mardi 15 septembre 2020

Mai Quốc Ấn - Nghĩ về Đồng Tâm


Trong mọi vụ án, sự nghiêm minh của một bản án cụ thể thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật nói chung. Nó có tính răn đe những cá nhân/tổ chức có khả năng vi phạm đến quyền sở hữu tài sản, sức khoẻ, trí tuệ và danh dự của các cá nhân/tổ chức khác.

Những ngày này tôi đi tìm sự đồng tâm trong bản án Đồng Tâm liên quan đến mảnh đất Đồng Sênh. Nhưng không thấy!

Luật sư của các bị cáo đưa ra rất nhiều lập luận về sự thiếu logic của hồ sơ vụ án và các lập luận ấy được người dân sử dụng khá nhiều để nói về bản án. Thậm chí có những phản đối gay gắt đối với bản án Đồng Tâm.

Nghĩa là chưa có sự đồng tâm trong cách nhận định một án điểm mà ở đó một cụ già bị bắn chết, ba chiến sĩ được đánh giá đã chết khi thực hiện nhiệm vụ và hai án tử với những người liên quan vụ việc.

Công lý không đơn thuần là sẽ có bao nhiêu cái chết nói riêng hay bao nhiêu bản án nói chung cho những người có liên quan. Nó là một phức hợp giữa pháp luật hiện hành và thứ còn cao hơn luật pháp: đạo lý. Tất cả cần được đânh giá khách quan trên các dữ liệu khoa học và sự khách quan trong quá trình xét xử.

Ví dụ, một kế hoạch tuyệt mật không thể công bố tại tòa thì tại sao có phóng viên VTV xuất hiện tại hiện trường đưa tin “một cách trùng hợp” như vậy? Ví dụ một công dân già yếu (trên 80 tuổi) chưa có quyết định bắt của Viện Kiểm sát hay phán quyết có tội của Toà án sao lại bị bắn chết tại nhà riêng? Ví dụ chiếc hố nơi được cho rằng ba chiến sĩ công an bị thiêu chết có các dấu hiệu không bị đốt bởi xăng mà sao không cho thực nghiệm hiện trường (bằng mô hình chẳng hạn)..v.v.

Người dân có quyền đặt câu hỏi như vậy và nhiệm vụ của những người làm thông tin là phản ánh trung thực các thắc mắc chính đáng về vụ án này. Quá trình minh bạch thông tin ấy không phải là sao chép một chiều thông tin của cơ quan điều tra mà còn cần các lập luận, chứng lý của các bên liên quan. Sự bất đồng thuận về bản án mang tính pháp lý chính là sự không đồng tâm về các giá trị đạo lý cơ bản. Đạo lý có trước, pháp lý có sau, và thực tế luôn chứng minh có những vấn đề đưa ra đúng pháp lý nhưng trái đạo lý sẽ khiến lòng dân bất an.

Đã có nhưng hoạt động mang tính kiến nghị cá nhân/tập thể cần xem xét lại vụ án. Ở đó, nguồn gốc sâu xa về việc vì sao các cá nhân tại Đồng Tâm lại có sự thống nhất chống lại quyết định thu hồi đất của nhà nước cần được làm rõ hơn. Đất đai chính là lịch sử và đất đai (tự nhiên) có trước rồi mới đến nhân dân (dân tộc) và cuối cùng mới là nhà nước (nhiều giai đoạn, thời kỳ) có sau cùng.

Cũng là quyền lợi cơ hữu thể hiện qua câu “đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý” thì rõ ràng mối quan hệ “đất đai-nhân dân” có trước mối quan hệ “đất đai-nhà nước”. Thay đổi mối quan hệ “đất đai-nhân dân” bằng quyết định hành chính hay bằng bạo lực nhà nước sẽ làm mối quan hệ nhân dân-nhà nước xấu đi. Nhất là các quyết định hành chính ấy vẫn còn chưa thể hiện được sự đồng thuận của nhân dân về mặt quyền lợi cơ hữu mà nhân dân đáng ra phải có trên mảnh đất gắn bó với họ lâu hơn.

Phiên sơ thẩm đã qua và tin rằng sẽ có phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm. Ở đó, sự đòi hỏi mang tính chất cấp bách về sự đồng tâm trong việc minh bạch thông tin vụ án là có. Có nhiều! Cao hơn nữa là sự đòi hỏi tính công minh khi xét xử dựa trên các chứng cứ liên quan thay vì tính áp đặt mang thông điệp răn đe đơn thuần của bản án sơ thẩm.

Các bị cáo nhận tội chưa đủ là cơ sở để tìm sự đồng thuận trong dân chúng bởi thực tế đã có nhiều án oan được giải dù trong quá trình điều tra, bị cáo cũng nhận tội. Một bán án của toà nếu chỉ thể hiện sự nghiêm trị cũng là chưa đủ bởi các công dân khác đang nhìn cả vào sự minh trị của chế độ cầm quyền.

Bài toán ấy lớn hơn nhiều so với việc sẽ có bao nhiêu bản án và mức án nặng cỡ nào. Vì chữ đồng tâm dù viết hoa như là địa danh hay như một tính từ vẫn đều đẹp; trong khi công lý có thể là một tính từ được diễn giải như tên một diễn viên hài trong các cảm thán hiện nay.

P/s: Có một nguyên tắc khoa học cơ bản trong thế giới này, quốc gia này là mọi việc đều có liên quan đến nhau. Và dưới góc nhìn khoa học xã hội, nếu chúng ta không lên tiếng trước những bất công thì không có sự bất công nào dù cho ai hay cho chính bản thân, mà mỗi người đều tự đặt cho mình tâm thế vô can cả!

MAI QUỐC ẤN15.09.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.