samedi 26 septembre 2020

Bông Lau - Trung đoàn 422


Khi Nhật Bản đánh lén oanh tạc Trân Châu Cảng tháng 12 năm 1941 tuyên chiến với Hoa Kỳ, đã gây phẫn nộ nơi quần chúng Mỹ. Sự kỳ thị chủng tộc không ít thì nhiều vốn đã có vào thời càng gia tăng. Người Mỹ bản xứ nghi ngờ người Nhật sống ở Hoa Kỳ nối giáo cho kẻ thù.

Tổng Thống Hoa Kỳ lúc ấy là Franklin D. Roosevelt đã ra lịnh bắt tất cả người Mỹ gốc Nhật đưa vào các trại giam hay trại tập trung (internment camp) ở miền Tây Nam Hoa Kỳ. Có khoảng 120 ngàn người thiểu số gốc Nhật sống rải rác ở miền Tây Hoa Kỳ phải bán nhà cửa và tài sản của họ để dọn vào ở trong các trại tập trung.

Trong Thế Chiến Thứ Hai dân số của người Mỹ gốc Đức và Ý nhiều hơn người Mỹ gốc Nhật, nhưng chỉ khoảng hơn 10 ngàn người bị lùa vào các trại tập trung. Lý do là vì người Đức và Ý ít bị kỳ thị hơn và bị nghi ngờ như người Nhật. Một lý do khác nữa là vì kinh tế; giới kinh doanh tài phiệt Mỹ cần công nhân gốc Đức và Ý làm việc trong các xí nghiệp nên đã vận động chính giới không cho bắt giữ người Đức và Ý đưa vào trại tập trung.


Tương tự như trường hợp của 150 ngàn người Mỹ gốc Nhật sống ở Hawaii nhưng chỉ có khoảng từ 1.200 đến 1.800 người bị lùa vào trại giam. Lý do vì người Nhật ở Hawaii làm nghề nông và thợ mộc nên được sự bảo vệ của giới tài phiệt da trắng bản xứ.

Cộng đồng người Mỹ gốc Nhật ở Hoa Kỳ vào thập niên 40 chỉ có hai thế hệ. Thế hệ đầu tiên di dân và khoảng 80 ngàn thuộc thế thứ hai sinh ra ở Mỹ gọi là “Nisei” theo ngôn ngữ Nhật. Và Nisei đã trở thành một huyền thoại trong quân sử của Hiệp Chủng Quốc.


Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ thanh niên bản xứ Mỹ bị bắt đi quân dịch, nhưng người Mỹ gốc Nhật thì không. Hơn thế nữa, một số sinh viên Mỹ gốc Nhật đang theo học các chương trình sĩ quan trừ bị trong quân lực Hoa Kỳ (ROTC - Reserve Officer Training Corps) đã bị đuổi vì chính quyền Hoa Kỳ sợ các sinh viên này phản bội làm gián điệp cho Nhật Bản.

Tháng 3 năm 1943 vì nhu cầu chiến trường, khi ấy gọi Bộ Chiến Tranh Hoa Kỳ (War Department) là Bộ Quốc Phòng hiện nay, đã kêu gọi người Mỹ gốc Nhật tình nguyện đầu quân để thành lập một đơn vị tác chiến tách biệt với đơn vị người da trắng. Có hơn 12 ngàn “Nisei” thanh niên Nhật thuộc thế hệ thứ hai đã nhanh chóng nhập ngũ để chứng tỏ tình yêu nước và sự trung thành đối với Mỹ Quốc. Có tổng cộng 33 ngàn người Mỹ gốc Nhật nhập ngũ chiến đấu trong suốt Thế Chiến Thứ Hai.


Những chàng trai gốc Phù Tang này được gởi tới trại Shelby, tiểu bang Mississippi để huấn luyện quân sự một năm. Trung Đoàn 422 của lính Mỹ gốc Nhật được thành lập năm 1944 và giải tán sau chiến tranh năm 1946. Đơn vị tác chiến này không tham chiến ở Châu Á Thái Bình Dương vì sợ bị phản bội, mà chiến đấu ở Âu Châu. Tuy nhiên một số “Nisei” thông thạo tiếng Nhật được xung vào các đơn vị tình báo và gởi qua Á Châu hoạt động.

Quân số đầu tiên của Trung Đoàn 422 là 3.800 người. Được chia làm 3 tiểu đoàn tác chiến (100, 2, 3) và một tiểu đoàn pháo binh (522) sử dụng đại bác 105 ly. Mỗi tiểu đoàn tác chiến gồm có 4 đại đội tác chiến và một đại đội chỉ huy. Tiểu đoàn pháo binh gồm có 3 pháo đội.


Ngoài ra còn có các đại đội chống chiến xa sử dụng súng đại bác không giựt 57 mm. Đại đội công binh, đại đội quân y, trung đội truyền tin, tình báo v.v… Đặc biệt tiểu đoàn 100 quy tụ đa số quân nhân Vệ Binh Quốc Gia Mỹ gốc Nhật ở Hawaii lập nhiều chiến công hiển hách nhứt. Sĩ quan Trung đoàn 422 từ cấp bật đại úy trở lên là người da trắng. Có thể trong thời gian này chưa có người Mỹ gốc Nhật nào leo lên chức này.

Trung đoàn 422 được gởi đến Âu Châu tháng 6 năm 1944 sáp nhập vào Sư đoàn 36 Bộ binh Hoa Kỳ. Các chiến trường đẫm máu mà Trung đoàn 422 tham dự ở Ý và Pháp gồm có: Đồi 140 và Castellina ở Ý, Núi Vosges, giải phóng Bruyères và Biffontaine nước Pháp, phòng tuyến Gothic Line ở Ý v.v.


Trận chiến khốc liệt nhứt phải nói là sứ mạng giải cứu Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 36 Lục quân Hoa Kỳ bị quân Đức bao vây ở núi Vosges. Nhiều đơn vị bộ binh Mỹ khác đã được điều động đến tiếp cứu nhưng bó tay thất bại.

Tướng 2 sao John E Dahlquist chỉ huy Sư đoàn 36 Bộ binh Hoa Kỳ ở mặt trận Âu Châu ra lịnh Trung đoàn 422 tấn công quân Đức ở Vosges để cứu 211 lính Mỹ bị kẹt ở đó. John E Dahlquist giống Tướng Võ Nguyên Giáp ở điểm dở về chiến thuật nhưng rất giỏi về tài nướng quân. John E Dahlquist thường tổ chức những trận đánh tự sát, bất chấp thiệt hại của lính Mỹ miễn sao chiếm được mục tiêu cuối cùng.


4 giờ sáng ngày 27 tháng 10 năm 1944, khi tuyết mưa sình lầy và băng giá, Trung đoàn 422 tấn công vị trí vững chắc của quân Đức ở núi Vosges. Các “Nisei” Mỹ gốc Nhật xung phong hét tiếng Nhật “Banzai" (Tennōheika 天皇陛下万歳), có thể tạm dịch là “Thiên Hoàng Vạn Tuế”. Súng máy Đức nã ra tới tấp. Lính Mỹ gốc Nhật lớp ngã gục lớp khác tiến lên. Họ đánh xáp lá cà với quân Đức và tung lựu đạn vào các công sự chiếc đấu của Đức Quốc Xã. Sau năm ngày tàn sát nhau, lính Đức “chém vè” bỏ chạy tán loạn.

Trung đoàn 422 đã chiến thắng cứu được Tiểu đoàn 1/141 nhưng bị thiệt hại nặng. Có 800 binh sĩ đã chết và bị thương. Tướng John E Dahlquist không cho Trung đoàn 422 ăn mừng mà những người sống sót phải tiếp tục truy kích tàn quân Đức Quốc Xã.


Ngày 12 tháng 11 Tướng John E Dahlquist ra lịnh Trung đoàn 422 tập họp để làm lể ban khen. Khi duyệt qua hàng quân John E Dahlquist đã khó chịu và hách dịch hỏi Trung đoàn Trưởng 422 là Trung Tá Virgil R. Miller một người Mỹ trắng “Tôi muốn tất cả binh sĩ của anh phải đứng vào hàng” (I want all your men to stand for this formation). Trung Tá Virgil R. Miller vắn tắt trả lời “Họ là tất cả những người còn sót lại, thưa Ngài”. Đại đội K chỉ còn 18 người, Đại đội I còn 8 người.

Một thời gian sau trong một cuộc duyệt quân ở căn cứ Fort Bragg (tiểu bang North Carolina) Tướng John E Dahlquist thấy Trung tá Gordon Singles trong hàng quân. Nhận ra đây là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 422 “Nisei” lừng danh ngày nào.

Tướng John E Dahlquist bước tới muốn bắt tay Trung tá Gordon Singles và nói một câu được ghi vào quân sử Hoa Kỳ về tài nướng lính “Hãy để những xung đột trôi qua và giờ chúng ta hàn gắn lại. Nó như dòng nước chảy dưới cầu, không có gì quan trọng, phải không?” (Let bygones be bygones. It's all water under the bridge, isn't it?). Trung tá Gordon Singles vẫn đứng nghiêm chào nhưng từ chối bắt tay Tướng John E Dahlquist.


Theo các tài liệu thì các sĩ quan da trắng ở Trung đoàn 422 chỉ trích kịch liệt Thiếu Tướng John E Dahlquist đã coi thường mạng sống của binh sĩ mình. Họ đã thể hiện tình “huynh đệ chi binh” đối với các chiến hữu “Nisei” gốc Nhật. Người viết bỗng nhớ đến một đoạn hồi ký trong cuốn sách “It Doesn't Take a Hero” của vị Tướng Mỹ lừng danh Norman Schwarzkopf.

Tướng Schwarzkopf kể lại rằng khi còn là một Đại úy cố vấn trong một đơn vị Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Sau một cuộc đụng độ có thiệt hại nhân mạng, Đại úy Norman Schwarzkopf leo lên đứng trên càng của một chiếc trực thăng UH-1 của Mỹ vừa đáp xuống tiếp tế. Schwarzkopf nói qua cửa sổ của phòng lái trực thăng yêu cầu phi công chở các xác chết đẫm máu của lính Nhảy Dù VNCH về hậu cứ.

Viên phi công Mỹ liếc nhìn các xác chết rồi nói với Schwarzkopf : “Tôi sẽ không chở mấy cục c*t đó trên máy bay”. Đại úy Norman Schwarzkopf đã bùng nổ giận dữ và hét lên : “Nếu mày không chở tao sẽ đứng hoài trên càng này. Mày cất cánh tao sẽ rớt xuống chết. Hoặc tao sẽ bắn bể gáo dừa mày (I will blow your head off)”. Phải chăng tình huynh đệ chi binh có được là vì lòng can đảm và sự hy sinh của lính Nhảy Dù VNCH đã làm viên cố vấn cảm phục?

Thiệt hại nhân mạng của Trung đoàn 422 sau gần hai năm tác chiến ở Âu Châu là 8000 người chết và bị thương. Trung đoàn phải bổ sung quân số 3 lần và có tổng cộng 14 ngàn binh sĩ “Nisei” gốc Nhật phục vụ ở Trung đoàn này. Đặc biệt Tiểu đoàn 100 có mức thiệt hại trên 100% với con số 600 binh sĩ tử trận. Tiểu đoàn 100/422 còn có tên hiệu là “Tiểu đoàn Chiến Thương Bội Tinh” (Purple Heart Battalion) và một tên khác của Trung đoàn 422 là “Go for Broke”, nghĩa là “uýnh xả láng”. Như một canh bài liều lĩnh sử dụng tất cả quân bài của mình hầu thắng lớn.


Người Pháp đặt tên một con đường ở thành phố Bruyères là Đại Lộ của Trung Đoàn 422 (The Avenue of the 442nd Infantry Regiment) để tưởng nhớ những binh sĩ “Nisei” đã anh dũng đổ máu giải phóng nước Pháp. Trung đoàn 422 là đơn vị có nhiều huy chương nhứt trong quân sử Hoa Kỳ với hơn 18 ngàn huy chương, trong đó có 21 Huân Chương Danh Dự cao quý nhứt của quân đội (Medals of Honor).

Năm 1976 Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố những trại tập trung giam giữ người Mỹ gốc Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai là sai lầm và chính thức xin lỗi. Năm 1988 Tổng Thống Ronald Reagan ký đạo luật Tự Do Dân Sự (Civil Liberties Act) và bồi thường những người Mỹ gốc Nhật đã từng bị giam trong trại tập trung còn sống với ngân sách bồi thường tổng cộng là 1.4 tỉ đô la.

Sự kỳ thị về nguồn gốc và màu da có lẽ vẫn còn có trong lòng nhiều người Mỹ. Tuy nhiên sự kỳ thị đó rất ít đối với cộng đồng người Mỹ gốc Nhật. Bởi vì họ đã chứng minh là những công dân sẵn sàng hy sinh cho quê hương thứ hai. Không những vậy người Mỹ gốc Nhật thường có một cuộc sống đàng hoàn tử tế không làm những điều tai tiếng như những cộng đồng khác nên không có lý do để bị kỳ thị.

Trong Thế Chiến Thứ Hai, người Mỹ gốc Phi Châu cũng có những tấm gương anh hùng. Điển hình là các phi đoàn tác chiến. Đặc biệt có phi đoàn chiến đấu cơ P-51 Mustang có nhiệm vụ hộ tống các oanh tạc cơ B-25, B-17, B-24 v.v. đánh bom ở Đức Quốc. Phi công da đen lái các chiến đấu cơ tối tân nhứt của Hoa Kỳ thời ấy là P-51 đã lập được nhiều chiến công kể cả thành tích không chiến bắn rớt 36 máy bay Đức trong đó có 3 chiếc máy bay chiến đấu phản lực Me-262 của Đức Quốc Xã và 237 chiếc khác đậu dưới đất. Họ có danh hiệu là Phi Công Tuskegee. Hay Phi Công của máy bay đuôi đỏ (Red Tail).


Người Mỹ gốc Phi Châu còn có nhiều nhân vật nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong xã hội Hoa Kỳ nhiều hơn bất cứ cộng đồng thiểu số nào. Ví dụ Tổng Thống Obama, Ngoại Trưởng Colin Powell, Condoleezza Rice, và hàng ngàn tướng tá, dân biểu thượng nghị sĩ, bác sĩ kỹ sư giáo sư đại học v.v… Nhưng tiếc thay cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu vẫn còn bị kỳ thị nặng nề. Không hẳn vì màu da của họ, mà vì do cách sống bê tha của một số người. Hãy sống tử tế như cộng đồng người Mỹ gốc Nhật xem sao?

Người Việt tị nạn khi mới đến Hoa Kỳ cũng bị kỳ thị nhiều. Nhóm người Mỹ bản xứ kỳ thị người tị nạn ở thập niên 70 – 80 gồm có các thành phần phản chiến chống chiến tranh. Trong đó có thượng nghị sĩ Joe Biden bỏ phiếu cắt quân viện cho VNCH và bỏ phiếu không giúp người tị nạn Việt Nam. Hình ảnh đám hippy cánh tả đứng dọc xa lộ California đưa cao biểu ngữ “Chỉ có (TT) Ford muốn chúng nó” đăng trên báo Times, Newsweek v.v. khó mà phai mờ trong lòng người.

Rồi người tị nạn Việt Nam còn phải đối đầu với đám cực hữu KKK ở Texas vào thập niên 80, và kết quả cả làng đánh cá Việt Nam phải cuốn gói ra đi trước hạm đội ghe đánh cá súng đạn tua tủa của bọn da trắng cực đoan.

Nhưng người Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở Hoa Kỳ đã kiên tâm và vươn lên từ từ. Ở thập niên 80 người tị nạn Việt Nam đổ xô đi học nghề, học đại học. Các ông Đại Tá Trung Tá qua Mỹ với bàn tay trắng ban ngày làm gác dan quèn canh giữ các xí nghiệp, ban đêm cắp sách đi học đại học. Ngay cả Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan người hùng của trận Mậu Thân cũng mở một tiệm bán Pizza nhỏ sống lây lất nuôi gia đình và thường xuyên bị đám thiên tả bu lại hăm dọa trục xuất hay đưa ra tòa xét tội phạm chiến tranh. Nhưng các đứa con của Tướng Loan đều tốt nghiệp đại học và nên người.

Những nỗ lực phấn đấu đó của lớp người Việt đi trước là để cho con cháu họ, để thế hệ thứ hai thứ ba thứ tư vươn lên như những “Nisei” can trường của cộng đồng Mỹ gốc Nhật năm xưa. Những tấm gương oai hùng của Trung đoàn 422 “uýnh xả láng” để chiến thắng, hay những Phi Công Tuskegee da đen bắn tan xác máy bay phản lực của Nazi trên vòm trời Âu Châu mà thế hệ đi sau phải noi theo…

Muốn không bị kỳ thị thì không phải bằng cách đi biểu tình đốt phá rồi đòi hỏi người khác phải tôn trọng mình, mà là phải sống nghiêm túc có trách nhiệm và sẵn sàng dấn thân cho một quê hương đã cưu mang mình.

BÔNG LAU 25.09.2020

(Các chú thích ảnh đều của tác giả)

Tham khảo :
https://en.wikipedia.org/wiki/Internment_of_Japanese_Americans?fbclid=IwAR0k7N_109U1EqPwvpP57vTrPZBuwYf11Pu4_C3l0HOB3zm5CqUsSJrK6XI

https://en.wikipedia.org/wiki/442nd_Infantry_Regiment_(United_States)?fbclid=IwAR0npt8f9fIIKQWI0zNOm4AXyFT0wtqoKabEmz2CuQ3qqys7j9TkFJMwzJ4

https://www.historynet.com/american-samurai.htm

https://en.wikipedia.org/wiki/Tuskegee_Airmen 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.