mardi 12 septembre 2023

Phó Đức An - Bước lên sân khấu mới

 

Một con người trong cuộc đời của mình ấn định sai về lý tưởng cuộc đời, trên đường đời lại chọn nhầm bạn đồng hành, luẩn quẩn mãi cũng chẳng làm nên trò trống gì, cứ như bị lạc trong đại ngàn. 

Rồi một hôm anh ta quyết định thay đổi hướng đi, tìm lại người bạn tốt, mặc mẹ nó mèo trắng mèo đen, miễn là bắt được chuột, con cái thì đói meo, sớm mà kiếm cơm cho chúng nó ăn, lý tưởng gì cũng hão huyền. Anh ta đã làm đúng, con cái reo mừng hớn hở.

Tiền nhân đã nói rồi: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, nghĩa là “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu”, câu nói thấm thía và sâu sắc làm sao. Lão là một nông hộ, lý giải một cách thô thiển để các nông hộ hiểu ra ý nghĩa sự kiện lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ xẩy ra trong hai ngày qua. Nói vậy đã đủ, nhẽ ra chấm hết. Nhưng có quá nhiều tin nhắn của các “học giả” và “học thật” bạn lão yêu cầu lão nói tường tận hơn, đọc cho vỡ mọi nhẽ. Thôi thì các bạn kiên nhẫn đọc thêm vậy.

Trước khi Biden đến Việt Nam, báo chí Trung Quốc có đưa ra bình luận, nhưng đều là những lời bình luận mang tính chất hậm hực, ức chế, bĩu môi chê trách. Tất nhiên lão đọc và cảm nhận ra chứ họ không thể nói thẳng thừng, không thể chửi ra miệng, dù sao cũng giữ thể diện trên trường quốc tế như cái mà họ thường nhắc Mỹ “tôn trọng nhau, không chọc ngoáy vào công việc nội bộ của nhau…”.

Với trí tưởng tượng của lão thì thằng bạn bốn tốt nói mà như có cục “tức” nghẹn ở cổ, lồng ngực chứa đầy “ức” khí. Lão chỉ dẫn dắt một đoạn của một bài báo chính thức để các bạn đọc cho vui. Đoạn này theo lão giải mã tâm lý của họ thì muốn nói bóng nói gió rằng “Hay ho éo gì đâu, giết chóc lẫn nhau, giờ lại ve vãn nhau. Bọn này mặt dầy thật, quên hết nỗi hận thù dân tộc…nghĩ mà chán…”. Nguyên văn đoạn báo ấy như sau:

“出发访问前在白宫,拜登向 81 岁的退役陆军上尉拉里·泰勒颁发了美国军方最高奖项荣誉勋章,拉里·泰勒是1968年越南战争时期“眼镜蛇”攻击直升机的驾驶员。泰勒冒着炮火、燃料耗尽、无视驾驶两座直升机返回基地的命令,坚持不懈,拯救了被大约100名越南战士包围的4名美国士兵的生命。拜登在颁奖典礼上说道,泰勒的行为“改写了四个家庭子孙后代的命运”。先称颂美国国内越战英雄,然后又去访问“历史敌人”越南…”

Dịch rằng:

“Trước khi lên đường thăm hỏi (Việt Nam), tại Nhà Trắng, Biden đã trao Huân chương Danh dự, giải thưởng cao quý nhất của quân đội Hoa Kỳ, cho Đại úy quân đội đã nghỉ hưu Larry Taylor, 81 tuổi, một phi công lái trực thăng tấn công Cobra (Cobra helicopter) trong Chiến tranh Việt Nam năm 1968. Taylor đã bất chấp súng đạn, hết nhiên liệu và phớt lờ mệnh lệnh quay về căn cứ trên chiếc trực thăng hai chỗ, Taylor vẫn kiên trì và cứu được mạng sống của 4 lính Mỹ đang bị khoảng 100 lính Việt Cộng bao vây. Biden phát biểu tại lễ trao giải rằng hành động của Taylor "đã viết lại số phận các thế hệ mai sau của 4 gia đình ". Trước hết, Biden ca ngợi những anh hùng trong Chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau đó lại đi thăm “kẻ thù lịch sử” - Việt Nam.”

Nghe có vẻ ấm ức, trớ trêu cho cái lão già Biden. Nhưng tiền nhân cũng đã nói rồi “Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”, việc gì diễn ra cứ diễn, tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm lợi ích thì ta cứ làm.

Đối tác chiến lược toàn diện là cấp độ cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trước đây Việt Nam chỉ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Khi bác Trọng gặp Biden tại thủ đô Hà Nội hôm Chủ nhật (10/09), bác tuyên bố mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được nâng lên mức cao nhất. Chính thức nâng cấp từ quan hệ đối tác toàn diện lên “đối tác chiến lược toàn diện”.

Hoan hô bác Trọng! Thằng nào còn nói “Trọng lú” lão sẽ ném c*t vào mặt…kkk. Bác rất sáng suốt, rất dũng cảm, như một cây thông già nhưng vẫn dẻo dai trụ được trên vách núi trước phong ba bão táp từ phía Bắc. Bác đã để lại một di sản, một cột mốc vô cùng quý giá cho con cháu vững bước tiến lên.

Để thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt của mình, các nước thường hình thành quan hệ đối tác chiến lược với các nước khác dựa trên lợi ích và vị thế của mình trong hệ thống quốc tế. Nội hàm của mối quan hệ này đại khái bao gồm ba khía cạnh: thứ nhất, hai nước phải là đối tác chứ không phải đối thủ, thứ hai, mối quan hệ hợp tác này dựa trên tình hình chiến lược tổng thể, không phải cục bộ, mang tính lâu dài chứ không phải là một kế sách tạm thời; thứ ba, mối quan hệ đối tác chiến lược này mang tính xây dựng hơn là bài trừ. Đây là mối quan hệ hợp tác không phải là liên minh hay đối địch.

Cái gọi là "chiến lược toàn diện" dùng để chỉ "kế hoạch tổng thể và chỉ đạo toàn diện của đất nước cho cuộc chiến tổng thể. Nó được xác định dựa trên tình hình quốc tế và trong nước cũng như các yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ, địa lý và các yếu tố khác.

Các vấn đề chiến lược giải quyết bao gồm: Phân tích, nhận định sự xuất hiện, diễn biến, đặc điểm, quy luật chiến tranh, xác định nguyên tắc, nhiệm vụ, phương hướng và hình thức chiến đấu, xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang, sản xuất vũ khí, thiết bị và vật tư quân sự, phát triển, dự trữ và sử dụng các nguồn lực chiến lược, sử dụng cơ sở kỹ thuật quốc phòng, xây dựng hậu phương chiến lược, huy động nguồn lực cho chiến tranh và quan tâm đến mối quan hệ giữa tất cả các khía cạnh và giai đoạn của cuộc chiến nói chung. Nói tóm lại là đề cập đến những kế hoạch lớn, tổng thể hoặc mang tính quyết định.”

Biden khẳng định rằng ông không muốn “kiềm chế” Trung Quốc nhưng cáo buộc chính phủ Trung Quốc “bắt đầu thay đổi một số luật chơi trong quan hệ quốc tế”.

Biden mô tả Việt Nam là một người bạn, đối tác đáng tin cậy và một quốc gia có trách nhiệm. Ông chỉ ra rằng Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các công nghệ mới nổi, chuỗi cung ứng quan trọng và chất bán dẫn, cũng như tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước về khí hậu và nhân quyền. Ông nói: "Chúng ta có những cơ hội rất lớn. Vào thời điểm rất quan trọng này, Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng. Tôi nói thế không phải vì lịch sự, mà tôi nghĩ như vậy từ tận đáy lòng mình".

Đối với Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ có ý nghĩa rất lớn. Mặc dù Việt Nam rất cẩn thận để không bị coi là chọn bên đứng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam cũng như Hoa Kỳ đều lo ngại về thái độ hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Ngoài Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam rõ ràng cũng đang tìm kiếm sự cân bằng giữa Mỹ và Nga. Tờ New York Times đưa tin, trích dẫn tài liệu của Bộ Tài chính Việt Nam, rằng khi Hoa Kỳ và Việt Nam tìm cách tăng cường quan hệ, Việt Nam đã bí mật thảo luận với Nga và có kế hoạch mua vũ khí của Nga thông qua liên doanh dầu khí Nga-Việt ở Xibêri.

Việc mở rộng nguồn vũ khí của Việt Nam là một trong những mục đích chuyến thăm của Biden. Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jon Feiner hôm Chủ nhật đã chỉ ra trên máy bay cùng Biden tới Việt Nam rằng lĩnh vực an ninh cũng thuộc cấp độ hợp tác của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam. Ông cho rằng, chưa có thỏa thuận vũ khí nào được công bố giữa hai nước trong giai đoạn này, nhưng Hoa Kỳ và các đối tác có thể giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Trong những năm gần đây, các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động đến nền kinh tế thế giới, Hoa Kỳ mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc nên tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại với Việt Nam. Feiner tiết lộ rằng Biden dự kiến ​​sẽ công bố mối quan hệ hợp tác mới với Việt Nam trong lĩnh vực chất bán dẫn và đất hiếm trong chuyến đi của ông.

Cùng đến Việt Nam với Biden có một phái đoàn doanh nghiệp, bao gồm đại diện của các công ty công nghệ bán dẫn và kỹ thuật số như Intel (GlobalFoundries), Google... Họ đã cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp gỡ các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ Việt Nam tại Hà Nội hôm thứ Hai (11/09). Trước đó có thông tin cho rằng Biden sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực khoa học và công nghệ, đồng thời quảng bá Việt Nam như một điểm đến thân thiện của Hoa Kỳ ở nước ngoài.

Ông Jake Sullivan Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết về sự nâng cấp quan hệ Việt Mỹ rằng: “Điều này phản ánh vai trò quan trọng và chủ đạo của Việt Nam trong mạng lưới quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang mở rộng của chúng tôi”. Ông cũng cho biết cả hai nước đã nỗ lực vượt qua “di sản đau thương” của cuộc chiến đã dẫn đến cái chết hàng triệu người Việt Nam và 58.000 quân nhân Mỹ.

Việt Nam có quyền thiết lập mối quan hệ chiến lược toàn diện với những quốc gia mà Việt Nam coi là quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của mình. Và đây là thời điểm tốt nhất tránh được phản ứng éo le đến từ Trung Quốc trước khi quan hệ Trung - Mỹ tồi tệ hơn.

Trung Quốc cũng từng phản đối chọn bên đứng và tán thành quan hệ đa phương, nên Việt Nam tăng cường mối quan hệ với Mỹ là hợp tình hợp lý. Việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với một đối tác quan trọng như vậy sẽ là một bước đi thông minh đối với Việt Nam. Thứ nhất, hợp tác với Hoa Kỳ có thể tăng cường sức mạnh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Thứ hai, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc), nhưng quan trọng hơn Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Từ góc độ chế ngự Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể chú trọng nâng cấp quan hệ với Việt Nam hơn là sự suy luận của một số người. Việc nâng cấp này với Việt Nam có cả ý nghĩa biểu tượng và thực tiễn phục vụ nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm phục hồi nền kinh tế đang gặp khó khăn và tăng cường niềm tin của công chúng vào chính sách đối ngoại của nhà nước. Từ cân bằng địa chính trị đến các sáng kiến ​​đa dạng hóa kinh tế, do vậy rất xứng đáng để chúng ta sải một bước dài.

Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Trường Cao đẳng Lực lượng Quốc phòng Úc thuộc Đại học New South Wales, cho biết Việt Nam đã khéo léo cân bằng quan hệ giữa các cường quốc, nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ “chủ yếu là kinh tế và công nghệ”.

Việt Nam và Hoa Kỳ không thành lập một “liên minh chống Trung Quốc” và Việt Nam không cùng Hoa Kỳ có những bước đi đe dọa đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, cũng như Việt Nam trước sau không tạo ấn tượng rằng Việt Nam đang liên minh với Trung Quốc. Việc nâng cấp quan hệ với Washington hôm nay cũng không gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của Việt Nam, mối quan hệ được nâng cấp này không đe dọa đến nhà nước độc đảng, đặc biệt khi Washington bày tỏ sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị hiện có của Việt Nam.”

Riêng lão, thú vị nhất là Hoa Kỳ mở rộng cửa các trường đại học của Mỹ hoan nghênh sinh viên Việt Nam đến Mỹ du học, thậm chí mở các phân trường tại Việt Nam trong khi Hoa Kỳ đã dè dặt hạn chế sinh viên Trung Quốc du học đến Mỹ. Hãy nắm bắt cơ hội này, lên một kế hoạch toàn diện tổng thể để đào tạo nhân tài cho đất nước, cho tương lai sau này.

Nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện với Mỹ như được tham gia một yến tiệc linh đình của thằng nhà giàu. Với cái dạ dày đã đói lâu năm của anh Dậu, nên tinh mắt chọn đúng đồ ăn mà mình tiêu hóa được. Muốn ăn thêm nên chủ động vào bếp. Phải nắm được đầu bếp của họ làm được món gì, phải yêu cầu, thậm chí năn nỉ, họ chả tiếc gì đâu. Nói cách khác phải chủ động khai thác và thu hoạch mạnh mẽ.

Lão già huyên thuyên, chém đúng chém sai mong các học giả học thật bỏ qua cho. Vui quá ca vài câu:

Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời

Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi…

Câu tiếp theo tùy các bạn hát chế cho hợp với tâm trạng của bạn.

PHÓ ĐỨC AN 12.09.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.