Vụ án Đồng Tâm là một vụ án tranh chấp đất đai gây chấn động dư luận, khi có tới bốn người đã chết (một người dân Đồng Tâm và ba người thuộc lực lượng công an).
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án được dư luận xã hội trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Đây là một vụ án hết sức phức tạp, tuy nhiên trong quá trình xét xử, hội đồng xét xử (HĐXX) đã nhiều lần bác bỏ rất nhiều kiến nghị của luật sư bào chữa nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ án và giúp việc xét xử đúng người, đúng tội, tranh gây oan sai.
Vì vậy, để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong quá trình xét xử, HĐXX cần xem xét làm rõ một số vấn đề trước khi tuyên án:
1. XÁC ĐỊNH VIỆC LỰC LƯỢNG CÔNG AN TẤN CÔNG VÀO NHÀ CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH CÓ ĐÚNG PHÁP LUẬT HAY KHÔNG:
Việc xác định tính hợp pháp khi lực lượng công an tấn công vào nhà cụ Kình hết sức quan trọng nhằm giúp HĐXX xác định được hành vi của các bị cáo. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đồng Tâm, tôi và rất nhiều luật sư đồng nghiệp đã đưa ra hàng loạt kiến nghị nhằm làm rõ vấn đề này, nhưng không được chấp nhận, cụ thể:
(i) Tại hồ sơ vụ án và phiên tòa đã khẳng định lực lượng công an khi tấn công vào nhà cụ Kình không có quyết định bắt giữ, lệnh khám xét hoặc văn bản hợp pháp nào cho phép tự ý xông vào nhà ông Kình. Vậy, dựa vào cơ sở nào lực lượng công an được phép tự ý tấn công vào nhà cụ Kình?
(ii) Hồ sơ vụ án cũng thể hiện lực lượng công an về địa phương ngày 09/01/2020 là nhằm hỗ trợ Bộ Quốc phòng thực hiện việc xây tường rào phần diện tích đất tranh chấp với dân Đồng Tâm. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Hiểu khẳng định toàn bộ tường rào đã được Bộ Quốc phòng xây dựng hoàn thành từ 10 ngày trước thời điểm lực lượng công an về Đồng Tâm. Vậy mục đích của lực lượng công an tấn công vào nhà ông Kình là để bảo vệ việc xây tường rào, hay có mục đích khác, mà như ông Hiểu khẳng định là để trấn áp những người dân bất đồng về đất đai?
(iii) Ngoài ra, HĐXX cũng cần làm rõ lý do tại sao mục đích của lực lượng công an là để hỗ trợ xây tường rào tại khu vực đất Đồng Sênh, nhưng không đến khu vực đất tranh chấp, mà lại trực tiếp tấn công vào nhà cụ Kình.
(iv) HĐXX cần làm rõ lý do tại sao để trợ giúp Bộ Quốc phòng xây tường rào, mà không tiến hành quang minh chính đại giữa ban ngày, mà phải hành quân giữa đêm với lộ trình tiến thẳng đến nhà ôn Kình?
(v) Đọc toàn bộ hồ sơ vụ án, chúng tôi không thấy có văn bản nào khẳng định bản Kế hoạch (điều động lực lượng công an tới Đồng Tâm) là văn bản “Mật”. Tuy nhiên, khi kiến nghị tại phiên tòa yêu cầu công bố bản Kế hoạch nêu trên, thì chúng tôi nhận được trả lời của VKS và ngài Chủ tọa rằng không thể công bố do văn bản nêu trên do là văn bản “Mật”. Bản Kế hoạch là văn bản rất quan trọng nhằm xác định tính hợp pháp của việc điều động lực lượng công an tấn công vào nhà cụ Kình.
(vi) Tại phiên tòa, ông Chủ tọa phiên tòa dựa vào căn cứ nào để khẳng định việc lực lượng công an về Đồng Tâm là đương nhiên hợp pháp và không cần thiết phải chứng minh.
(vii) Tại sao phiên tòa triệu tập đại diện của Công an TP Hà nội, nhưng không cho các luật sư xét hỏi để làm rõ lý do về việc điều động lực lượng công an về Đồng Tâm trong đêm 08/01/2020.
2. LÀM RÕ LÝ DO BẮN CHẾT CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH
(i) Theo hồ sơ vụ án, cảnh sát đã nổ súng bắn cả cụ Lê Đình Kình và ông Bùi Viết Hiểu (đang ở cùng một phòng tại nhà cụ Kình), khiến ông Kình tử vong, còn ông Hiểu bị thương nặng. Lý do nổ sung là do trên tay cụ Kình đang cầm lựu đạn để chống trả lực lượng công an. Tuy nhiên, số lựu đạn ghi nhận trong hồ sơ vụ án chỉ là 10 và theo lời khai của những người tham gia vụ án thì số lựu đạn tại hiện trường (không bao gồm lựu dạn trên tay cụ Kình) đã đủ số lượng 10 lựu đạn. Như vậy, nếu trên tay cụ Kình cầm 01 lựu đạn, thì tổng số lựu đạn là 11 và không khớp với hồ sơ vụ án.
(ii) Tại phiên tòa ông Hiểu xác nhận cụ Kình không cầm lựu đạn mà chỉ cầm một chiếc đinh cá, không có khả năng chống trả hoặc tấn công cho lực lượng công an.
(iii) Ông Hiểu cũng khẳng định cụ Kình bị bắn hai phát đạn từ phía trước ở khoảng cách gần trái ngược với hồ sơ vụ án ghi nhận cụ Kình bị bắn hai phát đạn từ phía sau.
(iv) Tại phiên tòa, ông Hiểu xác nhận ngay khi vào phòng, lực lượng công an đã tiến hành nổ súng bắn mỗi người hai phát vào ngực và chân bằng loại súng có tính sát thương rất cao (ông Hiểu từng nhiều năm phục vụ quân đội và hiểu biết về các loại súng) với mục đích tiêu diệt cả hai ông, vì lý do khách quan viên đạn bắn vào ngực ông Hiểu trượt xuống dưới nên mới có thể giữ mạng sống cho ông Hiểu.
(v) Tại phiên tòa, ông Hiểu cũng xác nhận cụ Kình và ông Hiểu đều là những người nắm rõ lịch sử đất đai tại Đồng Sênh (cụ Kình là cựu bí thư đảng ủy xã, ông Hiểu là cựu chủ nhiệm hợp tác xã) và là những lãnh đạo người dân Đồng Tâm trong việc tranh chấp đất đai tại Đồng Sênh. HĐXX cần xem xét phải chăng đó có phải nguyên nhân dẫn đến hai ông là mục tiêu nổ súng.
Nếu sự việc nêu trên là đúng sự thật, thì HĐXX cần làm rõ và xem xét về các kiến nghị của Luật sư về việc khởi tố vụ án giết người với nạn nhân là cụ Lê Đình Kình.
3. LÀM RÕ LÝ DO TẠI SAO KHÔNG TIẾN HÀNH THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA
Việc VKS cho rằng vụ án Đồng Tâm không cần thiết phải tiến hành thực nghiệm điều tra bởi sẽ kéo dài nỗi đau cho gia những người bị hại là không phù hợp, bởi những lý do:
(i) Thứ nhất, lý do không tiếp tục kéo dài nỗi đau cho người bị hại là lý do không phù hợp để từ chối thực nghiệm điều tra theo quy định tại điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự.
(ii) Thứ hai, vụ án Đồng Tâm là vụ án phức tạp, nghiêm trọng, có tới 02 người bị đề nghị án tử hình. Do vậy, việc tiến hành thực nghiệm điều tra để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết để sáng tỏ vụ án là hết sức cần thiết, tránh xét xử không đúng người, đúng tội.
(iii) Thứ ba, Có nhiều vấn đề mâu thuẫn, vô lý trong hồ sơ vụ án, ví dụ: Theo cáo trạng Chức có hành vi dùng chân đẩy chậu xăng đang cháy từ mái nhà của Chức sang mái nhà Hợi trên một cái thang và điều này là bất khả thi. Vì vậy, việc tiến hành thực nghiệm điều tra để làm rõ giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, vô lý trong vụ án là hết sức cần thiết.
(iv) Thứ tư, Theo hồ sơ vụ án thi thể của ba cán bộ công an đã bị than hóa hầu hết cơ thể. Chức khai dùng nắp can, đổ xăng từ can ra nắp rồi hắt xuống hố từ ba đến bốn lần có đủ để gây than hóa toàn bộ cơ thể và chết người hay không? Trong một không gian giếng trời rất kín và hẹp, liệu có đủ ô xy để gây cháy than hóa toàn bộ cơ thể các cán bộ công an hay không? Không giải đáp được các câu hỏi nêu trên sẽ khiến dư luận xã hội đặt nghi vấn về việc ba can bộ công an bị chết do đốt xăng hay do nguyên nhân khác.
(v) Thứ năm, trong hồ sơ vụ án có lời khai của hai cán bộ công an xác nhận các cán bộ công an nhảy qua hố bị trượt chân rơi xuống mâu thuẫn với cáo trạng rằng các cán bộ công bị chọc dao nên rơi xuống. Do vậy, cần thực nghiệm điều tra để xác định các cán bộ công an đã bám vào đâu để trèo lên, và bị chọc dao như thế nao dẫn đến rơi xuống, hay do nhảy qua hố bị trượt chân rơi xuống.
LS TRƯƠNG CHÍCÔNG 13.09.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.