* Tăng là một cửa hiệu bánh mì nổi tiếng trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, ngay khu chợ Thủ Đô, chợ nhà giàu nổi tiếng của vùng Chợ Lớn.
Xưa kia, trước năm 1950, bánh mì Tăng vốn là một chiếc xe đẩy rong bán bánh bánh mì của một ông già người Hoa họ Tăng. Mỗi khi cảnh sát thổi dẹp chợ chồm hổm lại đẩy chạy vòng vòng quanh vỉa hè các khu nhà quanh đây, trước khi trở thành tiệm bánh mì lớn nhứt khu chợ này như bây giờ. Đến năm 1968 thì xe bánh mì có cái tên chánh thức, giản dị dễ nhớ là: bánh mì Tăng.
Ông Tăng Tấn là người theo phụ ông chú họ Tăng đó, đến năm 1982 mới chánh thức quản lý xe bánh mì này và hiện nay là con trai ông là Tăng Chiêu Minh quản lý. Nghĩa là tiệm đã 3 đời.
Có thể nói không quá là dân chợ Thủ Đô hiếm ai chưa từng cắn qua ổ bánh mì Tăng. Giờ, thì tới lượt dân Phú Nhuận nè. Tui hào hứng xếp hàng đợi mua cho mình một ổ bánh mì xíu mại, giá hai chục ngàn bạc Việt. Đây cũng là món thương hiệu của tiệm bánh mì này. Tăng cũng như các tiệm bánh mì nổi tiếng khác ở lễ hội, bán không ngơi tay, khách luôn xếp hàng để mua bánh mì là chuyện thường thấy. Dễ thương là không ai càm ràm cả.
Còn điều đáng càm ràm là hàng trăm gian hàng mà tui dòm chỉ có 3 nơi bán bánh mì chay!
- Quy mô, gian hàng, cách thức, nội dung tổ chức chưa phong phú, chưa xứng tầm tên gọi. Kiểu này thì gọi lễ hội bánh mì Sài Gòn cũng đủ rồi, hoặc gọi là Hội chợ bán bánh mì có lẽ đúng hơn.
- Tổ chức ở hai không gian khác tách biệt ở Nhà văn hóa Thanh Niên, một bên ở sân 4A, một phần nhỏ hơn ở phía mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước hội trường 1 (nay được gọi là nhà hát Thanh Niên), không có sơ đồ chỉ dẫn. Khách đi nếu không để ý sẽ đi thiếu hoặc nhầm với các hàng quán khác sẵn có trong Nhà văn hóa Thanh Niên.
- Các gian hàng như gian hàng hội chợ, không có tính mỹ thuật, chưa đáp ứng được phần nhìn-ngắm cần có của một lễ hội. Chỉ có hai tấm bảng gắn các thể loại bánh mì được dân tình đợi nhau check–in ở cổng chính.
Trong khi, có một Nhà thờ Đức Bà làm bằng bánh mì rất đẹp, hấp dẫn, là sản phẩm của một gian hàng, được để khiêm tốn lọt thỏm trong không gian nhỏ hẹp của gian hàng ấy. Trong khi lẽ ra nó cần có vị trí trưng bày đẹp đẽ trang trọng, dễ nhìn hơn.
- Còn thiếu vắng quá nhiều thương hiệu, tiệm bánh mì nổi tiếng.
Các gian hàng về nguyên phụ liệu, máy móc hỗ trợ, sản xuất, liên quan ngành bánh, bánh mì… không nhiều. Và dĩ nhiên là vắng khách. (Dân tình, dĩ nhiên, mải mua bánh mì và đây là “hoạt động giao thương” nổi trội nhứt lễ hội).
* Nhiều người tưởng bở vô đây là ăn bánh mì miễn phí. Thực ra chỉ một vài gian hàng có, và thường phải kèm theo một số điều kiện đi kèm. Thì phải vậy thôi, chứ nếu miễn phí hết thì cả lễ hội bánh mì bán cho ai hehe. Có gian hàng miễn phí món nước gì đó, dân tình xếp hàng dài để được cầm cái chén nhựa chút chíu như chén đựng nước chấm, cầm nóng phỏng tay . Của cho không mờ.
* Các gian hàng bán đồ uống tham gia lễ hội này là một sự khôn ngoan, tha hồ gom bạc. Vì ăn xong không lẽ không uống, nhứt là ăn bánh mì thì càng dễ khát.
Lễ hội gì mà ai cũng… ăn, ai cũng hớn hở gặm một ổ bánh mì. Dễ hiểu thôi, ăn món gì còn lỉnh kỉnh, lích kích chứ thức ăn nhanh như bánh mì là gọn lẹ phù hạp nhứt. Vừa ăn vừa đi dạo ngó nghiêng quá tiện. Giá bánh mì không cao không thấp so với bên ngoài. Phổ biến 20 ngàn bạc Việt/ ổ. Ai muốn ăn mắc hơn thì cứ việc chọn các loại có nhiều nhân thôi.
Điều dễ thương nhứt tui thấy là có chỗ cho người già. Thường các lễ hội hay bỏ quên người già, tóc bạc ít có chỗ chen chân nơi chỉ có người trẻ.
Nên ở lễ hội này, thấy các cô chú, các ông bà qua tuổi hưu ríu ran hay lò dò chậm chậm đi với nhau, tự nhiên thấy vui vui. (Dĩ nhiên, không phải nhờ nhà tổ chức lễ hội chu đáo mà do đặc thù của lễ hội món ăn bình dân phổ cập toàn dân này). Trung niên nhìn cảnh này mà tạm an ủi, mai mốt về già chắc cũng còn có chỗ (lễ hội nào đó) cho mình đi chứ, nhỉ. Hehe.
LÊ MINH HẠ 02.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.