mercredi 12 avril 2023

Ngô Anh Tuấn - Đấu tranh để ở lại

 

Trong buổi trao đổi với luật sư Lê Văn Luân trước phiên xét xử, khi được đề cập tới một câu hỏi giả định về tình huống tị nạn chính trị, ông Nguyễn Lân Thắng đã khẳng khái mà rằng:

“Đây là chuyện của riêng Việt Nam, không phải của bất kỳ quốc gia nào. Tôi là người Việt Nam, nên tôi sống và đấu tranh trước mọi thứ cũng là cho đất nước mình, cho dân tộc mình, với tư cách công dân Việt Nam, không phải để đi nước nào khác”…

Tôi rất đồng tình và ủng hộ quan điểm này của ông Thắng. Đa số những người đấu tranh, lên tiếng phản biện, cất lên tiếng nói của sự tự do không phải để ra đi.

Họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình đấu tranh để được đi nước ngoài hay buộc phải rời bỏ đất nước. Nếu phải lựa chọn vào tù và đi tị nạn chính trị, không ít sẽ chọn đi tù. Còn một khi mệt mỏi, muốn rời đi, họ sẽ tự bước chân ra đi mà không cần phải nhờ ai và cũng không cần ai phải đuổi - Tôi cũng vậy!

Tôi đã nhiều lần được một số cơ quan ngoại giao hỏi về sự an toàn của bản thân và tôi luôn nói tôi vẫn hoàn toàn không sao. Tôi cũng thực sự không đánh giá quá cao vai trò của chính họ, khi tiếng nói của họ không giúp ích được nhiều để cải thiện tình hình Việt Nam. Tôi chưa bao giờ đánh giá cao việc bảo lãnh cho một số ít người đấu tranh đi tị nạn chính trị.

Qua một số lần gặp gỡ với đại diện các phái đoàn ngoại giao Âu, Mỹ, tôi thấy họ lắng nghe ý kiến xong để đó chứ không tiếp thu hay phản ánh được bao nhiêu, mọi thứ hầu như không biến chuyển sau những lần gặp gỡ ấy. Điều đó khiến tôi không còn hứng thú khi được mời nói chuyện với họ nữa.

Chốn quan trường ngày càng rủi ro, nguy hiểm; người được tung hô hôm nay, chưa chắc ngày mai còn được nhắc đến tên nữa. Thế nên người ta chỉ chăm chăm bảo vệ sự an toàn cho bản thân lên hàng đầu; việc nước, việc dân chắc hẳn phải xếp sau.

Thế nhưng, tổ quốc là trường tồn, còn đảng phái, thể chế chính trị sẽ có sự luân chuyển, xoay vòng theo quá trình vận động của lịch sử và nỗ lực của con người. Chuyện nội bộ của đất nước chúng ta, chúng ta phải là người giải quyết, không phải ai khác. Nếu ai cũng chọn cách ra đi thì ai sẽ là người ở lại?

Tôi ít tiếp xúc, không thân thiết với ông Thắng và cũng không hoàn toàn đồng tình với cách đấu tranh của ông nhưng tôi luôn tôn trọng ông, hơn hết là tôn trọng sự khác biệt. Những tiếng nói ngược, dù ít ỏi, khó nghe nhưng cần được lắng nghe, tiếp thu thay vì hắt hủi, kỳ thị. Đất nước này có lớn lên được hay không một phần đến từ những phản biện trái chiều, nó không đến từ những lời xu nịnh, những tiếng tung hô.

Tôi mong sẽ có ngày, những luật sư trong các vụ án chính trị thất nghiệp, đất nước mình không còn ai bị bắt bớ vì sự khác biệt trong tư tưởng. Khi đó, nơi đây là nơi đáng sống và không một ai muốn rời bỏ nữa.

LS NGÔ ANH TUẤN 12.04.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.