dimanche 4 juillet 2021

Mai Quốc Ấn - Giải phóng

Chi viện cho Sài Gòn 300 người là chủ trương của ai?

Đây là câu hỏi cần trả lời, để biết bản chất vấn đề của sự xào xáo mấy hôm nay. Tôi tìm hiểu thì ra kết quả sơ bộ như vầy:

Y Bộ lệnh chi viện. Chi phí đưa đón hai đầu cho hơn 300 người do một tập đoàn bất động sản tài trợ, chi phí bay vô Sài Gòn do hãng bay bỏ ra, chi phí ăn ở khách sạn do một hãng du lịch đài thọ.

Tôi chú ý thấy câu hỏi: “Sài Gòn có thực sự cần chi viện người chưa?” Ở đây có hai vấn đề:

- Tình thế Sài Gòn tại thời điểm chi viện 300 người có thực sự thiếu người chưa?

- Tâm thế đón nhận của Sài Gòn với việc chi viện 300 người ở thời điểm ấy ra sao?

Y Bộ có quyền điều động nhân sự, nhưng từ việc Sài Gòn chưa la lên thiếu người cho thấy đó là sự điều động mang tính duy ý chí. Đây mới là gốc của vấn đề, vì danh không chính thì ngôn không thuận.

Ngôn đã không thuận, ông hãng bay lại còn quen thói “truyền thông ngạo nghễ” từ năm ngoái. Chở người thôi cũng đại ngôn “đường Hồ Chí Minh trên không”. Ngôn không thuận cấp độ bình phương.

Ông hãng du lịch cũng nhân cơ hội phòng đang ế, làm truyền thông về việc hỗ trợ chỗ ăn ở kiểu khách sạn có sao. Các bạn trẻ Hải Dương (mà bạn trẻ nào cũng rứa), có thói quen check-in Facebook. Giữa lúc Sài Gòn xơ xác hỏi sao không phản cảm.

Còn câu “giải phóng miền Nam” là một ý thức hệ chứ không chỉ đơn thuần là một phát ngôn. Tôi nói điều này với kinh nghiệm 6 năm học ở Hà Nội và 12 năm liên tục ra Bắc công tác, du lịch, nghe miết. Chỉ những trí thức thực sự của Hà Nội mới đồng cảm sâu sắc câu “triệu người vui cũng triệu người buồn” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đừng trách bạn trẻ nói câu ấy! Bạn ấy cũng như nhiều người bật ra câu ấy vốn đã mang trong mình một ẩn ức hình thành lâu năm do tuyên truyền loa phường. Bật ra câu nói ấy chỉ là kết quả của cả một quá trình dài…

Những ẩn ức tích tụ của Nam Bộ “bị phỏng d…” (cấm nói lái) cũng vì thế mà tự nhiên bật ra nối theo!

Bạn trẻ nào đó của đoàn chi viện Hải Dương có thể chưa hiểu chuyện, nên chưa phân biệt được khái niệm chi viện và giải phóng khác nhau. Càng không thể bắt một bạn trẻ hiểu sâu sắc nỗi đau của “triệu người buồn”, khi quanh bạn ấy là một lịch sử đậm đặc những bài hát, những sách vở, những lễ kỷ niệm “tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô”.

Chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của một thời đại mắc dịch theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đám đông hời hợt tìm hiểu nhưng lại mau chóng phán xét. Chọn cách tấn công bọn trẻ sẽ dễ hơn nhiều đập mèo ăn vụng chứ mấy ai chống hổ cướp heo?

Trong case study truyền thông này chỉ cần quay lại câu hỏi cũ: Chi viện cho Sài Gòn 300 người là chủ trương của ai?

Chủ trương của ai thì người đó tổ chức. Tổ chức kém là lỗi của người lớn chứ không phải của sinh viên. Các vấn đề khác dù là phát sinh, đã được đưa đi quá xa vấn đề gốc rồi!

Nhưng cái “chủ trương của ai” bé xíu kia lại “nhắc” một việc khác. Cái Sài Gòn cần thực sự “giải phóng” là một cơ chế ngân sách được giữ lại như Quảng Ninh, Đà Nẵng hay Hà Nội để có nội lực mà phát triển. Chứ không phải những tấm lòng đóng góp quỹ phòng chống dịch cũng phải “xin” trung ương được giữ lại. Gần nhất là tuyến cao tốc huyết mạch Sài Gòn-Mộc Bài cũng phải “xin” trung ương rót vốn.

Có sự “xin” ấy vì có những sự cho mang tên tượng đài ở những xứ không phải Sài Gòn, mang tên những dự án đốt ngân sách như Cát Linh-Hà Đông,… Đó là những điều mang tính duy ý chí cá nhân. Muốn nhân dân giải phóng khỏi định kiến, trước hết các chính trị gia cần giải phóng mình khỏi tư duy của “bên thắng cuộc”.

Nếu không làm được, e câu hòa hợp vẫn là rất xa… Mà điều này thì Bắc Kinh và lũ đàn em đang tiềm phục trong nước mình sướng lắm!

MAIQUỐC ẤN 04.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.