samedi 26 septembre 2020

Nguyễn Văn Miếng - Bạo lực có cứu rỗi được dân tộc này ?

 

Trong hai ngày 21 và 22/9/2020, Tòa án nhân dân TP. HCM đã đưa ra xét xử vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 113 và 305 BLHS đối với 20 bị cáo.

Trong phần điểm danh đầu phiên tòa, thư ký đã gọi các bị cáo là ông, bà.

Họ gồm 3 nữ và 17 nam: Người lớn tuổi nhất là ông Điểu Lé, sinh năm 1952, người dân tộc thiểu số S’Tiêng, người nhỏ tuổi nhất là Vũ Hoàng Nam, sinh năm 1996. Thuộc các tỉnh thành: Đồng Nai, TP. HCM, Thanh Hóa, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Bình Phước và Đắk Nông. Trong số này còn có một bị cáo nữa tên Điểu A Nam, sinh năm 1986, cũng là người dân tộc thiểu số S’Tiêng.

Nhiều bị cáo có mối quan hệ gia đình như: cha con ông Nguyễn Khanh - Nguyễn Tấn Thành, hai cặp vợ chồng Nguyễn Minh Tấn - Trương Thị Trang, Phạm Trần Phong Vũ - Trần Thị Thu Hạnh, hai anh em cùng cha khác mẹ Hồ Anh Tuấn - Hồ Nguyễn Quốc Hưng, bà con xa Điểu Lé - Điểu A Nam.

Có 7 luật sư bào chữa cho 8 bị cáo: 4 luật sư chỉ định và 1 luật sư được mời bào chữa cho 6 bị cáo bị truy tố theo khoản 1 Điều 113, có mức án đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình; 2 luật sư được mời bào chữa cho hai bị cáo bị truy tố theo khoản 2 và khoản 5 Điều 113.

Còn lại 12 bị cáo không có luật sư, trong số này có hai bị cáo người dân tộc thiểu số nêu trên và 1 bị cáo đã bất ngờ từ chối luật sư do gia đình mời, 5 ngày trước khi mở phiên tòa.

Phiên tòa có sự tham gia của đại diện Công an phường 12, quận Tân Bình và Công an tỉnh Hậu Giang với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (mà không phải là người bị hại).

Hai bị hại là công an công tác tại Công an phường 12, quận Tân Bình có đơn xin xét xử vắng mặt và yêu cầu bồi thường 10.673.000đ cho bà My, 4.500.000đ cho ông Việt.

Không có người làm chứng và vật chứng tại phiên tòa.

Thẩm quyền điều tra vụ án này thuộc Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. HCM.

Theo cáo trạng, những bị cáo này thuộc một tổ chức có tên gọi là “Triều Đại Việt” tại Canada do ông Ngô Hùng làm “Tổng Tư lệnh”. Họ đã gây ra 3 vụ nổ “bom” tự chế:

- Vụ nổ thứ nhất xảy ra vào lúc 2 giờ chiều ngày 20/6/2018, tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, làm hư hỏng trụ sở công an, gây thiệt hại 349.546.500đ và làm bị thương hai “đồng chí” công an bà Lê Thị Hoài My, sinh năm 1987, tỉ lệ thương tích là 8% (tám phần trăm) và ông Nguyễn Lê Hồng Việt, sinh năm 1995, tỉ lệ thương tích là 0% (không phần trăm).

- Vụ nổ thứ hai xảy ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 05/7/2018, tại khuôn viên trụ sở Công an tỉnh Hậu Giang (đang xây dựng), không gây thiệt hại.

- Vụ nổ thứ ba không xác định được thời gian, xảy ra tại một trụ điện thuộc ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa, huyện Châu thành, tỉnh Kiên Giang, gây thiệt hại 648.591đ.

“Bom” là trái nổ tự chế bằng thuốc nổ TNT trộn với bột trét tường đổ vào hũ nhựa, gắn kíp nổ và bình ắc quy, sử dụng remote để kích nổ.

Trong quá trình điều tra, có hai nghi phạm bị chết:

- Đó là Hứa Hoàng Anh, người nhận trái nổ từ Nguyễn Minh Tấn và Phạm Trần Phong Vũ để gây nổ tại Kiên Giang (vụ nổ thứ 3), Công an tỉnh Kiên Giang đã ghi lời khai Hứa Hoàng Anh. Ngày 02/8/2018, Hứa Hoàng Anh đã tự sát.

- Người thứ hai là Bùi Chí Linh, người giúp Tấn đóng giả vai “Phó Tư lệnh Quân khu 4” để đánh lừa Ngô Hùng. Ngày 11/9/2018, Bùi Chí Linh chết do bị bệnh.

Vụ án xảy ra vào tháng 6, 7 năm 2018, nhưng không mang yếu tố “Đặc Khu”.

Nét chung của ba vụ đánh “bom” là không điều nghiên trước mục tiêu, chỉ thấy thuận lợi là gây nổ. Như vụ đánh “bom” tại trụ sở Công an phường 12 quận Tân Bình, Nam và Minh đi ngang và tạt vô. Vụ đánh “bom” tại trụ sở (đang xây dựng) Công an tỉnh Hậu Giang, Tấn và Vũ không hề xác định trước mục tiêu và phải mất hai đêm mới gây nổ được, lại còn cầm cờ “Triều Đại Việt”, hô khẩu hiệu và quay phim. Vụ thứ ba vẫn còn bí hiểm vì Hứa Hoàng Anh đã chết.

Mục đích của các vụ nổ trên là gây tiếng vang, trong khi cấu thành của tội này là xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhằm chống chính quyền nhân dân.

Nhiều đối tượng được miễn tránh nhiệm hình sự, như 15 người dân tộc thiểu số chụp hình tham gia tổ chức để được nhận tiền, gạo.

Đáng chú ý, nhân vật mang bí số A99 chuyển cho Trần Văn Đoan số tiền 13 triệu đồng và 100 USD, và nhân vật mang bí số TL1 (tức “Tư lệnh Quân khu 1”) được biệt phái xuống “Vùng 4 chiến thuật” nhận súng, nhưng bị Tấn lừa và tránh mặt, cả hai đã biến mất.

Nói lời sau cùng, phần lớn các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

- Ông Nguyễn Khanh: “Bị cáo muốn được thi hành án sớm vì hơn hai năm tạm giam, mắt bị cáo đã không còn nhìn thấy được gì nữa.”

- Ông Dương Khắc Minh, người lái xe đi gây nổ tại Công an phường 12 quận Tân Bình : “Tất cả các hành vi của bị cáo, bị cáo nhận. Bị cáo không muốn giảm nhẹ hình phạt nhưng chỉ mong muốn được sớm về với gia đình.”

- Ông Phạm Trần Phong Vũ xin giảm nhẹ hình phạt cho… vợ, sau đó ông lớn tiếng xin tuyên bố… Ông đã bị Tòa ngắt lời và yêu cầu về chỗ ngồi.

- Ông Hồ Nguyễn Quốc Hưng: “Cơm ăn, áo mặc của bị cáo được chế độ cộng sản ban cho. Bị cáo không hận thù chế độ. Xin Tòa giảm nhẹ hình phạt để bị cáo về sớm.”

- Ông Võ Công Hải: “Trong thời gian tạm giam tại PA08, bị cáo đã cứu người, anh Bùi Tấn Phát treo cổ tự sát. Xin Tòa xem xét cho bị cáo được hưởng án nhẹ.”

- Ông Nguyễn Thanh Bình: “Bị cáo tuổi già sức yếu, mang gánh nặng của gia đình, chỉ vì tìm thầy, chạy thuốc cho thằng con bị ung thư giai đoạn cuối, tôi đã lỡ trót tham gia tổ chức “Triều đại Việt”, xin Tòa giảm nhẹ hình phạt.”

- Ông Trần Văn Đoan: “Xin Hội đồng xét xử (HĐXX) cho bị cáo sớm làm lại cuộc đời.”

- Ông Điểu A Nam: “Bị cáo không biết nói làm sao. Xin Tòa xem xét cho bị cáo có một con vợ, 4 con, mức án như thế nào đó, bị cáo biết nhà cầm quyền tha thứ cho bị cáo.”

- Ông Điểu Lé: “Bị cáo không biết nói gì vì pháp luật nhà nước đã giao cho Tòa.”

- Ông Nguyễn Tấn Thành: “Xin quý Tòa khoan hồng. Mẹ bị cáo bệnh nặng, bị cáo và cha bị cáo ở đây không giúp gì được cho mẹ bị cáo.”

- Bà Trương Thị Trang: “Xin HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.”

HĐXX trong phần tuyên án đã nhận định và chuyển cho ba bị cáo Thành, Hạnh, Trang từ khoản 5 lên khoản 1 Điều 113, với vai trò đồng phạm giúp sức, trong khi chỉ có bị cáo Thành có luật sư, hai bị cáo còn lại không có luật sư ngay từ đầu phiên tòa. Điều này có nghĩa HĐXX đã tước quyền có luật sư của hai bị cáo này vì khoản 1 Điều 113 bắt buộc phải có luật sư bào chữa.

HĐXX đã tuyên một bản án gần 200 năm tù cho các bị cáo (Chính xác là 198.5 năm).

Người đầu vụ là ông Nguyễn Khanh nhận 24 năm tù, những người thấp nhất là các ông Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Khắc Sinh Nhật nhận mỗi người 2 năm tù. Những người còn lại nhận từ 2.5 năm đến 18 năm tù.

Luật sư NGUYỄN VĂN MIẾNG
Saigon, Vietnam
Ngày 25/9/2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.