Không giống với những người trẻ chọn ra đi bất thần để lại người thương yêu bàng hoàng không hiểu lý do, bạn nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An đã cầu cứu và nói về những gì xảy ra với em trước khi em chọn từ bỏ cuộc sống.
Em lên trường xin chuyển lớp. Hiệu trưởng nói em chỉ lên một mình không có phụ huynh.
Em nói mẹ đi xin chuyển lớp. Mẹ lên gặp hiệu trưởng một lần, gặp giáo viên quốc phòng lần sau (vì không gặp hiệu trưởng).
Em hỏi cô giáo chủ nhiệm xin mẫu để viết đơn xin chuyển lớp. Cô giáo trả lời không có.
Em xin giáo viên bộ môn cho ngồi riêng, giáo viên bộ môn thì cho, đến giờ chủ nhiệm cô lại bắt em đến ngồi cạnh với nhóm bắt nạt.
Em bị chặn đánh. Em nói điều đó với mẹ. Mẹ và người thân phải đến tận nơi đón em hàng ngày.
Em đã kêu cứu, có lẽ nhiều hơn số lần mà những nạn nhân tự tử chủ động tìm đến nơi có thể cứu họ.
Nhưng những lý do mà không gian giáo dục, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường đưa ra thật đúng đắn và vô cảm: "Lý do thực hiện chương trình mới, mỗi lớp ngoài các môn bắt buộc còn có các môn lựa chọn do học sinh đăng ký và không giống nhau giữa các lớp." (Ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh nói).
Trong cuộc họp báo này, ông Chung cũng giải thích, Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng quy định giải quyết các trường hợp xin chuyển lớp sau khi hết năm học, trừ trường hợp đặc biệt.
Có lẽ bước đường cùng của bạn gái lớp 10 chưa đủ đặc biệt, chuyện ngồi khóc trong lớp hay phụ huynh phải lên xuống trao đổi nhiều lần cũng không có gì đặc biệt.
Trong cuộc họp báo mà báo giới quay video lại, tôi được thấy ông Chung xuất hiện với nụ cười xã giao mềm mại của người làm lãnh đạo, giải thích mọi việc đã làm đúng quy định. Đúng quy định cho nên một đứa trẻ chọn cái chết. Hôm trả lời báo chí, không biết ông hiệu trưởng có nghĩ cái chết là đủ đặc biệt và đúng quy định chưa?
Cô giáo chủ nhiệm của em học trò trả lời báo Nghệ An: "Tôi đã làm hết sức mình để gần gũi hơn, tìm hiểu học sinh". Và cũng chính cô không cho phép em được ngồi chỗ khác, dù xin chuyển chỗ chỉ là quy định nhỏ trong phạm vi lớp học mà cô có quyền điều khiển. Cô cũng chẳng có mẫu đơn xin chuyển lớp. Tất nhiên, chuyện cô không biết có một nhóm tấn công nhiều học sinh trong lớp cũng là điều dễ hiểu.
Tôi không thấy ai sai trong chuyện này cả. Mọi người đều vận hành đúng đắn và làm theo quy định.
Nhưng nếu không có ai sai ở đây hết, thì cái chết của một người trẻ học giỏi, có học bổng cho thấy những con người làm công tác đào tạo đó đã không coi giáo dục là dạy người. Trong không gian lớp học đó, nỗi đau khổ thể xác và tinh thần của một đứa trẻ chỉ là chuyện nhỏ. Những nhà giáo trăm công nghìn việc đó từ chối nhìn đứa trẻ như một thân phận có phẩm giá, tính cách, có buồn vui, có cơ thể bị đau khi bị đánh đập. Nó nhìn đứa lớp 10 chỉ là con số trên bảng thành tích: học lớp chất lượng cao thứ 3, có học bổng, bỗng nhiên nghỉ học nhiều ngày.
Tất cả những gì họ nhắc về đứa bé đều có thể tìm thấy trong quyển học bạ hay sổ liên lạc. Còn những tin nhắn em gửi mẹ. Còn những học sinh khác cũng bị bắt nạt y hệt trong cùng lớp, còn những ngày nghỉ học triền miên trong khủng hoảng. Và cô bé từ bỏ cuộc sống. Chúng là biên niên ký cho một hành trình giáo dục lạnh lùng, nơi lời kêu cứu đến chết mới được nghe thấy - trong không gian phòng họp báo và những lời lẽ quan liêu.
PHẠM LAN PHƯƠNG 20.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.