vendredi 17 mars 2023

Hiệu Minh - Thăm đảo Colin và nhìn Gạc Ma

 

Tháng 4-2016 tôi được tham gia đoàn tầu KN490 gồm 80 bà con Việt kiều đi thăm Trường Sa và DK (nhà giàn thực chất là cái chòi trên biển). Trong chuyến đi 10 ngày, mỗi ngày thăm một đảo thì chuyến thăm đảo Colin để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất.

Colin cách Gạc Ma khoảng 8 km, nhìn mắt thường vẫn thấy đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng sau khi tàn sát 64 chiến sĩ công binh chỉ có xẻng cuốc trên tay. Chiều ngày 28-4 khi về tới Bộ Tư lệnh Hải Quân ở Sài Gòn, tôi được giới thiệu một chiến sĩ sống sót ở Gạc Ma.

Trước đây Gạc Ma từng là đảo chìm (trong video quân Trung Quốc bắn các chiến sĩ công binh đang đứng trên đảo lúc đó vẫn chìm), hiện đã được Trung Quốc xây như một pháo đài, có nhà cao tầng, luôn có tầu chiến túc trực. Từ đó (2016) tới nay (2023) chắc còn nhiều thay đổi.

Đảo Colin của Việt Nam nhỏ bé gần đó dù đã được xây dựng với sự cố gắng nhưng vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Nhìn đàn chó vui mừng gặp người là đủ biết là chúng lâu ngày không thấy ai khác ngoài những người lính đảo. Tìm mãi mới thấy cây quất vẫn còn xanh lá đặt ở góc đảo có ống nhòm nhìn sang Gạc Ma.

Có lẽ đây là đảo khó khăn nhất, nguy hiểm nhất vì đối diện với Trung Quốc đang chiếm đóng Gạc Ma.



Chiều hôm đó 22/04/2016 đúng vào ngày sinh Lênin, đoàn có buổi tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma trên tầu KN490 rất trang trọng. Một số nhà báo và tôi xung phong xuống xuồng để chụp ảnh ngược lên tầu. Mặt trời sắp lặn, ánh sáng thiếu, sóng bập bềnh khá to, máy rung nên chụp mãi mới được vài pô. Giá trị nhất là bức ảnh hậu cảnh có đảo Gạc Ma và Colin.

Trên tầu KN490, Chuẩn Đô đốc hải quân, Thiếu tướng Đỗ Minh Thái và đoàn thả bàn thờ, vòng hoa xuống biển như một nghi lễ mỗi khi có khách thăm đảo Colin. Nhìn cái bàn thờ, hương khói mỏng manh trên biển trôi qua đảo Colin để hướng về phía Gạc Ma nơi có 64 chiến sĩ nằm lại, trên boong tầu chan hòa nước mắt.

Nếu ai đã xem video lính Trung Quốc bắn đại liên vào các chiến sĩ ta muốn đánh dấu Gạc Ma là của Việt Nam sẽ còn nhiều cảm xúc khác. Hai quốc gia từng coi Lênin là lãnh tụ bỗng nhiên thành đối địch. Hy vọng vào quốc tế vô sản, tình hữu nghị, thật hão huyền.

Tướng Thái và các anh chỉ huy tầu dự nhiều lần tưởng niệm đều nói, vòng hoa và bàn thờ bao giờ cũng hướng tới Gạc Ma trong chiều tà rồi mới tắt.


Phía Gạc Ma, tầu chiến Trung Quốc biết phía Việt Nam đang làm tưởng niệm nên đã xịt khói đen lên trời, một hành động bẩn thỉu ngay cả với những người đã khuất.

Chiếc tầu nằm lại còn xác các chiến sĩ Việt Nam, Trung Quốc cũng không cho tới lấy hài cốt. Những ai ảo tưởng về 16 chữ vàng và 4 tốt hãy biết thêm chuyện này.

Nói chuyện với hai bác Việt kiều từ Mỹ là Lê Văn Minh ở cùng phòng và người bạn đời của bác là Lê Ánh Tuyết khi đó cũng ngoài 70, từng lưu lạc khắp thế giới do cuộc chiến xô đẩy. Trong chuyến đi này, hai bác đóng góp những chiếc bình lọc nước cho các đảo giá trị 85 triệu đồng.

Bác Tuyết kể, ở nhà có bản đồ Việt Nam treo trong phòng, thỉnh thoảng bác sờ tay lên những chấm đảo nhỏ bé là Hoàng Sa và Trường Sa, cũng có một giấc mơ như tôi, là ngày nào đó được đặt chân và sờ vào nắm cát trên biển đảo quê nhà.


Trên đảo Colin, tôi được mời phát biểu, trong phòng chỉ có mấy sĩ quan và đoàn khách năm, sáu người do đảo bé không tiếp được nhiều và lối lên đảo cũng khó. Trên đảo Trường Sa lớn tôi cũng được 2 phút nói lại điều này trước hàng ngàn người trong cơn mưa hiếm hoi suốt bốn tháng qua.

Làm trong tổ chức quốc tế World Bank phụ trách IT cho khu vực Đông Á Thái Bình Dường gồm 13 nước từ Mông Cổ, Trung Quốc tới Úc và những đảo như Solomons, tôi thường xuyên đi công tác và bay trên Biển Đông mỗi năm vài lần trong suốt 11 năm kể từ năm 2004. 


Lần nào qua Trường Sa và Hoàng Sa tôi cũng nhìn lên bản đồ hành trình của chuyến bay và nghĩ ngợi về biển đảo quê hương. Cũng không thể mường tượng được cuộc sống dưới đó thế nào. Và mơ ngày nào đó được đặt chân lên một hòn đảo, thế mà có mơ có được.

Tôi có nói đại ý rằng, người Việt dù ở góc biển chân trời nào, dù quan niệm đa chiều, nhưng nói về Trường Sa và Hoàng Sa, thì họ chung một dòng máu chảy trong tim. Đó chính là sức mạnh của dân tộc này đã hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tôi tin thế hệ tương lai của con cháu Việt khắp thế giới sẽ bảo vệ biển đảo bằng kiến thức toàn cầu hóa và luật pháp quốc tế nếu nội lực và ngoại lực được quy về một mối. Thế giới nhiễu nhương thì chủ quyền đất nước không thể bảo vệ bằng tình hữu nghị, ý thức hệ, cố tình quên chuyện lịch sử hôm qua hay quyết tâm chính trị.

Hôm nay (14-3) báo chí và mạng xã hội lại nói về Gạc Ma, bỗng nhớ chuyến đi năm xưa với cảm xúc vẹn nguyên. Nhớ lúc xuống xuồng để chụp ảnh lễ tưởng niệm từ một góc khác, sóng bồng bềnh xô vòng hoa đi sang phía Gạc Ma, kỷ niệm lại ùa về ứa nước mắt.

HIỆU MINH

4/2016 – 3/2023 Đảo Colin và Gạc Ma

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.