mardi 1 septembre 2020

Nguyễn Hồng Lam - Công đạo



Công lý luôn hướng về đạo lý đồng thời là phương tiện thực thi đạo lý. Nhưng không phải ở đâu, lúc nào, công lý và đạo lý cũng song hành hay chồng khít lên nhau.

Ngay khi đương chức, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải đã bị kỷ luật cảnh cáo và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố bắt giam. Sai phạm, tội trạng của họ được xác định là xảy ra ngay khi họ đang tại vị, chưa kết thúc nhiệm kỳ. Phát hiện là xử lý, là khởi tố ngay. 

Dẫn chứng từ thủ đô, có vẻ như kỷ luật đang được duy trì nghiêm minh, luật pháp đang được thượng tôn, thực thi quyết liệt, không có vùng cấm hay sự nể nang nào cả. Đó là một biểu hiện của công lý.

Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh thì sao? Những sai phạm thấu trời kéo dài suốt 20 năm có lẻ; những oan khuất chồng cao như núi; những đời Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch bị hài tên công khai, sai phạm được gọi luôn là tội ác, không cần e dè... 

So với sai phạm của những đồng cấp ở Hà Nội, tội lỗi hoặc sai phạm của những kẻ đang hoặc đã từng đứng đầu TP Hồ Chí Minh nghiêm trọng hơn nhiều, thành hệ thống và kéo dài, gây khốc hại cho nhân dân, tàn phá đất nước, hủy hoại thể chế nặng nề hơn gấp bội. 

Thế nhưng, ở phương Nam, luật pháp và kỷ luật chỉ mới sờ tới ngang mức Phó Chủ tịch thành phố, nhưng người đã ký nhưng còn lâu mới có quyền quyết định hay ra lệnh. Những người bị xử lý cũng chỉ vì tên tuổi gắn với vụ việc cụ thể, dù có nghiêm trọng đến mấy thì vẫn thuộc hàng nhỏ lẻ so với những sai phạm cố ý, những tội lỗi ngút trời khác mang tính chủ trương, kéo theo và chứa trong lòng nó hàng loạt hố thẳm oán thán phủ lên cả một, một vài thế hệ. 

Lưỡi gươm công lý chưa sạt qua cọng tóc của kẻ từng đứng đầu chính quyền thành phố, cũng là cầm đầu chuỗi dài tội lỗi nào cả. Ngay cả một Phó Chủ tịch nhỏ nhoi được réo tên liên tục nhiều năm như Tất Thành Cang, mức kỷ luật có vẻ vẫn rất tròn vo cả nể. Nó tỏ ra đầy thân ái với tội đồ và gây công phẫn trong dư luận, thất vọng và phẫn nộ trong nhân dân.

Vì sao thế?

Vì TP Hồ Chí Minh luôn đóng góp lớn, có khi đến gần 1/3 (30,7% năm 2015) tổng thu ngân sách cả nước hàng năm nên tạo ra quyền lực khiến luật pháp quốc gia phải e dè, kiêng nể? Vì đất phương Nam, nếu không là tỵ địa cũng sẵn mầm cát cứ? Vì tội lỗi đã kết nhau thành tập đoàn, hệ thống, không dễ trừng phạt kẻ phạm tội theo cách rút từng chiếc đũa ra bẻ? 

Vì dư âm đặc quyền "nhập triều bất bái" từ thời Tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt, sau gần 200 năm vẫn chưa bị pha loãng, Trung ương chưa thể dùng pháp luật công khai để trừng phạt kẻ tự nhận công thần đã gây tội hoặc rắp ranh lấn lướt để phạm tội? Hoặc đơn giản, luật pháp nghiêm minh nhưng còn tùy chỗ, công bằng nhưng chưa công bằng lắm? Hoặc thật ra, có rất nhiều cách hiểu khác nhau cho mấy chữ nghiêm khắc - công bằng, tùy theo vị thế của người nhìn nhận nó? Hoặc vì những lý do khác không ai công bố, không ai dám và được quyền tuyên bố?

Tôi không biết.

Nhưng tôi có quyền đoán. Có điều, tôi sẽ không nói ra điều tôi đoán, vì dường như điều đó ai cũng biết cả rồi. Tôi không hả hê gì với chuyện khởi tố, bắt giam cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào chiều nay, dù ở góc nhìn nào đó, việc này thể hiện tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng, vì công lý của luật pháp. Tôi chỉ mong, ở TP Hồ Chí Minh và tất cả mọi nơi chốn khác trên đất nước này, pháp luật vẫn luôn giữ được vẻ mặt bình thản, lạnh lùng, nghiêm khắc, không khoan nhượng và kịp thời như thế.

Với luật pháp, cái đơn nhất cũng là cái chung. Mong ước của người dân với công lý không phải là điều đặt ra để rồi thất vọng. Bởi lẽ, khi nhân dân triền miên thất vọng thì chế độ đã lọt thỏm dưới đáy thời tuyệt vọng. 

Đó chính là đạo lý.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.