Nhân đọc bài của đệ Đoàn Bảo Châu có nói về một cây viết dùng con chữ của mình để nói sai sự thật. Anh viết : ”Người đọc luôn nhận ra ngay một ngòi bút uốn éo, không chính trực. Người viết sách nghĩ mình nhiều chữ rồi coi thường người đọc, để vì một lý do nào đấy rồi cho ngòi bút "ưỡn ngực", "ngoáy mông" hòng làm hoa mắt dư luận. Đặt bẫy khiến một người tiêu dùng phải vào tù, ấy vậy mà còn bênh được…”
Sự việc kể trên liên quan đến một doanh nhân nước giải khát giàu sụ vừa mới dính pháp luật. Ám chỉ của anh rất rõ ràng, nội dung tiếp theo lão không đăng tải tiếp. Lão muốn bàn về chuyện các đại gia đất Việt lần lượt xếp hàng vào khám, tại sao vậy?
Theo lão đánh giá, đại gia Việt có một nét tương đồng. Giàu lên đều “cao cao tại thượng”, tự mình tách ra khỏi quần chúng. Nhưng quên câu “uống nước nhớ nguồn”, quên rằng sự giàu có hôm nay của mình là đến từ quần chúng. Phải biết trân trọng từng người tiêu dùng, tuyệt đối không thể có một bộ mặt vênh váo nhìn đời.
Lão nói vậy bởi thường nhìn thấy ánh mắt của họ quá kiêu kỳ tự đắc, cái mà lão luôn cấm kỵ và luôn coi thường. Một bộ mặt như vậy, có bầy ra một bàn sơn hào hải vị mời lão đến nhậu thì lão cũng xin khất. Lão thà ngồi dưới chiếu rách ăn bát cơm rau muống quả cà với một nông hộ mồ hôi nhễ nhại, thong dong, vui vẻ, tràn trề tình cảm hơn. Một phần lão chẳng thiếu tiền chén một bữa như vậy, một phần lão ghét cái thói khoe đẳng cấp từ những tay bạo phát.
Đành rằng sự phất lên nhanh chóng ở cái xứ này một phần cũng lỗi tại cơ chế. Ngay từ đầu các vị đã lơ là, thực ra là không có kinh nghiệm và thực tiễn nên mắt nhắm mắt mở để những tay có tài có gan nắm bắt cơ hội phất lên nhanh chóng. Phần nữa là những tay bạo phát coi tiền như giấy lại tống tiền đút lót để tiếp tục làm giàu với khe hở của pháp luật, vậy mới sinh ra tham quan, phè phỡn ăn chơi hưởng thụ cùng các tư bản mới phất. Đã giàu lại ham muốn giàu hơn, vơ vét nhiều hơn, bất chấp thủ đoạn, nghĩ rằng có tiền mua tiên cũng được.
Thường thì trọc phú bất chấp đạo đức, thêm vào to gan, có tiền, có quan hệ, tưởng rằng cứ thế phi con ngựa bạch thẳng tiến lên đỉnh núi giàu sang phú quý. Họ quên rằng trên đầu họ còn có một sức mạnh quyền lực hơn sẽ phán xét những việc họ làm. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt. Kẻ tham lam cuối cùng sẽ phải trả giá cho việc làm của mình.
Nói về cái tham mà dẫn đến cái chết, lão ấn tượng với một bài học hồi tiểu học. Một cậu bé suốt ngày than vãn sự nghèo khổ cầu mong thần tiên cho mình cơ hội có tiền. Rồi một ngày, Bụt thương tình hiện ra nói với cậu ta : ”Ta cho con cơ hội có tiền, bây giờ con hãy cưỡi lên mình Phượng hoàng, nó sẽ đưa con đến một cái hang chứa châu báu vàng bạc. Con chỉ nên lấy đủ cho mình, đừng tham lam”. Bụt giơ tay vẫy, một con Phượng hoàng bay tới đậu xuống đất đưa cậu bé đến một cái hang động.
Bước vào hang, cậu bé chói mắt bởi vàng bạc châu báu xếp từng đống tràn ngập. Cậu ta lao vào nhặt, ban đầu nhặt vài thỏi vàng định quay ra, nhưng lập tức cơn tham nổi lên, cậu ôm cả một cái bình bằng vàng nặng gần bằng người cậu khó nhọc lôi ra leo lên trên lưng Phượng hoàng. Phượng hoàng vất vả vỗ cánh bay đi, chỉ một quãng thì thấy đôi cánh đập rất nặng nề bởi trên lưng nó thêm một cái bình vàng quá tải. Phượng hoàng cố bay, cố bay, nhưng bay đến giữa biển khơi thì gặp gió, sức gió cản đôi cánh khiến nó đảo nghiêng cánh và cậu bé cùng chiếc bình vàng không may bị rơi xuống biển sâu.
Ông bà ta nói : ”Tham thì thâm” là vậy. Nhiều tiền quá mức để làm gì? Chết không đem được đi, cho con cái cũng nên vừa phải để chúng còn học biết chịu khó chịu khổ phấn đấu. Ăn được bao nhiêu, uống được bao nhiêu, trong thời nay ai ai cũng sợ bệnh, mà bệnh từ cái miệng, có tiền cũng chỉ muốn đạm bạc. Ăn như hùm beo trọc phú để tiêu đời nhanh hay sao?
Khi đã nhờ vào kinh tế thị trường mà giàu lên thì nên thức tỉnh, và tự mình điều chỉnh để không dính pháp luật. Nói một cách nôm na là phải có đức. Lấy đức làm nền tảng cho kinh doanh thì sẽ không phạm pháp. Một số người đổ tại chính phủ, nói rằng nuôi béo rồi thịt. Lão cho rằng đấy là nhắm mắt đổ thừa. Anh cứ làm ăn đàng hoàng, đúng luật, đố ai tự nhiên đến bắt anh. Không có lửa sao có khói.
Hãy biết kiềm chế lòng tham, hãy biết đắm mình trong đạo lý làm người, lấy đức độ làm tiêu chuẩn, cho dù luật pháp có khe hở cũng không thèm lợi dụng. Nếu cứ thấy luật pháp sơ hở là lao vào kiếm chác giành giật cho mình thì quả là tiểu nhân. Khác gì như tiệm vàng bị tắt điện, anh lợi dụng thó ngay một nắm rồi chuồn. Vậy là không đạo đức, không đàng hoàng, trong lúc chính phủ còn non trẻ ngây ngô trong việc quản lý cũng như chính sách.
Tư Mã Quang trong cuốn Tư trị thông giám 資治通鑒 là một cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc đã viết khi phân tích về cái chết không có đức của Chí Bá: “Người có tài có đức gọi là thánh nhân, không tài không đức gọi là ngu nhân, đức trên tài gọi là quân tử, tài thắng đức gọi là tiểu nhân“.
Những kẻ bạo phát mà bị vô khám là do “tài thắng đức”, cho dù có bỏ tiền thuê những cây viết viết sách ca ngợi mình thì sách đấy chỉ đáng chùi đít. Nếu biết của cải từ dân mà ra, nên trả về chút ít cho dân, tích cực tham gia từ thiện, giúp ích cho xã hội. Bớt đi cái giọng kiêu kỳ, bớt đi bộ mặt vênh váo, bớt đi lối sống xa hoa, lấy đức răn mình làm người mẫu mực thì không bao giờ xộ khám, ăn ngon, ngủ yên.
PHÓ ĐỨC AN 12.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.