jeudi 20 avril 2023

Hoàng Nguyên Vũ - Cái chết của nữ sinh có đủ thức tỉnh được sự lạnh lùng tàn nhẫn của các thầy cô ?

Tôi đã cố kìm nén cho đến hết chiều nay, sau kết quả buổi họp báo của trường để nắm thêm thông tin về cái chết của nữ sinh lớp 10A15, trường chuyên đại học Vinh (Nghệ An).

Trên các trang báo khá thận trọng những ngày qua, cái chính vẫn là thông tin một nữ sinh treo cổ tự vẫn. Dù gia đình em có lên tiếng trên mạng xã hội nhưng vẫn chỉ là thông tin một chiều dẫu ai cũng biết, họ không thể tự bịa đặt lý do về cái chết của con cháu họ.

Hôm nay, sau cuộc họp báo, các thông tin tôi lọc ra được là như thế này:

- Cô giáo chủ nhiệm Đặng Việt Hà đã gián tiếp thừa nhận việc nữ sinh bị một nhóm học sinh bắt nạt (đã tách em khỏi nhóm học sinh đó, nhưng lại ép em ngồi cùng nhóm này trong giờ của cô chủ nhiệm). Chẳng biết bắt ngồi cùng để làm gì? Và để giải quyết vấn đề gì từ phía cô giáo này. Nhưng kết quả cuối cùng, nữ sinh không học nổi và sự ức chế tăng thêm.

- Cô giáo đã hành xử trên cả mức lạnh lùng (nữ sinh nhắn tin hỏi mẫu giấy chuyển lớp - chắc chắn là hỏi khéo nhắc về việc chuyển lớp – khi vấn đề của nữ sinh đã quá trầm trọng – cô giáo chỉ trả lời “không biết").

-  Cô giáo rất vô trách nhiệm (phụ huynh đã báo vấn đề này cho cô nhiều lần, cô chỉ nhận thông tin cho có và lấy các lý do của mình để không giải quyết). Cảm giác như, cô chỉ dạy chữ cho xong, còn một số vấn đề của nữ sinh liên quan đến môi trường học tập, cứ như không phải là trách nhiệm của cô.

-  Thầy hiệu trưởng nhà trường đưa ra các nguyên tắc không chuyển lớp cho nữ sinh. Các nguyên tắc ấy chỉ dựa trên thành tích học tập cũng như sự cố định của chương trình (Vâng, lại là thành tích và nguyên tắc).

Không có bất cứ một nguyên tắc nào dành cho sự lắng nghe và thấu hiểu, cũng chẳng có một nguyên tắc nào vì sự an nguy của học sinh.

Nhà trường đã quá cứng nhắc, quá lạnh lùng, thậm chí là quá tàn nhẫn, khi áp dụng các nguyên tắc mang tính chất hành chính, mệnh lệnh và kỷ luật. Thay vì cần phải nới lỏng các nguyên tắc ấy ra, để trái tim và trách nhiệm của nhà giáo lên tiếng bảo vệ chính học sinh của mình.

Họ đã hành động như vậy và họ đã hành xử như vậy. Chính những điều đó, đã giết chết nữ sinh.

Là một cái giá vô cùng đắt, đắt đến mức vô lý. Là một học sinh giỏi phải lấy cái chết của mình ra để chứng minh cho người lớn thấy sự cô lập và nạn bắt nạt học đường, là có thật. Thậm chí, ngay trong môi trường là trường chuyên lớp chọn, nơi sản sinh ra nhiều những “tinh hoa” tương lai.

Có lẽ, những em bắt nạt bạn này, trong hành trang đi đến tương lai làm người có ích cho xã hội như điều các em được dạy, đã có nước mắt và cái chết tức tưởi của một người bạn cùng trang lứa. Không biết, cái chết ấy có làm cho những “tinh hoa” này thức tỉnh không, hay vẫn lại là dửng dưng bình thường như khi xúm nhau bắt nạt bạn?

Là một cái giá vô cùng đắt, đắt đến mức vô lý, là một học sinh giỏi phải lấy cái chết của mình để vén cái bức màn vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm. Thiếu trái tim ấm áp con người của những người làm thầy, làm cô, vẫn đứng trên bục giảng rao giảng đạo đức và nhân danh những điều tốt đẹp.

Không biết ngày mai, ngày kia và những ngày mãi về sau, họ sẽ nói về chữ nhân, chữ đức, về trái tim con người đập vì nỗi đau người khác như thế nào, khi mà hình bóng em học sinh phải đánh mất mạng sống vì những sự thiếu thốn những điều đạo lý đó ở họ?

Có thức tỉnh được không, sự lạnh lùng vô cảm đến tàn nhẫn không, hỡi những thầy cô đã dạy nữ sinh?

Mà, chắc chắn, các vị cũng có con, phải không nhỉ?

HOÀNG NGUYÊN VŨ 18.04.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.