Chỉ có điều, thời buổi nhìn lên, thấy người ta có nhà xây, nền xi măng, sân gạch thì ai cũng ao ước. Nói đâu xa, nhà thày bu tôi cũng vậy.
Năm 1976, sau bao năm dành dụm, chắt bóp từng đồng, tích tiểu thành đại, nhặt nhạnh từng viên gạch viên ngói, từng cây gỗ, thày bu tôi cũng hoàn thành được “dự án của cả đời” là căn nhà 2 gian tường xây mái ngói nền xi măng.
Chỉ có điều, vào những năm tháng đỉnh điểm thiếu thốn thời bao cấp, vữa xây cả căn nhà chủ yếu bằng vôi cát trộn, bởi mua được dăm bao xi măng thì dồn cho móng và mấy trụ cột. Dẫu sao cũng còn hơn nhà cậu Thê trước đó chỉ hết có 2 bao.
Có ngôi nhà mới hướng nam, thày bu tôi và mấy chị em tôi hài lòng lắm. Mát mẻ, cao ráo, dễ quét nhà. Khi ấy tôi chưa tốt nghiệp, chưa vào Nam, về quê chỉ mải ngắm nghía “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang khi tới cữ nồm. Lúc đầu cũng kệ, mày ẩm mày ướt mặc mày, rồi cũng phải khô ráo chứ có ẩm được mãi khối.
Chịu chỉ hơn một hôm thì đầu hàng ông Nguyễn Văn Giời. Mấy bức tường nước tụ ướt loang lổ. Bực nhất là cái nền nhà. Nền phủ vữa vôi cát, có láng tí xi măng, gặp nồm, chỉ loáng cái đã như vũng nước. Lúc đầu tôi còn quét, lấy giẻ lau vắt, sau chịu thua. Bu tôi có sáng kiến, đem những chiếc bao tải đay mà cô Hoa thủ kho lương thực huyện cho dạo trước, đem phủ một lượt trên nền nhà. Nước bị hút, ngấm hết vào đó, đi cũng êm chân, tối đi ngủ khỏi rửa chân. Chỉ có điều, nồm nặng quá, nước sũng nhanh quá, tôi và cô em gái, hai anh em cứ vài tiếng đồng hồ lại thu gom đám “thảm Ba Tư” lôi sền sệt ra sân, cuộn từng cái lại, mỗi đứa cầm một đầu rồi vặn xoắn, hì hục vắt. Ngày vắt ba bốn bận, than thở thấu tới trời.
Nhắc tới bao đay, bần thần nhớ thêm chuyện cũ.
Năm xa ấy, 1964, Mỹ đưa máy bay ra ném bom miền Bắc. Vẫn biết nó chỉ tương vào những cơ sở quân sự, những trọng điểm tiếp tế cho đánh nhau ở miền Nam. Mình chỉ là nông thôn “côi cút làm ăn, quen lo cày cấy”, nhưng nhỡ nó nhầm, không phải đầu cũng phải tai.
Sau trận mở màn ngày 05.08.1964, diễn ra cuộc sơ tán triệt để. Dân nội thành ùn ùn kéo về nông thôn (chuyện này sẽ có bài riêng kể sau). Nhiều kho tàng, nhà máy, xí nghiệp cũng sơ tán. Kho lương thực huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) chuyển về xã tôi. Chỉ trong vài tháng, trên thửa đất của hợp tác xã ngay cạnh nhà tôi sừng sững khu kho hoành tráng. Nhà thày bu tôi chỉ cách kho bằng hàng rào tre, bởi chỗ đất xây kho ấy có cả hơn sào ruộng nhà tôi chịu công hữu hóa khi bị ép vào hợp tác.
Thủ kho những năm đầu là ông Sáu và ông Minh. Hai ông khá mẫn cán, lo việc công chu đáo, gìn giữ kho tàng khô ráo sạch sẽ, gạo nhập xuất trôi chảy lắm. Sau giờ làm, hai ông sang chơi với thày tôi, trò chuyện, uống chè bồm, hút thuốc lào. Ông Sáu có cái răng vàng, người khu 4, mặn chuyện. Ông Minh nhỏ con, luôn ăn mặc rất tề chỉnh, thường diện đại cán 4 túi, trông rất ra dáng cán bộ nhưng nghiện thuốc lào nặng. Hai ông quý nhà tôi, thày tôi, nên thỉnh thoảng lại cho vài ký bột mì, và quý nhất là những chiếc bao bột bằng vải trắng thô. Tuổi thơ tôi, những chiếc quần đùi, áo cộc cổ vuông chủ yếu được may bằng nguồn vải “tham nhũng vặt” ấy.
Tới khoảng năm 1970 thì ông Sáu ông Minh chuyển đi kho khác, về thay là cô Hoa người miền Nam tập kết. Cô cao to, tiếng nói oang oang, người Huế nhưng cũng biết ăn trầu. Đó là lý do cô sớm kết thân với bu tôi. Ba đứa con cô đều ở cùng mẹ, trừ lúc đi học, suốt ngày chơi bời bên nhà tôi. Trai lớn tên Võ Đại Hùng, hai đứa gái là Võ Kiều Nga, Võ Hải Nam. Chúng đều dễ thương, nhất là thằng Hùng. Nó kể tôi nghe, ba nó Võ Đại Dũng, đang chiến đấu ở miền Nam.
Cô Hoa thường chọn những chiếc vỏ bao gạo đẹp nhất lành lặn nhất đem sang cho bu tôi. Có lần cô đưa mấy chiếc bao đay Ấn Độ, thì thào bảo chị ạ, sợi đay mềm, mịn, chắc lắm, có thể tháo ra đan thành áo “len” được. Tôi cả đời chưa hề được diện áo len, mặc mãi chiếc áo sợi Cự Doanh đã rách tã. Vậy là hai bu con cẩn thận tháo được mấy cuộn “len”, đem lên phố huyện nhuộm tím than, về phơi khô. Nhân có mấy bà chị họ sơ tán đợt 1972, tinh dững chuyên gia đan len lão luyện, bu tôi nhờ chị Hải chị Hòa đan cho thằng con đang học lớp 10 chiếc áo “len Ấn Độ” cổ thìa.
Tôi diện chiếc áo ấy tới hết năm thứ nhất đại học, nhờ có nó mà qua được mùa đông khủng khiếp 1972 khi trường sơ tán ở làng Sát Thượng, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc, ven sông Cầu. Đám bạn, không đứa nào biết tôi mặc áo len bao đay. Năm sau, nó rách, xổ ra mấy chỗ, đành phải bỏ. Nó, sản vật có một không hai, nếu giờ còn có khi bán làm kỷ vật triển lãm thời bao cấp được vài nghìn đô không chừng.
Cũng năm 1972, một hôm nghe bên kho có tiếng cô Hoa khóc. Một lát, thằng Hùng qua cho biết ba nó hy sinh, người ta đã báo tử. Từ bấy, cô mang khăn tang trắng, lặng lẽ, ít nói. Năm 1975 mấy mẹ con cô chuyển vào Huế, nhà tôi ít có dịp gặp lại hoặc liên lạc. Chỉ nghe Võ Đại Hùng làm ngành đường sắt, lái tàu. Kiều Nga và Hải Nam đều đã lấy chồng.
Ảnh: Đây là ngôi nhà của cụ thông gia với thầy tôi, được xây bằng đá núi Trà Phương. Tồn tại hơn 2/3 thế kỷ, qua biết bao nhiêu trận nồm, nó hơi bị "xuống cấp". Sau này em rể tôi đã xin các cụ cho hạ giải, xây lại nhà mới khang trang hơn, riêng vật liệu đá được bảo tồn dựng tấm bình phong làm di sản cho đời sau.
NGUYỄN THÔNG 23.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.