Sự kiện SpaceX, năm 2015, bắn một tên lửa vào không gian và đưa nó trở về nguyên vẹn, cho thấy, vấn đề muôn thuở không chỉ là bay cao, bay xa mà còn là khả năng hạ cánh.
Lẽ ra, tiến sĩ Lê Vinh Danh đã được vinh danh và có một sự nghiệp trọn đời ở trường Tôn Đức Thắng. Nhưng, hình như trong sự nghiệp cuộc đời, ông đã không chuẩn bị kế hoạch cho mình hạ cánh.
Không có ông Tôn Đức Thắng khó có thể được như ngày nay; nhưng để Tôn Đức Thắng được như ngày nay không chỉ có ông.
Năm 1996, Liên đoàn Lao động TP (LĐLĐ TP) quyết định thành lập ba cơ sở đào tạo, trong đó có một trường đại học. Do lúc đó trên địa bàn thành phố đã có nhiều trường đại học công lập, Chính phủ không cho mở thêm công lập.
Thế là, trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng ra đời, dù không có ông bà “dân” nào góp vốn. Bà Hoàng thị Khánh, Chủ tịch LĐLĐ TP, làm chủ tịch Hội đồng sáng lập trường và LĐLĐ TP góp 500 triệu (QĐ 787, 1997).
Ngay từ đầu, LĐLĐ TP đã trao cho trường quy chế tự chủ về nhân sự và tài chính, Liên đoàn chỉ “nắm” Ban Giám hiệu (BGH) và Kế toán trưởng. Giáo sư Châu Diệu Ái là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Năm 1998, bà Hoàng Thị Khánh sang làm Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy, ông Đặng Ngọc Tùng thay bà, kiêm thêm Chủ tịch HĐQT của trường đại học.
Lúc ấy, trường còn phải đi thuê phòng ốc, đội ngũ giảng viên thì mỏng. Lương của Chủ tịch (12 triệu/tháng), của hai thành viên kiêm nhiệm khác (8 triệu/tháng) được cấp lại cho trường [Trong 6 năm đầu làm Chủ tịch, từ tháng 8-1998 đến 12-2003, ông Tùng đã giao lại toàn bộ lương của ông cho trường].
Bước ngoặt quan trọng nhất của Tôn Đức Thắng là vào năm 1999, LĐLĐ TP mời được toàn bộ BGH trường Đại học Đại cương (vừa giải thể do cơ cấu lại Đại học Quốc gia) về thay thế BGH cũ. Và, cũng năm 1999, LĐLĐ TP cấp cho trường 6,650 tỉ để mua lại nhà xưởng từ một công ty dệt may gần như phá sản. Trường lại còn được vay 37 tỉ đồng không lãi từ chủ trương “kích cầu” của Ủy ban, và 4 tỉ của LĐLĐ TP để xây một tòa nhà 5 tầng ở đường Ngô Tất Tố.
Tôn Đức Thắng bắt đầu được biết đến từ thời hiệu trưởng Bùi Ngọc Thọ, và nhu cầu phát triển cũng xuất hiện từ lúc này. Nhưng khi LĐLĐ TP xin đất thì ông Võ Viết Thanh, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban, nói, Tôn Đức Thắng là dân lập nên Ủy ban không thể cấp đất được. Thế là, để có đất, năm 2003, đang từ dân lập, Tôn Đức Thắng chuyển thành bán công thuộc Ủy ban (Ủy ban vẫn giao cho Công đoàn quản lý). Trường được cấp gần 10 hecta ở quận 7 (kinh phí đền bù, 50 tỉ, do Ủy ban chi trả).
Năm 2006, tiến sĩ Lê Vinh Danh làm hiệu trưởng và cũng năm 2006, theo Luật Giáo dục 2005 - không còn mô hình đại học bán công - Thủ tướng chỉ đạo chuyển đổi 5 trường đại học bán công sang trường tư thục. Thành phố và Tổng LĐLĐ VN đã làm một việc "ngược đời" là xin chuyển Tôn Đức Thắng thành trường công lập.
Lúc đầu Thủ Tướng không đồng ý, vì chủ trương của Chính phủ là chuyển các trường bán công sang tư thục. Cả hiệu trưởng Lê Vinh Danh và ông Đặng Ngọc Tùng mà muốn tư lợi thì lúc đấy cứ thuận theo Thủ tướng, biến Tôn Đức Thắng thành trường tư để có một ít cổ phần như Hoa Sen, nhưng ông Tùng và ông Danh đã đi vận động để Tôn Đức Thắng trở thành công lập.
Sau quyết định 3995, tháng 6-2008, Thành phố bàn giao cho Tổng LĐLĐ VN quyền sở hữu Tôn Đức Thắng, cả tài sản lẫn con người. Thời gian ấy, ông Đặng Ngọc Tùng đang là Phó chủ tịch thường trực, rồi Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, nên Tổng Liên đoàn đã tạo nhiều điều kiện cho Tôn Đức Thắng [Năm 2008 cho vay không lãi hai lần, tổng cộng 140 tỉ; năm 2009, xin Chính phủ được thêm 70 tỉ để xây ký túc xá].
Cho dù toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu của Tổng LĐLĐ VN, nhưng nguyên tắc quản trị mà Chính phủ xác lập cho Tôn Đức Thắng là, “quản lý nhà nước là công lập nhưng về tài chính được áp dụng như ngoài trường công lập”; đặc biệt về khoản kết dư hàng năm “chỉ để xây dựng và phát triển trường, không chuyển cho Nhà nước, cho Tổng liên đoàn hay bất cứ cá nhân nào”(công văn số 3995 ngày 18-6-2008 của VPCP gửi các Bộ ngành).
Vừa có 10 hecta đất, vừa có hàng trăm tỉ trong tay, hiệu trưởng Lê Vinh Danh, một người vừa tâm huyết, vừa có tài năng, đã xây dựng cho Tôn Đức Thắng một campus rất là đại học. Nhưng có lẽ đóng góp quan trọng nhất của ông trong 14 năm làm hiệu trưởng là, khai thác tối đa quyền tự chủ mà lãnh đạo Liên đoàn lao động thời đó trao cho ông, để thu hút nhân tài và đưa Tôn Đức Thắng tiến gần hơn tới các mô hình đại học.
Tôi hiểu phản ứng của ông Lê Vinh Danh. Nhưng, không phải người đại diện chủ quản nào cũng như bà Hoàng Thị Khánh, ông Đặng Ngọc Tùng hay ông Nguyễn Huy Cận (Chủ tịch từ 2003)… Tôn Đức Thắng lớn mạnh, thì những lãnh đạo tâm huyết sẽ đứng bên cạnh ông; trong khi, những lãnh đạo thực dụng sẽ nhìn thấy ở đó những mối lợi mà người ta muốn ông chia sẻ.
Tôi rất muốn những người như ông Lê Vinh Danh được vinh danh, vì sự vinh danh ấy khẳng định tính đúng đắn khi trao thêm quyền tự chủ cho đại học.
Nhưng, quản trị một định chế công, cho dù có quyền tự chủ đến đâu, cũng không ai dám khẳng định là không sai. Khi muốn tôn vinh, người ta chỉ nói tới công, nhưng khi muốn trảm thì công chỉ là tình tiết để người ta giảm nhẹ hay không giảm nhẹ. Rất tiếc là bên cạnh ông hình như chỉ có những người nói đến công lao mà không có ai giúp ông nhận ra những “lỗ chân trâu”.
Lẽ ra, một người như ông thì phải hiểu cách vận hành của thể chế. Sự tung hô của mạng xã hội và ngay cả báo chí cũng như con dao hai lưỡi. Và, có thể sinh viên, giảng viên kính trọng và cần ông, nhưng phản ứng tập thể rất có thể đẩy ông vào tình huống bị truất hoàn toàn quyền “an toàn hạ cánh”.
HUY ĐỨC 24.09.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.