jeudi 27 avril 2023

Nguyễn Ngọc Chính - 1975 Black April Countdown

 

“Tháng Tư Đen” khởi đầu từ ngày 10/03/1975 tại thị trấn Ban Mê Thuột trên vùng Cao nguyên Trung phần. Thành phố còn được gọi là “Buồn Muôn Thuở”, “Buồn Mà Thương" hay thậm chí là “Bụi Mù Trời” đã được quân đội Miền Bắc chọn làm chiến trường “lãnh ấn tiên phong” dẫn đến trang lịch sử cuối cùng của hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại Miền Nam.

Ban Mê Thuột chỉ là một thị trấn nhỏ bé, với diện tích khoảng 370 km², dân số 300.000 người, nơi đặt bản doanh của Sư đoàn 23 bộ binh bị thất thủ và tạo một “chấn động domino’”, phá vỡ hệ thống phòng thủ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa!

Gia đình tôi rời Đà Lạt năm 1963 để đến vùng cao nguyên đất đỏ bazan chỉ vì công vụ của bố. Tôi bắt đầu học năm Đệ Tứ tại trường Trung học Ban Mê Thuột, một ngôi trường khiêm tốn, học sinh người Kinh và Thượng ngồi chung lớp theo đúng như bản hiệu đoàn ca “Kinh Thượng Kết Đoàn”.

Năm 1965 tôi quay trở về Đà Lạt học tiếp Tú tài 2 vì trường ở Ban Mê Thuột khi đó chưa có lớp Đệ Nhất. Tôi cùng vài người bạn trở thành “du học sinh” trên quê cũ tại xứ hoa đào thơ mộng.


Ban Mê Thuột là một thị trấn hiền hòa, bình dị... hầu như chẳng biết gì đến chiến tranh. Mãi đến Tết Mậu Thân năm 1968, lần đầu tiên tôi mới thấy mặt “những người thuộc phía bên kia” qua những xác nằm rải rác trên đường. Họ là những thanh niên “xẻ Trường Sơn đi cứu nước” nhưng lại vắn số nên đành... “sinh Bắc, tử Nam”!

***

Thời cuộc biến đổi không ngừng, bạn bè có người đã khoác áo lính hay áo bay, còn tôi cũng nhập ngũ để trở thành một giảng viên dạy Anh văn trong trường Sinh ngữ Quân đội. Và đến tháng Ba năm 1975 khi đang ở Sài Gòn thì nghe tin... Ban Mê Thuột thất thủ.

Tin chiến sự cho hay sáng sớm ngày 10/03/1975, Ban Mê Thuột bị pháo kích nặng nề và tiếp theo đó là những cuộc tiến quân rầm rộ của bộ đội Bắc Việt với sự hỗ trợ của xe tăng T54. Tin đến dồn dập qua đài BBC, mà toàn tin không vui đối với người dân Miền Nam ngày càng ở vào thế bất lợi.

Đến trưa ngày 10/03/1975 bộ đội Miền Bắc đã tràn ngập Ban Mê Thuột và đến tối thị xã đã thất thủ. Lực lượng quân đội và cảnh sát “tan hàng” và dân cũng như quân tìm đường chạy ra khỏi thị xã, nhắm hướng Sài Gòn, cứ điểm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 23/03/1975 cố đô Huế rơi vào tay “quân giải phóng” trong khi ở Đà Nẵng, hàng ngàn dân thường và binh lính tìm cách chạy thoát bằng đường biển khỏi thành phố đang bị bao vây dưới những trận mưa pháo.

Thành phố cảng Miền Trung thật ra hầu như không có cuộc chạm súng nào. Các trung tâm phòng thủ còn lại dọc theo bờ biển cũng nhanh chóng bị thất thủ: Quảng Ngãi ngày 24/03, Qui Nhơn và Nha Trang ngày 01/04 và cảng Cam Ranh ngày 03/04. 


Giữa lúc người dân Miền Nam đang hoang mang, hoảng loạn, tin chiến sự phát đi từ đài BBC hầu như đã góp phần làm rệu rã tinh thần của những người cầm súng. Sức mạnh của truyền thông còn mạnh và nhanh hơn những gì đã diễn ra trên thực tế: các thành phố đã được khai tử trước khi chúng lọt vào tay “quân giải phóng”!

Ngày 04/04/1975, Tổng thống Gerald Ford tung ra “Chiến dịch Babylift” (Operation Babylift) nhằm di tản những trẻ mồ côi ra khỏi Việt Nam. Một ngày sau đó, cuộc di tản đã diễn ra trong tang tóc khi một chiếc phi cơ vận tải quân sự C-5A Galaxy của Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất đã bị rơi. Tai nạn xảy ra khiến 138 hành khách bị thiệt mạng, trong đó có 78 trẻ mồ côi người Việt và 35 nhân viên Văn phòng Tùy viên Quốc phòng (Defense Attache Office – DAO) người Mỹ tháp tùng.

Ngày 09/04/1975, quân Bắc Việt tấn công huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, được coi như tuyến phòng thủ từ xa cuối cùng của Sài Gòn. Sư đoàn 18 của quân lực VNCH đã kháng cự ác liệt để giữ vững được thị xã. Đây là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 17/04/1975, Thượng viện Mỹ từ chối khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 722 triệu đô la mà chính phủ Mỹ đề nghị. Tuy không ai tin rằng viện trợ Mỹ có thể xoay chuyển tình thế, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã hy vọng rằng số tiền này có thể giúp Việt Nam Cộng Hòa lấy lại được vị thế về quân sự để thuyết phục Bắc Việt đàm phán.

Trong bức thư gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 23/3/1975, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford viết: “Cuộc tấn công hiện nay của Bắc Việt chống lại quý quốc thật vô cùng xáo trộn khiến riêng cá nhân tôi lo âu. Theo quan điểm của tôi, thì cuộc tấn công của Hà Nội tượng trưng cho một sự việc không kém gì sự hủy bỏ Hiệp định Paris bằng vũ lực. (…) Với mục đích tôn trọng những nghĩa vụ của Hoa kỳ trong tình thế này, tôi đang theo dõi những biến chuyển với quan tâm cao độ nhất và đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn của tôi về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép.

“Về việc cung ứng viện trợ quân sự đầy đủ cho quân đội Ngài, xin Ngài yên tâm là tôi sẽ cố tâm nỗ lực để thoả mãn những nhu cầu vật chất của Ngài trên chiến trường. Trước khi chấm dứt, tôi xin được nhắc lại một lần nữa lòng cảm phục liên tục của tôi đối với quyết tâm của Ngài và đối với sức bền bỉ và sự anh dũng của nhân dân Việt Nam Cộng Hòa’’.

(hết trích)

Ngày 20/04/1975, quân phòng thủ Việt Nam Cộng Hòa bỏ Xuân Lộc. Không còn gì để cứu vãn nữa! Việc bỏ Xuân Lộc khiến Sài Gòn không còn phòng thủ từ xa, quân Bắc Việt áp sát thành phố ở các tuyến ngoại vi. Sài Gòn được coi như đã bỏ ngỏ.

Frank Snepp, một chuyên viên phân tách tình báo cao cấp của cơ quan tình báo Hoa kỳ, tiết lộ trong cuốn “Decent Interval”, ngay sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức, Ngoại trưởng Henry Kissinger gởi cho ông Graham Martin, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn một bức điện về kế hoạch di tản người Mỹ và đề nghị ông Đại sứ giúp Tổng thống Thiệu rời khỏi Việt Nam.

Cũng theo Frank Snepp, Đại tướng Dương Văn Minh (lúc này chưa có vai trò gì trong chính quyền) cũng đã góp một phần lớn vào sức ép buộc cựu Tổng thống Thiệu phải rời khỏi nước. Tướng Minh cho rằng sự có mặt của ông Thiệu làm cản trở tiến trình hòa bình do ông chủ trương nên ông yêu cầu ông Thiệu sớm ra đi.

17 giờ ngày 26/04/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh của Hà Nội bắt đầu nổ súng với 5 quân đoàn ở 5 hướng tấn công. Ngày 27/4, Sài Gòn chịu 3 loạt hỏa tiễn của Bắc Việt, lần đầu tiên trong hơn 40 tháng, làm nhiều người chết và bị thương, nhà cửa đổ nát.


Ngày 28 và 29/04/1975 từ các hàng không mẫu hạm ngoài khơi Thủy quân lục chiến Mỹ dùng trực thăng di tản người nước ngoài và một số người Việt đã từng cộng tác chặt chẽ với họ. Các điểm bốc người di tản bằng trực thăng trở nên hỗn loạn.

Đại sứ Graham Martin là một trong những người Mỹ cuối cùng ra đi sau khi xếp lá cờ Mỹ trong khuôn viên tòa đại sứ. Tuy nhiên, trong số 120.000 người Việt và 20.000 người Mỹ được di tản trong đợt này, không một ai bị thiệt mạng vì hoạt động quân sự của Bắc Việt dừng lại bên ngoài thành phố để người Mỹ di tản.

Lúc 5 giờ chiều ngày 28/04/1975, tại phòng Khánh Tiết dinh Độc Lập, Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền lãnh đạo đất nước cho đại tướng Dương Văn Minh qua cuộc dàn xếp của các lực lượng chính trị thứ ba.

Bên ngoài, trời bắt đầu đổ mưa, sấm chớp ầm ầm và thủ đô Sài Gòn đang sống trong một buổi chiều u ám chẳng khác nào hoàn cảnh âm u của đất nước.

“Tháng Tư Đen” bao phủ lên Miền Nam từ đó để rồi bắt đầu “đổi đời”, bước sang thời “điêu linh”!

NGUYỄN NGỌC CHÍNH 21.04.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.