang.”

Các lực lượng Nga cũng đã di chuyển sở chỉ huy ra khỏi tầm hoạt động của hầu hết các hệ thống tấn công của Ukraine và đặt các sở chỉ huy tiền phương sâu hơn dưới lòng đất và phía sau các vị trí được phòng thủ nghiêm ngặt. Các chuyên gia của ISW cũng cho biết quân xâm lược Nga phải đối mặt với vấn đề về đạn pháo.

Báo cáo cho biết: “Những hạn chế về pháo binh của Nga ở Ukraine được cho là đang thúc đẩy quân đội Nga tăng tốc những nỗ lực (trong kế hoạch dài hơi) nhằm thực hiện học thuyết hỏa lực ưu tiên độ chính xác hơn số lượng.”

Bình luận về báo cáo này, blogger Randy Mott viết về chiến thuật của quân Ukraine: Người Ukraina chọn lấy một mục tiêu quan trọng và sau đó “củng cố” nó. Giải thích cho điều này: người Ukraine đào sâu về hướng mục tiêu và chuẩn bị cho một cuộc phản công theo cách người Nga vẫn phản ứng. Quân Nga phản công sau đó bị bao phủ bởi hỏa lực chính xác của đạn pháo và bom chùm, do vậy những vị trí mới này để chiếm lại rất khó và nó thường trở thành những “cối xay thịt nhỏ” tiêu hao nhân lực quân Nga.

Điểm yếu của quân Nga trong việc tổ chức nhanh chóng và phối hợp các cuộc tấn công trong các nhiệm vụ phản công – như thời gian qua là ở Zaporizhia bị phía Ukraine khai thác triệt để. Cách đánh này cũng cho phép người Ukraine gây ra tỉ lệ thương vong cao cho người Nga ngay cả khi những nhà phân tích nghĩ rằng họ đang tấn công – nhẽ ra phải thiệt hại rất nhiều về nhân lực.

Chiến lược “tấn công mà vẫn tiêu hao được quân Nga” đang diễn ra, giúp giảm thương vong cho quân Ukraine nhưng cũng làm suy yếu đáng kể quân Nga trong mỗi đòn tấn công tiếp theo. Việc Nga cạn kiệt quân đội và trang thiết bị còn nghiêm trọng hơn việc mất tiền trong kinh tế, vì những mất mát đó là không thể bù đắp được.

Ấy thế mà vẫn có những ý kiến cho rằng, Nga còn hy vọng thắng, tất nhiên trong số đó có nhiều người Nga, ví dụ có một thằng cũng tầm sinh trong thập niên 1970, phục vụ trong lực lượng dù Nga khoảng 1995 đến 1999, họ là Korolev nó tin chắc nếu kéo được đến mùa hè sang năm, thì Nga sẽ thắng. Tuy nhiên khi được hỏi thắng bằng gì thì nó không trả lời được. Tôi thì bảo nó: thằng bằng cái mũi mày ấy (to win through your nose).

Cá nhân tôi thì cho rằng, chẳng có cơ hội nào cho Putox cả. Bọn quân đội Nga này đã đạt đến đỉnh điểm sức mạnh tấn công vào khoảng cuối tháng Ba năm 2022 – điều này tôi đã viết vài lần. Kể từ đó, họ không thể tiến hành các hoạt động tấn công. Đến đây mọi người sẽ hỏi tôi hai câu:

- Thế Sievierodonetsk và Lysychansk thì sao? Đó không phải là tấn công, đó là dùng pháo bắn nát thành phố để quân Ukraine chán không giữ nữa và phải rút. Tất nhiên không phải cách này không gây tác hại: nó gây ra cho quân Ukraine dù đã rất khôn khéo tránh né, nhưng vẫn thiệt hại nhiều về nhân lực. 

- Thế còn Bakhmut thì sao? Đó cũng không phải là tấn công. Lâu lâu rồi, cụ KVC có viết nhận xét về Wagner có viết đại khái là Wagner là lực lượng tấn công tốt nhất của lực lượng vũ trang Nga (cái này đúng, thật trớ trêu) và Prigozhin là tướng tài của Nga, hắn đã thể hiện được nghệ thuật quân sự… Điều này không đúng lắm – chiến thuật của Wagner dưới sự chỉ huy trực tiếp của Prigozhin là dùng các làn sóng người, cũng là một dạng biển người nhưng độ “sóng to gió lớn” thì không bằng, và cũng phải dựa trên hỏa lực pháo binh kinh khủng của quân đội Nga.

Bakhmut KHÔNG CÓ Ý NGHĨA VỀ QUÂN SỰ và chính người Ukraine đã chọn giữ vững thị xã này mặc dù phía sau lưng họ có các công sự phòng thủ tốt hơn, chúng rất chắc chắn và ở vị trí trên cao xung quanh Bakhmut. Vì đặc điểm này mà hồi chúng ta theo dõi tình hình Bakhmut, tôi đã viết “Dù khi quân Nga chiếm được thị xã, thì sau đó chúng cũng chẳng đi đâu được.” Lực lượng vũ trang Ukraine chọn phương án giữ Bakhmut vì trận đánh đang đưa lại mức độ thương vong của Nga cao gấp bảy đến chín lần so với thương vong của Ukraine và gần đây, các thông tin bổ sung cho biết rằng trong một số trận chiến bảo vệ Bakhmut, có ngày tỉ lệ đó lên tới 30:1 (90 người / 3). Còn bây giờ việc Nga mất Bakhmut trở lại vào tay người Ukraine chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hồi đó tôi còn khẳng định: quân Nga sẽ không bao giờ chiếm được Bakhmut. Nếu tính vùng ngoại ô của nó, thì điều này chắc chắn đúng; nhưng nó cũng đúng luôn với vùng nội đô: có ít nhất một khu phố đến nhiều là nửa phường phía tây nam thị xã, Nga chưa bao giờ chiếm được và quân Ukraine dùng đây là bàn đạp cho hoạt động phản công sau này.

Về chiến lược, phải nói chính xác rằng từ tháng Tư năm 2022 người Ukraine đã giành được thế chủ động. Từ thời điểm đó, lực lượng vũ trang Ukraine chứ không phải quân Nga quyết định thời gian và địa điểm các hoạt động trong tương lai diễn ra. Việc quân Nga tiến hành các hoạt động “được cho là” tấn công như Sievierodonetsk và Lysychansk sau đó là Bakhmut, là những mục tiêu tất yếu và ai cũng đoán được, đồng thời còn có điều thú vị hơn nữa là với quân Nga thì đó là những hành động không thực hiện không được, nếu không thực hiện thì sẽ bị người ta tấn công trở lại. Vì vậy nếu cho tôi gọi bằng điều gì đó cho chính xác, thì từ tháng Tư 2022, ngay cả “tấn công của người Nga cũng là tấn công bị động.”

Còn năm nay, khi Surovikin xua lũ lính của mình đi đào và bố trí một hệ thống phòng ngự khổng lồ với đủ thứ mìn, răng rồng, lô cốt bê tông, hầm trú ẩn, chiến hào chống tăng, hố súng cối, chiến hào bộ binh… chúng đã công bố cho toàn thế giới rằng chúng không chỉ biết mình đang thua mà còn biết rõ rằng chúng sẽ không bao giờ có thể tiếp tục tấn công nữa.

- Lại thêm câu hỏi thứ ba: Thế ở Kupyansk thì sao? Báo cáo ngày hôm qua, 10/09/2023 của ISW viết: “Các nguồn tin của Nga cho biết vào ngày 9 tháng 9 rằng các lực lượng Nga đã tiến hành các hoạt động tấn công gần Synkivka (cách Kupyansk 9 km về phía đông bắc), Petropavlivka (7 km về phía đông). của Kupyansk), và theo hướng Kyslivka (cách Kupyansk 20km về phía đông nam). Một miblogger người Nga tuyên bố rằng lực lượng Nga đã tiến hành các hoạt động tấn công gần Novoyehorivka (cách Svatove 16km về phía tây nam) và theo hướng Serebryanka (cách Kreminna 14km về phía tây nam). Các nguồn tin của Nga cho biết lực lượng Nga và Ukraine đã giao tranh gần Novoselivske (cách Svatove 15 km về phía tây bắc), Karmazynivka (cách Svatove 13 km về phía tây nam) và trong khu rừng phía tây Kreminna. Đoạn phim định vị địa lý được công bố vào ngày 6 tháng 9 cho thấy lực lượng Nga đã tiến về phía nam Kreminna vào khoảng tháng 8.”

Còn trên bản đồ thì các đồng chí phân tích của ISW vẫn vẽ Nga chiếm được một dải đất mỏng dính. Điều này cho thấy câu của bác KOL nào đó trước đây hỏi: “Ai phản công ai?” và dẫn ra rằng quân Nga tập trung ở đây 100.000 quân (bây giờ thì các nguồn xác định 110.000 quân) để phản công, đúng nghĩa là “hỏi móc” và không thiện chí cho lắm. Mười vạn quân hay hai mươi vạn, không quan trọng bằng sức mạnh tấn công của chúng có còn không.

Tuần trước, còn có một tin mà tôi không điểm nó vào bài viết: theo một đoạn video do Bộ Nội vụ Ukraine đăng trên Telegram ngày 07/09, binh sĩ Ukraine đã giương cao quốc kỳ Ukraine tại các làng StroyivkaTopoli, tỉnh Kharkiv. Có đôi điều được làm rõ: thứ nhất, hai làng này không phải mới được giải phóng mà do quân Ukraine chiếm được từ chiến dịch mùa thu năm ngoái, nhưng do nó quá nhiều mìn nên bây giờ mới dọn xong. Thứ hai, những người lính tiến vào là đơn vị “Biên giới thép” của lực lượng biên phòng Ukraine (ảnh). Hai làng chỉ cách biên giới quốc gia Ukraine với Nga 500 mét (Stroyivka) và nằm ngay trên biên giới (Topoli) được giao cho Biên phòng tiếp quản (không còn là lực lượng của Bộ quốc phòng nữa, cho thấy biên giới đã có dấu hiệu yên ắng và có những yếu tố cho phép nhận định quân Nga ở bắc huyện Kupyansk thuộc khu vực Belgorod ít có khả năng tổ chức tấn công sang.


• Nga đang ở trong một tình thế bế tắc tuyệt đối không thể thoát ra được:

- Thứ nhất, vấn đề của Nga là ở quản trị, từ quản trị xã hội đến quản trị quân đội, đều cực kỳ yếu kém và vì yếu kém nó mới nhiều kẽ hở cho tham nhũng. Ai chứ Ukraine người ta quá rõ điều đó, (vì người ta cũng chết khổ vì chính những vấn đề tương tự). Tuy nhiên trong chiến tranh thì một bên cố giải quyết nhưng chưa hết, một bên thì không thể giải quyết được. Người Ukraine đang khai thác điểm yếu này của Nga. Các thông tin bắn vào kho hậu cần và trung tâm hậu cần theo nhận định của tôi, đó chỉ là kết quả thôi, chứ họ (người Ukraine) có toàn bộ thông tin của hoạt động vận tải quân sự: (1) Hacker thường xuyên hack thông tin, gần như hàng ngày (2) Tay trong báo cho tình báo Ukraine và (3) Tất cả được kiểm tra thông qua hệ thống vệ tinh quân sự Hoa Kỳ để xác minh tin thật tin giả. Do vậy người ta lựa chọn được mục tiêu và cách đánh.

- Thứ hai: Chúng (quân Nga) chỉ có khoảng một phần ba quân số cần thiết để bố trí trên phòng tuyến dài gần 1000 ki-lô-mét của mình. Chưa hết, với các cuộc tấn công đổ bộ của biệt kích Ukraine lên bán đảo Crimea, người Ukraine đã cộng thêm 2000 ki-lô-mét nữa vào ranh giới mà quân Nga phải bảo vệ. Vậy Nga sẽ cần thêm bao nhiêu quân, bao nhiêu thiết bị, vũ khí, khí tài? Và để nuôi cái bộ máy đó, chúng sẽ cần bao nhiêu bộ quân phục, suất ăn dã chiến, đạn dược thế nào, bao nhiêu đạn pháo và bao nhiêu cái xe tải?

Nhân tiện, xin bổ sung hôm trước tôi viết về hy vọng của bọn hiếu chiến Nga trong quan hệ quân sự tương hỗ với Bắc Triều Tiên: vậy thì Putox sẽ trả cho thằng cháu Ủn bao nhiêu tiền cho vụ này nhỉ? Thời nay, làm gì có anh mời ông khác đánh nhau cùng với mình bằng nước bọt? Chẳng hạn Ủn cử 100.000 lính, thì cũng là 100.000 cái mồm ăn cơm, ngoài đạn dược “bắn đến đâu Putox trả tiền đến đấy” thì còn tiền trả cho đất nước người ta nữa chứ.

• Về tình hình của quân đội Nga, tình báo Anh vừa có báo cáo: “Lính Nga đối mặt vấn đề tinh thần, kỷ luật, thường xuyên không được trả lương.” Cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, ngoài tình trạng mệt mỏi khi chiến đấu và thương vong cao, quân đội Nga có thể đang gặp phải “những vấn đề nghiêm trọng khi không được trả tiền thưởng chiến đấu.”

- Trong quân đội Nga, thu nhập của quân nhân bao gồm mức lương cơ bản khiêm tốn, được tăng thêm bằng nhiều loại tiền thưởng và phụ cấp phức tạp. Ở Ukraine, rất có thể đã xảy ra vấn đề khá nghiêm trọng với việc không trả tiền thưởng chiến đấu. Điều này có lẽ là do bộ máy quan liêu quân sự kém hiệu quả, tình trạng pháp lý không bình thường của “chiến dịch quân sự đặc biệt”, và ít nhất là một số tham nhũng rõ ràng trong số các chỉ huy.

- Quân đội Nga liên tục không cung cấp các quyền lợi cơ bản cho quân đội được triển khai ở Ukraine, bao gồm quân phục, vũ khí và khẩu phần ăn phù hợp cũng như tiền lương. Điều này gần như chắc chắn đã tiếp tục góp phần vào xuống cấp tinh thần của phần lớn lực lượng chiến đấu.

Bình loạn : Đến đây tôi thiển nghĩ, không cần phải hỏi cái thằng Nga kia xem quân đội của nó sẽ thắng bằng cái gì nữa rồi. Chắc quân đội của nó sẽ dùng xẻng cuốc chiến đấu chống xe tăng. 

Nhưng, lại có nhiều ý kiến sẽ dẫn đến việc mọi người hiểu rằng quân Ukraine đang hết thời gian – chẳng hạn như ông Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với BBC. Ông nói: “Các hoạt động tấn công tích cực của quân đội Ukraina rất có thể sẽ tiếp tục trong 30-45 ngày nữa và sau đó sẽ dừng lại do điều kiện thời tiết. Các trận đánh ác liệt vẫn đang diễn ra. Quân Ukraine đang chiến đấu và tiến lên liên tục. Vẫn còn một khoảng thời gian nữa, khoảng 30 – 45 ngày, phù hợp với thời tiết nên quân Ukraine chưa kết thúc. Các trận chiến vẫn chưa kết thúc. Các lực lượng của Ukraine vẫn chưa hoàn thành giai đoạn chiến đấu như kế hoạch của họ.”

Điều này cần phải hiểu hết sức đúng và tỉnh táo – vì nhiều ý kiến đều cho thấy các tính toán hướng đến mùa bùn lầy ratsputitsa sẽ diễn ra vào giữa tháng Mười ở tỉnh Zaporizhia. Đến khi đó thì chẳng có lực lượng cơ giới bên nào có thể cơ động được cả. Tuy vậy, nếu xét kỹ cách tấn công của người Ukraine hiện nay thì họ có lạm dụng xe tăng – thiết giáp hạng nặng đâu mà lo? Hiện nay tất cả mọi chuyện đang đổ dồn lên pháo binh kia mà?

Đoán mò : Vì thế, trên mặt trận phía nam từ nay đến mùa bùn, quân Ukraine có thể sẽ tiến đến ngoại vi Tokmak – phương án tồi nhất, chiếm Tokmak – phương án vừa vừa và tiến thêm một đoạn xa nữa tiếp cận Melitopol – phương án tốt nhất rồi dừng chờ bùn lầy qua đi. Mùa bùn như thế mà bắn phá Tokmak – Melitopol thì quân Nga sẽ chính thức chết đói.

Tin chưa kiểm chứng: cầu Kerch phần đường sắt mới bị tên lửa của ai đó bắn trúng, cháy nổ to lắm. Giao thông đã ngừng trệ. Phần đường bộ thấy bảo 15/09 này thông xe sau sửa chữa, chẳng biết có ảnh hưởng gì không.

PHÚC LAI 11.09.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.