Suy cho cùng, ba nghìn người thực hiện lệnh bố ráp giữa đêm vào Đồng Tâm, theo tư duy của họ, là bảo vệ sự tôn nghiêm thể chế bị xâm phạm tới mức cao nhất xuất phát từ xung đột đất đai mà, vẫn theo quan điểm của họ, là đất nhà nước.
Suy cho cùng, những người không hề đón đợi một cuộc tập kích thiên lệch về lực lượng, vũ khí và võ bị nhưng không có lựa chọn khác, cũng xuất phát từ phản xạ đeo đuổi chân lý rằng đất là của họ.
Một xung đột hoàn toàn có thể được giải tỏa bằng một tòa án dân sự. Nhưng nó đã đi quá xa so với tiên liệu của tất cả. Đích đến mà cá nhân tôi tin rằng chính những vị bồi thẩm đoàn trong phiên tòa Đồng Tâm ngày hôm nay phải day dứt đến trọn đời.
6 người chết và hàng chục người lao tù, đó là nghiệt oán vần vũ găm thẳng vào lương tri những người đang sống. Và tôi, bỏ qua cảm quan đứng về người yếu thế, vẫn không thể nào tự lý giải được cuộc bố ráp giữa đêm đen như vậy.
Căn nguyên của tấn bi kịch chính là nút thắt này. Và có một thứ nhân quả cao hơn cả nhân quả pháp luật, đó là nhân quả luân lý. Không một nhà nước nào được quyền lựa chọn, lại lựa chọn một kết cục bi thảm như vậy.
Còn có một căn nguyên khác, rằng nếu chế độ sở hữu đất đai khác đi, cả nhà nước và người dân đã có thể tự xác lập một làn ranh rạch ròi hoặc tranh chấp dân sự công bình giữa các chủ thể, thay vì súng và lửa.
Nhà nước thật sự, chủ thể sẽ không bị mượn danh cho những hành động thô bạo của ý chí cá nhân. Công dân cũng sẽ có quyền định đoạt tài sản cũng như gặp rào cản pháp luật nếu xâm phạm chủ sở hữu khác.
Như một ngọn lửa xăng cháy trên bề mặt, nhân mạng của người chấp pháp và công dân đổ xuống mà không rõ ở dưới đáy ẩn chứa điều gì, là tôn nghiêm thể chế chính danh hay sự máu lạnh của cá nhân nào đó?
Những giáo sư Mỹ trong cuốn “Vì sao các quốc gia thất bại” chỉ ra rằng năng suất trên đất không quy định bởi chất dinh dưỡng trong đất mà bởi chế độ sở hữu trên đất. Cũng như người canh tác trên đất không có quyền định đoạt đất, thường nghĩ tới súng nhiều hơn là nghĩ tới lưỡi cày.
Chế độ công hữu đất đai về hình thức đang là nguồn cơn nỗi đau thể chế !
NGUYỄN TIẾN TƯỜNG 14.09.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.