Nếu như miền Nam chỉ hai mùa mưa nắng (mùa khô và mùa mưa, thời điểm này đang cuối mùa khô) thì miền Bắc đủ cả tứ thời xuân hạ thu đông, thời tiết khác nhau khá rõ rệt.
Chen trong sự phân định bốn mùa ấy, là những mùa nho nhỏ, ví dụ mùa hanh, mùa bão, mùa nồm… Nồm thường bị ngắt quãng chứ không phải liền tù tì một mạch. Chẳng hạn năm nay, dạo sau tết ta đã bị nồm, bẵng đi vài tuần lại nồm nữa, lúc này có vẻ nặng nhất.
Thời tiết do ông trời, không ai cưỡng được, nhưng sự khổ vì thời tiết có liên quan tới chính thể, tới nhà cai trị. Biết bao nhiêu đường lối chính sách của người cộng sản đã khiến con người miền Bắc trở nên đáng thương trong thời tiết. Chả thế mà người ta cười cợt “bắt cửi trần phải cửi trần/cho may ô mới được phần may ô”.
Miền Bắc những năm từ nửa cuối thập niên 50 tới nửa đầu thập niên 70 là thời gian bản thân tôi trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết. Mùa hè nắng cháy da cháy thịt, mùa đông giá rét tím tái người. Rồi bão cứ đến hẹn lại mò về, từ tháng Năm tháng Sáu tới cuối năm ít nhất cũng phải chục cơn, có năm anh em tôi tỉ mỉ đếm 13 trận bão. Những cơn bão số 6, số 7 vào mấy năm 1965, 1967, 1969 tới giờ nghĩ tới vẫn rùng mình. Rồi hanh khô làm mặt mốc căng da, chân tay nứt nẻ tóe máu. Và nồm, khổ không biết trốn đâu cho hết khổ. Tất cả những thiên tai trời hành ấy, con người chỉ biết cắn răng chịu đựng, bởi quá nghèo, thiếu thốn.
Bây giờ, dĩ nhiên cả người lớn lẫn trẻ con cười bảo nồm thì sợ quái gì, cứ đóng kín cửa, bật máy điều hòa, máy hút ẩm lên, vài chục phút đời lại vui phơi phới, cười như nghé. Quần áo tống vào máy giặt, chẳng những sạch mà còn vắt kiệt, sấy khô cong, lấy ra là mặc được ngay. Nồm mí niếc, các ông các bà cứ quan trọng hóa…, bọn trẻ nói vậy.
Quê tôi Hải Phòng, vùng trọng điểm nồm, bởi gần biển. Hồi bé, nhớ có lần nồm kéo dài cả tháng trời, mãi khi có gió bấc (gió từ phía bắc hoặc đông bắc) về, nồm đang ướt sũng tự dưng kéo nhau mất sạch. Ông anh tôi lúc đó đang học cấp 3 sướng quá reo “gió bấc muôn năm”, cứ như gió bấc là lãnh tụ kính yêu vậy. Tôi hiểu cái tâm trạng mừng vui ấy, còn vì sao thì tí nữa sẽ kể.
Thập niên 60, nông thôn miền Bắc phần lớn nhà tường đất, nền đất, sân đất, mái rạ rơm. Nghèo, làm chả đủ ăn, lấy đâu tiền mua gạch, vôi, cát, ngói. Xi măng là thứ vật liệu nhà nước độc quyền phân phối, dân không có suất. Lò gạch của hợp tác xã chưa đủ gạch cho xây trại chăn nuôi, nhà kho, sân kho, trường học, nhà ủy ban. Nhà tôi năm 1966 nhờ vả cạy cục mãi mới mua được 400 viên gạch để xây cái bể hứng nước mưa. Vôi cũng rất hiếm mặc dù núi đá vôi trải khắp miền Bắc, nhất là những vùng huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Thời đó, trong làng mà gia đình nào có nhà xây, mái ngói, bể nước, sân gạch, có thể coi như đại gia. Dạng ấy cực hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay một bàn tay. Cậu Thê tôi ở xóm núi, không mua được gạch, cha con liền kéo nhau lên núi đánh đá ròng rã cả năm trời đủ đá xây bức tường trước mặt và hai đầu hồi, chứ tường sau vẫn phải trình bằng đất. Nhà ba gian, làm xong, cậu xuống khoe với bu tôi, chị ạ, em làm cả cái nhà mà chỉ tốn 3 bao xi măng, còn vữa tất tật bằng vôi cát.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 17.04.2023
Ảnh: Trời nồm ở miền Bắc (Nguồn: Internet)
Nguyễn Thông - Chuyện nồm (1)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.