Những điểm vi phạm luật tố tụng hình sự nghiêm trọng trong vụ án Đồng Tâm:
I. ĐỊNH TỘI TỪ TRƯỚC PHIÊN TÒA
Thứ nhất, mở đầu phiên tòa, nhà cầm quyền cho trình chiếu các video clip cắt ghép để buộc tội người dân Đồng Tâm. Tức là bản thân quan tòa đã có sẵn định kiến trong đầu là dân Đồng Tâm có tội. Không cần tranh biện trước tòa giữa Viện Kiểm sát và luật sư để làm sáng tỏ vụ án nữa. Đây là một vụ án bỏ túi.
II. KHÔNG GIAO BẢN COPY PHIM GỐC CẢNH TẤN CÔNG ĐỒNG TÂM
Thứ hai, điều khôi hài là khi các luật sư yêu cầu đưa clip gốc ra, vì rõ ràng là khi công an tấn công vào Đồng Tâm đã có phân công người đi theo quay phim lại đàng hoàng. Tòa án xã hội chủ nghĩa đã từ chối trình chiếu đoạn phim gốc, và cũng từ chối giao cho các luật sư copy của đoạn phim gốc đó.
Chắc chắn trong đoạn phim gốc do công an quay sẽ thấy rõ dân Đồng Tâm không hề chống người thi hành công vụ và cũng chẳng giết người. Do đó nhà cầm quyền mới từ chối giao đoạn phim gốc ra.
III. KHÔNG THỰC NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG
Thứ ba, trước rất nhiều tình tiết vô lý trong kịch bản của công an, ví dụ như cả ba chiến sĩ cùng rớt xuống một cái hố nhỏ, dân Đồng Tâm châm xăng vào chậu rồi đổ xuống hố nhiều lần mà không hề hấn gì.
Do xăng là chất cực kỳ dễ cháy dễ bay hơi nên dân Đồng Tâm sẽ bị cháy trước, cũng như giữa làn mưa đạn thì họ không thể có đủ thời gian để ung dung đổ xăng nhiều lần. Và không đủ xăng, oxy và cả thời gian để cả ba chiến sĩ cháy ra tro trong một cái hố nhỏ như thế, các luật sư đã đề nghị phải thực nghiệm lại hiện trường để kiểm tra các chi tiết vô lý, trái với khoa học này. Điều này không phải chỉ để minh oan cho dân Đồng Tâm nhưng cũng là để làm sáng tỏ cái chết mờ ám của ba chiến sĩ.
Tòa án, viện kiểm sát, luật sư Nguyễn Hồng Bách đại diện cho gia đình ba cảnh sát chết, thậm chí cả báo chí xã hội chủ nghĩa cũng nhào vô, cho rằng thực nghiệm lại hiện trường là quá "dã man". Lý lẽ rất nực cười vì thực nghiệm để đảm bảo tính khoa học, phù hợp lời khai, tình tiết với dấu vết tại hiện trường.
Một vụ trọng án đã có bốn người chết và hai người có thể bị tử hình lại được xét xử cực kỳ sơ sài là tại sao? Chỉ có thể trả lời là thực nghiệm hiện trường sẽ khiến lộ ra sự thật: dân Đồng Tâm không hề chống người thi hành công vụ và cũng chẳng giết người.
Lưu ý với luật sư Nguyễn Hồng Bách là việc giao cho các luật sư copy của bản phim gốc do công an quay cảnh tấn công vào Đồng Tâm không hề có gì là "dã man", tại sao ông cũng không dám ủng hộ?
IV. CÓ DẤU HIỆU GIẾT DÂN VÀ TRA TẤN DÂN
Thứ tư, các clip chiếu cảnh dân Đồng Tâm nhận tội đều thấy rõ mặt mũi người dân sưng húp, trầy xước. Chắc chắn họ đã bị đánh đập. Khi luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi 29 bị cáo là ai không bị tra tấn thì chỉ có 10 cánh tay ngập ngừng đưa lên, nghĩa là có ít nhất 19 người bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Anh Lê Đình Công thì nói rõ là bị điều tra viên Phạm Việt Anh tra tấn "mười ngày như một".
Cụ Bùi Viết Hiểu và cô Bùi Thị Nối đều khai rất rõ trước tòa là bị công an bắn thẳng vào ngực nhưng cả hai may mắn không chết. Tất cả những tình tiết giết dân và tra tấn dân này đều bị tòa lờ đi.
Cụ Bùi Viết Hiểu cũng khai là thấy sát thủ bắn chết cụ Lê Đình Kình từ phía trước. Điều này phù hợp với hình ảnh và clip quay lại xác cụ Kình sau đó khi xác cụ được trả về cho gia đình để mai táng. Cụ Kình bị bắn ở cự li gần vào ngực và vào đầu, cũng như bị súng lớn bắn văng đầu gối. Cụ Dư Thị Thành là vợ của cụ Kình cũng xác nhận là khi cụ Thành bị cảnh sát lôi ra khỏi nhà thì cụ Kình vẫn còn sống và đã hoàn toàn bị cảnh sát khống chế một cách an toàn.
V. KHÔNG CHO NHÂN CHỨNG VÀ NGƯỜI THÂN ĐẾN TÒA
Thứ năm, cụ Dư Thị Thành là nhân chứng cực kỳ quan trọng như vậy nhưng thẩm phán lại không cho mời cụ Thành đến để làm chứng, đối chiếu lời khai. Chưa kể thân nhân của các bị cáo là dân Đồng Tâm cũng là nhân chứng, cũng không được tham gia phiên tòa mà bị xua đuổi ở bên ngoài. Điều này có nghĩa là các thẩm phán không muốn sự thật được sáng tỏ, không muốn phiên tòa bị người dân chứng kiến trực tiếp.
VI. KHÔNG CHO LUẬT SƯ TIẾP XÚC THÂN CHỦ
Thứ sáu, từ những điểm mờ ám đã nói ở trên thì không có gì khó hiểu khi tòa án không cho luật sư trao đổi với thân chủ trong thời gian diễn phiên tòa. Lại một lần nữa, điều này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Mục đích nhằm vô hiệu hóa luật sư, không cho thông tin từ người dân Đồng Tâm đến được với luật sư và đến với người dân cả nước.
VII. KHÔNG CÔNG KHAI "CÔNG VỤ" LÀ GÌ
Thứ bảy, nhà cầm quyền cáo buộc dân Đồng Tâm "chống người thi hành công vụ" nhưng không hề dám đưa ra văn bản "công vụ" gì, viện lẽ đây là văn bản "tối mật". Trong cáo trạng thì đây là Kế hoạch số 419a/KH-PV01-PV02-MP do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt.
Câu hỏi đặt ra là "công vụ" này "tối mật", dân không được biết thì làm sao có thể quy kết là "dân chống người thi hành công vụ"? Công an có bắc loa lúc nửa đêm đọc cho dân nghe bản Kế hoạch 419a này không? Chắc chắn là không. Và có gì đảm bảo Kế hoạch 419a này hợp hiến và hợp pháp?
Việc này tạo ra một tiền lệ rất xấu là nhà cầm quyền có thể xua công an, cảnh sát giết dân rồi chỉ cần nói rằng dân “chống người thi hành công vụ”. Nếu ai hỏi “công vụ” gì thì chỉ cần nói “công vụ” này “tối mật”, không tiết lộ được. Như vậy thì bất kì ai cũng có thể bị giết vì một “công vụ” “tối mật”. Điều này vi phạm Hiến pháp do đảng Cộng sản ban hành là tính mạng của công dân được pháp luật bảo hộ.
VIII. KHÔNG TRANH BIỆN ĐẾN CÙNG TẠI TÒA
Thứ tám, từ những điểm mờ ám, sai trái trên của tòa án, viện kiểm sát và công an mà thẩm phán đã phải sử dụng “tiểu xảo” rất kỳ quái. Đó là khi luật sư tiến hành bào chữa để vạch ra những điểm đó thì thẩm phán nói luật sư sẽ bào chữa sau, sau đó bất ngờ tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Các luật sư đều ngỡ ngàng vì còn rất nhiều câu hỏi từ các luật sư chưa được trả lời.
Một vụ án cực kỳ nghiêm trọng có tới bốn người chết và có hai người có thể bị tử hình, xét xử 29 người nhưng phiên tòa chỉ được tiến hành trong có bốn ngày, từ thứ hai đến thứ năm, chứng tỏ phiên tòa được xét xử rất sơ sài và vội vã, không hề hợp lý và chính đáng.
TIẾP TỤC ĐẤU TRANH VÌ CÔNG LÝ
Còn vô số vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng khác của nhà cầm quyền trong phiên tòa Đồng Tâm nhưng tôi chỉ đưa ra đây tám điểm nghiêm trọng nhất theo quan điểm của tôi. Chắc chắn thời gian tới, các luật sư, các luật gia Việt Nam và quốc tế sẽ còn rất nhiều điều để phân tích về vụ án này, thậm chí có thể phải đưa sự việc lên Liên Hiệp Quốc.
Tôi viết những dòng này không chỉ để đấu tranh cho người dân Đồng Tâm mà cho cả các chiến sĩ cảnh sát, công an, và cả quân đội. Nếu lực lượng vũ trang phải hi sinh thì đó phải là cái chết để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nhân dân, chứ không phải là một cái chết mờ ám trong một cuộc tấn công vào một làng quê Việt Nam.
Tôi không chỉ muốn làm sáng tỏ cái chết của cụ Lê Đình Kình và minh oan cho người dân Đồng Tâm, tôi cũng muốn làm minh bạch cái chết của ba chiến sĩ. Các anh không thể chết một cách mờ ám và cái chết của các anh bị nhà cầm quyền lợi dụng để lại đi gây ra những bản án, những cái chết oan sai khác.
Thạc sĩ NGUYỄN TIẾN TRUNG 12.09.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.