jeudi 17 septembre 2020

Đào Hiếu - Cần gì cho những người chân đất ?

*
Thời chiến tranh, tôi có người bạn, học nhạc giao hưởng ở nhạc viện. Hắn nói:

Nhạc là một nghệ thuật của âm thanh chứ không phải của lời nói. Đưa ca từ vào âm nhạc là tầm thường hoá nó.”

Hắn kênh kiệu, hắn coi thường cả Trịnh Công Sơn lẫn Phạm Duy, nói gì tới dòng nhạc “sến” toàn những giai điệu mùi mẫn và ca từ sướt mướt.

Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy sao đó, hắn vào lính, ra chiến đấu ngoài mặt trận. Hai ba năm tôi không gặp. Bữa kia, hắn về, điện thoại hẹn cà phê đầu đường.

Đồ trận, bốt-đờ-xô, mũ nâu máng trên cầu vai. Nhạc trong quán bắt đầu rên rỉ. Tôi nói: “Chắc mày không thích nhạc này? Để tao kêu đổi nhạc khác.”

Nhưng hắn ngăn lại.

Hắn nói: “Tết vừa rồi tao ở ngoài mặt trận. Cấm trại trăm phần trăm. Đêm giao thừa nằm nghe dế kếu. Gió lạnh. Bỗng nhiên từ một cái radio nào đó phát ra tiếng hát:

Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà.

Vậy mà tao khóc. Trong đời tao, chưa có bài hát nào làm tao xúc động đến như thế. Bài hát đó có tên là “Xuân này con không về” một bài hát mà trước đây tao vẫn cho là “sến”, thậm chí tao còn không biết tên tác giả.”

*

Tôi cũng đã từng trò chuyện với một chị thợ may (ngồi vỉa hè sửa quần áo cũ). Chị nói:

“Làm nhà báo oai phong quá.”

“Coi vậy mà không phải vậy đâu. Nhà báo bây giờ toàn nói theo Đảng, biểu nói sao thì nói vậy, giống như cái thằng đĩ miệng.”

“Trời ơi, sao chú lại nói vậy? Nhà nước họ lãnh đạo, họ sáng suốt, mình nói theo họ là phải rồi. Chứ nếu chú nói giống như tui nói, thì ai mà nghe?”

Tôi cãi:

“Nhưng nhà báo thì phải nói cho được nguyện vọng của người dân chớ!”

Chị thợ may chúm chiếm cười.

“Tui chẳng có nguyện vọng gì. Chỉ muốn có nhiều đồ để sửa, kiếm tiền nuôi con.”

Những người như chị thợ may trong xã hội này nhiều lắm. Vì thế, tuy việc nâng cao dân trí là rất cần nhưng phải vừa tầm họ. Và rất khó. Vì thú thực, nếu cứ đối đáp với chị ta kiểu đó một lúc nữa, thế nào tôi cũng thua.

Trở lại trường hợp của anh bạn sinh viên nhạc viện nọ. Nếu đêm giao thừa ấy chiếc radio phát nhạc của Brahms, Maurice Ravel hay Debussy… liệu có làm anh chàng sinh viên nhạc viện đó khóc?

*

Có một dạo, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chê Đàm Vĩnh Hưng hát dở, chỉ đáng hát phụ hoạ trong dàn đồng ca. Thế là dân mạng đua nhau chê Mr. Đàm là sến. Thú thực tôi cũng không thích Đàm Vĩnh Hưng, nhưng tôi nghĩ là anh có đông thính giả và rất nhiều fans. Tất nhiên anh cũng phải có một “cái gì đó” mới được như thế. Và hiển nhiên là anh đã đem lại niềm vui cho rất nhiều người. Đó là điều đáng quý. Và ở góc độ xã hội, góc độ quần chúng, tôi ủng hộ anh.

Tôi nghĩ, nghệ thuật phải gắn liền với tâm tình, với hoàn cảnh, với khát vọng của một quần chúng nào đó. Không thể có một thứ nghệ thuật chung cho mọi người, chung cho mọi hoàn cảnh. Càng không thể lấy một thứ nghệ thuật nào đó để làm mẫu mực, dè bỉu một thứ nghệ thuật khác.

Tôi cũng biết chơi đàn chút đỉnh, cũng từng nghe nhạc giảo hưởng, nhưng tôi nghe nhạc “sến”, nghe “cải lương” cũng thấy hay và đặc biệt khi nghe/nhìn những người lao động hát nhạc “sến” hay cải lương tôi cứ bồi hồi xúc động. Tôi nghĩ nghệ thuật có nhiều thứ giá trị, miễn là nó lay chuyển được tâm hồn con người, nó không nhạt và không kênh kiệu.

Và hơn lúc nào hết, trong thời đại đốn mạt này, thời đại của bọn trộm cắp, bọn cướp của giết người… có lẽ một thứ nghệ thuật gần với những người bị áp bức sẽ dễ chấp nhận hơn là nghệ thuật hàn lâm.

*

Mà không phải chỉ có nghệ thuật.

Trong báo chí, triết học, hội hoạ…có lẽ cũng cần một thứ thể hiện đơn giản, bình dị, gần gũi. Tôi đặc biệt dị ứng với những bài báo lúc nào cũng trích dẫn các “nhà” này “nhà” nọ, các ông Tây bà Đầm với một lô những chú thích đủ loại ngôn ngữ.

Có lẽ những vấn đề về tự do, dân chủ, nhân quyền… ở Việt Nam hiện nay không cần nhiều tiếng Tây, tiếng U đến như vậy, không cần nhiều học thuyết đến như vậy, và nhất là không cần phải trích dẫn dài dòng. Bởi vì đôi khi đơn giản chỉ là “bạn có gì để mất?”, chỉ là “chịu chơi hay không chịu chơi” mà thôi. Và: “Bạn là nạn nhân hay khán giả?”

Cho nên người nông dân không cần lý luận hay trích dẫn dài dòng mà cũng có thể hiểu một cách sâu sắc bản chất của bọn cướp đất đội lốt “quy hoạch”. Đoàn Văn Vươn có thể thuyết giảng về quyền sở hữu đất đai hay hơn một ông tiến sĩ luật.

Nhà báo Hoàng Khương phải giả danh người vi phạm luật giao thông để làm phóng sự về nạn mãi lộ. Nhưng đó là anh muốn viết một bài báo cho ra trò, còn những người dân bình thường thì chẳng cần giả danh ai cả: chính họ là kẻ bị móc túi, là kẻ tham gia vào trò mãi lộ tràn lan trên đường phố.

Về khoản này Hoàng Khương chắc thua xa những người chạy xe ôm, những tài xế tắc-xi hàng ngày tiếp xúc với các “đối tác” áo vàng trên từng cây số.

*

Xưa nay người ta soạn ra luật pháp, tiếng là để cai trị xã hội, kỳ thực là để phục vụ cho tầng lớp giàu có và quyền thế.

Ý niệm “đất đai là sở hữu toàn dân” thực chất là tạo điều kiện cho người giàu và quan quyền cướp đất của người nghèo làm của riêng hoặc bán cho ngoại bang làm giàu.

Điều 4 Hiến Pháp thì ôm trọn cả thiên hạ vào túi mình, chỉ chừa cho dân miếng cơm và manh áo, đủ để sống quanh quẩn như một bầy đàn cao cao hơn loài vật một chút: vẫn có một chỗ ở, một chiếc xe máy hay xe đạp, một cái ti-vi, chiều chiều đi làm về ghé vỉa hè “làm nửa xị” với miếng khô sặc, cái hột vịt lộn, thỉnh thoảng mua vài tờ vé số với hy vọng đổi đời. Vậy được rồi. Tụi bay là dân trong một nước độc lập, không phải đi ăn xin là sướng rồi. Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Có vẻ như dân nghèo họ cũng nghĩ như vậy: trong nhà có gạo là vững bụng rồi. Không ai dư hơi mà nghĩ tới chuyện tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Nếu tìm được tờ báo, họ cũng chỉ tìm mục rao vặt, coi có ai mướn thì đi xin việc, ngoài ra họ coi kết quả xổ số, rảnh rảnh thì đọc mấy cái tin giết người cướp của, cảnh sát giao thông đánh người không đội nón bảo hiểm, phụ nữ đánh ghen tạt a-xít…

*

Một bi kịch khác của quần chúng là: khi họ bị áp bức, bị bóc lột tới mức chịu hết nổi (ví dụ như bị cướp đất, bị cướp chợ…), họ không biết bám víu vào đâu, không biết cầu cứu ai. Rốt cuộc cũng đành cầu cứu Đảng và Bác Hồ. Họ gào lên:

“Đảng ơi là Đảng, Bác Hồ ơi là Bác Hồ, về đây là xem chúng nó cướp đất, cướp chỗ làm ăn của dân nè!”

Không phải là họ không biết chính Đảng và con cháu Bác Hồ cấu kết với bọn nhà giàu, với các ông chủ nước ngoài làm những việc bất nhân đó, nhưng họ tuyệt vọng, họ không biết kêu ai. Kêu trời thì trời ở xa quá lại bị tầng ô-zôn che mẹ nó rồi, kêu Đảng thì Đảng bận đếm tiền, kêu Bác Hồ thì bác ngủm củ tỏi từ đời tám hoánh nào rồi.

Nhưng họ vẫn kêu, ít ra thì cũng được chút mỉa mai, cho đỡ tức.

Bạn đã từng chứng kiến người nông dân biểu tình đòi ruộng đất chưa?

Lèo tèo năm bảy người, có khi vài chục người khố rách áo ôm, đi dép lê, đội nón cời, trên nón kẻ khẩu hiệu; “Hãy trả đất lại cho chúng tôi!”, cạnh đó là khẩu hiệu: “Hồ Chủ Tịch muôn năm!” kèm theo ảnh Bác Hồ và cờ đỏ sao vàng.

Họ ngồi vật vạ trên hè phố, lê lết trên thềm các trụ sở Uỷ ban Xã, Huyên, Quận, Tỉnh, Thành phố… như đám nô lệ, như những kẻ ăn mày. Họ đòi ruộng đất, đòi dân chủ, đòi quyền sống, quyền làm người bằng tư thế sợ hãi, rúm ró, khép nép, len lét của những con vật.

Tôi rất đau lòng (và xin lỗi) khi phải dùng một lô những hình dung từ như thế để mô tả, nhưng tôi phải làm vậy mới có thể khắc hoạ được bi kịch của người dân Việt Nam bị áp bức.

Có lẽ trên hành tinh này không nơi nào có những cuộc biểu tình thảm thương đến như vậy. Bị người ta cướp đất mà phải đi nịnh người ta, khép nép đứng xó hè xin xỏ người ta trả đất lại.

Chính quyền dùng luật pháp để cướp ruộng đất của họ. Và họ, trong cơn tuyệt vọng, cũng chỉ còn biết dùng thứ luật pháp của kẻ cường quyền để đòi lại ruộng đất.

Lẽ ra họ phải chính là người soạn ra luật pháp (thông qua các đại biểu quốc hội do chính họ bầu ra một cách tự do), nhưng vì không tìm đâu ra thứ luật pháp đó nên họ đành phải hỏi han, võ vẽ tra cứu, tìm hiểu xem Điều nào? Khoản nào? Có chút gì bênh vực quyền lợi cho họ.

Cũng giống như họ bị kẻ địch dùng dao đâm, nhưng vì họ chỉ có hai tay không nên đành phải… hỏi xem kẻ địch có thừa con dao nào, cho mượn để tự vệ.
Há chẳng phải là chuyện cười ra nước mắt sao?!

*

Mao Trạch Đông từng dè bỉu: “Người trí thức làm cách mạng bằng máu của người khác” nhưng chính ông ta đã xài phí máu của dân tộc ông một cách man rợ nhất. Và khi nói ra câu ấy ông ta đang tự thú.

Nhưng nghĩ cho cùng, họ Mao không nói sai: Tất cả những cái gọi là “cuộc cách mạng” đều sử dụng máu của đám dân nghèo. Từ cách mạng bình dân Pháp 1789, cách mạng vô sản ở Nga năm 1917, đến cách mạng văn hoá vô sản ở Trung Quốc và ngay cả cách mạng Việt Nam, cách mạng Hoa Lài vừa qua ở Bắc Phi cũng đều dùng “máu của người khác”.

“Người Khác” là ai?

Là những người mà khi cách mạng thành công thì họ đã chết (mà văn chương gọi là hy sinh) hoặc bị cướp công, bị cho ra rìa.

Đó là quy luật của cái gọi là “cách mạng”.

Cho nên quần chúng luôn là những người thiệt thòi, những kẻ thua cuộc, những kẻ phải chết cho bọn người có quyền lực, áp bức và cướp bóc gia đình họ, con cháu họ.

*

Vậy xem ra chỉ còn một chút văn nghệ văn gừng, một chút lời ca tiếng hát, một chút kịch nghệ, cải lương, sân khấu sến sến, tầm tầm… sao lại nỡ dè bỉu, chê bai?

Trong thâm tâm tôi vẫn muốn có nhiều nhạc sến hơn nữa, nhiều tiểu thuyết lâm ly bi đát hơn nữa, nhiều chuyện tình ngang trái hơn nữa… để những người cùng khổ kia, những người chân đất kia có thể khóc cười, có thể ngâm nga bên xị đế lúc hoàng hôn.

ĐÀO HIẾU
(Trích tác phẩm “Mặt Đất Vẫn Rung Chuyển”)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.