dimanche 4 juillet 2021

Nguyễn Gia Việt - Đừng “đánh trống, khua chiêng” để lòng người thêm xào xáo


Một việc rất tốt, rất cần là "phụ nhau" chống dịch, cũng giống như phụ hàng xóm dập tắt đám cháy vậy.

Phải nói là vô vàn công đức, vô vàn lòng biết ơn khi có những người từ Hải Dương xa xôi xả thân vào trong lòng thành phố giúp dập dịch.

Nhưng ... dân trong Sài Gòn lại râm ran qua nay.

Các bạn ơi! Xin các bạn đừng buồn, có khi một số bạn sẽ buồn vì tại sao lại bị nghi ngờ và có hơi hám không như mơ như vậy.

Cái đề tài này hay, phải nói tiếp, không có gì phải ngại ngùng gì hết, chúng ta nghĩ sao cứ nói vậy, nói thẳng. Người Miền Nam xưa rày tánh thẳng như ruột ngựa, sống mở, sống luôn nhìn sự thực để làm mình tốt hơn. Vì quan điểm, cách sống, tập tánh Nam Bắc có sự khác nhau.

Người Nam xưa rày có lòng vị người khác dữ lắm. Minh chứng là hình ảnh Lục Vân Viên “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha”khi ra tay cứu Kiều Nguyệt Nga.

“Kiến ngãi bất vi vô dũng giả

Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”

(Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng. Gặp người bị nguy mà không cứu thì không phải là kẻ anh hùng).

Chúng ta kêu đó là “Anh hùng giữa đàng” kiểu Lục Vân Tiên. Xin nhớ là giữa đàng mà ra tay, tức là đi bất chợt, không cố ý làm anh hùng, chỉ là vô tình.

Nhà văn Sơn Nam sau này viết bài thơ có câu sau :

"...Trong khói sóng mênh mông

Có bóng người vô danh

Từ bên này sông Tiền

Qua bên kia sông Hậu

Mang theo chiếc độc huyền

Điệu thơ Lục Vân Tiên

Với câu chữ:

Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả"

Nhưng người Nam lại quan điểm "Làm ơn há dễ trông người trả ơn". Thành ra từ trăm năm nay với đặc thù Miền Nam trù phú, Sài Gòn phồn vinh đã đem mọi thứ chia sẻ khắp nơi mà người dân chưa bao giờ đòi hỏi điều gì hết.

Là đất mới khai khẩn, dân Nam Kỳ không có hương ước, lũy tre làng như Bắc, sống lại cách xa nhau nên họ không trọng huyết thống kiểu họ hàng, dòng tộc. Nam không có gia phả, sống kiểu "Bán họ hàng xa mua láng giềng gần".

Người Miền Nam rất "biết ơn" người đi trước, người từng giúp mình. Người Nam Kỳ cúng mùng 10 là lễ cúng Tạ Ơn đất đai. Đám giỗ ở Nam Kỳ luôn có mâm cúng ngoài đường, tri ân người mở đất.

Rồi tánh hiếu khách, hào phóng, hào sảng, thích làm thân mau lẹ, biết thương con người đồng văn, tánh ham đọc, ham học. Tánh "cưa đôi" dân chủ, sòng phẳng của Miền Nam thể hiện trên bàn nhậu. Trên bàn nhậu của dân Nam Kỳ chỉ xài một cái chung duy nhứt.

“Nhà nghèo chỉ có một chung

Xin mời các bạn hãy đi lòng vòng…”

Chung rượu sẽ “cưa đôi”, tức mỗi người nửa chung, như vậy mới thỏa tình tri âm, bạn hữu. Người Nam hay nói "Thây kệ mồ nó" khi thấy trái tai gai mắt.Thây kệ là nói trại của "Thôi, kệ".

"Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời"

Nói "Thôi kệ" là nói miệng, nhưng vẫn dò xét kín đáo.

Là gốc lưu dân, người Nam học Nho giáo không bằng cái khoe khoang khoe chữ như kiểu dân Bắc. Nho giáo Nam Kỳ trong máu, trong tim, là cách ứng xứ, thái độ con người. Nam Kỳ có câu "Làm sao coi cho nó đặng" là một câu luân lý, dạng luật bất thành văn mà bất cứ người Nam Kỳ nào cũng nặng mang.

Danh hài Hoài Linh là một vụ sinh động kiểu này.

Trong những vai ông già Miền Nam của Hoài Linh làm nhiều người Miền Nam khó chịu, ngoài giọng không chuẩn thì ông già kiểu Hoài Linh là kiểu ti tiện, nhiều chuyện, xách mé, miệng lưỡi đàng trời, sẵn sàng chửi lộn. Không có ông già Nam nào kiểu kỳ cục vậy.

Lịch sử tréo ngoe, Trời Đất kỳ lạ. Cùng là người Việt nhưng lại cho tính cách con người hai miền Nam Bắc lại quá khác nhau. Khác nhiều lắm, từ cách sống tới quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề.

Nói rõ trong vụ Hải Dương nè.

Chống dịch thì đã mấy tháng rồi, nhưng biết bao nhiêu nhân viên y tế, sinh viên y khoa của Sài Gòn đã xả thân vì thành phố. Ngày đêm quên ăn quên ngủ, làm mọi thứ có thể để dập tắt trận dịch đã tới từng nhà, từng hẻm. Họ làm tất cả theo nguyên tắc “Kiến ngãi bất vi vô dũng giả" và "Làm ơn há dễ trông người trả ơn".

Nhưng khi một "đoàn" hàng trăm bạn Hải Dương vào thì người Miền Nam giựt mình.

Mới lên cầu thang máy bay thôi là các bạn quá khoa trương, khua chiêng gõ mõ kiểu "phong trào". Một thành phố đang hoạn nạn, người dân đang bịnh rất mệt, đang căng như dây đờn mà nghe "khua chiêng" họ không ưng bụng. Có cảm giác đang bị "giỡn hớt" trên cái đau của họ.

Cái "khoa trương" từ trên máy bay làm hình trái tim, rồi dùng từ ngữ kiểu "đường Hồ Chí Minh trên không", "vì Miền Nam ruột thịt". Tthậm chí trên Facebook các bạn, có bạn ghi là "Vào giải phóng Sài Gòn". Rồi nào là "thần tốc vào dẹp dịch", khiến người thành phố bực mình, có cảm giác nhân viên y tế thành phố là vô dụng.

Mắc giống gì mà đi máy bay, di chuyển phải mặc blouse trắng như diễn?

Đang dịch, tất cả phương tiện đều chở 50% thôi. Vậy mà nhìn máy bay chen chật cứng, hình ảnh không đủ sức thuyết phục người dân.

Nhớ mấy tuần trước các y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy từ Bắc Giang đi về Sài Gòn có mặc blouse đâu, họ mặc thường phục.

Chưa hết, thấy đưa tin Saigontourist huy động 5 khách sạn gồm Continental, Kim Đô, Oscar, Đệ Nhất và Thiên Hồng bố trí phòng ngủ cho 1.050 người, phục vụ ăn sáng, ăn tối cho tất cả thành viên của đoàn.

Sài Gòn đang dịch, mọi thứ khó khăn, nhiều chợ đã bị ngừng hoạt động. Chẳng biết hiệu quả của các bạn ra sao, nhưng chuyện phục dịch cho 1.050 người ở những khách sạn hạng sang này đã làm cho nhiều người dân thấy "mắc nghẹn".

Cho là có Vin trả tiền đi. Nhưng...

Chưa hết, một đám đông, đi từ tỉnh Hải Dương cũng đang có dịch vào thành phố, báo đưa tin xuống máy bay là "ào" đi liền thì có an toàn không? Tá túc một đám đông trong các khách sạn kia có an toàn không? Rồi có khi nào, không may lại có "ổ dịch" trong 5 khách sạn kia không? Nhân viên bệnh viện Nhiệt Đới chích đủ 2 mũi mà vẫn bị lây cúm đó.

Nhớ mấy tuần trước các y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy từ Bắc Giang đi về Sài Gòn phải về bệnh viện kiểm tra sức khỏe, test tùm lum, rồi cũng cách ly vài ngày mới tiếp tục công việc.

Đoàn Hải Dương mang danh dập dịch giúp thành phố, nhưng lại làm một số người dân ngạc nhiên về cách thể hiện.

"Làm sao coi cho nó đặng" đó.

Những câu đoàn kết Nam Bắc là cần thiết, nhưng nhiều lúc hành động lại không xi nhê mấy. Hãy bằng việc làm, bằng hiệu quả chứ không bằng hô hào khẩu hiệu, hình ảnh, số đông.

NGUYỄNGIA VIỆT 03.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.