mardi 18 avril 2023

Trần Quốc Quân - Bí ẩn về tiềm thức và ý thức

 

Trong phim 17 khoảnh khắc mùa xuân, một nữ tình báo Liên Xô được cài cắm hoạt động trong lòng nước Đức phát xít. Cô nói tiếng Đức như người Đức.

Nhưng khi cô chuẩn bị sinh con, các đồng chí của cô rất lo là khi lâm bồn, trong lúc đau quá cô sẽ mất ý thức để rên la bằng tiếng mẹ đẻ. Và đúng là như vậy. Cơn đau đẻ khiến cô mất kiểm soát, trong lúc nửa tỉnh nửa mê cô đã thốt lên câu "Mẹ ơi! Con đau quá" bằng tiếng Nga.

Câu chuyện trong phim trên đây không lạ, cũng chẳng ly kỳ như câu chuyện mà một người bạn tôi từng kể dưới đây:

Bạn tôi sống ở Pháp có một bà cô vừa mất tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước này, thọ 94 tuổi. Bà là người gốc Đáp Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Năm 14 tuổi bà sang Pháp. Một năm sau bà gia nhập một dòng nữ tu của Công Giáo, làm soeur cứu nhân độ thế tới tận lúc chết.

Suốt 80 năm qua, trong đó có 30 năm ở một nước châu Phi, và 50 năm ở Pháp, bà chỉ sử dụng tiếng Pháp với giáo dân, với người Pháp và thậm chí cả với họ hàng ở Pháp. Từ ngày đặt chân ra khỏi biên giới, bà không về Việt Nam lần nào. Nghĩa là bà không có cơ hội được sử dụng tiếng Việt trong suốt 80 năm qua, và tiếng Việt gần như mất hẳn trong tiềm thức của bà.

Thế mà khi bệnh nặng, biết không thể qua khỏi, bà đã gọi điện (tất nhiên bằng tiếng Pháp) báo cho cháu họ của bà chính là bạn tôi. Bạn tôi rủ thêm một người bạn nữa, cả hai khăn gói quả mướp vội ngồi tàu đi thăm bà.

Khi gặp mặt nhau, nằm trên giường bệnh dù rất yếu nhưng bà còn chút tỉnh táo. Trong lúc hỏi thăm sức khỏe của bà, người bạn của bạn tôi là người Việt Nam sang Pháp định cư chưa lâu đã nói với bà bằng tiếng Việt. Sau 80 năm quên lãng, từ trong tiềm thức, tiếng Việt trong bà bỗng sống dậy như có phép màu.

Lạ là từ đó trở đi (sau khi bạn tôi và người bạn đã về Paris), cho đến lúc chết, suốt 2 tuần nửa tỉnh nửa mê bà như không hề biết tiếng Pháp nữa mà chỉ dùng tiếng Việt với toàn người Pháp, từ nhân viên y tế tới giáo dân đến thăm, mặc cho những người xung quanh chẳng ai hiểu bà nói gì. Trong cơn mê bà còn kể các câu chuyện ngày bé từng nói với mẹ những gì, cùng những câu thường gọi mẹ của bọn trẻ ấu thơ bằng tiếng Việt. May là trong số giáo dân đến thăm bà có một người Macedonia mẹ gốc Việt biết bập bẹ tiếng Việt đã phiên dịch giúp bà và các nhân viên y tế chăm sóc bà.

Câu chuyện đời rất thật trên đây cho thấy ý nghĩa của ba từ TIẾNG MẸ ĐẺ trong tiềm thức con người thiêng liêng như thế nào nhỉ.

TRẦN QUỐC QUÂN 18.04.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.