Nhà đất, tường đất, nền đất, mái rạ, hình như thứ vật liệu xây dựng cổ sơ này lại kỵ nồm, không bắt nồm.
Suốt mười mấy năm sống với thày bu trong ngôi nhà như thế ở quê (làng Trà, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Khi những gia đình “có điều kiện” ở nhà xây (hoặc có từ thời Pháp, hoặc nhà cán bộ huyện, cán bộ thành phố, chứ cán bộ xã phần đông vẫn ở nhà đất) kêu như vạc mỗi mùa nồm, thở than khổ nọ khổ kia, thì đám nhà đất vẫn khá ung dung, cứ mặc kệ.
Tường đất, nền đất không bắt nồm, hơi nước bị nó hút hết, trả vào đất. Căn nhà ba gian, thày bu tôi làm từ hồi Pháp chiếm đóng, cửa nẻo tuềnh toàng, ngoài che mưa che nắng thì chỉ phát huy được mỗi giá trị vào cữ nồm.
Nhưng mình sướng mà không biết sướng, lại cứ ngóc ngó thèm chỗ khác. Sự đời là vậy, cho tới khi tỉnh ra. Nông dân, một trăm anh thì 99 anh ao ước ở nhà xây. Một hôm, đang lúc nồm nặng, tôi có việc xuống nhà chú Ngân. Chú đi bộ đội thời đánh Pháp, sau hòa bình giải ngũ là cán bộ của thành phố, thời các ông Trần Kiên, Đoàn Duy Thành còn làm bí thư thành ủy. Chú công tác ở ban tổ chức chính quyền nên cũng được xếp hạng cán bộ có “máu mặt”. Thím Hoạch vợ chú y sĩ phụ trách trạm xá xã nên khi chú thím làm nhà được xã ưu tiên cho khu ruộng khá rộng ven đường, ngay cổng trường cấp 2.
Cán bộ thành phố nên nhà cửa cơ ngơi không thể xo xúi như nông dân. Nhà gạch 4 gian, 2 thò 2 thụt, mái ngói, nền xi măng, sân gạch rộng, nhà bếp cũng xây, bể nước to chứa chục khối, chuồng lợn chuồng gà cũng xây tuốt. Cơ ngơi chú Ngân chưa vào hạng nhất làng nhưng cả làng đều thèm thuồng ao ước. Anh Bé khều con trai cụ Hiếm có lần bảo tao chỉ mong kiếp sau có được dinh cơ như nhà ông Ngân.
Tôi vào nhà, thấy thằng Quân con chú Ngân đang bò trên nền nhà, với đống quần áo cũ làm giẻ, lau lau vắt vắt. Tường ẩm nước đọng thành giọt, nước từ mái ngói rơi xuống liên hồi. Còn nền nhà, eo ôi, như vừa bị tạt xô nước lênh láng. Nước trong không khí nồm “hạ cánh” xuống nền xi măng, không có chỗ thấm, cứ thấm giẻ vắt xong một lúc lại thành vũng. Quân vừa thở hổn hển vừa than khổ, có lúc văng tục “ịt mẹ mày nồm”.
Nói thêm chút về dinh cơ nhà chú Ngân. Nhà cửa hoành tráng vậy, đất đai vườn tược cỡ hơn 2 sào, gần 800 mét vuông, nhưng năm 1990 vợ chồng chú quyết định chuyển ra ngoài phố, đỡ vất vả đi lại, vợ chồng con cái được bên nhau mỗi ngày. Khi đó hình như có phong trào ly hương ly nông. Người ta nói với nhau “nhà giàu thôn quê không bằng ngồi lê thành phố”. Gia đình bác Trại lão thành cách mạng, anh họ mẹ tôi, chỉ bàn bạc trong một ngày, rồi chuyển hết ra phố, sau đó bán tất cả nhà cửa vườn tược. Tới khi đàn chim mỏi cánh, thấm thía cuộc sống nghèo nơi phố xá, muốn quay về thì không còn tổ nữa.
Chú Ngân gạ ông Khoái người cùng làng, bạn chiến đấu cũ, chỉ yêu cầu đổi ngang, chú lấy chiếc xe Honda đời 90 mới của ông Khoái, còn ông Khoái chịu thiệt một chút, nhận toàn bộ gia sản của chú. Nhưng, lạ kỳ, ông Khoái dứt khoát không đổi. Nhà đất vườn ao nhiều mà làm gì, chỉ tổ dọn dẹp. Mặt tiền lại càng không thích, chả kín đáo tí nào, có bao nhiêu phô phang hết cho thiên hạ thấy.
Em tôi kể, sau chú Ngân rao mãi mới bán được dinh cơ hoành tráng với giá 12 triệu đồng. Công nhận tiền hồi đó có giá. Về sau, con cái chú muốn chuộc lại lấy chỗ đi về nhưng sự đã rồi, vả lại chỉ riêng đất đó đã gần chục tỉ, khó mà chuộc. Tôi về quê, tới ngắm chỗ ấy thấy chả còn dấu tích gì của ngôi nhà ngậm nồm mà cu Quân bò xoài ra lau vắt, cũng chả còn sân gạch bể nước, thay vào đó là những nhà tầng mặt tiền không khác chi ngoài phố.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 18.04.2023
Ảnh: Dãy nhà, từ chỗ 2 mái đỏ tới chỗ mái xanh xưa vốn là cơ ngơi nhà chú Ngân.
Nguyễn Thông - Chuyện nồm (2)
Nguyễn Thông - Chuyện nồm (1)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.