1. Chiến sự Bakhmut
Hôm nay tui sẽ không đi vào chuyện đánh nhau cụ thể trên chiến trường nhiều, vì thực ra câu chuyện chính chắc chắn vẫn sẽ là… Bakhmut. Tui đính kèm bài này bản đồ Bakhmut của 2 ngày trước.
Hôm kia có bác viết bài về chiến sự Ukraine khá ổn, trong đó cho rằng tui có ý kiến ở đâu đó, bảo là Ukraine sẽ rút khỏi Bakhmut sau khoảng 2 tuần nữa:
Thực tế là bác này không hiểu ý tui. Tui viết vào thời điểm đó là căn cứ vào tình hình khả năng người Ukraine sẽ phản công và bắt đầu bằng những đòn tấn công sâu vào hậu phương quân Nga đồng thời tiến hành trinh sát chiến đấu, thăm dò nếu thuận lợi thì chiếm luôn. Điều đó có nghĩa là: Bakhmut đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó, và vô tình nó chỉ là một địa chỉ vô danh đã trở thành chiến lược nhờ… công lao quái gở của Putox.
Còn ngay từ đầu, cách đây mấy tháng tui đã viết: “Riêng Bakhmut, Nga sẽ không bao giờ chiếm được” và bây giờ vẫn nhắc lại câu đó. Nếu họ chiếm được, chẳng qua là do người Ukraine rút khỏi đó để cho họ vào mà thôi, còn nếu không đồng ý thì KHÔNG BAO GIỜ VẪN LÀ KHÔNG BAO GIỜ… Và sau đó thì họ cũng chẳng đi đâu quá đó được nữa. Cho đến nay thì người Ukraine vẫn chưa có ý định để cho Nga chiếm.
Những điều trên có căn cứ từ nội bộ của quân Wagner có vấn đề, mà đã từng có lúc tui viết: chúng đang ở trong tầm ngắm của cơ quan an ninh Nga, cụ thể là FSB, và như tui biết đã có một số nhân vật bị bắt. Chính vì thế, ban đầu Prigozhin rất to mồm, nhưng sau đó thì dịu giọng vì những vấn đề lại nằm trong chính nội bộ đội quân của hắn. Cũng từ đó đánh dấu quá trình thay thế dần dần lực lượng của Wagner bằng lực lượng của quân đội, nhưng không phải là bộ binh thường, mà là VDV và gần đây là đặc nhiệm Tình báo quân đội (Spetsnatz). Wagner vẫn được tham gia nhưng đảm nhiệm phần việc giữ hai bên sườn cho mũi tấn công của đặc nhiệm.
Tui đồng ý với ý kiến cho rằng Bakhmut đã đóng một vai trò rất đặc biệt: nó xay phần lớn quân Nga cả người cả khí tài thành bùn. Có so sánh cho rằng nó hệt như… Thành cổ Quảng Trị năm 1972 – chẳng hạn có bác bảo là người Ukraine ở đây mỗi ngày cũng mất khoảng 100 quân – trong khi Nga mất đến 550 – 650 quân (chiếm 80 – 85% toàn mặt trận). Nhưng theo tui được biết thì ở Thành cổ phần lớn thiệt hại của ta là do phi pháo và B-52, còn ở Bakhmut người Ukraine thương vong do phải đấu với chiến thuật biển người của Nga. Hai chuyện khác hẳn nhau.
Kết luận: Người Ukraine có thể rút khỏi Bakhmut nhưng chắc hẳn sẽ phải “căn” đúng thời điểm họ tổ chức một số mũi tấn công quyết định của chiến dịch xuân – hè kia.
2. Vụ Pentagon Leak đã tiết lộ luôn một tin mà với Nga, đây chỉ là tin giả.
(Washington Post) Giới chỉ huy quân sự Nga đã triển khai các lực lượng đặc biệt bên cạnh các đội hình bộ binh kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện. Lực lượng này đã phải chịu những tổn thất to lớn và điều này đã làm thay đổi động lực của cuộc chiến.
Các tài liệu bị rò rỉ cho biết các chỉ huy Nga đã phụ thuộc quá mức vào các đơn vị đặc nhiệm, từ đầu cuộc chiến đã được đưa vào tham chiến như một phần của đội hình bộ binh tiền tuyến. Những đội hình đó, cũng giống như người Ukraine, đã phải hứng chịu một lượng lớn người chết và bị thương.
Thông thường, các nhân viên Spetsnaz được giao các loại nhiệm vụ bí mật có tính rủi ro cao – trong đó bao gồm cả mệnh lệnh là bắt giữ tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Lực lượng này được cho là đã trải qua những khóa huấn luyện tiên tiến nhất của quân đội Nga.
Nhưng khi Mátxcơva tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm ngoái, các chỉ huy quân sự cấp cao nước này có lẽ không tin tưởng năng lực tác chiến của các đơn vị chiến đấu thông thường của họ và đã đi chệch khỏi chuẩn mực, ra lệnh cho các lực lượng tinh nhuệ tham chiến trực tiếp. Đây là phát hiện của tình báo Mỹ và các nhà phân tích độc lập, những người đã theo dõi sát sao việc quân đội Nga triển khai Spetsnaz trên chiến trường Ukraine ra sao.
Sự suy giảm lực lượng Spetsnaz của Nga đã thay đổi động lực của cuộc chiến ngay từ đầu, dẫn đến việc hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động bí mật của Điện Kremlin. Tình báo Mỹ tin rằng những tổn thất đáng kinh ngạc mà các đơn vị này phải gánh chịu sẽ khiến chúng trở nên kém hiệu quả hơn ở Ukraine và cả các khu vực khác trên thế giới nơi quân đội Nga hoạt động.
Các đơn vị cũng xuống cấp do thiếu kinh nghiệm: theo các tài liệu của Mỹ, các lực lượng đặc biệt cần ít nhất 4 năm huấn luyện chuyên môn, vì vậy Mátxcơva có thể mất hàng thập kỷ để tái thiết các đơn vị này.
Các tài liệu không nêu rõ số lượng nhân viên lực lượng đặc biệt thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine. Tuy nhiên, họ trích dẫn các thông tin tình báo chặn được nói rằng chỉ riêng đơn vị 346 đã “thiệt hại gần như toàn bộ lữ đoàn, nay chỉ còn 125 nhân lực đang còn hoạt động được trong tổng số 900 người đã được triển khai”.
Các nhà phân tích tình báo được cho là đã theo dõi mọi đơn vị lực lượng đặc biệt đã trở về từ Ukraine về phía nam nước Nga, ngoại trừ Trung đoàn 25. Có lẽ không có dữ liệu về sự trở lại của họ do tổn thất nhân sự rất lớn, như thông tin tình báo đề xuất.
Bình loạn : Năm ngoái, cách đây cỡ một năm gì đó khi Nga vẫn đang cố đánh Mariupol, tui đã viết nhận xét: “Ngày 31/03 do quá khó khăn trong chiến đấu, phía Nga đã đưa môt nhóm lớn các sĩ quan Spetsnaz thuộc Tổng cục tình báo quân đội GRU vào chiến đấu. Kết quả là ngay trong ngày hôm đó nhóm quân này bị diệt đến 64 người. Ảnh kèm theo status này là vũ khí và giấy tờ thu được từ những sĩ quan Spetsnaz đã bỏ mạng ngày 31/03 ở Mariupol. Đỏ là hộ chiếu, hồng hồng là chứng minh thư sĩ quan.”
Sau đó có một trận Spetsnaz được sử dụng nhìn chung là… đúng mục đích: Dùng Mi-8 đổ bộ xuống Đảo Rắn để cứu những đồng đội còn sót lại, sau đó là quân Ukraine chiếm lại đảo này.
Cá nhân tui thì thấy việc “leaking” cũng muộn rồi – năm ngoái đánh ở Mariupol mà phải dùng đặc nhiệm cho thấy quân đội Nga đã cực kỳ có vấn đề, và đó là tiền đề cho thất bại chắc chắn của họ. Tất nhiên dư luận viên từ đại tá Lee Shimuo và các cháu của ông ta thì không tin điều này và chắc chắn sẽ nói: “Tin giả, tin giả hết các cháu ạ.” Chú cháu nhà lão này biết deck gì chuyện xe tăng Nga chảy dầu ướt nhè, còn quân đội thông thường của Nga thì mặc quần thủng đít ra trận. Loại quân đội đó đánh vào mũi, chẳng dùng đặc nhiệm thì gì.
Ảnh: Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz Nga tham gia diễn tập duyệt binh ở Mátxcơva năm 2021 (ảnh của Mikhail Svetlov/Getty). Năm nay thì bao nhiêu chú còn sống?
3. Đoán mò
Để trả lời câu hỏi rằng người Ukraine sẽ đánh ở đâu và như thế nào, tui xin đề nghị các bác đọc lại một chút về những diễn biến của Chiến dịch mùa thu, hay The Battle of Kharkiv tui đăng hôm 12/09 năm ngoái:
“Trong giai đoạn “phase 2,5” lãnh đạo Ukraine đã ngấm ngầm đặt hàng một loại đạn 155mm gì đó rất kinh, mà gần đây có bác cho biết là “Excalibur” gì đó, mà chỉ cần 2 quả chụp xuống coi như là xong công sự phòng ngự đối phương. Bước vào The Battle of Kharkiv, chúng ta đã thấy nó được dùng hữu hiệu như thế nào. Trước một đội quân đã bị “bào mòn” đến bạc nhược, thì chưa cần bắn đã chạy, chứ nói gì đến chiến đấu.
Nhân đây nếu có bác nào vẫn giao thiệp với ông Trạng sưTrạm Biến Áp thì giải thích hộ câu hỏi của ổng: Quân chủ lực Nga đi đâu? (Ngày xưa ông này cũng có câu hỏi tương tự “Quân Nga đi đâu?” mà sao lại bỏ lại nhiều xe tải đến thế và giải thích: quân Nga đi bộ từ Kherson lên tập hậu phía nam Kyiv trong điều kiện tuyết rơi).
Xin nói rằng: Quân chủ lực của Nga ở Izyum đã bị rút 10 BTG sang chi viện cho Kherson, và được bổ sung dưới 3 BTG, như vậy chỉ còn khoảng 15 BTG ở Izyum thôi. Đến khoảng 3 tuần trở lại đây, do bị vây lấn và pháo kích tích cực, các đơn vị này của Nga đã rút về phía bắc của thành phố Izyum mà chủ yếu là trên trục Izyum – Husarivka (và một phần ở Bairak) có những đơn vị chủ lực của Nga, trong đó có một số lượng xe tăng tui không rõ, nhưng đáng kể.
Tuy vậy việc duy trì lực lượng ở đây chỉ nhằm đề phòng quân Ukraine tấn công từ phía thành phố Kharkiv đến Izyum. Do không đủ quân, nên ở thị trấn Balakliya chỉ có thể được bố trí các đơn vị của Vệ binh quốc gia Nga. Đó là lý do mà khi quân Ukraine tiến công, một mũi của họ đánh Balakliya và vòng qua nó, để nó cho các đơn vị đi sau xử lý vì đằng nào thì Vệ binh quốc gia cũng không chống được với quân chính quy của Ukraine.
Ngoài mũi tấn công trên, quân Ukraine mở một mũi tấn công theo hướng từ Chuihiv – Vyshneva đến Vesele (chỗ mà chúng ta mong mãi để họ chiếm). Ngoài ra còn một mũi phối hợp từ Savyntsi đánh vào Vesele.
Ở phía tây nam Izyum, một mũi tấn công từ Velyka Komyshuvakha. Từ phía nam, một mũi tấn công từ Barvinkove.
Sau khi đã thu được những kết quả đáng kể ở Balakliya và Vesele, quân Ukraine vây chặt Izyum, đồng thời ở phía đông bắc phát triển tấn công theo các hướng: Martove, Artemivkea, Vasylenkove – Prymorske và Sevchenkove – Kupyansk.
Để phối hợp, trên hướng Slovyansk họ mở một mũi tấn công vào Lyman. (xin các bác xem bản đồ):
Như vậy đến nay chúng ta có thể rút ra một số nhận xét, rằng những kết quả vừa qua được mang lại do HIMARS, à tui nhầm, mang lại do chiến lược “bào mòn” trong đó Bộ chỉ huy Ukraine đề ra kế hoạch đánh đứt đoạn phá vỡ toàn bộ hệ thống bộ máy chiến tranh Nga trên chiến trường đông bắc và đông Ukraine trên tất cả các phương diện từ vấn đề làm chủ bầu trời, thông tin liên lạc, hệ thống chỉ huy theo hàng dọc của Nga, bắn phá các điểm tập kết khí tài (pháo binh và xe tăng), các kho đạn pháo và hậu cần lương thảo… suốt trong cả tháng trời như vậy, đến lượt tinh thần của quân đội Nga bị “bào mòn” và chỉ cần một trận là chạy như vịt.
Kết quả của trận đánh đến nay vẫn còn quá sớm để tổng kết, nhưng nếu tui không quá lẫn cẫn thì con số về diện tích được giải phóng trong mấy ngày vừa rồi trên tất cả các hướng đâu như 8.000 km vuông phải không các bác? Về tù binh, bắt trói được 7.000 chú – phew, đỡ được 7.000 mạng lính, thêm một bác trung tướng (con cá to!). Về khí tài, thu được trên 450 xe pháo các loại, trong đó có khoảng 200 xe tăng và cỡ gần gần từng đó pháo tự hành, cùng hàng kho đạn lớn.
Việc Kupyansk và sau đó là Izyum được quân Ukraine giải phóng, là dấu chấm hết cho kế hoạch chiếm toàn bộ Donbas trước ngày 15/09 của Putox.”
Như vậy trong câu chuyện của Chiến dịch mùa thu năm ngoái, mấu chốt của vấn đề là Balakliya, một địa danh nằm giữa thành phố Kharkiv và Kupyansk. Địa danh này đã trở nên quá nổi danh vì ghi dấu sự kiện một viên tướng của Nga bị bắt làm tù binh. Đòn đánh này có lẽ cũng là kinh điển vì hướng phòng thủ chính của quân Nga ở đây là theo hướng Izyum, nghĩa là theo trục bắc – nam, bên sườn chỉ có các đơn vị Vệ binh quốc gia; trong khi đó người Ukraine tổ chức tấn công đúng vào sườn đó, ngoài ra có những đơn vị “lách” qua các vị trí của Nga và tiến về phía Nam tấn công Izyum.
Do quân phòng thủ Balakliya vỡ trận, làm cho toàn bộ hệ thống phòng thủ của Nga hình cái lưỡi bò ở Izyum lâm vào tình thế chuẩn bị bị bao vây. Do đó họ phải vội vàng chạy về Donbas qua sông Oskil. Cũng may nhờ có con sông này nên họ còn giữ được khoảng 1/4 đến 1/3 thành phố Kupyansk về phía đông, nếu không thì mất hết.
Theo bản đồ trên tui đã dẫn thì chúng ta sẽ thấy, người Ukraine đã tổ chức những mũi tấn công rất hiểm và đúng vào những chỗ hệ thống phòng ngự của Nga là yếu nhất. Về hoàn cảnh, nó diễn ra khi mà chiến dịch “bào mòn” của họ (người Ukraine) vào quân Nga đã “tới tầm” – khi mà các kho của Nga bị bắn phá rất nhiều, cả các xưởng sửa chữa khí tài dã chiến đều không còn khả năng sửa chữa xe pháo cho ra hồn, do đó tình trạng chung của quân Nga trên chiến trường khi đó là không sẵn sàng chiến đấu, nếu không muốn nói là bệ rạc:
“Xe tăng cái chạy được thì không bắn được còn cái bắn được thì không chạy được.”
Tui kèm theo bài này bản đồ của thằng Blogger quân sự Nga nào đó, theo nó thì một hành lang dọc sông bên kia của thành phố Kherson đã bị quân Ukraine chiếm giữ, trong đó có điểm dân cư Oleshky. Còn theo những thông tin khác thì hành lang dọc sông này còn dài hơn, chẳng qua là quân Ukraine (cố tình) chưa tiến đến chỗ đó – tức là theo hướng đông bắc về Nova Kakhovka thôi.
Tình hình hiện tại, bọn Blogger quân sự Nga như nhiều bác đã phản ánh là “kêu gào những đòn phản kích chiếm lại đầu cầu của Ukraine bên tả ngạn.” Điều này hoàn toàn đúng với lý thuyết quân sự của Nga – thủ tiêu bàn đạp đối phương đã tạo lập được bên kia sông.
Nhưng xin nhớ lại ý kiến của bà Natalia Humenyuk, người đứng đầu Trung tâm báo chí điều phối chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine thông báo rằng từ hôm 11/04 quân Nga đã rút về phía sau xa khỏi tầm pháo của người Ukraine, và người Ukraine thì “chăm sóc” không chỉ những nhóm quân Nga rút chạy mà còn cả những nhóm tiến lên để tiếp viện nữa.
Như vậy, có thể chính người Ukraine đang chờ đợi đòn phản kích thủ tiêu bàn đạp của người Nga, nhưng vì một lý do gì đó mà họ chưa làm dù đó là điều hết sức cần thiết. Cũng có thể là họ không đủ sức để làm việc đó mà chỉ cố gắng làm tốt nhiệm vụ phòng thủ mà thôi. Vậy họ đã làm gì để chuẩn bị cho kế hoạch phòng thủ đó? Tui đính kèm theo bài này ảnh vệ tinh về các chiến hào và các phương tiện Nga được triển khai ở phía bắc Armiansk, cửa ngõ bán đảo Crimea, được chụp vào tháng Hai, nguồn: Maxar Technologies/Reuters/AP.
Theo thông tin các nguồn phương Tây nếu tính chi li, thì chiến tuyến hiện nay dài 950 ki-lô-mét, và quân Nga phòng ngự có 140.000 quân. Nếu chỉ xây dựng một chiến tuyến sâu trung bình 10 ki-lô-mét như hôm trước chúng ta tính toán, sẽ là 9.500 ki-lô-mét vuông, nghĩa là mỗi ki-lô-mét vuông có non 15 lính giữ và tính cách khác, mỗi người phải giữ một diện tích 67.000 mét vuông. Nôm na là cực mỏng. Để hỗ trợ cho họ, hôm trước báo chí Tây Phi có đăng hình mô phỏng 3D mấy cái boong-ke của Nga, nhưng thực ra là các box xếp bằng bao cát chứ không được như hồi phòng thủ hữu ngạn Kherson.
Ngoài hệ thống công sự, người Nga còn chuẩn bị hàng rào các cự mã chống tăng bằng bê-tông (bên ngoài thành phố Mariupol còn rất nhiều của người Ukraine bỏ lại từ hồi phòng thủ thành phố, cho thấy nó cũng không có tác dụng gì mấy). Xen giữa răng rồng và công sự là những bãi mìn chống tăng và chống bộ binh, Như vậy hệ thống phòng thủ của Nga sẽ là một bãi mìn, “răng rồng” sau đó chỉ có tác dụng cản bước tiến của các đơn vị cơ giới hóa. Thêm một bãi mìn khác nằm phía sau, sau đó là dãy chiến hào và hầm ở khoảng cách 400 mét, một hào chống tăng ở khoảng cách 500 mét.
Để đối phó với chiến thuật này, người Ukraine cần bắn một vòi dài 200 mét chứa đầy thuốc nổ để dọn sạch mìn tạo ra một làn đường rộng 5 mét cho xe tăng và các phương tiện thiết giáp khác đi qua. Việc tiếp theo là ủi sạch “răng rồng”, thường sử dụng những chiếc xe tăng có gắn lưỡi ủi. Bước cuối cùng là bắc cầu qua hào chống tăng bằng thiết bị bắc cầu chuyên dụng. Nhưng trước hết là quá trình “dọn sạch” bộ binh bằng cái thứ đạn pháo gì đó chúng ta đã nói từ trên đây.
Nếu những thông tin về việc quân Ukraine đã qua sông ở một đoạn Dnipro mặc dù ở đó đã có hệ thống phòng ngự của quân Nga, cho phép chúng ta hình dung rằng những lý thuyết trên đây đã diễn ra – hoặc ít nhất là việc “xua” cho bộ binh Nga lùi về phía sau đã được tiến hành một cách hữu hiệu.
Đến tháng Năm, mặt đất sẽ đủ vững chắc cho các phương tiện cơ động và nhiều áo giáp hơn do phương Tây cung cấp, cộng với các thiết bị kỹ thuật như những cây cầu bọc thép trong gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 2,6 tỷ USD của Mỹ sẽ được chuyển đến.
Nhưng những khó khăn của người Ukraine vẫn còn nguyên.
Đầu tiên, là Ukraine thiếu ưu thế trên không. Trên mặt đất, các lực lượng Ukraine sẽ có xe tăng Challenger của Anh và Leopard do Đức sản xuất, xe chiến đấu Bradley do Mỹ cung cấp và pháo tự hành Archer… Nhưng họ cũng sẽ thiếu sự yểm trợ trên không, theo tui hiểu thì số lượng MiG-29 như thế là rất ít. Hiện nay những gì đang diễn ra cho phép chúng ta suy đoán rằng chính người Nga cũng đang để dành máy bay cho chiến dịch phòng ngự của mình.
Ngoài máy bay, người Nga được cho là sắp tung T-14 “Armata” ra chiến trường. Số lượng thì còn tranh cãi là bao nhiêu: báo Nga đâu như bảo là có 40 chiếc, những người thân Ukraine thì bảo “đâu, làm gì có – chỉ 24 chiếc thôi.” Nhưng rõ ràng là cho đến trước chiến tranh thì ngay cả yêu cầu trang bị 100 chiếc, nhà máy Uralvagonzavod vẫn chưa thực hiện được. Cơ mà câu chuyện này cũng như “Cọp” với “Báo” của phát-xít Đức thôi, bây giờ thì phát-xít Nga phải có được vài trăm chứ không phải mấy chục như thế này. Nhìn lại: trong trận Kursk năm 1943, đã có 259 xe tăng Panther, khoảng 211 xe tăng Tiger, và 90 pháo tự hành hạng nặng Ferdinand tham chiến.
Vụ T-14 “Armata” ra trận ở Ukraine lần này lại làm mồi cho Javelin thôi. Chúng ta cùng chờ chuyện đó.
Về nhân lực, để đối mặt với lực lượng của Ukraine, người Nga còn lại những gì trong số 140.000 quân nói trên? Chúng ta cùng hình dung rằng cho đến nay, kết quả của Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đem lại con số: 70-80% nhân sự của quân đội Liên bang Nga đã được đưa về nhà trong những chiếc túi ni-lông màu đen. Chỉ trong hai tháng Ba và Tư năm nay, quân đội Ukraine đã loại bỏ sáu lữ đoàn tinh nhuệ của quân đội Nga. Con số này trùng với thời điểm vai trò của Wagner giảm đi và Nga tăng sự tham gia của quân đội chính quy, nhưng như trên tui đã viết: bộ binh thường không còn năng lực tham chiến nữa, nên phải sử dụng các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ.
Vì vậy, hoàn toàn có thể nói rằng những đơn vị Nga phòng thủ trên chiến trường là các đơn vị xộc xệch, dồn ghép và bạc nhược về tinh thần; chưa nói đến việc thiếu thốn về vật chất.
Cuộc tấn công sẽ diễn ra như thế nào và ở đâu?
Đoán mò 1: như thế nào? Xem lại các diễn biến của The Battle of Kharkiv trước đây, chúng ta thấy cách đánh của người Ukraine chính là “lấy ít địch nhiều” ngay cả trong chiến dịch tấn công – luồn sâu đánh hiểm, đánh vào vị trí tử huyệt từ đó làm vỡ cả mặt trận. Khi đó số đông của người Nga thậm chí trở thành điểm yếu – chỉ tổ làm rối trận và một khi đã bỏ chạy là chạy rẽ đất, chạy trối chết. Thứ hai, là những đòn đánh đó nhằm chiếm đất, không nhằm đánh tiêu diệt do đó bao giờ cũng chừa đường cho địch chạy. Do vậy có thể hình dung các đòn đánh của người Ukraine sẽ là đánh “thu hẹp hành lang” nhưng không cắt hẳn.
“Nếu cuộc tấn công của Ukraine mạnh và nhanh và lính Nga bị bỏ lại phía sau, chiến tuyến sẽ bị phá vỡ và người Nga sẽ bỏ chạy… giống như họ đã làm trong cuộc phản công xung quanh Kharkiv,” – Glen Grant, cựu sĩ quan quân đội Anh và cố vấn cho ủy ban quốc phòng của quốc hội Ukraine, cho biết.
Đoán mò 2: Khi nào? Khi nào “bào mòn” đủ mức – như mô tả của một số báo chí phương Tây gần đây khi hỏi lính Ukraine, và nhận được câu trả lời: sau khi chúng tôi pháo kích, và tiến lên chiếm chiến hào của người Nga, chỉ nhìn thấy các xác chết.
“Bào mòn” này sẽ là phẫu thuật các kho tàng, sở chỉ huy và doanh trại phía sau, với các đơn vị phía trước là cái loại đạn pháo gì khiếp khiếp trên đây. Quân Ukraine sẽ chỉ tiến khi những tuyến phòng thủ phía trước không còn và tuyến trung tâm còn khả năng kháng cự không đáng kể. Khi đó pháo sẽ chuyển làn đến tuyến thứ ba.
Khi nào? Khi quân Ukraine tập luyện đầy đủ phối hợp giữa pháo binh, thiết giáp và bắc cầu. Bây giờ thì chắc chắn là đạn dược đã đầy đủ, và quá trình bào mòn như ta đã thấy, bắt đầu khoảng 10/5 và đến sau đó khoảng 5 – 7 ngày quân Nga đã phải rút khỏi tuyến đầu ở một số hướng. Như vậy ở một số hướng xác định thời điểm quân Nga kiệt quệ từ đầu tháng Năm trở đi là hoàn toàn có thể.
Đoán mò 3: Bao nhiêu?
Tây họ nói thì người Ukraine chỉ có 35.000 quân cầm súng nhưng được huấn luyện cẩn thận – đâu như mười mấy lữ đoàn. Cá nhân tui thì bảo: tui không biết, có nhiều dùng nhiều, có ít dùng ít.
Đoán mò 4: Ở đâu?
Nơi diễn ra chính xác nơi cuộc tấn công chắc chắn vẫn là một bí mật được bảo vệ kín bưng. Một khu vực được coi là quan trọng chiến lược đối với Nga là xung quanh Melitopol, mà nếu quân Ukraine chiếm được thành phố này thì từ đó ra biển Azov chỉ còn chục ki-lô-mét.
Một cuộc tấn công thành công của Ukraine ở đây sẽ cắt đôi lực lượng Nga thành hai phần: một nhóm ở Crimea và phía nam và một nhóm khác ở phía đông. Nhưng quân đội Nga hoàn toàn không ngốc: nhận thức được rủi ro họ đã chuẩn bị sẵn các tuyến phòng thủ kiên cố trong khu vực. Về khoảng cách, hiện quân Ukraine đang ở Mala Tokmachka và như thế phải đi theo trục đường Е105/М18 khoảng 120 ki-lô-mét. Rủi ro như vậy là lớn.
- Tui xin đề xuất một hướng khác: bên tả ngạn mở rộng bàn đạp từ Oleshky về phía Nova Kakhovka để từ hữu ngạn, một mũi hành tiến qua đâp sang chiếm thị trấn Nova Kakhovka. Từ đó theo đường R-47 tiến về phía Novotroitske nghĩa là tiến về phía biển, nhưng có thể không cần tiến đến tận điểm dân cư này để chiếm nó, mà chỉ cần chiếm các điểm dọc theo R-47 mà thôi. Như vậy có thể chúng ta sẽ nghe thấy tên các địa danh như sau trong các bản tin chiến sự: Petropavlivka, Zelenyi Pid, Zaozerne…Khi đó chỉ cần bắn phá sau đó tấn công nghi binh ở hướng Melitopol, quân Nga ở đây buộc phải rút chạy – hoặc theo E-105 xuống Crimea hoặc chạy về Berdyansk – Mariupol. Khoảng cách của hướng tấn công này khoảng từ 65 đến 70 ki-lô-mét, rủi ro có vẻ ít hơn.
- Chưa dừng lại ở đó – cần có đòn bổ trợ trên hướng thành phố Donetsk – với khoảng cách chỉ dưới 20 ki-lô-mét quân Ukraine có thể tiến chiếm Betmanove, khi đó quân Nga trong thành phố này chỉ còn duy nhất hướng đông để chạy, câu chuyện Lyman lặp lại nhưng với quy mô lớn hơn nhiều.
- Ở Bakhmut, người Ukraine sẽ phản công đánh quỵ toàn bộ lực lượng Nga ở đây, từ đó phát triển theo hướng Lysychansk. Ở Lyman, quân Ukraine sẽ tấn công theo hướng Kreminna – Rubizhne để tấn công Serevodonetsk từ phía tây bắc.
- Ngoài ra vẫn cần tính đến một mũi từ bắc thành phố Kupyansk thuộc tỉnh Kharkiv, đánh từ tây sang đông theo hướng Svatove – Starobilsk.
Bán đảo Crimea sẽ không bị tấn công trên bộ mà bị bắn phá toàn diện, trong đó có hạm đội biển Đen chắc chắn bị tấn công kể cả các mục tiêu cố định ở Sevastopol và các căn cứ của Nga trên toàn bán đảo. Riêng cầu Kerch sẽ bị bắn thêm một lần nữa và cũng sẽ lại bị bắn què một phần.
Những diễn biến trên diễn ra nhiều lắm là trong 10 ngày (có thể - nhưng tui không nghĩ đến 2 tuần). Đồng thời tui vẫn cho rằng vài loại máy bay nào đó có nguồn gốc “phi Liên Xô” của Ukraine sẽ xuất hiện, những thông tin bất lợi về khía cạnh này cho quân Ukraine mang tính hỏa mù cao lắm.
Bài này để chốt trước khi nghỉ lễ, chúc các bác nghỉ lễ vui vẻ. Ngày 01/05 này tui dự có chuyện gì to to đấy, và 09/05 lại có chuyện nữa. Mà có khi trong chục ngày đó có đầy chuyện để nói.
PHÚC LAI 26.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.