vendredi 28 avril 2023

Nguyễn Văn Tuấn - Nhà văn và nghịch lý

 

Nhà văn Dương Thu Hương là một minh chứng cho một nghịch lý ở Việt Nam ngày nay: những tác phẩm hay và có giá trị thường xuất phát từ những người không cùng quan điểm với Nhà nước.

Tin tức về Nhà văn Dương Thu Hương được trao giải thưởng danh giá 'Cino del Duca' tràn đầy trên các hệ thống truyền thông ở nước ngoài. Nhưng ở Việt Nam, báo chí gần như im lặng về danh dự cao quý này! Tuy nhiên, tôi đoán rằng một người có cá tánh mạnh và chánh trực như Nhà văn Dương Thu Hương thì bà ... chẳng quan tâm.

Hình như những tài năng văn chương đều đứng ngoài các tổ chức của Nhà nước, thậm chí xuất phát từ những người bất đồng chánh kiến.

Nhà văn Dương Thu Hương là một người như thế, một văn tài, nhưng cũng là một nhân vật bất đồng chánh kiến. Nếu chỉ tính các nhà văn khác ngoài Bắc, thì Bùi Ngọc Tấn và Vũ Thư Hiên cũng như thế, tức là những người bất đồng chánh kiến và từng đi tù. Còn các nhà văn gốc Việt ở nước ngoài từng được trao tặng những giải thưởng danh giá cũng chẳng có cùng quan điểm với nhà cầm quyền.

Gần đây, vài quan chức văn nghệ than phiền rằng Việt Nam sau cuộc chiến đẫm máu không có tác phẩm lớn. Người ta đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không có những tác phẩm 'đỉnh cao' (lại đỉnh cao!) Nhiều văn sĩ trong tổ chức có nhiều lời bàn thú vị về nguyên nhân. Người ta than phiền rằng các nhà văn ngày nay thiếu tư duy lớn và thiếu tính chuyên nghiệp. Nhưng chẳng ai muốn hay dám nhắc đến 'con voi trong phòng': đó là tinh thần tự do và nhân bản.

Cái tinh thần tự do và nhân bản có thể giải thích tại sao văn học thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phong phú và 'chói sáng' và 'huy hoàng' (theo nhận xét của Nhà văn Hoàng Hưng).

Văn học thời VNCH không có 'đấu tranh giai cấp'. Chế độ VNCH cũng có kiểm duyệt, nhưng họ không tiêu diệt sáng tác và không triệt tiêu tinh thần tự do sáng tác. Những tác giả bất đồng chánh kiến với chế độ không bao giờ bị gán nhãn 'phản động' mà vẫn sáng tác, thậm chí còn nổi tiếng. Thành ra, VNCH dù chỉ tồn tại vỏn vẹn 21 năm nhưng nền văn học - nghệ thuật trong thời đó đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm đậm tính nhân bản mà chúng ta vẫn còn thưởng thức cho đến ngày nay.

Nhiều ký giả thời đó kể rằng thỉnh thoảng họ bị Bộ Thông tin yêu cầu cắt bỏ một đoạn nào đó trong bài báo hay trong sách, họ có hai cách để làm. Cách thứ nhứt là khiếu nại lên Bộ để giữ nguyên bản. Cách thứ hai là nếu khiếu nại không thành công, họ sẽ đục bỏ đoạn văn nhưng để nguyên khoảng trống như là một cách phản đối! Có người còn nói rằng chẳng những để nguyên khoảng trống mà còn ghi thêm rằng do bị Bộ Thông tin kiểm duyệt.

Là người ngoài cuộc, tôi thấy xu hướng chung là sự 'thiết chế hóa' và chánh trị hóa văn nghệ và khoa học có hiệu quả rất tốt trong việc bóp nghẹt tinh thần tự do sáng tác và tự do học thuật. Nhưng người làm công việc sáng tạo thường theo cá nhân chủ nghĩa (tính độc lập, tự do, tự lực, v.v...) chứ họ không muốn mất cái căn cước tính trong những 'đội ngũ' [1].

Khổ nỗi chủ nghĩa cá nhân thì lại bị xem là 'kẻ thù' của chủ nghĩa xã hội. Thành ra, những văn tài như Dương Thu Hương khó có đất sống ở trong nước. Nhưng để có tác phẩm lớn (hay 'tư duy lớn' -- nói theo một nhà phê bình) thì Việt Nam cần rất nhiều Dương Thu Hương.

____

[1] Ở Việt Nam chẳng hiểu sao người ta thích dùng những cách nói/viết như 'đội ngũ trí thức', 'đội ngũ khoa học', 'đội ngũ nhà văn', v.v... Chắc là do ảnh hưởng của quân đội nên người ta thích gọi một nhóm người là 'đội ngũ', nhưng cách gọi đó rất ư là không đúng đối với những người ngoài quân đội.

NGUYỄN VĂN TUẤN 28.04.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.