mercredi 19 avril 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 19/04/2023

 

1. Những hiểu lầm vốn có cho đến nay về cuộc chiến của Nga Putox ở Ukraine

Rất nhiều lần người ta nói về một mùa đông mà người Nga tổ chức chiến dịch tấn công vào Ukraine, và yếu tố lạnh giá sẽ là một điểm lợi thế rất lớn cho quân Nga. Thật vậy không?

Trước đây tui đã từng dẫn Zhukov là “cần đập tan ý nghĩ đó, vì chúng ta vẫn phải sắm áo bông ủng dạ cho bộ đội”, nhưng ở đây có một câu chuyện khác. Ý này có thể – có thể thôi nhé – đúng với những “người Nga” của các sắc dân thiểu số như Tuva hay Baskiria, nhưng với người Nga bình thường thì khác.

Theo nhiều ghi chép về ý kiến của những người châu Âu bình thường thì người ta phát hiện ra rằng người Nga chịu rét không hề tốt hơn người châu Âu, thậm chí còn có những ghi nhận là người Nga chịu rét kém hơn so với người Âu kha khá.

Nguyên nhân có thể có nhiều và vì chưa có công trình nghiên cứu chính thức, nhưng người ta cho rằng có vài nguyên nhân, chẳng hạn về yếu tố cơ thể hay cơ địa gì đó… nhưng yếu tố tập quán cũng là một nguyên nhân. Nhà của người Nga trong thế kỷ vừa qua chú trọng hơn nhiều so với nhà của người Âu về khía cạnh sưởi ấm chẳng hạn.

Nhưng thực tế thì mùa đông vẫn là mùa tấn công thích hợp vì dù sao nó cũng dễ cho các phương tiện cơ động khi mặt đất đóng băng. Và người lính miễn là mặc đủ ấm, được ăn nóng… vẫn đỡ mất sức hơn là đánh nhau trời nóng nực.

Tiếp theo, chúng ta vẫn nói huyên thuyên về việc, vũ khí Nga chất lượng kém, và từ đó cho rằng trình độ công nghệ của Nga cũng vớ vẩn. Họ tuyệt đối không vớ vẩn vì là nước đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh nhân tạo và đưa con người vào vũ trụ.

Tuy nhiên chất lượng xe tăng và cả máy bay của họ vẫn không thể so được với vũ khí phương Tây – điều này xuất phát từ sự khác nhau về tư duy. Tư duy Nga có gốc rễ từ cuộc Chiến tranh Vệ quốc, khi họ áp đảo đối thủ bằng số lượng. Vì thế, việc sản xuất ra vũ khí kiểu “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” là yêu cầu tiên quyết.

Đến đây, chúng ta sẽ bị vướng vào khẳng định: không thể có “nhanh, nhiều, rẻ” mà lại “tốt” được. Khẳng định này đúng, nhưng người Nga không cần tốt đến thế, mà chỉ cần không quá tệ là được, ý là tốt vừa đủ là được rồi.

2. Tại sao tui lại cứ khăng khăng từ suốt hơn 1 năm qua rằng Nga sẽ thua?

Ngoài những chuyện tui cứ lải nhải về xe tải, về chế độ hậu cần, và cuối cùng là về cả cái hệ thống của bộ máy quân sự, thì còn có một lý do khác là sự vận dụng sai các nhãn quan quân sự.

Như trên đây tui vừa viết về chất lượng của vũ khí Nga không cao như của phương Tây là do nhãn quan quân sự. Người Nga có khả năng rất lớn trong việc tiến hành một cuộc chiến dai dẳng, kéo dài và tiêu hao, vì vậy mà họ phải làm ra những vũ khí không được đắt tiền và đơn giản hơn, chứ không cần tinh xảo.

Vậy là, lý do đầu tiên của thất bại của Nga, là do mặc dù đã thiết lập nên một tư duy quân sự mới, với học thuyết mới và cả một kế hoạch cải tổ quân đội. Khi đọc học thuyết này chúng ta thấy có sự tương đồng trong nhãn quan thi hành chiến tranh kiểu mới của thế kỷ XXI: những cuộc chiến hạn chế về quy mô, thời gian… chủ yếu được đem lại do trình độ cao hơn hẳn của công nghệ so với trước đây.

Bây giờ thì tất cả chúng ta đã biết rằng người Nga đã dựa trên những thông tin tình báo sai lạc về tình trạng của Ukraine, và tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng – đúng nghĩa là xung đột hạn chế trên cơ sở kế hoạch đó. Tuy nhiên, kế hoạch đã thất bại và người Nga đã phải bỏ chạy khỏi Kyiv và nhiều vùng xung quanh đó. Để thủ thắng, họ tiếp tục duy trì chiến tranh bằng một kế hoạch mới – chiếm toàn bộ những vùng còn lại của Donbas mà chưa thanh toán được trước đó.

Điều này tui đã gọi là giải pháp “khoanh gọn chiến sự” để rút ra khỏi cuộc chiến. Kế hoạch này vẫn chưa hẳn là một cuộc chiến kéo dài, mà thực chất nó bắt buộc phải là cuộc chiến chớp nhoáng nếu có thể được, vì Nga là bên tấn công, đánh càng nhanh càng tốt.

Kết quả sau khoảng 2 tháng, họ chiếm được cặp 2 thành phố Serevedonetsk và Lysychansk. Nếu chỉ tính đến đó, Nga được coi là có chiến quả và thôi thì cũng được gọi là thắng lợi rồi. Nhưng mà nếu xét về kế hoạch “tham vọng” của họ là chiếm những… vài trăm làng 4 thành phố “lớn” Serevedonetsk và Lysychansk, Kramatorsk và Slovyansk cùng một số “thành phố” nhỏ thì rõ ràng là chưa thể gọi là có chiến thắng.

Vậy là, quân đội Nga sa vào cuộc chiến kéo dài và họ được cho rằng, có thế mạnh trên khía cạnh đó vì bản thân học thuyết chiến tranh cũ của họ được xây dựng trên cơ sở một sức người vô tận, một lượng vũ khí khổng lồ và trên hết, một sức mạnh ý chí. Nếu xét từ nhãn quan cách mạng sẽ được gọi là “chân trần chí thép” nhưng xét từ góc độ của một thế giới văn minh hoàn toàn có thể gọi là dai như đỉa đói. Chúng ta đã chứng kiến một trận Bakhmut kéo dài hơn nửa năm và chẳng biết đến bao giờ mới chiếm được. Chẳng biết nó thu hút bao nhiêu, nhưng nếu nói nó tiêu tốn kha khá binh lực của Nga vào đây, cũng chẳng ngoa tí nào.

Sẵn sàng đánh nhau như một thằng ăn mày khố rách áo ôm cứ xông vào ôm chân người ta mà cắn, chấp nhận những cú đạp gãy hết cả răng, toạc đầu chảy máu. Đó là người Nga.

Nghe thì có vẻ đúng, nhưng thực chất lại là không đúng với học thuyết cũ của họ. Vì một cuộc chiến kéo dài đòi hỏi phải có khả năng động viên được toàn bộ sức người vào lao động phục vụ chiến tranh, huy động được toàn bộ nền sản xuất vào biến chúng thành công nghiệp quốc phòng, và vẫn phải có một nền kinh tế lành mạnh.

Ba yếu tố trên, yếu tố đầu buồn cười nhất. Năm ngoái khi Putox bị táo bón, hắn ta cố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào nước mình – lại một dạng ma bùn Chí Phèo của thời đại. Ấy thế mà hành động này làm cho bọn fan hâm mộ người Việt bị Tào Tháo đuổi hết cả – tui nhớ có thằng dở người nào đó nó “tháo cống” trên mạng: “Thôi chết rồi, Gấu sáp nhập 4 tỉnh rồi! Bây giờ đánh vào 4 tỉnh đó là đánh vào đất Gấu rồi! Sẽ đánh thức toàn bộ dân Gấu vào Thánh Chiến rồi!”

Hơ hơ, tui nghĩ bụng cái đồ thần kinh tọa này, rõ là mày chưa nghe chuyện tao kể: năm nào để tăng việc làm cho người Nga, cha thị trưởng thành phố Mátxcơva ra lệnh cấm người nước ngoài làm những việc lao động dịch vụ công ích, ngay lập tức thành phố ngập rác – người Nga không làm. Đấy, đến làm sạch môi trường sống của mình mà còn lười không chịu làm, đòi bắt người Nga đi đánh nhau cho mục đích ất ơ. Bố cái bọn dở hơi.

Yếu tố thứ hai, chúng ta bàn mãi rồi. Ở đây Nga có cái kẹt – nói thẳng ra câu chuyện là ngoài xe tăng, còn chủ đề chính là sản xuất đạn pháo. Kẹt ở chỗ nếu sản xuất đạn ngu kiểu cũ thì cần phục hồi hàng trăm nhà máy đi vào hoạt động ổn thỏa – điều rất khó. Còn nếu sản xuất đạn thông minh thì bị cấm vận công nghệ.

Yếu tố thứ ba, cũng không cần nói, kinh tế Nga như thế nào các bác rõ hơn tui.

Vậy là chúng ta đang chứng kiến quân đội Nga đang cố kéo dài một cuộc chiến với lực lượng ngày càng kiệt quệ, đặc biệt là về vũ khí và thiết bị kỹ thuật. Niềm hy vọng duy nhất của họ là một số lượng người không hạn chế và duy trì nó cho đến khi nào đối phương nản lòng.

Như thế là ngay lúc này chúng ta cũng có thể nói được rằng họ không những không thể thắng mà còn chắc chắn thua trong cuộc chiến, trước mắt tạm tính với thời hạn trong năm nay. Tuy nhiên cũng có một điều chắc chắn rằng bọn pro Putox người Việt sẽ cố giải thích bằng được mọi thất bại của họ bằng một kiểu chiến thắng nào đó, và thường dễ hiểu nhất là chiếm được một thành phố - chính xác là thị xã, thị trấn như Bakhmut bây giờ chẳng hạn, dù nó chỉ còn là đống gạch vụn.

Còn về người Ukraine thì sao? Rõ ràng là họ đã rất giỏi cho đến giờ phút này khi tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao. Từ ở rất xa, chúng ta chỉ đọc những con số hàng ngày báo cáo về thiệt hại của quân Nga trên chiến trường, nhưng có thể nói rằng họ đã làm nên chuyện thần kỳ rằng gần như 90% sức mạnh quân sự quy ước của Nga, đã bị phá hủy. Năm ngoái khi cuộc chiến đi qua khoảng 6 tháng, người ta đã ước tính Nga cần từ 5 đến 6 năm để phục hồi sức mạnh quân sự như trước chiến tranh mà còn phải trong điều kiện không bị cấm vận. Còn thời điểm hiện nay, thì con số đã là khoảng 10 năm hoặc hơn.

Đó là chưa kể đến tác động xã hội – sau cuộc chiến này nước Nga sẽ bị thoái hóa về dân cư. Không chỉ là vấn đề suy giảm dân số mà còn là vấn đề tổn thương tâm lý xã hội và cả suy giảm chất lượng dân cư nữa: người có tri thức, sức khỏe… ít đi và những thành phần bệnh hoạn tăng lên. Tui còn chưa kể đến tác động tiêu cực của mấy chục năm tuyên truyền sai lệch về thế giới xung quanh, sẽ biến người Nga thành những con người có tâm hồn méo mó, như người ta gọi là “quỷ ám.”

3. Chiến sự trong mấy ngày qua

 

Đầu tiên tình hình Bakhmut cho đến thời điểm này, xin xem 2 bản đồ tui kèm theo bài – một cái của ngày 16 và một cái của ngày 17 tháng Tư. Tui nghĩ rằng phần diện tích nội đô người Ukraine làm chủ có thể có co lại, nhưng cũng có thể gọi là “vẫn nhì nhằng như thế.”

Khi hỏi một người cũng được gọi là biết tình hình thì ngày hôm nay đang đánh nhau trong công viên thành phố, cả ở thung lũng hoa hồng dọc theo sông Bakhmutka nữa. Vậy đó. Suốt mấy tuần trước nói chuyện rút khỏi thành phố, mà vẫn chưa.

 


Riêng ở miền Nam – xin các bác xem 2 bản đồ của tài khoản nào pro Putin, Military blogger Nga post lên. Tui chú ý nhất là hồi tháng 11 tui có viết về địa danh Mala Tokmachka còn nằm trong khu vực giáp ranh, thì bây giờ ngay bọn Nga cũng thể hiện nó nằm sâu trong vùng người Ukraine chiếm mất rồi.

Bình loạn : Hôm nào đó tui có viết: khoảng 20 tháng Tư là thời điểm quân Nga bỏ chạy là hợp lý. Sai rồi nhé – nhưng tui vẫn cố cãi: là đúng chứ! Như bài hôm trước cách đây đến ba, bốn ngày tức là khoảng 15 tháng Tư bà Natalia Humenyuk, người đứng đầu Trung tâm báo chí điều phối chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine thông báo rằng từ hôm 11/04 quân Nga đã rút về phía sau xa khỏi tầm pháo của người Ukraine – mà đã xa khỏi tầm pháo bây giờ thì tính bằng vài chục ki-lô-mét.

Đúng – đó chưa phải là bỏ chạy, nhưng đó chính là kết quả của những hoạt động của người Ukraine chứ chẳng phải gì khác. Như những đợt sóng đánh vào con đập, nó gây lở dần, lở dần rồi mới đến thời điểm quyết định làm ào một phát là sụp tất. Tui vẫn cảm thấy rằng đang có những bước chuyển mình, chẳng qua là chúng ta không có đủ thông tin để hình dung rõ được hơn mà thôi.

4. Đoán mò

Nước Nga đã cạn kiệt nguồn lực quân sự đến mức, Bộ Quốc phòng nước này vừa quyết định hoãn đợt khai giảng cho các học viên các trường quân sự cấp cao từ 01/09 năm nay đến cuối năm. Trong thời điểm thiếu sĩ quan trầm trọng, nhưng vẫn phải hoãn đào tạo… không có cái dở nào giống cái dở nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã gặp Putox tại Mátxcơva vào ngày 16 tháng Tư và cam kết tăng cường trao đổi quân sự và hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Putox tiếp tục nỗ lực thể hiện Nga là một đối tác quốc phòng bình đẳng với Trung Quốc và là một cường quốc hải quân ở Thái Bình Dương trong chuyến thăm của họ Lý.

Bình loạn : Này bán nốt lão già Cu-dơ-nhét-xốp cho nó đi, nó về độ lại còn có ích hơn. Để trong nhà nuôi làm sao được. Đang túng thì phải tính chứ.

Putox được cho là gần như hết hy vọng vào một chiến thắng to đùng, nên tìm cách “khoanh gọn” chiến sự bằng cách ra lệnh cho quân đội thay thế Wagner, còn Wagner sẽ tìm cách rút ra để… cắt lỗ. Dù sao đó cũng là sân sau của chính lão ta, vì thế hiện nay mọi thứ đang thể hiện ra là: Putox đang tìm cách bảo vệ Prigozhin còn tay kia thì loa loa cái mồm để chữa ngượng. Trong một số ngày tới chắc hẳn sẽ không còn Wagner nữa mà chỉ còn lính dù Nga VDV ở Bakhmut mà thôi.

Ở giai đoạn cận chiến đường phố, pháo binh Nga đã tỏ ra ít tác dụng. Ba ngày vừa qua VDV Nga liên tục sử dụng TOS-1 để đánh nhau trong nội đô Bakhmut và cả Kreminna. Máy bay gần như vắng bóng, mặc dù nếu có thì rất tốt. Ngày 16, Nga mất 1 máy bay và suốt từ hôm đó đến nay chẳng có cái nào – không phải là nó bay và không tổn thất, ngược lại là nó không bay hoặc không dám bay vào sâu.

• Điều phối viên Truyền thông Chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia ở Nhà Trắng, J. Kirby. “Liên quan đến F-16, không có thay đổi nào trong cách tiếp cận của chúng tôi vào thời điểm này. Việc cung cấp F-16 cho Ukraine, như Tổng thống đã tuyên bố, hiện không được xem xét. Trong những tuần tới, thế giới sẽ chứng kiến Mỹ phối hợp hành động để cung cấp cho Ukraine với các loại vũ khí và khả năng mà Ukraine sẽ cần nhất trong những tuần và tháng tới. Trong các gói viện trợ quân sự trước đây và trong các gói tiếp theo, Hoa Kỳ sẽ tập trung vào xe bọc thép, đạn dược và phòng không".

Như vậy tạm thời chưa có F-16 như một số bác đồn đoán là phải có F-16 mới tấn công được. Tui thì nghĩ nếu Nga không còn khả năng làm chủ bầu trời nữa, thì chỉ cần MiG-29 nhưng có bom và tên lửa thông minh thì cũng rất tốt, còn nếu có thêm A-10 thì quá tốt.

Kế hoạch của Nga – theo lệnh của Putox như vậy là cố chiếm bằng được Bakhmut trước 09/05 rồi đồng loạt chuyển sang phòng ngự trên tất cả các mặt trận. Vì thế để thủ thắng, họ cho VDV vào trận ở Bakhmut. Nếu kế hoạch thành công, bước 1 vẫn có thể có duyệt binh. Bước 2, chuyển sang phòng ngự để nếu có thể, cuối năm quay lại đánh trận nữa chiếm nốt Kramatorsk và Slovyansk. Ngày 09/05 năm nay vẫn có những tuyên bố hùng hồn về chiến thắng, và chúng ta lại cùng nhau chờ xem mấy ông Valerii Zaluzhnyi, Sirsky tặng quà chiến thắng gì cho Putox nhé.

Ngay thời điểm này, nước sông Dnipro lên rất cao và cả ở các chi lưu, phụ lưu cũng vậy. Mưa nhiều nên đường sá lầy lội, các hoạt động quân sự mặt đất chắc chắn rất khổ nhất là cho lực lượng hậu cần. Dự báo thời tiết thì thấy bảo ít nhất tầm giỗ tổ Hùng Vương mới đỡ.

PHÚC LAI 19.04.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.